Xứ An Nam qua con mắt của Henri Gourdon


  • Quang Minh
  • Thứ Tư, 08/08/2018 • 31.5k Lượt Xem


Nghệ thuật xứ An Nam giúp độc giả hình dung rõ hơn về bối cảnh chung của xã hội An Nam vào đầu thế kỷ 20, cũng như nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa và các ngành thủ công mỹ nghệ ở nước ta thời kỳ đó được minh họa bằng 16 bức ảnh tư liệu quan trọng.


Cuốn “Nghệ thuật xứ An Nam”

Đầu thế kỷ 20, trong bối cảnh những nghiên cứu nghệ thuật tại các nước thuộc địa của Pháp mới chỉ được thực hiện một cách rời rạc dưới dạng ghi chép kỹ thuật hoặc sổ tay du lịch, Albert Maybon, một chuyên gia Pháp có hiểu biết sâu sắc về châu Á, đã đứng ra thành lập tủ sách Nghệ thuật xứ thuộc địa, nhằm nghiên cứu một cách hệ thống và bao quát về nghệ thuật của cư dân sinh sống tại các vùng đất này, từ Đông Dương đến Madagascar, Bắc Phi, Syria.


Cuốn Nghệ thuật xứ An Nam nằm trong tủ sách nói trên, được Nhà xuất bản Boccard phát hành năm 1933. Tác giả cuốn sách là Henri Gourdon, Giáo viên trường Thuộc địa, Tổng Giám đốc đầu tiên của Tổng Nha Học chính Đông Dương. Trên cơ sở nghiên cứu các ghi chép liên quan và thực tế trải nghiệm của bản thân, Henri Gourdon đã đưa ra cái nhìn toàn cảnh về nguồn gốc và xu hướng phát triển của nghệ thuật tại xứ An Nam, kèm theo 16 bức ảnh tư liệu quan trọng, minh họa sống động cho các thành tựu mà nghệ thuật xứ An Nam đã đạt được tính đến thời điểm những năm 1930.

Henri Gourdon

Nghệ thuật xứ An Nam có thể được coi là một công trình nghiên cứu khách quan và thú vị, mang lại cho độc giả những hiểu biết chung về các khía cạnh đa dạng trong đời sống nghệ thuật nơi đây.

Dịch giả Trương Quốc Toàn

Tối 21/2 vừa qua, tại Trung tâm văn hoá Pháp, Hà Nội, dịch giả Trương Quốc Toàn đã chính thức giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách Nghệ thuật xứ An Nam. Cuốn sách được chia làm năm phần: phần mở đầu mô tả khái quát các đặc điểm xã hội, dân tộc, lịch sử chung của đất nước An Nam, ba phần tiếp theo mô tả các ngành nghệ thuật: kiến trúc, điêu khắc và hội họa, thủ công mỹ nghệ, và cuối cùng là xu hướng vận động của các lĩnh vực này trong bối cảnh An Nam là thuộc địa của Pháp.

Đôi nét về Henri Gourdon

Henri Gourdon sinh ngày 25/4/1876, mất ngày 3/5/1943 tại Paris, Pháp. Ông tốt nghiệp ngành Giáo dục học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Saint Cloud, ngành sử học và địa lý tại Trường Văn khoa Paris. Ông bắt đầu sự nghiệp làm thanh tra học chính tại Trường Cao đẳng Sư phạm Saint-Cloud vào năm 1900.
Sau hai chuyến công du đến Philippin và Trung Quốc vào năm 1909, ông được cử sang Nhật Bản vào năm 1912.

Từ năm 1918, ông tiếp tục sự nghiệp với vai trò Giám đốc đầu tiên của Nha học chính Đông Dương, đồng thời giảng dạy tại Trường Thuộc địa và Đại học Bordeaux. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm chức vụ Giám đốc kỹ thuật của Ban Đông Dương tại Triển lãm thuộc địa tổ chức tại Marseille vào năm 1922 và tại Paris vào năm 1931.



Sau khi về hưu vào năm 1925, ông vẫn tiếp tục dạy môn kinh tế thuộc địa tại Đại học Khoa học Chính trị đến năm 1926, và làm hiệu trưởng Trường Thuộc địa từ năm 1933 đến năm 1937.

Henri Gourdon đã có đóng góp to lớn vào việc xúc tiến chương trình cải cách giáo dục của chính quyền thuộc địa Pháp tại Đông Dương, đồng thời có hiểu biết sâu sắc về xứ sở này. Ông cũng là tác giả của cuốn Đông Dương (L’Indochine) xuất bản tại NXB Larousse vào năm 1931, được biết đến với rất nhiều bức ảnh chụp Việt Nam vào thời gian này.



Cuốn Đông DươngTheo dịch giả Trương Quốc Toàn, cuốn sách mang nhiều điểm thú vị, thể hiện những quan điểm của Henri Gourdon về xứ An Nam có thể trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi, từ giáo dục, nghề thủ công cho đến cả cuộc sống của người phụ nữ.



Trích đoạn

Xuất phát từ những hình thái vay mượn trong nghệ thuật của “Thiên Triều”, nghệ thuật xứ An Nam đã biết tạo ra một dấu ấn riêng hết sức duyên dáng, quyến rũ, thậm chí rất thanh lịch và thường xuyên cạnh tranh với chính các tiền bối nhờ sự hoàn hảo và khéo léo trong kỹ thuật chế tác.Khả năng cảm nhận hình khối và truyền sức sống vào sản phẩm toát lên khi người nghệ sĩ thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống chứng tỏ nền nghệ thuật này chứa đựng trong mình những mầm mống của một nghệ thuật thực sự độc đáo.Sở dĩ nền nghệ thuật này không tạo ra những công trình đồ sộ có thể so sánh với các quốc gia láng giềng, sở dĩ trong nghệ thuật trang trí không có những tác phẩm xứng đáng để cạnh tranh với Trung Quốc và Nhật Bản, là bởi đây là nghệ thuật của một nước nghèo.Sáng tạo nghệ thuật chỉ nở rộ trong một xã hội hưng thịnh, trong một giai đoạn phồn vinh, dưới sự cai trị của những ông hoàng có lối sống xa hoa và nhờ vào một chế độ bảo trợ sáng suốt. Tất cả những điều đó đều thiếu vắng trên mảnh đất An Nam, cũng giống như thiếu vắng những thú vui của cuộc sống thái bình.


Quang Minh tổng hợp