kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: Võ thuật, trường học không bao giờ tốt nghiệp

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Võ thuật, trường học không bao giờ tốt nghiệp

    Võ thuật, trường học không bao giờ tốt nghiệp

    27 tháng 9, 2009 lúc 16:30

    Nguyễn Thành Nam


    Thầy Kao là người đã đưa Tẩy tuỷ công vào Việt Nam. Gặp thầy như gặp bảo tàng về văn hóa võ thuật Trung Quốc.


    Thầy Cao (thứ 3 từ trái sang) và một số học trò FPT

    (Các bạn có thể tham khảo thông tin ở http://www.xisuigong.com)

    Thầy Kao, tên võ là Cao Tam Luân (Tam luân theo đạo Lão ám chỉ Thiên - Địa - Nhân) là đệ tử đời thứ 34 của môn phái. Hiện sống và hành nghề tại Florida, Kualalumpur, Hongkong, Đài Bắc và gần đây là Hà Nội. Đệ tử đời 35, hiện có 4 ứng cử viên, đáng tiếc đều là người da trắng. Sư phụ năm nay 60 tuổi, trông hao hao như Lý Tử Long, lúc nào cũng tươi cười, ung dung tự tại. Kiến thức uyên thâm, luôn sẵn sàng đối thoại, thú vui trong thiên hạ gì cũng muốn biết, nhưng không bao giờ ham hố.

    Tôi được làm quen với môn phái trong một lần uống bia với các bạn bên SilverLake, một đối tác quan trọng của FPT trong lĩnh vực ngân hàng. Vương (sau này là sư huynh của chúng tôi), đã cá cược với Tùng Kế toán trưởng FPT rằng ông ta có thể nhấc 25kg bằng cái ấy của đàn ông. Anh em ai nấy cười khẩy nhưng thấy thái độ quả quyết của Vương, không ai dám đặt cược. Biết không tận mắt nhìn thấy, sẽ khó tin Vương giới thiệu khá chi tiết và thành thật khuyên tôi nên tập cho khoẻ.

    Quả thật lúc đó tôi thấy mình ốm yếu lắm, người lúc nào cũng bì bì, buồn ngủ. Đi khám thì kẻ bảo thay van tim, người khuyên mổ cột sống. Vương thì trông lúc nào da dẻ cũng hồng hào, dự án có vấn đề vẫn cười tươi như hoa. Những lúc rỗi rãi anh lại kể những cảm giác tuyệt vời nhờ luyện TTC, rồi anh nhắn tôi lên khách sạn để demo với chính bản thân mình. Anh bỏ tiền ra mời sư phụ sang Việt nam và trả học phí cho cả 5 học sinh khoá đầu. Đó là vào đầu hè năm 2003. Sau đó không hiểu sao sư phụ lại khoái Việt Nam và mấy thằng học trò lười tập luyện, nhưng rất mong chóng tiến bộ, nên cũng thường xuyên sang một năm đôi ba lần.

    Tôi phải cám ơn Vương rất nhiều vì sự tận tình với bạn bè của anh đã giúp tôi hé được cánh cửa vào thế giới huyền bí của võ thuật Trung Hoa. Ngoài ra sức khoẻ cũng tiến bộ đáng kể, đặc biệt nhất là tâm tính trở nên cân bằng hơn. Gặp khó khăn không luống cuống. Thấy món lợi không hồi hộp. Tuy so với sư phụ thì mới chỉ như hạt cát với thái sơn, nhưng cũng đã làm cho cuộc sống trở nên đáng yêu hơn nhiều.

    Tôi hỏi thầy võ thuật Trung Hoa từ đâu ra?

    Không phải từ Đạt ma sư tổ như Kim Dung nói mà là từ đạo Lão. Đó là quan điểm của thầy. Lý lẽ của thầy đưa ra rất đơn giản. Trong khi các bài tập của nhà Phật là nhằm đưa tinh thần thoát khỏi thể xác để tìm sự trường tồn, thì mục tiêu của đạo Lão là hướng tới tinh thần kiểm soát thể xác để tiếp tục enjoy life và luyện tập tiếp. Không có thể xác, tinh thần sẽ trở nên vô nghĩa. Sư phụ nói đã có thể kiểm soát khoảng 50% cơ thể của mình. Được 100% thì thành tiên.

    Thành Phật, không rõ là làm gì, còn thành Tiên thì chắc chắn là rong chơi, uống rượu rồi.

    Đã được xem thầy thi triển công phu thì mới biết là truyện chưởng Kim Dung cũng không quá sai sự thật.

    Thầy kể chuyện về nguồn gốc của môn phái:

    Tẩy tuỷ công là bí kíp luyện công của phái Tiểu Cửu Thiên, (nôm na là chín tầng mây), theo triết lý là trên trời có 9 tầng mây thì cơ thể cũng có thể chia ra làm 9 tầng nhỏ. Dựa vào đó mà biến hóa. Về công, lấy tẩy tủy công làm gốc. Về chiến, lấy ngũ hình và tính cách của 12 con giáp để theo. Về kiếm thì sử loại kiếm dài, thẳng có 2 đoạn răng cưa ngũ hành và thất vía, cán nhọn có thể trở đầu và phải sử hai tay như một. Môn phái được bắt nguồn từ đời Đường, khoảng thế ký thứ 7 rồi bị mất hút. Cho đến đầu thế kỷ 20.

    Tương truyền, lúc đó, ở vùng Đông Bắc Trung Quốc có thanh niên tên là Trương Hồng vốn thuộc dòng dõi danh giá, được dạy dỗ đủ loại văn chương, võ nghệ. Một hôm đi chơi, thấy ngôi chùa đẹp trên đỉnh núi thì ghé vào xem. Ra sau chùa gặp chỗ kín đáo có tường bao, Trương liền phi thân bay qua. Trong gian nhà sau thấy một lão sư đang ngồi thiền, Trương có vẻ coi thường, buông lời châm chọc. Lão sư liền gọi cậu thanh niên lại, giơ ngón tay út lên và hỏi: "liệu cậu có thể gập ngón tay này cho lão lại được chăng?". Trương thiếu niên cười khẩy, vận công định bẻ gãy ngón tay cho lão già biết thân. Ai ngờ đụng vào khác nào đụng vào vách đá, biết ngay là gặp cao nhân, bèn sụp xuống tạ tội. Lão sư thở dài, xoa đầu thiếu niên và nói: "Ta và con có duyên gặp nhau hôm nay, có điều chân khí của con là nhà con một, không thể theo cửa chùa, môn phái của ta thế là đến lúc phải ra khỏi ngôi chùa này. Nếu con đồng ý làm đệ tử, hãy về thưa với bố mẹ". Thế là Trương Hồng trở thành đệ tử đời thứ 33 và Tiểu Cửu Thiên bắt đầu chu du ra thiên hạ.

    Trong cuộc kháng chiến chống Nhật, sư phụ Trương Hồng gia nhập Quốc dân Đảng, sau khi đã lấy vợ là con của một tướng tình báo Nhật. Nhờ vậy, Trương đã nhiều phen thoát chết. Sau chiến thắng của cộng sản, sư phụ chạy sang Đài Loan, trở thành trùm mật vụ Đài Loan. Không rõ sư phụ của chúng ta gặp Trương sư phụ trong hoàn cảnh nào.

    Để hiểu tẩy tuỷ công là gì. Có thể ví cơ thể như một cỗ xe, còn chúng ta là người lái xe. Các bộ phận cơ thể cũng như những chi tiết máy. Chúng ta ăn vào, không khác gì đổ xăng. Đáng tiếc là trong cuộc sống, đa số chúng ta chỉ chú trọng nhấn ga, thỉnh thoảng lại tân trang đôi chút nội thất, rửa ráy, thêm xăng, nhớt... Ít người thực tâm chú trọng đến các chi tiết bên trong. Nhiều người cơ quan đủ cả, cơ thể béo tốt mà vẫn không khoẻ. Vậy là do đâu?

    Đó là do thiếu chân khí. Khí chính là tia lửa điện đốt cháy nguồn nhiên liệu tích luỹ trong cơ thể, giải phóng năng lượng, tạo nên những điều kỳ diệu. Sư phụ đã từng demo dùng tờ tiền giấy chém gẫy tan chiếc đũa hoặc đẩy tay mà tạo nên cả một luồng kình lực có thể nhấc bổng đối thủ, chẳng khác gì chuyện chưởng

    Tạo ra khí là tủy sống, chính là cái bugi của chúng ta. Tẩy tuỷ công là một loạt các bài tập để nâng cao sức mạnh của Tuỷ. Bản chất của môn học là giúp chúng ta nâng cao chức năng của tuỷ, tạo và điều hoà khí trong cơ thể. Tuy nhiên các môn sinh thường cũng tỏ ra rất thích thú về những "hiệu ứng phụ".

    Có nhiều người cho rằng tẩy tuỷ công chính là bí quyết luyện công căn bản của chùa Thiếu Lâm nổi tiếng nhờ Kim Dung qua bộ Dịch cân Tẩy tuỷ Kinh (viết tắt là Dịch cân kinh). Tuy nhiên sư phụ bác bỏ điều này. Chùa Thiếu Lâm mới nổi danh trong giới võ thuật từ sau khi nhà Minh sụp đổ. Những kẻ phản Thanh phục Minh đã tụ tập về chùa, mượn tên chùa để chiêu mộ quân sĩ kiểu mãi võ, tuyển quân. Còn TTC đã có từ lâu, nguồn gốc xuất phát từ đạo Lão với mục tiêu chủ yếu để luyện sức khoẻ. Trong Wikipedia tiếng Việt thì cho rằng Tẩy tuỷ kinh đã bị thất truyền.

    TTC tập đơn giản và chủ yếu là tự tập, tự kiểm tra kết quả với bản thân. Bởi thế những ai mong muốn hội hè sau mỗi chầu "tập thể dục" chắc không khoái lắm. Dựa trên những yếu tố cơ địa của người tập, sư phụ sẽ xác định cường độ và tiến độ của các bài tập. Trong các bài có một yêu cầu phải nhấc và lắc một vật nặng bằng đốt cuối của cột sống. Khối lượng của vật nặng này cũng là một yếu tố đo sự tiến bộ. Hiện tại ở VN người đeo được nặng nhất là 17kg, nhưng chắc chắn sắp tới kỷ lục này sẽ bị phá vỡ. Sư phụ có thể nhấc được 1 tạ.

    Trong một lần gặp nhau ở KL thầy dặn chúng tôi:

    Bọn mày phải nhớ trường võ là trường đặc biệt: Không bao giờ tốt nghiệp, mà cũng ít khi dùng đến. Có một chuyện cứ làm tao hối hận mãi. Cách đây cũng đã lâu lâu rồi, hồi đó tao còn trẻ, khoảng xấp xỉ 40. Trong một dịp ăn tối ở Bangkok cùng với mấy Dato Mãlai, có một tay người HK, rất thích võ thuật, hơi hung hăng. Nghe mấy Dato nói tao là thầy, hắn tìm cách khiêu khích, lời qua tiếng lại rồi thách đấu. Đúng là lúc đấy tao còn trẻ quá, nên nhận lời. Thấy hắn hét lên một tiếng rất to xông vào và ra đòn cực hiểm. Cũng không nhớ tao đã phản đòn thế nào, chỉ thấy hắn đổ vật xuống. Sau một hồi vận khí trị thương, hắn ngồi dậy được, ăn tiếp và nằng nặc đòi nhận tao làm thầy. Sáng hôm sau, chỗ cườm tay hắn, nơi tiếp xúc với bàn tay tao, xuất hiện một vết chàm, vết này loang dần lên khắp người. Tao phải sang HK mấy tháng để giúp hắn chữa bệnh. Nhưng khoảng mấy năm sau thì hắn vẫn lăn ra chết. Không rõ nguyên nhân.

    Thiền

    Khoảng hơn 3 năm sau khi tôi biết thầy, một hôm bỗng nhiên thầy bảo: để tao dạy bọn mày thiền

    Thế thiền để làm gì hả thầy?

    Cao thủ võ lâm, trước hết là người luôn luôn biết thoát hiểm. Tức là không chết, thiền giúp ta làm điều đó!

    Thế sao không học chạy hả thầy?

    Hãy cứ tưởng tượng là mình đứng giữa, vây quanh bởi chục kẻ cựu thù, người nào cũng võ nghệ cao cường. Liệu chạy có thoát được không?

    Chắc là không rồi!

    Vậy đưa giấy đây, tao viết cho 5 chữ, có thể đọc là thế này: Định - Tĩnh - An - Lự - Đắc

    Định, tức là không chuyển động (giống trong từ cố định vậy). Đừng nói chân tay mà từng đường gân, thớ thịt, ánh mắt đều phải im phăng phắc. Muỗi cắn, ong đốt cũng mặc

    Tĩnh: (trong chữ bình tĩnh). Thì cũng là bất động, có khác gì định đâu? Hãy hình dung dòng suối đang lặng lẽ chảy, giữa dòng là một hòn đá lớn. Hòn đá là Định còn dòng suối là Tĩnh. Tĩnh tức là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, để thông tin bên ngoài tràn vào tất cả các giác quan của ta, rồi lại đi ra mà ta vẫn không phản ứng.

    An: tức là không sợ (trong từ trấn an, an toàn). Trong vòng hiểm nguy, chấp nhận cái chết nhẹ như lông hồng. Người biết An là người như hoà thượng Thích Quảng Đức, tự tay đổ can xăng lên người mình, bình tĩnh ngồi xuống châm lửa, lửa cháy hết mà dáng ngồi vẫn còn nguyên.

    Nhưng chúng mày nên nhớ rằng, chúng ta đang bàn việc "thoát hiểm", học An không phải là để chết, mà là để tìm đường sống. Vậy nên, hãy nghe tiếp

    Lự: Tức là lo (trong từ «tư lự»). Tập trung toàn bộ tinh trần và trí lực vào chỉ một điểm duy nhất. Câu các cụ nói «một người lo bằng kho người làm» là chỗ này đây. Trong vòng vây quanh ta, trong địa hình hiểm trở quanh ta, đâu là điểm yếu nhất để ta có thể chọc thủng.

    Và cuối cùng là:

    Đắc: Tức là khi đã xử đủ 4 bước trên, hãy hành động một cách tự nhiên (trong từ đắc đạo), đi về hướng mà cơ thể mách bảo, ra đòn mà chiêu thức của ta dẫn dắt, trả đòn lựa theo hành động của kẻ thù.

    Cả 5 bước này có thể chỉ diễn ra trong tích tắc. Nó cũng không bảo đảm là có thể sống sót, nhưng nó bảo đảm là có cơ may sống cao nhất. Để khi rơi vào vòng nguy hiểm có thể thoát được, thì ngay từ ngày đầu luyện võ công, người học võ đã phải khổ luyện 5 bước Định - Tĩnh - An - Lự - Đắc.

    Nguyễn Thành Nam
    https://www.facebook.com/note.php?note_id=142216865769
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Võ học

    Chủ nhật, 16/7/2017, 22:48 (GMT+7)

    Thầy tôi họ Kao, tên võ là Kao Tam Luân - là chưởng môn đời thứ 34 của môn phái Huyền Hoàng Tiểu Cửu Thiên.
    Thầy tôi sống và hành nghề tại Florida, Kuala Lumpur, Hong Kong, Đài Bắc và gần đây là Hà Nội.

    Tôi có duyên, may mắn được gặp thầy. Sư phụ năm nay 60 tuổi, trông hao hao như Lý Tiểu Long, lúc nào cũng tươi cười, ung dung tự tại. Kiến thức uyên thâm, luôn sẵn sàng đối thoại, thú vui trong thiên hạ gì cũng muốn biết, nhưng không bao giờ ham hố. Lần nào sang Việt Nam, rủ đi chơi, thầy đều từ chối, nói tao sang đây có mấy ngày, tập trung chỉ bảo cho bọn mày. Vậy mà đồ đệ Việt Nam có tật vui đâu chầu đấy, cả thèm chóng chán, chưa gặp thì háo hức, học được mấy hôm thì bỏ học. Tưởng thầy buồn lắm, tôi áy náy, tìm cách thanh minh thanh nga. Thầy cười xòa, đừng quan tâm, khi nào cần, người ta sẽ quay lại.
    Chỉ đến sau này, khi đã gần gũi, mới biết cuộc đời thầy cũng lắm gian truân.

    “Mày bảo sao tao không để con trai nối dõi. Có lẽ mày không hiểu có những đêm tao nằm ngắm trần nhà, tha phương, đơn độc. Tự hỏi, mình là ai? Cao thủ võ lâm? Sao vẫn vướng sự đời? Tiêu diêu khoáng đạt? Vậy ai sẽ trả tiền nhà, tiền học cho con? Tao rất muốn sang Việt Nam, mà cứ sợ mất thằng học trò đến đăng ký. Làm cật lực chưa biết bao giờ trả hết nợ. Hỏi sao tao dám để con theo. Tao không thể làm như các đệ tử khác là mở trường dạy khách thập phương, vì tao phải giữ chân truyền. Mày phải biết gánh nặng của Chưởng môn nhân. Môn phái thất truyền là đắc đại tội! Cả đời hành hiệp để kiếm được truyền nhân!”.

    Nghe giọng buồn bã. Nhưng nhìn gương mặt thầy vẫn hết sức ôn nhu, thư thái. Cứ như nói chuyện người khác.
    Thầy dùng một tờ tiền 100 nghìn chém gẫy cây đũa khi ngồi ăn phở; thầy dùng tay bắn anh bạn Tây nặng cả tạ văng ra xa, chúng tôi đều kinh ngạc lắm. Nhưng rồi thầy đều giải thích rất khoa học, đơn giản. Không có gì là thần kỳ, do tập luyện mà nên cả.

    Những điều thầy dạy cho chúng tôi, chẳng những đúng trong việc tập luyện mà cũng có thể áp dụng trong rất nhiều tình huống của cuộc sống, tôi mới tóm lại thành: “Ba mục tiêu, bốn cảnh giới, năm khẩu quyết”.

    Người ta học võ để làm gì? Có ba mục tiêu.

    “For Fun” - Vui: Tức là học cho vui, tuyệt đại đa số các huynh đệ Việt Nam mà tôi biết xuất phát từ mục tiêu này.

    "For Food" - Kiếm ăn: kiểu như “mãi võ bán thuốc” hoặc dạy dưỡng sinh kiếm sống.

    "For Life" - Thoát hiểm: Xưa đến nay thì đều coi đây là đỉnh cao của võ thuật. Nếu cuộc sống bình yên quá, chẳng đánh nhau với ai thì tập luyện cho cơ thể cường tráng, tinh thần sảng khoái, cũng giúp ta tránh được nhiều hiểm ác của cuộc đời.

    Bốn cảnh giới, giống như bốn cấp học mà người tập sẽ phải trải qua, lần lượt sẽ là:

    Cấp một, khi mới học được những tinh hoa của võ thuật là: tay chân ngứa ngáy, muốn phô diễn, thấy điều bất bình là muốn cà khịa đánh nhau.

    Cấp hai, là bắt đầu hiểu được mình, kiềm chế, chỉ khi nào người đánh mình thì mình mới phản ứng lại.

    Cấp ba, là không muốn tranh chấp, sẵn sàng hạ mình. Người ta đánh thì mình xin lỗi rồi lánh đi.

    Cấp cuối cùng, là có thể cảm nhận được những chỗ hung hiểm, tránh xa những chỗ phải đầu rơi máu chảy. Vượt qua mỗi cảnh giới đều phải mất dăm năm tập luyện. Suy cho cùng cũng là thoát hiểm.

    Năm khẩu quyết là các phương thức khi thực hiện các động tác tập luyện.

    Hãy cứ tưởng tượng là mình đứng giữa, vây quanh bởi chục kẻ thù, tay nào cũng võ nghệ cao cường, lăm lăm định đánh chết mình. Hãy nhớ lấy 5 chữ này: Định - Tĩnh - An - Lự - Đắc.

    Định, tức là không chuyển động (giống trong từ "cố định" vậy). Đừng nói chân tay mà từng đường gân, thớ thịt, ánh mắt đều phải im phăng phắc. Muỗi cắn, ong đốt, rắn mổ cũng mặc.

    Tĩnh: (trong chữ "bình tĩnh"). Tưởng cũng như bất động, có khác gì định đâu. Nhưng không phải, hãy hình dung dòng suối đang lặng lẽ chảy, giữa dòng là một hòn đá lớn. Hòn đá là Định còn dòng suối là Tĩnh. Tĩnh tức là mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, để thông tin bên ngoài tràn vào tất cả các giác quan của ta, rồi lại đi ra mà ta vẫn không phản ứng.

    An: tức là không sợ (trong từ "trấn an", "an toàn"). Trong vòng hiểm nguy, chấp nhận cái chết nhẹ như lông hồng.

    Lự: Tức là lo (trong từ “tư lự”). Tập trung toàn bộ tinh thần và trí lực vào chỉ một điểm duy nhất. Câu các cụ nói "một người lo bằng kho người làm" là chỗ này đây. Trong vòng vây quanh ta, trong địa hình hiểm trở quanh ta, đâu là điểm yếu nhất để ta có thể chọc thủng

    Và cuối cùng là Đắc. Tức là khi đã xử đủ 4 bước trên, hãy hành động một cách tự nhiên (trong từ “đắc đạo”), đi về hướng mà cơ thể mách bảo, ra đòn mà chiêu thức của ta dẫn dắt, trả đòn lựa theo hành động của kẻ thù.

    Nói đi nói lại, học võ vẫn là để thoát hiểm, bảo vệ sức khỏe, vui sống với đời.

    Và nó không chỉ là triết lý của võ học. Trong giới doanh nhân, có hai vị “đại cao thủ” là Jim Collins và Jerry I. Porras, soạn một cuốn chân kinh với một triết lý tương tự có tên tiếng Anh là “Built to Last” - Tạm dịch là Xây dựng để Trường tồn, là sách gối đầu của rất nhiều thế hệ doanh nhân thành công.

    Theo dõi những câu chuyện trà dư tửu hậu liên quan đến “võ học” những ngày này, tôi nghĩ nhiều người sẽ có cùng một băn khoăn: những Định, Tĩnh, An, Lự, Đắc kia có tồn tại trong những lời qua tiếng lại từ mọi phía? Bài học từ võ mang đến cho cuộc sống ở đây là gì?

    Tôi không biết những người trong cuộc nghĩ gì, nhưng với kẻ ở ngoài quan sát, thì võ học ở đây hình như mới đạt được mục tiêu tối giản: For Fun.

    Nguyễn Thành Nam

    Last edited by Bin571; 21-07-2019 at 05:34 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 2
    Bài mới gởi: 31-03-2013, 02:54 AM
  2. Trả lời: 39
    Bài mới gởi: 24-02-2013, 11:24 AM
  3. Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 08-12-2011, 01:50 AM
  4. Mong mọi người chỉ cho bài thuốc chữa nghiện rượu
    By quantm in forum Hỏi đáp & Tư vấn
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 02-11-2011, 09:08 PM
  5. Nghiên cứu về Mao Sơn thuật
    By MrV2m in forum Hỏi Đáp, Tư Vấn
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 28-08-2011, 10:20 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •