kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: KTS Võ Trọng Nghĩa, Làm kiến trúc và tập tu thiền tại Myanma

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định KTS Võ Trọng Nghĩa, Làm kiến trúc và tập tu thiền tại Myanma



    Cuộc phỏng vấn giữa báo Trí thức trẻ và kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa được thực hiện qua điện thoại khi anh đang ở trường thiền Pa Auk – cao nguyên Pyin OO Lwin, cách Mandalay 1,5 tiếng về phía núi cao, ở vị trí 1.200m so với mực nước biển.

    Võ Trọng Nghĩa vẫn nói chuyện say sưa về kiến trúc xanh – điều mà anh tâm huyết thực hiện nhiều năm qua, nhưng dành nhiều thời gian để chia sẻ về thiền tập và giữ giới ở công ty của mình. Cho tới khi hoàn tất câu trả lời cuối cùng, vị kiến trúc sư nổi tiếng nhất Việt Nam với nhiều giải thưởng kiến trúc danh giá của thế giới còn nhắn nhủ: "Việc áp dụng giữ giới vào trong văn hóa của một quốc gia là một chuyện rất tuyệt vời. Giữ giới là một việc rất khó đòi hỏi lòng dũng cảm nhưng càng nhiều người giữ giới thì quốc gia càng thịnh vượng và bền vững.

    Anh có hình dung là anh sẽ rất là vui nếu có một người bạn giữ giới không? Họ nói cái gì cũng nói thật, trung thực tuyệt đối… Và anh cũng sẽ rất là vui nếu anh có vợ, người yêu, đồng nghiệp của mình là giữ giới. Vậy thì tại sao chúng ta không bắt đầu trở thành những người giữ giới nhỉ?".

    Thời gian gần đây, người ta nói rất nhiều đến kiến trúc xanh nhưng hay hiểu là một công trình với nhiều cây xanh. Trong khi đó, một công trình của công ty Võ Trọng Nghĩa – công trình "Nhũ tre" vừa đoạt giải "Green Good Design Awards 2019" lại không có cây xanh nào. Yếu tố xanh nên được hiểu như thế nào?
    Thứ nhất kiến trúc xanh không phải là kiến trúc thuần tuý về cây xanh. Cây xanh mà mình hay nói là làm xanh hoá thành phố bằng cây xanh, không phải kiến trúc xanh là cây xanh. Kiến trúc xanh được hiểu ở khía cạnh năng lượng tạo ra vận hành, và thiêu huỷ công trình đó.

    Kẹt một nỗi là chi phí để làm chứng chỉ kiến trúc xanh như là LEED của Mỹ chẳng hạn thì rất đắt đỏ và mất thời gian, và cần tư vấn để làm hồ sơ. Đó là một cái bẫy mà con người tạo ra: để tạo ra được một công trình kiến trúc xanh phải mất từng này tiền rồi lại phả mất chi phí từng này làm hồ sơ, từng này thời gian. Vì thế, việc làm chứng chỉ xanh trở thành một vấn đề có thể gọi là thêm việc mà không giải quyết vấn đề gì.

    Xanh có nghĩa là thân thiện với môi trường chứ không có nghĩa là chỉ trồng cây mới thân thiện với môi trường. Rõ ràng, nếu một công trình nhiều cây xanh thì cũng mát mẻ hơn và làm kiến trúc xanh thì cây xanh là một yếu tố rất quan trọng; nhưng kiến trúc có cây xanh là xanh thì không phải.


    Trong số các dự án mà công ty của anh thiết kế, kiến trúc xanh nào mà anh yêu thích nhất?

    Ví dụ như nhà trẻ ở Đồng Nai chẳng hạn. Chi phí vận hành nó rất tiêt kiệm về năng lượng, có rau sạch, tái sử dụng nguồn nước ở nhà máy để tưới cây rau. Những nhà dân mà bên mình thiết kế đều ít khi sử dụng máy điều hoà…

    Rồi một công trình gần đây bên mình thiết kế là ở Cúc Phương, cách Hà Nội có mấy chục km thôi (dự án Silver Cloud Resort). Dự án có một công trình tre 1.000m2, rất lớn, rồi hệ thống condotel với rừng cây thẳng đứng…

    Mình đã thuyết phục được chủ đầu tư trồng rất nhiều cây hoa cổ thụ, loại thân gỗ to ấy, ở khắp mọi nơi (hoa ban, hoa phượng, hoa tường vi, hoa lộc vừng…) để tạo ra một rừng hoa độc đáo ở chỗ đó. Họ làm tuyệt vời luôn.


    Mình nghĩ những tư tưởng như vậy cần được nhân rộng, bởi nó ban đầu là một vùng đất hoang, họ đào một cái hồ lớn, rồi trồng gần 10.000 cây hoa cổ thụ khiến mỗi mái nhà trở thành một vườn hoa, và bản thân tòa nhà trở thành những rừng cây thẳng đứng.

    Vài bữa nữa là chỗ đó trở thành một nơi đẹp kinh điển luôn, anh không tưởng tượng được đâu nếu không đến đó tận nơi. Sự phát triển của các dự án mới như thế vừa bảo tồn, vừa phát triển văn hóa, vừa gần gũi với thiên nhiên.

    Về khía cạnh năng lượng, việc xây dựng và vận hành một kiến trúc xanh ở Việt Nam có gì thuận lợi?

    Việt Nam là một đất nước với nhiều nắng và gió; đó là điều kiện tuyệt vời cho việc phát triển năng lượng xanh. Hiện tại, một chuyện cực kỳ tiến bộ đã diễn ra là Nhà nước cho phép người dân bán điện năng lượng mặt trời vào mạng quốc gia thông qua đồng hồ 2 chiều.

    Như vậy là khi các hộ dân sản xuất điện mặt trời không dùng hết có thể bán vào mạng lưới điện quốc gia cho Nhà nước, khi thiếu thì lại dùng và bù trừ vào cuối tháng. Cái này cực kỳ văn minh và là sự tiến bộ rất lớn, giúp cho các kiến trúc sư vận hành công trình xanh.

    Những thiết kế kiến trúc xanh của anh Nghĩa qua mỗi một năm thay đổi như thế nào so với trước đây?

    Mình luôn muốn công trình sẽ tồn tại hàng trăm năm, nên thiết kế luôn hướng tới việc công trình sẽ bền hàng trăm năm. Cái đó là ảnh hưởng từ chuyện thiền. Khi mình đã quán được các kiếp, thấy được sự sinh diệt của vật chất, và thậm chí là của mọi thứ thì ít nhất là trong lúc mình đang sống thì công trình của mình cũng phải còn tồn tại.

    Hơn nữa, lớp lang của một đô thị cần những công trình tồn tại bền vững lâu dài, chứ cái nào cũng làm tí bê tông mỏng mỏng thì không được, làm ra chỉ vài chục năm là hỏng.




    Nếu bỏ qua việc cần phải có chứng chỉ kiến trúc xanh như LEED ở Mỹ, việc xây dựng một công trình xanh tại Việt Nam có còn đắt đỏ hay không?

    Người ta cứ nghĩ kiến trúc xanh là phải đắt nhưng không phải. Nó có thể bị coi là đắt về thiết kế (cười) vì thiết kế một tác phẩm cần phải đầu tư mà ở Việt Nam mình vẫn đầu tư quá ít chất xám cho cái này. Thế nhưng, nếu nhìn ra thấy thế giới thì sẽ thấy khác và đơn giản là điện thoại hay ô tô thì thiết kế rất quan trọng.
    Mình nghĩ là cũng giống như quy hoạch một đô thị, kiểu gì cũng phải đầu tư nhiều vào phần đó, còn phần xây dựng thì có thể đơn giản hơn. Như việc làm văn phòng mới của Công ty Võ Trọng Nghĩa – một kiến trúc xanh, chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/m2. đổ bê tông đặc từ dưới lên trên và gần như không xây. Văn phòng mới của mình ở TP.HCM đã sẵn sàng cho độ bền hàng trăm năm, với hệ thống cây xanh, rau sạch phủ kín mặt tiền…

    Nhiều người cứ nghĩ kiến trúc xanh là cái gì ghê gớm. Không đúng đâu. Nhưng có một việc cần lưu ý, bản chất là đừng có cố gượng ép. Làm công trình mất đi tính bền vững tự nhiên theo nghĩa đen là vứt.


    Đang vận hành công ty với rất nhiều công việc, tại sao anh lại sang Myanmar để tu tập?

    Việc mình làm ngoài đời thấy cũng được, nhưng đau khổ thường trực của một con người nói chung là không tránh khỏi. Bản chất là không tránh khỏi sự sinh ra, già đi, đau yếu và chết. Mình vẫn thường nghĩ về cái chết nhiều và một điều chắc chắn là chúng ta đều phải đối mặt với cái chết.
    Những kiến trúc sư vĩ đại nhất rồi cũng phải chết và rất nhiều người đã chết, mình cũng sẽ chết. Vì thế, mình muốn tìm hiểu trước cái chết là gì và trước khi mình sinh ra là cái gì, mình sinh ra là cái gì, và sau khi mình chết đi thì mình sẽ là cái gì. Trong giáo lý phật giáo, mình có thể học được cái đó thông qua thiền tập.


    Nhưng sao lại phải sang Myanmar mà không phải học ở Việt Nam để thuận tiện hơn cho công việc và gia đình?

    Anh luôn có câu hỏi khó chịu đấy (cười lớn). Thực ra, phải tìm được môi trường phù hợp, một người thầy phù hợp với mình, có thể nói là hợp duyên thì mình sẽ tu tập tốt hơn vì cái này đòi hỏi việc giữ giới.

    5 giới cơ bản là không nói dối, không trộm cắp, không tà dâm, không sát sinh và không uống bia rượu, hút thuốc lá. Phải giữ giới rất nghiêm ngặt thì mới phát triển được định, mà phải phát triển được định rất thâm sâu thì mới nhìn được các kiếp; nhìn thấy bản thân mình và vũ trụ là các hạt li ti, mới quán được giáo lý của đức phật là vô thường khổ vô ngã…

    Khi phát triển được định rồi mới đến phát triển được các tuệ thâm sâu, mà trong đó cái tuệ thứ hai là tuệ về nhân duyên hay quán các kiếp quá khứ, các kiếp tương lai.


    Việc tu tập ở Myanmar từ năm 2017 có ảnh hưởng đến việc vận hành công ty Võ Trọng Nghĩa ở Việt Nam ra sao?

    Việc thiền tập là tuyệt vời đấy. Khi mình áp dụng việc giữ giới trong công ty, công ty tự khắc trở thành một bộ máy rất đáng tin cậy bởi đó là những con người giữ giới. Nếu tất cả mọi người đều giữ giới thì vận hành công ty rất dễ dàng.
    Ai cũng muốn tạo ra thương hiệu cả nhưng thương hiệu đầu tiên là lòng tin, đúng không? Vậy người không nói dối, không trộm cắp…. là người đáng tin nhất. Đây là một bí quyết khá đơn giản mà đến bây giờ mình mới nhận ra.

    Anh điều hành công ty từ Myanmar như thế nào?

    Mình sang Myanmar từ năm 2017 và nửa đầu năm 2018 thì đi đi về về nhưng từ khoảng tháng 7/2018 đến bây giờ thì gần như ở đây. Còn điều hành thì bí quyết là ở công ty mọi người đều giữ giới thôi và thiền mỗi ngày 2 tiếng, sáng 1 tiếng chiều 1 tiếng.
    Khi giới và tâm thanh tịnh thì mọi người nghĩ và làm các ý tưởng rất nhanh. Chính sự yên ổn và bình an đó cũng chia sẻ qua cho chủ đầu tư để họ có thể làm các dự án rất tốt, thậm chí là tốt hơn khi mình ở nhà. Thực tế là giờ mình chỉ cần trao đổi công việc qua điện thoại, mọi người có thể tự làm hầu hết các công việc.

    Các khách hàng quen thuộc cảm thấy ra sao khi Võ Trọng Nghĩa ít khi làm việc trực tiếp với họ?

    Cũng có chút khó khăn nảy sinh khi mình không làm việc trực tiếp với khách hàng nhiều như trước. Thế nhưng kết quả công việc thì vẫn rất tốt nên họ vẫn đưa hết công trình này đến công trình khác cho bên mình làm.
    Thỉnh thoảng, nếu cần ý tưởng, họ qua đây mấy ngày là được nhưng rất ít thôi. Thực tế thì họ nhìn các công trình của mình gần đây là biết mà. Những dự án mà ở nhà vẫn thực hiện tốt thì mình cứ ở đây thiền thôi. Việc của mình là thiền.


    Việc người sáng lập công ty lại thiền tập ở Myanmar thì làm sao công ty có khả năng phát triển lớn mạnh nhanh như trước được?

    Bản thân mình lại suy nghĩ theo một hướng khác. Công ty lớn mạnh đến đâu không quá quan trọng, mà việc lớn mạnh phải đi kèm với mọi người có giữ giới, hành thiền hay không.
    Bởi vì nếu anh hiểu được các kiếp quá khứ và tương lai, hiểu về các cõi giới mà tự mình chứng nghiệm, nhìn thấy được các điều ấy thì việc kiếm tiền trên cơ sở bất thiền nghiệp thậm chí thà không làm gì còn hay hơn.

    Giàu có mà dựa trên cơ sở phá 5 giới đó thì càng nguy hiểm, nên cứ từ từ không có gì phải vội cả. Việc công ty có khả năng phát triển hay không cũng là tại mình muốn. Nhưng mình muốn từ từ và mong mỗi nhân viên ở trong công ty là một nhân tố giữ giới trong xã hội.
    Qua đây cho mình cũng muốn nhắn nhủ là nếu một công ty, một xã hội hay một đất nước mà có nhiều người giữ giới thì chắc chắn sẽ phát triển bền vững và lâu dài. Chắc chắn!


    Nghĩa là trước khi đến với thiền, anh muốn làm nhiều công trình nổi tiếng nhưng đến giờ thì mục tiêu không còn là những công trình vĩ đại mà là những người giữ giới làm kiến trúc?

    Những người giữ giới, thiền tập tốt và đi trên con đường đạo quả thì sẽ tốt hơn. Chính những người đó sẽ tạo ra những công trình tốt.
    Khách hàng của anh có cảm thấy khó khăn khi làm việc với một công ty quá quan tâm đến thiền tập như Võ Trọng Nghĩa hay không?
    Họ có khó khăn. Ví dụ như là mời ăn nhậu thì không được vì phạm vào giới thứ 5 là không uống bia, rượu, thuốc lá. Còn ngoài ra, nói chung làm việc với những người giữ giới thì họ rất thích. Vì họ đáng tin và ai cũng muốn tìm những đối tác đáng tin.

    Việc thiền tập và giữ giới nghĩ qua tưởng là thiệt thòi nhưng nghĩ lại thì nó thuận lợi vô cùng, nếu muốn công ty lớn bao nhiêu là cũng lớn được đấy.
    Nhưng cái này là cái khó: tuyển người giữ giới khó lắm (cười), chứ công việc thì giờ không thiếu (cười).

    Trước đây, anh có mục tiêu là mở các văn phòng kiến trúc ở các nước khác. Hiện giờ mục tiêu đó ra sao?

    Mở nhiều chắc là không nên vì nó ảnh hưởng đến việc thiền tập của mình thì không tốt lắm. Bây giờ, tìm hiểu càng nhiều càng tốt 16 tuệ của Đức phật mới là mục tiêu quan trọng nhất của cuộc đời mình. Công ty chỉ cần to vừa vừa thì tốt hơn.

    Nếu nói một cách ngắn gọn, anh thấy thiền đem lại cho mình điều gì?

    Hạnh phúc thực sự, an lạc thực sự, còn những cái khác là giả tạm. Ví dụ như bây giờ mình không dùng iPhone nữa mà dùng điện thoại cục gạch có 300.000 đồng một cái ấy.
    Giờ mình ở bên này cũng không có vật chất gì nhiều. Ở đây, mình sống dựa trên sự bố thí, ở nhà người ta cho ở và ăn là đồ ăn xin nên thành ra không có cái gì để tự hào mấy (cười).

    Bây giờ thú vui của anh là gì?

    Đó là tìm hiểu các tuệ của Đức phật qua học và thực chứng bằng thiền tập, ngoài ra không có mong muốn gì khác. Ở đây, mình trồng cây, trồng hàng chục nghìn cây cho trường thiền. Mình mê cây từ trong máu, mê lắm, chỗ nào cũng trồng hết. Năm nay mùa mưa mà mình đã trồng đạt đến gần 20.000 cây rồi.


    Anh nghĩa dự kiến tu tập ở Myanmar đến bao giờ?

    Có một cái may mắn là mình không có kế hoạch gì cho tương lai, bây giờ mình chỉ muốn tu tập xong và có thể hết năm nay hoặc năm sau. Rồi sau đó, mình định kiếm một chỗ trong khu rừng nào đó ở Việt Nam như Quảng Bình, Quảng Nam chẳng hạn, rồi vào trong rừng ở.

    Thế còn công ty Võ Trọng Nghĩa thì sao?

    Công ty có làm sao đâu, 2 năm vừa rồi vẫn phát triển quyết liệt mà đâu cần có mình ở nhà. Bây giờ có thể làm ý tưởng từ xa được, không cần phải ngồi vẽ như trước. Quan trọng nhất là giữ giới thanh tịnh, tâm trong sáng, có được sự tập trung cao độ thì mọi người làm việc với nhau rất là tốt.


    Thế còn gia đình anh thì sao?

    Vợ con Nghĩa đang ở đây. Vợ cũng thiền tốt lắm. Vợ ở một quả đồi khác, đi bộ khoảng 30-40 phút mới tới, ở phía bên trường thiền dành cho nữ, còn mình ở phía bên nam.
    Bây giờ, việc của mình duy nhất là giữ giới, hành thiền, chấm hết. Còn ăn đến bữa xách bát đi xin, họ cho cái gì, ăn cái đó. Hay phết đấy, anh không thể tưởng tượng được mức độ tuyệt vời đâu.


    Bài: Hoàng Ly

    Minh họa: 7pm.







    Last edited by Bin571; 12-07-2019 at 12:18 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định


    Kiến trúc sư xanh, sùng bái thiền và kỳ dị nhất Việt Nam






    Trở thành kiến trúc sư có số lượng giải thưởng quốc tế lớn nhiều nhất Việt Nam, Võ Trọng Nghĩa vẫn rất ít quan hệ. Vị giám đốc kiên quyết không ra ngoài tiếp khách, chỉ ăn trưa với cơm hộp và tối về nhà. Những nhân viên trong công ty của Nghĩa bắt buộc phải ngồi thiền 2 tiếng mỗi ngày trong giờ làm việc.

    Chúng tôi đến văn phòng Võ Trọng Nghĩa ở tầng 8 số 70 Phạm Ngọc Thạch (TP HCM) vào 9h30 sáng nhưng khung cảnh ở đây giống như đang nghỉ trưa. Điện ở khu lễ tân tắt, chỉ có ánh sáng tự nhiên và không có người ngồi trực lễ tân.

    Khi được dẫn vào trong, chúng tôi gặp Võ Trọng Nghĩa đang ngồi trao đổi với một nhân viên trong khung cảnh hơi tối do không bật đèn. Những khu làm việc bên trong công ty này cũng tương tự, các kiến trúc sư (khá nhiều người nước ngoài) làm việc trong yên lặng, với ánh sáng tự nhiên.

    Vị kiến trúc sư nổi tiếng làm giám đốc nhưng không có phòng riêng. Chỉ đến khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Nghĩa mới với tay bật đèn cho sáng khu mình ngồi. Nghĩa nói: "Không có ai bắt tắt đèn đâu mà mọi người thích như vậy đấy. Chắc là do họ và tôi thiền quen nên thế".




    BỎ DỞ THÀNH CÔNG ĐỂ ĐI TÌM... THẤT BẠI

    Võ Trọng Nghĩa sinh năm 1976, là con út trong một gia đình có 7 chị em ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình (chỗ bắt đầu đường mòn Hồ Chí Minh). Khi còn học cấp 1, ngôi trường của Nghĩa năm nào cũng bị đổ bởi gió bão, phải dựng lại và cậu cùng bạn bè được "nghỉ thoải mái".
    Cũng chính vì điều này mà cậu học trò ngày ấy nuôi giấc mộng trở thành kiến trúc sư để làm giàu và xây được những ngôi trường… chẳng bao giờ sập. Khi thi đỗ 3 trường đại học, Nghĩa chọn Đại học Kiến trúc Hà Nội chứ không phải Bách khoa hay Xây dựng.

    Thầy nói, đi về học thất bại còn hơn là cứ mãi thành công. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi


    Năm 1996, Võ Trọng Nghĩa nhận học bổng của chính phủ Nhật Bản, theo học khoa Kiến trúc Học viện Kỹ thật Nagoya và tốt nghiệp thủ khoa năm 2002. Trong thời gian học, năm 1999, Võ Trọng Nghĩa có công trình thiết kế nhà ở đoạt giải thưởng lớn của một tập đoàn Nhật Bản.
    Học tiếp thạc sĩ ở Đại học Tokyo, đề tài nghiên cứu được anh chọn là khí động học, gió và nước. Đây cũng là yếu tố nền tảng tạo nên thành công ban đầu cho những công trình thiết kế của Võ Trọng Nghĩa sau này.

    Tốt nghiệp bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004, Nghĩa tiếp tục làm tiến sĩ tại đây và đoạt giải thưởng xuất sắc cho nghiên cứu ở luận án tiến sĩ. Thế nhưng, khi việc học ở đất nước mặt trời mọc chưa hoàn tất, người thầy của Nghĩa – Giáo sư Hiroshi Naito nói với cậu: "Ta đào tạo con để con làm kiến trúc sư giỏi chứ không phải để nghiên cứu"

    "Thầy nói, đi về học thất bại đi còn hơn là cứ thành công mãi. Tôi chấp nhận lời của thầy, và đó cũng là ý nguyện của tôi" Nghĩa tâm sự. Sau đó, nghiên cứu sinh này bỏ dở bằng tiến sĩ để quay về Việt Nam lập nghiệp ở tuổi 30.


    Về nước, năm 2007, Võ Trọng Nghĩa lại tiếp tục thành công với Cafe Gió và Nước tại Bình Dương. Đây là công trình ứng dụng nguyên tắc khí động học tiêu biểu, sử dụng năng lượng gió và khả năng làm mát của nước để tạo ra những chiếc máy điều hòa tự nhiên.

    Công trình kiến trúc độc đáo này đã đoạt huy chương vàng Giải thưởng Hội Kiến trúc sư châu Á (Arcasia Awards) 2007-2008. Võ Trọng Nghĩa là kiến trúc sư đầu tiên của Việt Nam được nhận giải thưởng này và cũng là giải cao nhất.






    GIẤC MỘNG TAN VỠ

    Thế nhưng, ngoài giải thưởng quốc tế đầu tiên, Võ Trọng Nghĩa liên tiếp gặp thất bại trong kinh doanh. Trong hơn 5 năm đầu tiên mở công ty, Nghĩa có rất ít việc để làm, nhiều công trình được thiết kế ra nhưng không được thi công. Công ty kiến trúc Võ Trọng Nghĩa luôn trong tình trạng thua lỗ, gặp khó khăn rất lớn khi đến kỳ trả lương cho nhân viên nhưng lại muốn thuê những người có trình độ tốt nhất.

    Bỏ lại sau lưng những thành công trong học vấn ở Nhật, bỏ dở luận án tiến sĩ để về Việt Nam “học thất bại” theo lời khuyên của Giáo sư Hiroshi Naito, Võ Trọng Nghĩa đã có những bài học thất bại đúng nghĩa. Tuy nhiên, điểm sáng trong thời kỳ khó khăn này là Nghĩa vẫn mời được một thủ khoa về kiến trúc của Đại học Tokyo về cùng làm việc với mình từ những ngày đầu.

    Làm kiến trúc ở Việt Nam mà không bản lĩnh thì luôn luôn nghèo, muốn tạo ra những tác phẩm xuất sắc thì sẽ rất nghèo, thậm chí càng đam mê để tạo ra tuyệt tác kiến trúc thì còn nghèo kiết xác luôn

    Mặc dù đoạt hàng chục giải thưởng danh tiếng nhất về kiến trúc của thế giới cho những công trình tại Việt Nam mà Võ Trọng Nghĩa là tác giả, nhưng công ty mà anh làm chủ luôn trong tình trạng khó khăn về tài chính. Nghĩa cho biết, sau 9 năm mở công ty, đến tháng 7/2015, tiền thiết kế phí mới đủ trả lương cho nhân viên.

    "Ở Việt Nam, người ta không sẵn sàng trả đủ phí thiết kế cho một công trình kiến trúc xuất sắc. Trên thế giới, phí thiết kế trung bình khoảng 10% giá trị công trình, với các căn nhà nhỏ thì tỷ lệ sẽ cao hơn; con số này ở Việt Nam rất thấp. Với nhiều công trình khó và đoạt giải quốc tế, phí thiết kế của mình bị kêu đắt nhưng không có mấy người tin là mức đó là bị lỗ nặng"



    NHỮNG QUY ĐỊNH KỲ LẠ VÌ SÙNG BÁI THIỀN

    Thất bại liên tiếp, kinh doanh khó khăn kéo dài nhiều năm, Võ Trọng Nghĩa bị stress triền miên. Anh tìm đến thiền để giải toả căng thẳng trong công việc, nhưng thật bất ngờ, thiền đem lại cho Nghĩa nhiều hơn thế. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Nghĩa cho biết, 3 bí quyết trong công việc của mình là kiên nhẫn, sự tĩnh lặng trong tâm hồn và sống theo quy luật của tự nhiên. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh nói: “Đó cũng là những nguyên lý từ thiền”.

    Kể từ khi ngộ ra nhiều triết lý từ thiền, anh không chỉ luyện tập cho riêng mình mà thiền trở thành một chính sách bắt buộc tại công ty. Bất cứ nhân viên nào vào làm việc tại Vo Trong Nghia Architects đều phải qua một khoá thiền 10 ngày, mỗi ngày thiền 10 tiếng và 1 tiếng nghe phát thoại. Trong thời gian đó, người học không điện thoại, không nhắn tin, không máy tính… và ăn chay.



    Nếu ở công ty, mọi người đều dành 2 tiếng trong ngày để thiền (7h30-8h30 sáng và từ 5h-6h chiều) và không có ngoại lệ. Nghĩa giải thích:"Thiền quan trọng với tất cả mọi người, chỉ có người nào nhận ra hay không thôi. Tất cả các mâu thuẫn trong xã hội kể cả giữa các quốc gia là do đầu óc điên rồ của cái tôi lớn quá và sự xa rời thiên nhiên làm cho con người ta hoang dại. Thiền giúp con người cân bằng, sống gần gũi với thiên nhiên hơn và giảm bớt ý định về mâu thuẫn đâu. Chắc chắn là như thế!".

    Đó chính là cái giảm xóc cho mình, họ cân bằng hơn thì làm việc cho mình cũng tốt hơn. Vì thế, sau này mình có mở các văn phòng trên thế giới thì văn hoá đó cũng không thay đổi

    Sự sùng bái thiền của Võ Trọng Nghĩa thậm chí hơi cực đoan. Năm 2015, thời điểm công ty đang phát triển bùng nổ và rất cần tuyển thêm nhân sự mới, Nghĩa vẫn cho nghỉ việc những người không thể đi thiền hàng ngày kể cả họ giỏi chuyên môn.

    Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, Võ Trọng Nghĩa nhấn mạnh một quan điểm rất khác biệt của riêng mình: "Làm kiến trúc không quan trọng bằng đào tạo ra người làm kiến trúc. Đào tạo kiến trúc sư không quan trọng bằng một đội ngũ trong công ty cùng tu tập và thiền tốt; và điều đó lại không quan trọng bằng trong công ty xuất hiện một người thiền rất giỏi".

    KTS. VÕ TRỌNG NGHĨA


    Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT – người làm việc với Nghĩa một thời gian dài với 2 công trình tại Hà Nội và TPHCM cho biết: "Cậu ấy có chia sẻ là thiền rất cần thiết cho nghề kiến trúc vì nó đem tới khả năng tập trung vào một mục tiêu và tạo ra ý tưởng mới độc đáo. Vì thế, giờ làm việc ở công ty là 8 tiếng thì cần 2 tiếng để thiền và 6 tiếng còn lại sẽ hiệu quả hơn 8 tiếng làm việc thông thường. Nghĩa còn tiết lộ là sau khi nhận đề bài kiến trúc, cậu ấy sẽ cùng nhân viên đi khảo sát mặt bằng cụ thể, rồi ngồi thiền thì sẽ ra ý tưởng thiết kế"

    "Tháng trước, Nghĩa nhắn cho tôi là sẽ đi thiền tập trung trong 20 ngày và sẽ không nghe điện thoại, nhận tin nhắn hay đọc email. Đây là hoạt động tái tạo sự tập trung trí óc thường niên của Nghĩa và các cấp quản lý trong công ty"

    Chia sẻ về quy định thiền 2 tiếng mỗi ngày ở công ty, Nguyễn Thị Huyền Diệu – người vào làm việc tại Vo Trong Nghia Architects được gần 1 năm cho biết: “Cần phải nói cho chính xác là tôi ‘được thiền’ chứ không ‘phải thiền’ như nhiều người vẫn nghĩ”. Diệu tiết lộ, ban đầu việc thiền sẽ không dễ dàng nhưng khi quen thì mọi việc hoàn toàn khác.

    “Thiền sẽ giúp tâm hồn mình thư thái, trí óc tập trung và nhận rõ những vấn đề mình đang gặp phải trong công việc và cuộc sống. Vì thế, thời gian thiền là lúc thư giãn, làm cho mọi người thoải mái hơn và là một nét văn hóa riêng ở công ty chúng tôi”, nữ nhân viên này tâm sự.





    By: Hoàng LyPhotographs by: Hải An | Designed by: 7pm | Developed by: sondtTheo Trí thức trẻ
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định



    Góc khuất ở những công trình nổi tiếng thế giới và cuộc sống khó tin của kiến trúc sư lừng danh




    Hai công trình nhà ở xanh, nổi tiếng và đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc quốc tế của Võ Trọng Nghĩa ra đời trong hoàn cảnh cùng quẫn về kinh doanh và được thiết kế miễn phí. Khi đã qua thời khó khăn, Nghĩa vẫn giữ lối sống đơn giản và đạm bạc.

    Sau khi gặp rất nhiều thất bại và bế tắc trong việc thuyết phục khách hàng thi công những sản phẩm do mình làm ra, Võ Trọng Nghĩa quyết định thay đổi. Kiến trúc sư này đề nghị được thiết kế miễn phí một số công trình nhà ở tại TP HCM để thuyết phục gia chủ thực hiện. Anh đã thành công khi gặp một người bạn Việt Nam mới từ Toronto (Canada) trở về Việt Nam sinh sống. Và “Stacking Green House” - ngôi nhà ống cấp bốn với diện tích khoảng 220 m2 với lối thiết kế sang trọng, tối giản pha trộn với thiên nhiên đã ra đời năm 2011.





    “Stacking Green House” được xây dựng trong 8 tháng với chi phí khoảng 3 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện nay). Căn nhà nằm giữa 2 khu đất trống, gần trục đường lớn phía Đông TP.HCM. Ngoài việc cây xanh có ở khắp mọi nơi, mặt tiền và mặt sau ngôi nhà được bố trí những khối bê tông trắng. Những vật liệu này được dùng để làm chệch hướng ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào nhà, trong khi vẫn cho phép những cơn gió tự nhiên luồn vào trong, nuôi dưỡng hàng dương xỉ cùng các loài hoa dọc theo đỉnh các khối bê tông.

    Tôi tạo nên Stacking Green House với thông điệp mang lại màu xanh lá cây để bù đắp sự trong lành bị thiếu hụt ở thành phố này

    Thiết kế này sau đó nhận được nhiều giải thưởng danh tiếng nhất về kiến trúc nhà ở của thế giới như International Architect Award, giải thưởng Green Wood Design, huy chương vàng tại Festival Kiến trúc thế giới năm 2012… và được ArchDaily, website về kiến trúc có lượng truy cập lớn nhất trên thế giới lựa chọn vào danh sách 10 công trình kiến trúc tiêu biểu của năm 2012 trên toàn cầu.

    “Căn nhà xanh” nổi tiếng ở Sài Gòn được New York Times – tờ báo uy tín nhất của Mỹ, đăng bài giới thiệu. Stacking Green còn được hàng chục nhà xuất bản trên thế giới lựa chọn để in thành sách và tạp chí, như một công trình tiêu biểu về kiến trúc xanh góp phần giải quyết căn bản vấn đề nhà ống của Việt Nam.






    Ngoài Stacking Green, một căn nhà khác cũng được thiết kế miễn phí và trở nên nổi tiếng thế giới là “House for Trees”. Xây dựng trên diện tích 474,32 m2 với 5 khối nhà cũng với chi phí khoảng hơn 3 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện nay), công trình này là một hình mẫu hướng đến thay đổi tình trạng ô nhiễm không khí ngày một trở nên nghiêm trọng tại TP.HCM.

    Năm khối nhà hộp bằng bê tông được thiết kế như những cái “chậu” trồng được cây xanh trên mái của chính nó. Không gian xanh này tạo ra bầu không khí trong lành bao phủ toàn ngôi nhà trong tinh thần hòa hợp với thiên nhiên, làm giảm bớt căng thẳng cho gia chủ và hạn chế việc tiêu hao năng lượng.





    Năm 2014, “House for Trees” vượt qua hơn 200 trăm ứng viên là các đề án kiến trúc tham dự trên toàn thế giới, để giành chiến thắng 10.000 bảng Anh tại giải thưởng quốc tế danh giá AR House Award 2014. Đây là giải do tạp chí kiến trúc lâu đời Architectural Review của Anh tổ chức hằng năm và chỉ chọn ra một công trình vinh danh duy nhất.
    Nhờ 2 tác phẩm “nhà xanh” nổi tiếng ở TPHCM và một số công trình tương tự khác, Võ Trọng Nghĩa được gắn với thương hiệu:

    “KIẾN TRÚC SƯ XANH”

    Tháng 10/2015, những hình ảnh không đẹp khi đi vào sử dụng thực tế của căn nhà từng đoạt giải kiến trúc danh giá thế giới xuất hiện trên mạng. “House for Trees” cũng như Võ Trọng Nghĩa nhận được khá nhiều lời chỉ trích về việc công năng sử dụng không tốt. Thế nhưng, thay vì lên tiếng giải thích Võ Trọng Nghĩa cho biết, anh không quan tâm đến các bình luận, bài viết chỉ trích trên mạng xã hội vì ít có thời gian vào Internet.


    House for Trees hiện tại

    Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một công ty từng có thời gian dài làm việc với Võ Trọng Nghĩa cho biết:“Thiết kế của Nghĩa luôn có ưu điểm là mới, lạ và rất đẹp. Hầu hết mọi người đều thán phục về tư duy hình khối, cũng như ý tưởng độc đáo nhưng công trình thì gặp vấn đề về công năng sử dụng, mà cái này chỉ chủ đầu tư khi sử dụng mới biết” .



    Mình gần như không đi tiếp khách, nhậu nhẹt, hay cà phê ở đâu cả, chỉ ngồi ở công ty chủ trì thiết kế các công trình của khách hàng thôi



    KIẾN TRÚC SƯ TÀI NĂNG VÀ LẬP DỊ

    Tại Việt Nam, nếu tính số lượng giải thưởng thế giới về kiến trúc, Võ Trọng Nghĩa đứng vị trí số 1. Số lượng giải thưởng quốc tế qua từng năm với nhiều công trình khác nhau được thống kê chi tiết trên website công ty, và chỉ riêng năm 2015 là 16 giải thưởng thế giới (chưa kể 4 giải trong nước).
    Ngoài giải thưởng quốc tế, Võ Trọng Nghĩa cũng được nhiều hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới phỏng vấn và bầu chọn như BBC, CNN, New York Times… Năm 2014, kênh truyền hình CNN đưa Nghĩa vào danh sách Kiến trúc sư tiêu biểu và giới thiệu trong chuyên mục “Ones to Watch” - một chương trình vinh danh những tài năng, tên tuổi lớn trong thế giới văn hóa, nghệ thuật.


    Farming Kingder Garten / KTS. Võ Trọng Nghĩa

    Chưa hết, rất nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới cũng mời Nghĩa đến giảng về chủ đề “Xanh hoá trái đất bằng xanh hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị” như Đại học Colombia, Chicago, Harvard (Mỹ); Đại học Thanh Hoa, Đại học Hong Kong (Trung Quốc); Hội kiến trúc sư Úc, Newzeland; và UCL (trường về kiến trúc xếp thứ 2 thế giới của vương quốc Anh)….

    Đầu năm 2015, Nghĩa nhận lời làm Giáo sư giảng dạy thiết kế kiến trúc tại Singapore University of Technology and Design (SUTD). Đây là trường đại học công lập, chuyên về đào tạo công nghệ và thiết kế, phát triển phối hợp với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT – trường được xếp số 1 thế giới về ngành kiến trúc)



    Thế nhưng, trái ngược với danh tiếng của mình, Võ Trọng Nghĩa không có nhiều bạn bè trong giới kiến trúc Việt Nam. Một nhà thầu có thời gian làm việc với Nghĩa một thời gian dài nhận xét: “Cậu ấy rất tài năng nhưng kiêu ngạo, rất khó nói chuyện với các kiến trúc sư Việt Nam khác. Kể cả khi còn ít khách thì cậu ấy vẫn lấy giá thiết kế rất đắt. Nếu không may mắn gặp người say mê ý tưởng độc đáo về kiến trúc thì Nghĩa rất khó phát triển”.

    Trong số những công trình nổi tiếng thế giới ở thời kỳ đầu gian khó, ít khách hàng, Võ Trọng Nghĩa cũng may mắn gặp được “dân chơi” kiến trúc đúng nghĩa. Mặc những lời chê bai của người khác về Võ Trọng Nghĩa, cũng như độ phức tạp và khó khăn khi thi công, ông Trịnh Ngọc Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Hùng Vương (chủ dự án Flamingo Đại Lải Resort) vẫn đồng ý với thiết kế Nhà hàng Bamboo Wings và Trung tâm hội nghị Flamingo tại khu nghỉ dưỡng. Cả 2 công trình này sau đó gặt hái được rất nhiều giải thưởng kiến trúc trên thế giới.


    Bamboo Wings / KTS. Võ Trọng Nghĩa

    Ngoài công việc, Võ Trọng Nghĩa rất ít đi giao lưu, thậm chí cả với người trong giới kiến trúc. Mọi sức lực và mối quan tâm của anh chỉ dành cho công trình kiến trúc mà mình đang thực hiện. Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc ATEK Architects – một người quen Nghĩa, nhận xét:“Cậu ấy hơi lập dị, rất ít quan hệ với người khác. Tuy nhiên, điều này cũng có hai mặt chứ không phải đơn thuần là tiêu cực. Nhờ việc tập trung hoàn toàn vào các sản phẩm, Nghĩa sẽ tạo ra những công trình xuất sắc, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và đó chính là điều tạo nên sức hút lớn với người đam mê kiến trúc độc đáo”.

    Võ Trọng Nghĩa cũng xác nhận:“Mình gần như không đi tiếp khách, nhậu nhẹt, hay cà phê ở đâu cả, chỉ ngồi ở công ty chủ trì thiết kế các công trình của khách hàng thôi”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: “Trong một môi trường mà quan hệ là yếu tố quan trọng hàng đầu, tại sao anh lại không đi quan hệ, bởi điều này sẽ làm cho công việc thuận lợi hơn?”, Nghĩa trả lời: “Mình chấp nhận việc đó!”.

    Công việc ít hơn nhưng mình sẽ tập trung làm được những sản phẩm rất tốt thì về lâu dài sẽ tốt vì ai đến với mình cũng được phục vụ tốt

    Trên thực tế, quan điểm về mức phí quá đắt cho các thiết kế của Võ Trọng Nghĩa hay tính tình nóng nảy, kiêu ngạo của kiến trúc sư này cũng có những ý kiến khác nhau. Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Đại học FPT – người đã làm việc với Nghĩa trong một thời gian dài cho 2 công trình ở cả Hà Nội và TP HCM cho biết: “Nếu thuê một kiến trúc sư tốt thì giá trị của công trình sẽ tăng lên rất nhiều mà chi phí thực tế không đắt so với tổng kinh phí xây dựng”.

    Chủ tịch Đại học FPT nói thêm, ông cũng như ban điều hành “không cảm thấy đắt một chút nào” khi thiết kế của trường đoạt 2 giải thưởng kiến trúc Việt Nam và 2 giải thưởng kiến trúc danh tiếng thế giới (trong đó có Green Good Design Award 2016).



    Ông Tùng tiết lộ, thường thì mức phí sẽ khoảng 3% cùng lắm là lên 5% giá trị công trình, “có thể đắt hơn so với thuê kiến trúc sư khác”.Tuy nhiên, nếu thiết kế giúp tăng công năng sử dụng diện tích mặt bằng lên khoảng 5-10% nhờ bố trí hợp lý (không phải chuyện khó) thì bản thân chủ đầu tư đã tiết kiệm được 5-10% chi phí để bù lại. “Đây là chưa kể đến việc tư vấn sử dụng vật liệu, cách xây dựng hợp lý thì thực ra phí thiết kế không phải là vấn đề”, Chủ tịch Đại học FPT nhận xét.

    Về tính tình khó gần, kiêu ngạo của Võ Trọng Nghĩa, ông Tùng cho biết: “Tôi thì thấy bình thường. Nghĩa cũng chia sẻ là trước đây rất nóng tính nhưng giờ nhờ có thiền nên cậu ấy đằm hơn”


    THỜI ĐIỂM BÙNG NỔ VÀ “CUỘC SỐNG TỐI GIẢN, KHÔNG CÓ GÌ ĐỂ MẤT”

    Năm 2015, cùng với việc liên tiếp đoạt các giải thưởng quốc tế về kiến trúc, những đơn đặt hàng gửi tới công ty của Nghĩa (cả trong nước và quốc tế) cũng tăng vọt và không có khả năng để đáp ứng đủ. Anh tiết lộ, vào tháng 10/2015, công ty có 40 kiến trúc sư mà phải quản lý tới hơn 50 dự án lớn nhỏ. Trong số đó, các dự án lớn đều mang thương hiệu “xanh” gồm có: Sheraton Phú Quốc, Diamond Lotus, Đại học FPT… “Đó là những công trình xanh, tiết kiệm năng lượng và hài hòa với thiên nhiên”, Nghĩa chia sẻ.

    Tuy nhiên, đúng thời điểm cần phát triển bùng nổ, Võ Trọng Nghĩa lại giảm mạnh số lượng kiến trúc sư trong công ty. Nếu trước đó, con số là gần 60 thì đến giữa tháng 10/2015 chỉ còn 40. Giải thích về điều này, anh nói: “Giảm vì chúng tôi đang rất cần tăng. Vì rất cần tăng nên cần người cốt lõi, tinh nhuệ. Trong số đó, một số người có năng lực nhưng lại không thể đi thiền vì lý do gia đình chẳng hạn thì cũng nghỉ”.
    Càng rất vội thì càng phải từ từ. Nếu cần nhanh, tốc độ như tên lửa thì phải bình tâm như không có gì, chứ cứ vội vàng thì sẽ thất bại. Muốn to trước hết phải nhỏ lại một chút
    Trả lời câu hỏi: “Đi làm kinh doanh mà không chịu quan hệ, chỉ tập trung vào chuyên môn; khi đã trở thành kiến trúc sư nổi tiếng thế giới rồi, làm công ty đã 9 năm mà vẫn ‘nghèo’ có phải do anh lãng mạn không cần thiết hay không?” Võ Trọng Nghĩa khẳng định: “Không phải!”
    “Khi tôi đến bảo tàng Toyota ở Nhật để xem quá trình chế tạo ra một chiếc xe ôtô thì thấy họ phải mất nhiều năm. Lúc ngân hàng đến và chuẩn bị kéo sập công ty đó thì họ bảo: ‘Bình tĩnh! Xe Crown của chúng tôi chạy vòng quanh thế giới mà không hỏng’. Lúc đấy mới phát triển bùng nổ được. Tư bản họ làm kiểu đó chứ không phải ăn liền được đâu”

    Võ Trọng Nghĩa nói thêm, anh coi 9 năm làm việc vất vả, tiền thiết kế phí không đủ trả lương cho nhân viên là giai đoạn đầu tư, giúp “xe Crown chạy vòng quanh thế giới mà không hỏng” và “không cần phải vội vàng”.


    KTS. VÕ TRỌNG NGHĨA


    Hằng ngày, nếu không phải đi công tác, Võ Trọng Nghĩa dậy sớm, chơi với con, ăn sáng ở nhà rồi đến văn phòng và mang theo cơm hộp để ăn trưa ở công ty, tối về nhà ăn cơm. “Mình không đi tiếp khách, không ra ngoài ăn tiệm. Thì có tiền đâu, kiến trúc sư nghèo mà (cười)” Anh cho biết thêm: “Mình không coi tivi tuyệt đối, cũng ít mở máy tính xem mạng vì không có thời gian”.


    Bữa trưa của KTS. Võ Trọng Nghĩa

    Cuộc sống của mình cũng tối giản hết cỡ để không có gì để mất. Khi không có gì để mất thì chẳng bao giờ làm sao cả

    Tại công ty, Võ Trọng Nghĩa không có phòng riêng mà chỉ có chiếc bàn làm việc được thiết kế thêm một cái rèm. Khi cần thiền, riêng tư, vị giám đốc chỉ cần kéo rèm xuống. Sau nhiều năm vật lộn với khó khăn trong kinh doanh,“chịu đói, chịu khổ để chờ cơ hội phát triển bùng nổ”, Võ Trọng Nghĩa muốn giữ mọi thứ thật đơn giản.


    By: Hoàng LyPhotographs by: Vivian - Hải An - Vo Trong Nghia Architects | Designed by: 7pm | Developed by: sondtTheo Trí thức trẻ
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Làm việc Thiện xin đừng nghĩ đến Thua - Thiệt
    By nguyenkhoa85 in forum Đạo Phật
    Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 21-06-2013, 03:57 PM
  2. Phim hay ý nghĩa về sự thiện lành
    By Minhsonngocly in forum Phim ảnh
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 14-04-2012, 11:08 PM
  3. em xin đóng góp chút cảm nghĩ về thiền
    By phậttạitâm in forum Đạo Phật
    Trả lời: 1
    Bài mới gởi: 10-03-2012, 06:01 PM
  4. Mình mơ thấy Rùa thiêng đến gặp nghĩa là sao?
    By arcJack in forum Hỏi Đáp, Tư Vấn
    Trả lời: 10
    Bài mới gởi: 05-11-2010, 04:36 PM
  5. Ý Nghĩa Thờ Thiên Nhãn
    By Tourism Manager in forum Sách Tôn Giáo
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-08-2008, 12:58 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •