Lộ trình tâm là một mục tiêu cơ bản của Thiền Tuệ. ( Bao gồm: Sắc pháp, Lộ trình tâm, Tổ hợp sắc, Tâm sở, Tâm hiệp thế và các nhân của chúng, Ngũ Uẩn và Tam giải thoát môn).
Lộ trình tâm là khái niệm quan trọng để tiếp cận bản chất của nhiều vấn đề lý luận cũng như đường lối thực hành cốt lõi.
Lộ trình tâm, do vậy, có thể gián tiếp trở thành căn cứ đánh giá năng lực tu chứng của hành giả.
Một Lộ trình tâm của người bình thường có 13 sát-na tâm tiếp nối. Mỗi sát-na tâm gồm ba giai đoạn: sinh, trụ và diệt. Vào mỗi thời điểm chỉ có một sát-na tâm hiện hữu, tuy nhiên do Lộ trình tâm diễn ra chóng vánh và liên tiếp như sóng dồn nên ta không thể nhận thức, phân tích và giám sát chúng.
Toàn bộ diễn trình này xảy ra trên nền tảng của Tâm Hộ kiếp – Bhavanga (Luồng Hộ kiếp hay Tâm Hữu phần). Bhavanga là nền tảng để các sát-na tâm tiếp nối với nhau thành Lộ trình tâm nên nó duy trì Danh. Trong (trạng thái) Niết Bàn vì không có Danh, Sắc nên cũng không có Bhavanga. (Có nhiều trường hợp sau khi ngồi Thiền thấy tâm bình lặng là rơi vào trạng thái tâm thức nền tảng này nhưng lại ngộ nhận cho rằng đó là đích đến!)
Đối tượng của Bhavanga thì ổn định trong suốt kiếp sống. Nó chính là Tốc hành tâm cận tử của kiếp sống trước. Điều này là rất quan trọng vì nó quyết định xu hướng hành nghiệp cũng như động cơ và toàn bộ hành trình của một người. Tiếc rằng hầu như không mấy ai thấu tỏ đối tượng của Bhavanga của mình trong kiếp sống này là gì. Cũng có nghĩa rằng họ không biết họ sinh ra trên đời để làm gì?!
Điều này cũng rất quan trọng trong việc soi sáng cho lý luận về hiện tượng chứng đắc nhanh chóng trong cảnh giới Phạm Thiên Sơ Thiền vào lúc chết của một người đã khởi Pháp Thắng Trí như trong Kinh Người Nghe Kinh mô tả.
Điều này cũng rất quan hệ trong việc phủ định khái niệm về thân Trung Ấm (Bardo Thodol)… Tuy nhiên đó là tranh luận nằm ngoài phạm vi của trao đổi về Lộ trình tâm.
Khi một sự kiện khởi lên, Dòng Hữu phần sẽ bị rung động và thoát ra khỏi trạng thái “chạy nền”. Đó gọi là Tâm Hữu phần rung động (Bhavanga Calana) dẫn đến Tâm Hữu phần đứt dòng (Bhavanga Upaccheda).
Do Tâm Hữu phần đứt dòng nên một sát-na tâm mới xuất hiện hướng tới sự kiện vừa khởi lên, đó là Ý môn hướng tâm. Tâm này hướng dẫn các căn và trần tiếp xúc với nhau. Ví dụ mắt hướng tới vật, tai nghe âm thanh… Vì tâm này đánh thức các giác quan nên còn được ghép vào khái niệm Ngũ môn hướng tâm (Panca dvara vajjana). Ngũ môn ở đây là trỏ “năm cửa” tức các giác quan, ngoại trừ Ý căn (Ý môn).
Thoạt đầu các căn tiếp cận sự kiện khởi lên như một đánh giá độc lập. Đây gọi là Tiếp thọ tâm (Sampaticchana).
Tiếp theo là quá trình so sánh, đánh giá dựa trên những kinh nghiệm trong quá khứ hoặc ghi nhớ nếu chưa có kinh nghiệm nào. Đây gọi là Suy đạc tâm (Santirana).
Bởi Suy đạc tâm chấm dứt nên sẽ khởi Quyết định tâm (Vonhapana) và chuỗi bảy Tốc hành tâm (Javana) đi theo ngay đó. Cuối cùng là hai chập Tâm Thập di (Tadarammana) để phản khán, liên hệ, đánh giá trở lại toàn bộ sự kiện trước khi trở lại trạng thái nền tảng của Tâm Hữu phần.
Toàn bộ diễn trình trên là Lộ trình tâm. Tuy nhiên có một tham dự đặc biệt chưa được liên hệ rõ ràng đó là sự tham gia của Ý môn. Kể từ tiếp xúc giữa các căn với trần, ý môn sẽ tiếp nhận thông tin và tiến hành so sánh, đánh giá, khái quát, liên hệ và ghi nhớ. Tất cả được liên hệ chặt chẽ bởi Tưởng.
Ý môn cảm nhận, đánh giá và liên hệ là khởi đầu của quá trình nhận thức thực sự. Nếu Ý môn nhận thức trong Vọng Tưởng thì bắt đầu khởi động quá trình Vô Minh sinh Hành (Nghiệp) hay nói vắn tắt là Nghiệp chuyển theo hướng tiêu cực.
Vọng Tưởng phổ biến là tưởng tri một đối tượng là thường, lạc, hữu ngã… Ngược lại nếu nhận thức một pháp (đối tượng dưới con mắt Tuệ) là vô thường, khổ, vô ngã…thì hành giả đạt được Pháp Thắng Trí. Hiển nhiên điều này là rất lợi lạc!
Quay lại với Lộ trình tâm… Vì Ý môn hợp tác chặt chẽ với ngũ căn (chính xác hơn là giám sát ngũ căn) nên Ý môn hướng tâm sẽ được xác lập trước chuỗi Tốc hành tâm. Mặt khác Ý môn hướng tâm cũng có thể xuất hiện độc lập mà không cần có sự tham gia (đánh thức) của các giác quan còn lại nên một mình nó cũng có thể “khởi động” một chuỗi Tốc hành tâm và Thập di tâm. Tương tác thực sự giữa chủ thể và khách thể bắt đầu xảy ra tính từ chuỗi Tốc hành tâm. Vì vậy mà nói rằng sự ô nhiễm các căn bắt đầu tính từ Tốc hành tâm trở đi…
https://sanatana.vn/