Đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình , những ai được nhiều quyền lợi hơn mình.
Tâm đố kỵ rất nguy hiểm . Người nào không thoát được tâm này thì ba đường ác sẽ mở ra, không biết ngày nào sẽ kéo mình đi xuống. Vì tâm đố kỵ nguy hiểm như vậy nên chúng ta không được coi thường.
Dấu hiệu dễ thấy nhất của tâm đố kỵ là thái độ khó chịu khi thấy người khác hơn mình. Ví dụ, trong lớp học, thấy có người học giỏi hơn mình, được nhiều điểm tốt hơn mình, chúng ta cảm thấy khó chịu. Khi sự khó chịu làm chúng ta bực bội, cảm thấy ghét người kia thì đó chính là đố kỵ. Tất nhiên, khi lòng có sự bực bội nghĩa là trong tâm đã tiềm tàng sự đố kỵ.
Thù ghét người hơn mình là một tâm vô cùng bất thiện, thậm chí có thể gọi là ác tâm,và hậu quả của nó cũng thật khủng khiếp.
Theo định nghĩa thì đố kỵ là thù ghét những ai hơn mình. Vậy những cái hơn đó là gì?
Cái hơn thứ nhất là về tài năng. Tài năng là điều làm cho người ta hay ganh tỵ với nhau. Vì tài năng thường đem lại danh dự, đem lại thành công cho con người. Và tất nhiên, thành công đó cũng đem lại lợi ích về vật chất. Vì vậy, nếu ai đó hơn mình về tài năng, tự nhiên chúng ta cảm thấy người đó có danh tiếng hơn mình, uy tín cũng hơn mình, sự thành công cũng vượt hơn, có ảnh hưởng lớn hơn và sẽ thu hoạch được vật chất nhiều hơn. Trong khi đó, tâm lý sâu thẳm của con người là chỉ muốn hơn chứ không bao giờ muốn thua kém người khác cho nên nảy sinh tâm đố kỵ.
Sự đố kỵ thường xảy ra với những đối tượng cùng trang lứa. Khi đang còn đi học, chúng ta không đố kỵ với thầy cô vì họ là những người đi trước, có giỏi hơn cũng là điều đương nhiên. Lúc này, chúng ta chỉ ganh tỵ với những bạn đồng học nhưng hơn mình. Khi lớn lên, được giữ chức vụ gì đó, chúng ta bắt đầu ganh với lớp người ngang với mình. Với lớp đàn em, chúng ta không còn để ý ganh tỵ trừ những người học sau, đến sau mà tỏ ra giỏi hơn, tỏ ra qua mặt mình.
Ngoài đời, người ta sống chết, tranh giành hơn thua với nhau từng ly, từng tí và tạo thành những nghiệp khủng khiếp. Trong một đất nước cũng vậy, nếu con người có tâm hẹp hòi, hay đố kỵ lẫn nhau thì đất nước sẽ suy yếu, không tập hợp được sức mạnh.
Nhìn vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Những năm tháng đất nước bị ngoại xâm, toàn dân có chung một kẻ thù nên cùng chung lưng đấu cật, góp sức người sức của đấu tranh chống kẻ thù, giành lại giang sơn xã tắc. Nhưng khi đã đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi, con người bắt đầu quay lại tranh giành quyền lực, ganh tỵ, chống đối lẫn nhau. Đó là tâm đố kỵ. Chính tâm đố kỵ này đã làm cho con người không tập hợp được sức mạnh để xây dựng đất nước ngày càng phát triển, ngược lại còn làm cho đất nước thêm suy yếu.
Nói ra điều này càng thêm buồn lòng nhưng đây là một sự thật. Người Việt Nam chúng ta còn bị tâm đố kỵ rất nặng nề. Hễ thấy ai giỏi hơn là cảm thấy khó chịu, đố kỵ, ganh ghét và tìm cách chỉ trích, chống đối, mưu hại lẫn nhau, triệt hạ lẫn nhau. Cứ như vậy, bản thân người hay đố kỵ đã không làm gì được nhưng người có tài cũng không phát huy được năng lực của mình. Đất nước, vì thế cũng không phát triển được.
Trong khi đó, cũng là con người như chúng ta nhưng châu Âu lại có sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật rất cao, xây dựng được những công trình vĩ đại. Sở dĩ như vậy vì tư tưởng của họ rất thoáng. Một phát minh khoa học có thể là kết quả lao động miệt mài, tận tụy của nhiều nhà khoa học. Hoặc có thể đó là sự kế tục công trình của người đi sau đối với người đi trước. Điểm hạn chế của chúng ta là không phát huy được sức mạnh trí tuệ của nhiều nguời. Khi gian khổ có thể chung tay góp sức, đồng tâm hiệp lực nhưng khi yên bình, sung sướng lại đấu đá, giành giật với nhau.
Có những vấn đề mà mười người không thông minh bàn mãi, bàn mãi cũng không giải quyết được. Nhưng những người thông minh thật sự, khi hợp lại, bàn với nhau thì sẽ phát hiện ra được nhiều điều rất độc đáo mà một mình họ không nghĩ ra. Có những trường hợp chỉ cần một người giỏi thôi cũng giải quyết được tất cả, những người khác cứ thế làm theo. Trong khi đó, nhiều người họp bàn với nhau lại không đem lại hiệu quả vì không biết tôn trọng ý kiến của nhau.
Ngược lại, nếu có tài mà cứ ganh tỵ với nhau vì cá nhân mình, không những chúng ta làm cho tài năng của mình và người bị giảm bớt mà còn gây thiệt thòi cho tập thể. Như vậy, chẳng những không ai được phước lại còn mang nặng nghiệp.
Một yếu tố nữa khiến người ta có thể ganh tỵ với nhau là tiền bạc.
Chẳng hạn, lâu nay mình sống trong ngôi nhà hai tầng sang trọng, bề thế không nhà nào sánh được. Bỗng nhiên, một hôm bên cạnh mọc lên ngôi nhà ba tầng sừng sững. Từ đó, đi ra đi vào chúng ta cảm thấy khó chịu vì nhà mình thấp hơn. Tất nhiên, việc người ta xây ngôi nhà ba tầng lầu như vậy chẳng ảnh hưởng gì đến mình, chẳng làm mình thiệt thòi điều gì. Nhưng cảm giác khó chịu xuất hiện là do bản thân mình cảm thấy bị mất thể diện. Đó là tâm hơn thua của con người.
Điều thứ ba để con người ganh tỵ với nhau nữa là địa vị. Ở ngoài đời, vấn đề này có thể làm cho con người giành giật lẫn nhau bất kể sống chết. Vì địa vị, chức vụ, người ta có thể giết hại lẫn nhau.
Sự ganh ghét, đố kỵ về địa vị dễ khiến con người nảy sinh những suy nghĩ, những hành động bất thiện.Ví dụ khi đang giữ chức phó gì đó, người ta hay cầu mong người trưởng gặp bất trắc để mình được thăng tiến. Vì vậy, nhiều khi thấy người trưởng gặp nạn, họ không nói ra nhưng trong bụng mừng thầm. Hoặc có khi ngấm ngầm cầu cho người ta bị mất, đừng tồn tại nữa. Tuy không khởi thành hành động, cũng không thành lời nói, chỉ ngấm ngầm ở trong tâm, nhưng đó là tâm ác độc. Tất cả những điều đó đều xuất phát từ tâm đố kỵ, hơn thua, tranh giành quyền lợi với nhau.
Có một người kể rằng, khi còn đi học, vì là người học giỏi, thường giúp đỡ bạn bè nên người đó bị người khác (lúc bấy giờ là lớp trưởng) ganh ghét và tìm cách hãm hại. Người ta vu khống đủ điều khiến người này cũng bị khốn đốn một thời gian. Nhưng về sau, gần hai mươi năm trôi qua, khi người này đã đi tu, tình cờ đọc báo và biết rằng người bạn cùng lớp năm xưa nay là công an đã bị bắt, bị kết án mười sáu năm tù vì vi phạm pháp luật nặng nề. Ngày xưa, anh ta lúc nào cũng mưu hại để người khác phải vào tù. Bây giờ bản thân anh ta phạm tội nặng phải chịu cảnh tù tội. Phải chăng, lòng đố kỵ đã hại con người nặng nề như vậy ?
Có khi chúng ta cũng gặp nhiều sự đố kỵ, xỉa xói của người đời khi chúng ta đem khả năng mình đóng góp nhiệt tình vào việc chung. Nếu không vững tâm, có khi ta sẽ dao động, sợ hãi và lui bước. Vì tránh né sự đố kỵ của người mà ta đành phải hủy bỏ công đức, cũng là một sự thất bại. Chúng ta nên quan niệm rằng nếu đóng góp được, chúng ta cũng nên nhiệt tình đóng góp, miễn đừng tự cao, đừng vì danh lợi. Vì người khác có thể có sự đố kỵ nên chúng ta cẩn thận, đề phòng, đừng gây sự khó chịu cho người chung quanh khi ta đóng góp được nhiều cho cộng đồng. Còn riêng trong tâm, lúc nào chúng ta cũng mong có được nhiều người hơn mình, không bao giờ muốn tranh giành bất cứ điều gì với ai để tránh đi ý niệm đố kỵ.
Nếu ai cũng biết đem khả năng của mình ra đóng góp thì cộng đồng này, xã hội này hay Phật pháp sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Nhưng chính vì còn tồn tại những điều đố kỵ nên nhiều người không dám bộc lộ khả năng của mình. Đó cũng là điều bất lợi, điều thiệt thòi cho tất cả mọi người, cho Phật pháp. Sống trong môi trường có quá nhiều đố kỵ, hơn thua, chỉ có những người can đảm mới không sợ sự ganh ghét, đố kỵ, mạnh dạn đem khả năng của mình ra cống hiến cho xã hội, cho Phật pháp.
Có lẽ trong hai cách sống- im lặng, không làm gì để tránh sự đố kỵ và can đảm chấp nhận đố kỵ - chúng ta nên chọn cách sống thứ hai. Vì nếu cứ cảm thấy khó chịu khi đụng chạm với người xấu, nếu cứ sợ bị ganh ghét đố kỵ mà chúng ta bỏ cuộc thì xã hội này sẽ rơi vào tay những người xấu, rất nguy hiểm. Những người quân tử, những người tốt thường mắc phải bệnh này. Vì vậy, sống trong môi trường hơn thua, đố kỵ, ganh tỵ đủ điều, chúng ta cố gắng trụ lại, cố gắng chịu đựng để có thể đóng góp được nhiều điều tốt cho đất nước.
Một nguyên nhân nữa cũng khiến cho người ta đố kỵ là danh tiếng. Chúng ta vẫn biết danh tiếng là cái rất hão huyền nhưng người ta vẫn cứ tranh giành, hơn thua, đố kỵ với nhau.
Sở dĩ người ta chấp ghê gớm và giành giật với nhau về danh tiếng vì họ chưa đủ trí tuệ để thấy được nó là hão huyền.
Tùy mức độ những người bằng mình hay hơn mình mà tâm đố kỵ xuất hiện . Ở mức độ thấp (khi còn là học sinh), nếu có tâm đố kỵ hơn thua cũng chỉ ganh tỵ hơn thua với nhau trong vấn đề học hành. Khi lớn lên ra làm việc, tùy theo mức độ, phạm vi làm việc mà người ta ganh tỵ nhau. Ví dụ, nếu nổi tiếng ở mức độ làm việc trong tỉnh, chúng ta không ganh tỵ với những người nổi tiếng ngoài tỉnh, nổi tiếng cả trong nước, mà chỉ ganh với người trong tỉnh. Khi tiếng tăm đã lớn đến tầm quốc gia, đất nước thì chúng ta bắt đầu ganh tỵ với những người nổi tiếng ở mức độ cả nước, còn người trong tỉnh chúng ta không còn quan tâm, ganh tỵ nữa. Đến khi nổi tiếng khắp thế giới, chúng ta lại không ganh tỵ với người trong nước mà ganh tỵ với những người nổi tiếng cả thế giới như mình….
Bạn lữ cũng là yếu tố làm cho con người đố kỵ với nhau. Khi thấy người khác đươc nhiều bạn trong khi mình chẳng có ai quan tâm, thăm hỏi, chúng ta ngấm ngầm bực bội. Đó cũng là đố kỵ.
Ở đây chúng ta phải hiểu rằng, người được nhiều người mến đều có nguyên nhân. Đó là cái phước, cái duyên với chúng sinh. Có thể đời trước họ có duyên với nhiều người nên bây giờ người ta cứ tìm đến. Còn chúng ta, có thể kiếp trước thích ẩn tu nên bây giờ ít ai biết đến. Nếu không biết nguyên nhân, chúng ta sẽ sinh lòng đố kỵ. Khi có ai hỏi đến họ, chúng ta sẽ tỏ thái độ bực bội hoặc nhiều khi nói xấu, chỉ trích. Đây là điều rất nguy hiểm.
Một yếu tố nữa cũng khiến người ta ganh tỵ với nhau là nhan sắc. Điều này ít xảy ra ở người nam nhưng lại phổ biến ở người nữ.Trong một lớp học,một người khá tốt tính nhưng vẫn bị tẩy chay,cô lập,không ai chơi cùng,không phải vì người đó tồi tệ gì,mà chỉ vì người đó quá đẹp.Ghen ghét là như vậy
Vậy, nguyên nhân làm cho tâm đố kỵ xuất hiện là gì?
Nguyên nhân là do ngã chấp. Tất cả mọi phiền não, lầm lỗi của con người đều xuất phát từ chấp ngã ban đầu.
Tuy nhiên, chấp ngã chỉ là nguyên nhân chung. Thật sự, ngoài chấp ngã còn có nhiều nguyên nhân khác. Chấp ngã phát sinh ra nhiều bệnh, trong đó có bệnh tự tôn. Đây là bệnh rất kỳ quái. Nó không phải là kiêu mạn. Kiêu mạn là dựa vào một ưu điểm của mình để thấy mình hơn người và có cảm giác thích thú bởi việc hơn thua đó. Còn tự tôn là tự cho mình hơn mọi người mặc dù chính mình không có điểm gì đặc biệt. Chúng ta thường bắt gặp trường hợp này nơi những người không có tài năng, danh vọng, tiền bạc nhưng luôn thích làm ra vẻ quan trọng, lúc nào cũng thấy mình hơn người khác.
Vì không muốn thua ai, nhưng không có cách nào để hơn người nên người này hay xuất hiện tâm lý thù ghét những ai hơn mình. Sở dĩ như vậy vì họ sợ bị thua thiệt, mất quyền lợi, mất ảnh hưởng. Đây cũng là vị kỷ.
Như vậy, chấp ngã đưa đến tự tôn (không muốn thua người khác)và vị kỷ (muốn có quyền lợi hơn người khác). Tự tôn cộng với vị kỷ sẽ đưa đến đố kỵ (thù ghét những người hơn mình).
Cũng có trường hợp kiêu mạn dẫn đến đố kỵ. Vì kiêu mạn, chúng ta nghĩ rằng mình hơn tất cả mọi người nhưng khi có người giỏi hơn xuất hiện, chúng ta sinh lòng đố kỵ, thù ghét họ. Hiểu được điều này, chúng ta cố gắng sống một đời vị tha, thương yêu tất cả mọi người, không tự tôn, không kiêu mạn, lúc nào cũng thấy mình thấp bé để tâm đố kỵ không xuất hiện.

ĐỐ KỴ KHIẾN NGƯỜI TA GÂY NHÂN XẤU NẶNG NỀ.
Việc đầu tiên mà người có tâm đố kỵ hay làm là thích chỉ trích để hạ uy tín của người giỏi, người làm được việc.
Ví dụ, nghe người ta khen thầy nào đó giảng hay, được nhiều Phật tử mến mộ, chúng ta liền chỉ trích, nói xấu. Có thể người ta chưa tin ngay điều mình nói nhưng niềm tin, lòng kính trọng đối với vị thầy kia phần nào sẽ bị giảm sút. Khi đến nghe Pháp, họ không còn nghe trọn lòng nữa. Như vậy, sự chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau sẽ làm thóai tâm nhiều người khác. Đó là điều rất tai hại.
Hậu quả của tâm đố kỵ rất nặng nề nhưng nhân quả rõ nhất là chúng ta sẽ mất tâm đạo. Có người kiếp trước từng tu rất tốt nhưng bây giờ mất hết đạo tâm, không tu hành được nữa, sống không nhà, không cửa, không vợ con, lang thang hết nơi này đến nơi khác… Đó là nhân quả của việc nói xấu người khác, nói xấu những vị Tôn túc, làm cho Phật tử thoái tâm.
Vì lời chê bai, chỉ trích làm người ta chia rẽ, làm Phật tử thóai tâm, góp phần làm cho Phật pháp suy tàn nên chúng ta không nên nói xấu chỉ trích, ngược lại cần phải khen nhiều hơn. Ví dụ, khi Phật tử đến thăm chùa, chúng ta nên khen các thầy trong chúng. Nếu họ có hỏi về thầy nào, chúng ta cũng tìm những hạnh tốt để khen. Tất nhiên, sống trên đời không ai tránh được khuyết điểm, nhưng chúng ta tránh nói khuyết điểm, chỉ nói ra những ưu điểm nhằm giúp Phật tử tăng thêm tín tâm với đạo. Vì trong chùa có nhiều người tốt, người ta sẽ tin Phật pháp là tốt đẹp. Hơn nữa, những lời khen ấy cũng tạo thành phước rất lớn cho chúng ta.
Những người làm giảng sư rất dễ có phước vì khi giảng, thế nào họ cũng ca ngợi Đức Phật, ca ngợi các vị Thánh. Một lời họ nói ra không phải chỉ một hai người nghe mà rất nhiều người nghe. Do đó, phước họ có được là vĩnh viễn, đời đời. Lời khen rất dễ có phước. Nhưng nếu người giảng sư đứng trên bục giảng cứ công kích người này, nói xấu nguời kia thì sẽ bị tổn phước, không còn giảng được nữa, không còn tiếng tăm uy tín nữa. Những người viết sách cũng vậy. Viết sách ca ngợi Phật, ca ngợi chư Tăng, họ sẽ được đời đời hưởng phước. Nói chung, phước khen ngợi Đức Phật có thể kiếp sau mới được hưởng nhưng nghiệp chê người này, chỉ trích người kia chúng ta sẽ bị đọa ngay trong hiện tại.
Việc hay chỉ trích, công kích, chê bai không những làm cho chúng ta tổn phước, làm thoái tâm những người khác mà tai hại hơn nữa còn khiến Phật pháp (điều tốt) không phát triển được. Phật pháp phát triển được hay không là do sự phát tâm của từng người, từng ngôi chùa, từng đạo tràng. Nếu mỗi người thoái tâm một chút, nếu mỗi người cứ đố kỵ, chỉ trích để triệt hạ uy tín lẫn nhau, chúng ta sẽ không phát huy được sức mạnh và làm cho Phật pháp suy tàn.
Cộng với tâm ác độc, người đố kỵ có thể mưu hại người khác một cách hèn hạ. Ngoài đời, ác tâm của con người thật kinh khủng. Vì tranh hơn thua với nhau, họ sẵn sàng dùng bất cứ thủ đoạn gì để giết hại nhau.
Ở mức độ nhẹ hơn, người có tâm đố kỵ thường quấy phá lặt vặt nhằm hại người khác. Ví dụ, cùng học với nhau, nhưng thấy người kia học giỏi hơn thì lén giấu sách vở,hay cố ý bật nhạc thật to,để người đó không tập trung học được
Trong Góp nhặt cát đá có câu chuyện về người mù và Thiền Sư Bankei. Thiền Sư Bankei dạy đạo ở một ngôi chùa. Trước cổng chùa có một người mù. Tuy không nhìn thấy nét mặt của người khác nhưng người mù có cái tai rất nhạy và chỉ cần nghe tiếng nói, ông có thể đánh giá được tâm trạng người khác, biết họ thật tình hay không. Ông từng nói: “Khi nghe một người khen sự thành công của người khác, tôi cũng nghe được cái bí mật trong lòng họ, đó là một sự ganh tỵ. Khi nghe một người chia buồn với nỗi đau khổ của người khác, tôi vẫn nghe được trong tâm họ cái bí mật của một sự vui mừng hả hê.” Ông nói: “Chỉ có Thiền Sư Bankei khi khen ai một điều gì, hay chúc mừng ai một điều gì, tôi nghe trọn lòng chân thành, sự vui mừng của Ngài. Khi nghe Ngài tỏ sự buồn bã đối với nỗi buồn của ai, tôi nghe trọn vẹn cái nỗi buồn như thế”.
Vì tu thiền kiểm soát được tâm vững chắc, kỹ lưỡng nên Thiền Sư Bankei có lòng thương người rất chân thành, không đố kỵ. Câu chuyện nhằm khen ngợi đức tính ấy của ông.
Cái tâm của con người là như vậy. Thấy người nào thua kém mình thì vui mừng, thấy ai hơn mình dù bên ngoài giả vờ mở miệng khen nhưng trong lòng vẫn có sự bực bội. Hoặc thấy người hơn mình gặp khó khăn hoạn nạn,trong tâm lại vui mừng một cách lộ liễu hoặc thầm kín.Đó là tâm bí mật của con người.
Từ trong thâm sâu, chúng ta phải cố gắng kiểm soát tâm để khi thấy sự thành công của người khác, chúng ta xem như đó là thành công của chính mình; trước niềm vui của người khác, chúng ta cũng vui như chính niềm vui của mình. Vì vậy, trong bài Khấn nguyện chúng ta vẫn tụng hằng ngày có đoạn:
Xin cho con sung sướng
Khi thấy người thành công
Hoặc gây tạo phước lành
Như chính con làm được
Chúng ta tụng như vậy là để diệt lòng đố kỵ, khởi được tâm tùy hỷ trước sự thành công của người khác.
Tâm đố kỵ có quả báo rất kinh khủng.
Trong cuộc sống, những người hay đố kỵ phải chịu nhiều quả báo. Nếu không có tài năng, luôn ganh tỵ với người giỏi hơn, đời sau chúng ta sẽ không có tài năng. Thấy ai thành công, chúng ta chỉ trích, bực bội thì đời sau, thành công sẽ không đến, làm gì cũng thất bại. Bởi vậy, những người làm việc hay thất bại thường do nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có nguyên nhân do đời trước có tâm đố kỵ nặng quá.
Ngoài ra, người có tâm đố kỵ còn chịu một quả báo nữa là bị thân quyến bỏ rơi. Vì chỉ trích nói xấu cho người ta bỏ nhau, ghét nhau thì chúng ta sẽ chịu quả báo sống cô đơn, bị người thân ghét bỏ. Và quả báo nặng hơn nữa là bị đọa ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh.
ĐỀ PHÒNG TÂM ĐỐ KỴ.
Tâm đố kỵ đem lại quả báo khủng khiếp như vậy nên chúng ta phải đề phòng, đừng để nó khởi phát. Nhưng đề phòng tâm đố kỵ bằng cách nào?
Đối với những bạn cùng lớp, cùng trường và nhất là cùng trình độ với nhau, lúc nào chúng ta cũng chân thành cầu mong mọi người hơn mình. Nếu lỡ học kém, chúng ta cũng cầu mong cho mọi người mãi mãi hơn mình. Như thế, chúng ta sẽ có phước và dần dần sẽ học giỏi hơn. Nếu lúc nào cũng muốn hơn người, chúng ta sẽ ngày càng kém sút.Nhân quả là như vậy
Khi thấy người khác được nhiều người yêu mến ,chúng ta đừng phủ nhận mà phải tìm thấy ưu điểm nào đã khiến họ được như vậy. Có thể họ có phước gì đó trong quá khứ và ưu điểm gì đó trong hiện tại.Tìm những ưu điểm của bạn để chúng ta học hỏi, tuyệt đối không được chê bai, dè bỉu.
Trường hợp huynh đệ mình có uy tín, được người lớn giao nhiệm vụ ,chúng ta phải tận tình phụ giúp để huynh đệ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chúng ta đừng vì ganh ghét mà lén lút phá đám.
Gặp người giỏi hơn,đạo đức hơn,chúng ta hoan hỷ và thật lòng kính trọng.
Đối với những người kém hơn, chúng ta không coi thường mà tận tình giúp đỡ để họ tiến bộ. Thâm tâm chúng ta phải lúc nào cũng mong cho mọi người tốt hơn mình.Nhân Quả là như vậy,mình cứ giúp mọi người giỏi,mong mọi người giỏi hơn mình,thì quả báo trở lại là chính mình sẽ rất giỏi.
Đối với những vị tu có kết quả tâm linh, chúng ta phải chân thành kính trọng. Vì đó chính là những vị Thánh của cuộc đời, là chỗ dựa cho chúng sinh.Nếu kính trọng các vị Thánh, sau này chúng ta cũng sẽ đạt được nhiều điều tốt lành.
Mặt khác, chúng ta phải giới thiệu những vị có Tài Đức cho nhiều người biết để cùng học hỏi. Chẳng hạn, bác Hai Như Sanh là người Hòa Hảo nhưng sách Bác viết rất hay và sâu sắc.Khi chân thành ca ngợi cái hay của người khác, chúng ta sẽ góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp và đoàn kết hơn.
Đối với những người có chức vụ cao hơn mình, chúng ta cố gắng phụ lực để giúp họ làm tròn trách nhiệm. Tận trong thâm tâm, chúng ta không mong cầu tiền bạc, địa vị, danh tiếng … vì tất cả chỉ là hư ảo. Vì không mong cầu nên chúng ta không có cảm giác bị đụng chạm quyền lợi với ai và không nảy sinh lòng đố kỵ khi thấy người khác hơn mình.
Nói tóm lại, tâm đố kỵ rất đáng sợ. Vì vậy, chúng ta phải thương yêu mọi người chân thành, lúc nào cũng mong mọi người hơn mình. Đó là những nguyên tắc để diệt trừ tâm đố kỵ.

sưu tầm