kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Chuyện về tỷ phú Nguyễn Sơn Hà trong thời kỳ đất nước khó khăn

  1. #1

    Mặc định Chuyện về tỷ phú Nguyễn Sơn Hà trong thời kỳ đất nước khó khăn

    Chuyện rút nhẫn kim cương, hiến 10.5kg vàng của doanh nhân đất Cảng

    26/10/2018 1300 GMT+7

    Trong Tuần lễ vàng tháng 8/1945, doanh nhân Sơn Hà không ngần ngại rút chiếc nhẫn quý gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Theo cụ: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”.

    Trong căn biệt thự cổ nhuốm màu thời gian ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) còn lưu giữ khá nhiều kỷ vật về cha mình, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980).
    Cụ là một trong những thương gia hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc, được biết đến như ông tổ của nghề sản xuất sơn ở Việt Nam.

    Bà Sơn Trúc bên căn biệt thự của gia đình. Ảnh: Diệu Bình

    “Cụ Sơn Hà sinh ra trong một gia đình có 7 anh em ở huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Con đường khởi nghiệp kinh doanh của cha tôi không hề dễ dàng. Đó là cả một câu chuyện dài…”, bà Sơn Trúc mở đầu câu chuyện về cha mình.

    Thời trẻ, doanh nhân Sơn Hà làm thuê cho một hãng sơn của người Pháp ở Hải Phòng. Sau đó, muốn đứng ra kinh doanh độc lập, cụ khởi đầu bằng việc tự chế tạo loại sơn riêng của bản thân.



    Để có tiền vốn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp, tài sản duy nhất mình có lúc bấy giờ, dùng tiền để mua một chiếc máy xay bột. Loại máy này giúp cụ nghiền nguyên liệu để chế tạo sơn. Tuy nhiên mẻ sơn đầu tiên không thành công, sơn bán ra bị ế. Sơn Hà không bỏ cuộc, tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời những mẻ tiếp theo.




    “Trong những câu chuyện sau này của gia tộc kể lại, tôi vẫn thường được nghe về những ngày đầu khởi nghiệp thiếu thốn của cha tôi. Để có tiền, cụ phải tự làm đồ chơi cho trẻ em.

    Sau đó, những ngày gần đến trung thu, đêm nào cha tôi cũng mang ra ga tàu bán đến tận khuya. Tất cả chỉ để theo đuổi ước mơ tạo được hãng sơn riêng của người Việt. Tôi thường mường tượng về hình ảnh đó và nó ám ảnh tôi mãi”, bà Sơn Hà chia sẻ.

    Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh: Gia đình cung cấp

    Để tạo loại sơn riêng, cụ Sơn Hà chú trọng vào nguồn nhiên liệu có sẵn trong nước như nhựa thông, dầu của các loại cây. Theo cụ, nguồn nguyên liệu này sẽ làm giá thành sản xuất rẻ và an toàn. Sau khi có mẫu sơn ưng ý, cụ đẩy mạnh vào việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ.

    “Cha tôi tìm khách hàng bằng cách bán sơn cho cai thầu người Hoa ở Hải Phòng với giá rẻ, biếu hàng mẫu, gửi sơn cho các hãng buôn lớn bán với lãi suất cao mà lại không phải trả tiền hàng ngay…

    Thấy sơn rẻ lại chất lượng tốt, khách bắt đầu đặt hàng. Dần dần, số lượng sơn của cha tôi bán ra ngày càng tăng”, bà Sơn Trúc cho biết.

    Năm 1920, Nguyễn Sơn Hà khi đó là một thanh niên 26 tuổi đã xây dựng một cơ xưởng ở Lạch Tray, Hải Phòng với diện tích 7.000 m2. Cụ mở rộng sản xuất, sắm máy xay và các phương tiện hiện đại.

    Để chủ động nguồn nguyên liệu, cụ mua đất ở các huyện trồng các loại cây như trẩy, thông… Doanh nhân này cũng đăng tuyển những thợ giỏi nhất và mày mò nghiên cứu tìm nguyên liệu đa dạng để tạo màu cho sơn.

    Chất lượng sơn của cụ đã chinh phục nhiều người tiêu dùng với giá thành sơn rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Sơn của Sơn Hà xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc sau đó có mặt tại Sài Gòn. Chưa dừng lại ở đó, nó còn được tiêu thụ tại Lào, Campuchia.

    “Đặc biệt, trước năm 1945, cha tôi từng đưa sơn của công ty sang Pháp tham dự hội chợ. Ông muốn quảng bá sơn của người Việt ra thế giới”, họa sĩ Sơn Trúc cho biết.

    Nguyễn Sơn Hà hướng dẫn bí quyết làm sơn cho kỹ thuật viên Sở Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Gia đình cung cấp

    Uy tín trong giới làm ăn ngày được củng cố, Nguyễn Sơn Hà nhanh chóng vươn lên là một trong những nhà tư sản lớn ở Việt Nam thời bấy giờ. Doanh nhân này sở hữu rất nhiều đất đai, biệt thự tại Hải Phòng, Hà Nội và nhiều tỉnh lân cận.
    Năm 1939, vợ chồng Nguyễn Sơn Hà được vua Bảo Đại mời vào Huế để dự tiệc chiêu đãi. Cũng trong lần đi này, cụ Sơn Hà có cơ duyên gặp mặt cụ Phan Bội Châu, người đang bị Pháp quản thúc tại Huế.
    Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến vị doanh nhân đất Cảng.

    ‘Còn đất nước thì sẽ còn của cải’

    Cùng với Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Trương Văn Bền… dư luận nhắc đến Sơn Hà không chỉ là một doanh nhân thành đạt, cụ còn có nhiều đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng.

    Trước cách mạng, Nguyễn Sơn Hà tham gia thành lập các cơ sở từ thiện, mở trường nuôi dạy trẻ lang thang, cơ nhỡ.
    Cụ còn cho người đến Hà Đông học nghề dệt vải để sau đó về mở cơ sở sản xuất tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân và mua tặng dân làng 4 máy dệt.

    Trong nạn đói Ất Dậu (1945), cụ dùng số thóc thu được từ 200 mẫu ruộng ở Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào việc phát chẩn cứu đói. Vợ cụ Sơn Hà là Nguyễn Thị Ngọc Mùi (1918 - 1997) cùng các con trực tiếp nấu cháo và làm bánh tấm, bánh cám để phát cho dân.

    Đặc biệt, trong Tuần lễ vàng, Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác tham gia.

    Cụ Sơn Hà (ngoài cùng bên phải) và vợ Nguyễn Thị Ngọc Mùi (ngoài cùng bên trái). Ảnh: Gia đình cung cấp

    Cụ thể, cụ Ngọc Mùi và con gái trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng 105 lạng vàng ròng và số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) lên đến 10,5 kg vàng.

    “Có giai thoại kể lại rằng, trong sự kiện này, cha tôi không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin cẩn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng”, bà Sơn Trúc kể.

    Ngoài ra, gia đình cũng ủng hộ vào quỹ Ủy ban chuẩn bị tổng khởi nghĩa (Tháng 8/1945), 4 vạn 5.000 đông dương (năm 1945, trị giá khoảng 2.000 lạng vàng). Số tiền trên ông ông Vũ Quốc Uy, chủ tịch TP Hải Phòng đương thời, tiếp nhận.

    Bà Sơn Trúc tiếp tục chia sẻ: “Sau Cách mạng tháng Tám, cha tôi cũng tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước thời điểm Pháp nổ súng gây hấn và chiếm lại Nam bộ ngày 23/9/1945.
    “Lý giải cho hành động của mình, cha tôi từng nói: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”, bà Sơn Trúc kể lại.

    (Còn nữa)
    Theo Ngọc Trang - Diệu Bình (VietNamNet)


    [/COLOR]
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Cuộc sống khó tin trong biệt thự của thương gia giàu có

    27/10/2018 0600 GMT+7

    Giàu có, sống trong căn biệt thự đồ sộ ở Hải Phòng những năm 1930 của thế kỷ trước nhưng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và gia đình có lối sống giản dị, tiết kiệm đến mức khó tin.

    Gặp chúng tôi vào giữa tháng 10, họa sĩ Nguyễn Thị Sơn Trúc (SN 1944) không khỏi xúc động khi nhắc đến cha mình - cụ Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980), vị doanh nhân tiếng tăm đầu thế kỷ 20.
    Họa sĩ Sơn Trúc tiết lộ, một trong những yếu tố làm nên thành công của doanh nhân Nguyễn Sơn Hà chính là chữ tín.

    Doanh nhân lừng lẫy từ chối chức Bộ trưởng

    Lần giở từng trang ký ức, họa sĩ Sơn Trúc chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in những câu chuyện cha kể về thời gian ông làm thuê cho hãng sơn của người Pháp.

    Thấy họ đối xử bất công với người Việt, cha tự nhủ: “Tôi phải quyết tâm làm chủ, để có đủ quyền lực làm mọi việc nhưng tôi sẽ chia sẻ với mọi người”.

    Khi người Pháp muốn tăng lương cho cha tôi từ 30 đồng lên 100 đồng Đông Dương, cụ vẫn dứt áo ra đi với mong muốn xây nghiệp lớn của mình".

    Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà (1894 - 1980).

    Việc đầu tiên cụ Sơn Hà nghĩ đến khi khởi nghiệp là học ngoại ngữ. Cụ cho rằng muốn nghiên cứu, chế tạo thứ sơn tốt hơn sơn của chủ cũ phải đọc sách tiếng Pháp.

    Ban ngày ông cùng những người bạn nhận quét vôi, sơn nhà. Buổi tối ông nhờ người Pháp dạy tiếng. Do chăm chỉ, một thời gian sau, vốn tiếng Pháp của ông khá thành thạo.

    Những quyển sách khoa học, vật lý và hóa chất của nước ngoài cũng đều được ông nghiền ngẫm, tìm tòi. Cuối cùng, loại sơn do chính người Việt ra đời đã gây ra tiếng vang thời bấy giờ.


    Bà Sơn Trúc bên những kỷ vật của cha.

    Bên cạnh đó, cụ Sơn Hà luôn đề cao triết lý kinh doanh: “Làm ăn phải có lãi nhưng không phải bằng cách đánh lừa, treo đầu dê, bán thịt chó”.

    Nhờ đó triết lý đó, doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thành công. Mỗi khi có người phàn nàn về chất lượng sơn, vị doanh nhân này thường tự đến tìm hiểu nguyên nhân rồi về khắc phục.

    Một lần, đại lý sơn ở miền Nam phản ánh về lô hàng sơn lâu khô, kém chất lượng. Cụ lập tức vào, lấy mẫu hàng kiểm nghiệm và phát hiện do người thợ làm sai kỹ thuật, nấu mẻ dầu còn non, chưa đạt chuẩn đã mang pha chế.
    Thấy vậy, cụ Sơn Hà cho người đi đến các đại lý xin lỗi và thương lượng thu hồi lô hàng trên. Sau lần đó, các đơn đặt hàng đến với xưởng sơn của cụ ngày một nhiều.


    Một số dụng cụ doanh nhân Nguyễn Sơn Hà dùng để nghiên cứu sơn từ ngày đầu khởi nghiệp.

    Lần khác, 1 viên công sứ ở Quảng Ninh phàn nàn rằng ông ta dùng sơn của Sơn Hà nhưng cửa gỗ sơn 7 ngày chưa khô. Cụ Sơn Hà đích thân lái xe sang tìm hiểu.

    Tại đây, cụ phát hiện, viên công sứ làm cửa bằng gỗ dầu, loại này khi sơn lâu khô hơn gỗ thường.

    Để chứng minh nhận định của mình đúng, cụ đã lấy hai loại gỗ đó sơn ngay trước mặt viên công sứ. Sau một ngày, sơn trên loại gỗ thường đã khô còn sơn trên gỗ dầu vẫn còn ướt. Từ lần đó, viên quan người Pháp này tỏ ra rất khâm phục trí tuệ và tính cách của doanh nhân người Việt.

    Cùng với việc xây dựng thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, doanh nhân Sơn Hà rất chú trọng đến đời sống người lao động. Cụ từng nói với các con: "Người ta có cuộc sống tử tế, đầy đủ mới tận tâm làm cho mình".

    “Cụ hứa với nhân viên làm tốt sẽ có thưởng. Nói là làm, ngay sau đó, cha tôi trích quỹ ra mua 41 căn hộ, rộng 120m2/căn đặt tên là ngõ Sơn Lâm.

    Trước cách mạng đã có 4 gia đình ở ngoài đó. Ngoài ra, ông còn dựng 4 căn nhà ở gần nhà máy để thợ đỡ mất thời gian đi về, tăng điều kiện nghỉ ngơi. Vì vậy cha tôi luôn được người lao động rất kính trọng”, nữ họa sĩ kể tiếp.


    Thư mời doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tham dự hội nghị kinh tế quốc tế.

    Khi Pháp tấn công Hải Phòng, cả gia đình cụ sơ tán lên chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) rồi lại di chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Ở Việt Bắc, cụ tổ chức sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, lương khô và thuốc ho - những sản phẩm rất hữu ích đối với Việt Minh trong hoàn cảnh lúc đó.

    Sau kháng chiến chống Pháp, cụ Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội khoá II, III, IV, V.
    “Mãi sau này cha tôi mới cho các con biết, ông từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị giữ chức Bộ trưởng Bộ kinh tế sau Cách mạng tháng Tám nhưng ông đã khiêm nhường từ chối.
    Ông cho rằng mình học ít, tài sơ, nên không dám nhận chức vụ quá to lớn ngoài sức mình... ", bà Sơn Trúc kể lại.

    Cuộc sống khó tin trong căn biệt thự lớn

    Kinh doanh phát đạt, sở hữu hàng loạt bất động sản, xe hơi nhưng ít ai biết doanh nhân Nguyễn Sơn có lối sống vô cùng giản dị.
    Xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng, vất vả mới làm nên cơ nghiệp vì vậy dù bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh song cụ Sơn Hà vẫn không quên dành thời gian chăm lo, giáo dục các con.


    Căn biệt thự của gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà.

    Doanh nhân này rèn cho các con lối sống tự lập, lao động từ bé. Với con gái, cụ mua bông và khung cửi yêu cầu con học quay xa, kéo sợi, dệt vải và trồng dâu nuôi tằm.

    Khi đi học, các con của doanh nhân này chỉ mặc 2 màu đen và trắng, con gái không được đeo nữ trang. Cụ nói: “Con nhà càng giàu càng phải giản dị”.

    Nghỉ hè, vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà thường đưa con về quê sống với họ hàng, học cấy lúa, làm ruộng… Trong mắt các con, cụ Sơn Hà là người tình cảm, hết mực thương yêu con nhưng nóng nảy và nghiêm khắc.

    “Cha tôi tiết kiệm, không thích xa hoa, hưởng thụ, cụ luôn dạy con phải biết quý trọng đồng tiền. Mỗi khi họp gia đình, chị em vẫn hay nhắc chuyện chị tôi bị cha trách phạt vì phung phí.

    Chị tôi vốn không thích ăn cơm nếp. Một lần cả nhà ăn sáng bằng cơm nếp, chị lén bỏ đồ ăn vào thùng nước gạo. Cha biết được, đã nổi giận.
    Cụ nói: “Hạt gạo là hạt ngọc, người nông dân phải một nắng hai sương mới làm ra. Mình không biết quý trọng, bỏ đi như vậy là lãng phí”.

    Vợ chồng doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và các con

    Cụ Sơn Hà còn chăm lo đến sự phát triển toàn diện và sức khỏe của các con. Hàng ngày vào sáng sớm, cụ gọi các con dậy tập thể dục.
    “Do đó anh chị em tôi sau này ai cũng khỏe mạnh, chịu đựng được nhiều gian khó của cuộc sống, nhất là khi theo cha từ bỏ hết vinh hoa phú quý lên khu kháng chiến sống cuộc đời kham khổ.
    Cha tôi rất lạc quan, không bao giờ kêu ca, phàn nàn về những khó khăn vật chất.
    Cụ vẫn giữ vững tinh thần đó cho đến tận những ngày cuối đời...”, bà Sơn Trúc nhớ lại.
    (Còn nữa)
    Theo Ngọc Trang - Diệu Bình (VietNamNet)
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Cuộc đời bi kịch trong biệt thự sang trọng của vợ đại gia Hải Phòng

    28/10/2018 08:00:00 GMT+7

    Đến bên chồng từ lúc ông còn tay trắng, khi chồng có những thành công trong sự nghiệp, người vợ lại lâm bệnh nặng và qua đời. Tình yêu của họ bắt đầu từ lần đi chung một chuyến tàu…

    Là một doanh nhân lừng lẫy, xung quanh Nguyễn Sơn Hà không thiếu những bóng hồng. Trong cuộc đời mình, cụ có 3 người vợ chính thức và 12 người con.

    Cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ thứ ba của doanh nhân Sơn Hà, cũng kể về cuộc hôn nhân đầu của chồng. Theo đó, thấy cụ Sơn Hà mải làm ăn nên mẹ và người nhà đã giới thiệu cho cụ một người con gái trong làng.

    Người này có nhan sắc nhưng sau mấy lần tiếp xúc, cụ Sơn Hà không tìm được sự đồng điệu. Cụ muốn chọn một người vợ phải là trợ thủ đắc lực cho việc kinh doanh của chồng chứ không chỉ là một bóng hồng với nhan sắc dễ coi.

    Vì gia đình đã gửi lễ cho nhà gái nên Sơn Hà cho dựng một căn nhà 3 gian và đưa thêm một khoản tiền để cô gái này có đủ điều kiện xây dựng hạnh phúc mới.

    Dân làng phục cách xử sự của cụ nhưng cũng có người trách: “Cô gái đẹp nhất làng mà vẫn còn chê”.
    Người vợ thứ hai cũng có thể nói là mối tình khiến cụ Sơn Hà ám ảnh nhất. Họ quen nhau trong một dịp rất tình cờ khi cụ Nguyễn Sơn Hà mới chỉ là một ông chủ nhỏ, việc kinh doanh còn rất gian nan.

    Hình ảnh cụ Đinh Thị Nhiêu trong cuốn hồi ký do người vợ thứ ba của doanh nhân Sơn Hà viết. Ảnh: Gia đình cung cấp

    Bà Sơn Trúc, con gái cụ Sơn Hà kể lại, lần đó, cụ Sơn Hà đi tàu thủy tuyến Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Yên (Quảng Ninh).
    Cụ ngồi đối diện với một người phụ nữ có vẻ mặt phảng phất buồn nhưng rất đẹp. Tàu chạy, người này bóc cam mời doanh nhân ăn cho đỡ khát nước. Hình ảnh ấy đã khiến Nguyễn Sơn Hà bị hớp hồn từ cái nhìn đầu tiên.

    “Cứ thế, cha tôi mắt không rời khỏi cô gái đó. Họ bắt đầu những câu chuyện về nhau. Khi còi tàu vang lên báo hiệu tàu cập bến Hải Phòng, cha tôi lưỡng lự không muốn xuống.

    Còi tàu báo hiệu tàu tiếp tục đến Quảng Yên, cụ bất ngờ nói: “Tôi cũng có nhiều việc đến Quảng Yên, tôi sẽ mua thêm vé”. Cuối cùng đến bến cuối, xứ Quảng Yên, cô gái đó xuống cha tôi cũng đuổi theo. Nhưng người đẹp nhanh chóng hòa vào dòng người đi mất.

    Cha tôi cuống cuồng tìm nhưng không được. Sau này cụ kể lại với các con, cụ ngồi ở bến tàu cả đêm hôm đó để chờ đợi. Sương đêm xuống, lạnh, cụ vẫn không bỏ cuộc chỉ mong cô gái đó quay lại một lần.

    Nhưng kết quả khiến cụ buồn bã, sáng hôm sau phải bắt chuyến tàu ngược trở về”, bà Sơn Trúc chia sẻ.
    Người con gái đó là Đinh Thị Nhiêu (Quảng Yên, Quảng Ninh). Tuy nhiên sau này, một sự tình cờ khác lại cho họ gặp nhau lần nữa. Lần này doanh nhân Sơn Hà đã quyết tâm không bỏ cuộc. Cuối cùng họ đến với nhau bằng một đám cưới dù con đường để đến đó không hề dễ dàng.

    Thời điểm đó, mẹ của cụ Đinh Thị Nhiêu đang muốn gửi gắm con cho một người lý trưởng, cùng quê dù cụ Nhiêu không có tình cảm với người này. Bởi vậy tình yêu của doanh nhân Sơn Hà và Đinh Thị Nhiêu gặp phải sự phản đối gay gắt của gia đình bên gái.

    Bà Sơn Trúc, con gái doanh nhân Nguyễn Sơn Hà và người vợ thứ ba, cụ Nguyễn Thị Ngọc Mùi, bên những bức ảnh của gia đình. Ảnh: Diệu Bình

    “Cuối cùng cha tôi và giai nhân vẫn đến được với nhau. Năm đó cụ Nhiêu 24 tuổi. Cuộc hôn nhân của họ chỉ kéo dài 11 năm…”, bà Sơn Trúc kể.

    Lấy nhau vào thời điểm việc kinh doanh của cụ Sơn Hà đang ở giai đoạn đầu, đầy khó khăn, cụ Nhiêu vừa hỗ trợ chồng kinh doanh vừa chăm lo con cái, vun vén gia đình. Trong 11 năm kết hôn, bà sinh cho chồng 5 người con. Công việc nặng nhọc, cuộc sống vất vả cũng có thể là nguyên nhân khiến cụ lao lực, sinh bệnh về sau này.

    Những năm về sau, việc kinh doanh của chồng thuận lợi, kinh tế gia đình khá giả hơn nhưng cụ Nhiêu lại mắc căn bệnh lao. Thời điểm đó, đây là một căn bệnh nan y.

    Khi bị bệnh, cụ Nhiêu thường xuyên phải lên Hà Nội chữa trị. Một lần cụ Sơn Hà chở vợ lên Hà Nội bằng ô tô thì bị tai nạn. Thương chồng, cụ Nhiêu đề nghị thuê khách sạn để ở lại trên Hà Nội, không phiền chồng đi lại chăm sóc.

    Cụ Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ thứ ba của doanh nhân Sơn Hà. Ảnh: Gia đình cung cấp

    Trong thời gian ở đây dưỡng bệnh, biết mình không thể qua khỏi nên cụ Nhiêu rất lo cho chồng và các con. Cụ nghĩ chồng mình phải đi bước nữa. Cũng lúc này, cụ Nhiêu gặp Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ thứ ba của doanh nhân Sơn Hà sau này.
    Thấy cô gái hiền hậu, chăm chỉ, chính cụ Nhiêu là người se duyên cho chồng và người vợ tiếp theo này.
    Trong cuốn hồi ký, bà Ngọc Mùi cũng viết về cuộc chia ly này: “Ngày cuối cùng, bà Nhiêu cho mời chồng (doanh nhân Sơn Hà) sang phòng. Bà dịu dàng nhìn ông rồi nói:

    - Hãy để cho em ngủ yên nhé! Hôn em lần nữa đi.

    Chiều vợ, ông hôn lên trán bà và không ngờ đó là nụ hôn cuối cùng”.

    Trước sự ra đi của vợ, cụ Sơn Hà bật khóc: “Kìa mình bỏ tôi và các con thật sao? Lúc khó khăn chúng mình chung tay vun đắp, sau này sung sướng mình lại bỏ tôi một mình”.

    Sau này khi nối duyên, làm vợ doanh nhân Sơn Hà, cụ Ngọc Mùi cũng dành cho người vợ trước của chồng sự tôn trọng và quý mến.

    Những kỷ vật người vợ cũ của chồng, cụ Ngọc Mùi vẫn giữ nguyên. Đặc biệt, chiếc khăn người vợ trước thêu cảnh vật nước Pháp được cụ Mùi giữ gìn cẩn thận.

    Vào ngày giỗ người vợ cũ của chồng, cụ Ngọc Mùi chăng tấm thêu ấy lên bàn thờ như một lời nhắc nhở các con không bao giờ được quên người mẹ bạc mệnh của mình.

    Theo Ngọc Trang - Diệu Bình (VietNamNet
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  4. #4

    Mặc định

    Trong Tuần lễ vàng tháng 8/1945, doanh nhân Sơn Hà không ngần ngại rút chiếc nhẫn quý gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Theo cụ: “Còn đất nước thì sẽ còn của cải nếu mất nước, tiền và của cải nhiều cũng chẳng để làm gì”.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Vì sao 1 số khăn bùa bọc trong miếng ép ni lông
    By hue_phuoc in forum Hỏi Đáp, Tư Vấn
    Trả lời: 4
    Bài mới gởi: 20-11-2014, 01:10 AM
  2. Nguyễn Bảo Nguyên: Nói chuyện với người trong tranh
    By Bin571 in forum Chân dung & Đối Thoại
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 19-05-2013, 08:43 AM
  3. Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 25-11-2011, 01:32 PM
  4. Trả lời: 25
    Bài mới gởi: 08-05-2011, 09:03 AM
  5. những khó khăn trong công việc gọi vong
    By minhthien in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 7
    Bài mới gởi: 14-01-2010, 07:17 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •