Bây giờ chúng ta nhìn linh hồn trên quan điểm của Năm Am.
Như đã nói, mỗi tế bào sinh vật đều tạo thành một điểm tâm linh của nó
Toàn thể cơ thể tạo thành một vùng không gian tâm linh bao phủ chung quanh nó. Nếu như vậy, chúng ta có thể nói rằng vật chất đã tạo nên tâm linh. Cứ cho là như vậy vì sự tình cũng khá đúng. Nếu các nguyên tử sắp xếp bình thường sẽ tạo nên các vật chất vô cơ, không có tâm linh. Nhưng nếu, các nguyên tử vật chất nhưng được sắp xếp thành các phân tử hữu cơ phức tạp, và các chất hữu cơ phức tạp đó hợp thành một tế bào sống, thì SÓNG TÂM LINH XUẤT HIỆN - hay Trường tâm linh, hay vùng không gian Tâm linh, tùy theo cách gọi .
Tại sao khi các phân tử hữu cơ có hợp lại thành tế bào thì trường không gian tâm linh xuất hiện ?
Ta hãy so sánh với điện trường, từ trường và trọng trường để hiểu thêm.
Nào giờ chúng ta cứ nghĩ không gian là khoảng không, coi như không là gì cả. Và trong không gian đó chứa các vật thể, từ nguyên tử cho đến các thiên hà. Còn bản thân không gian thì chẳng là gì cả. Nhưng sự tình không đơn giản như vậy! Không gian là MỘT CÁI GÌ ĐÓ rất kỳ lạ.
Khi các electron chạy theo dây dẫn thì chung quanh dây, không gian thay đổi theo cấu trúc để biến thành ĐIỆN TRƯỜNG.
Khi các phân tử Fe3O4 (oxid sắt từ) phân cực âm dương và nằm xếp thành một chiều thì cả khối sắt đó trở thành nam châm và không gian chung quanh nó thay đổi cấu trúc để biến thành TỪ TRƯỜNG. Nhhững thanh sắt lọt vào trường này sẽ bị hút .
Khi các hạt neutron và proton hút chặt nhau và tạo thành nhân của nguyên tử, không gian chung quanh nó thay đổi cấu trúc để biến thành trọng trường .
Einsteins lừng danh vì ông dám nói rằng chung quanh một thiên thể, không gian bị cong, ánh sáng qua gần thiên thể sẽ bị đổi hướng. Kết quả thực nghiệm hoàn toàn chính xác. Như vậy, không gian là một cái gì không phải không? Nó rất nhạy cảm theo cấu tạo của vật chất mà nó chứa đựng.
Einsteins bỏ bao nhiêu năm cuối đời để đi tìm sự đồng nhất của các loại trường, và ngày nay đề tài đó vẫn là sự thách đố lớn cho nhân loại (xin xem Nhìn vào vũ trụ, Chơn Quang)
Trở lại, khi các phân tử hữu cơ phức tạp hợp thành tế bào, không gian chung quanh nó trở thành một trường mới, đó là trường không gian tâm linh.
Để gọi là tâm linh, nó phải có tính chất HIỂU-BIẾT, CẢM ỨNG. Rồi vùng tâm linh này được củng cố theo sự phát triển của cơ thể và càng ngày càng rõ nét. Nó như là cái bóng của thể xác, giống với thể xác, nhưng tồn tại lâu hơn thể xác và vi diệu hơn thể xác. Dần dần nó có hình dáng in hệt như cái thể xác mà nó trùm phủ. Đồng thời, hay hơn thể xác, nó tỏa ra chung quanh một vầng hào quang vô hình. Người có tinh thần vững mạnh, hào quang đó sáng. Người có tinh thần yếu, hào quang mờ. Người có tâm hồn cao cả, hào quang đẹp. Người có tâm hồn hèn hạ, hào quang xấu .
Giống như ta đứng giữa núi rừng âm u và hét lên một tiếng. Những tiếng vang sẽ kéo dài thêm một quãng sau khi tiếng hét đã tắt. Cũng vậy, thể xác ta xuất hiện và linh hồn thành hình theo đó, nhưng linh hồn sẽ tiếp tục tồn tại sau khi thể xác đã chết .
Với người bình thường, linh hồn và thể xác là bất khả phân ly. Những tế bào thần kinh nhậy cảm và nhịp cầu mới giữa thể xác và linh hồn. Hệ thống kinh huyệt vô hình theo Ý thức học Đông phương là nhịp cầu mới giữa linh hồn với thể xác. Mỗi hoạt động của tế bào não tương ứng với sóng rung động của linh hồn.
Chính Tưởng ấm làm sợi dây buộc linh hồn và thể xác. Khi Tưởng ấm dừng hoạt động, linh hồn có thể tách ra độc lập với thể xác. Một người ngồi thiền dừng được vọng tưởng (tắt hình ảnh và lời nói) một cách vững chắc, cơ thể xuất hồn vân du nơi khác. Nhà thiền gọi là Du hí Tam muội.
Linh hồn có Sắc ấm (hình dáng); có Thọ ấm để chịu đau khổ địa ngục hay hửơng hạnh phúc cõi trời, nhưng ít bị ảnh hưởng bởi vật chất trần gian như mưa gió, lửa, tường vách... có Hành ấm để cho Bản ngã hoạt động bằng ý niệm gốc; có Thức ấm vi diệu biết nhiều chuyện vượt hơn bình thường .

3. SAU KHI CHẾT:
Đối với người chết, thời gian tồn tại của linh hồn không giống nhau. Có người tồn tại trong thoáng chốc rồi linh hồn sẽ tắt mất khi đã xuất hiện sự sống ở bào thai mới. Có người tồn tại vài tháng, có người vài năm, vài chục năm. Với người sinh về cõi trời thì thời gian tồn tại ở thế giới siêu hình chư thiên là vô cùng lâu dài.
Khi đã đến duyên chuyển thân vào thai mới, lúc tinh trùng của cha lọt vào trứng của mẹ thì linh hồn cũ tan hoại vì sự sống tiếp sau vừa hình thành nối tiếp. Linh hồn bị cuốn hút về phía cha mẹ và tắt biến ngay khi trứng thụ tinh. Thời gian này đồng thời làm ta tưởng như linh hồn nhập vào thai mới.
Đối với người lúc sống có tinh thần yếu đuối, sau khi chết, linh hồn họ dật dờ, không ảnh hưởng đến ai, và không bao lâu thì tắt biến để qua kiếp sống mới .
Đối với người lúc sống có tinh thần mạnh mẽ, thường làm những việc lớn lao, sau khi chết, linh hồn họ có năng lực mạnh, có thể ảnh hưởng đến người sống bằng cách tác động vào tư tưởng người sống, họ tồn tại lâu trong thế giới siêu hình. Chúng ta nói linh hồn tác động vào người sống như sau.
Thứ nhất, do thoát khỏi sự trì kéo chậm chạp của Tưởng ấm nên Hành ấm của họ rất mạnh. Họ dùng ý niệm buộc người sống phải khởi ý nghĩ như thế này, phải làm như thế kia. Nhiều khi có những tư tưởng không phải do chính chúng ta khởi lên mà do sự tác động vô hình của một linh hồn nào đó. Có những lúc trong một gia đình chợt trở nên gắt gỏng gây gỗ với nhau. Coi chừng không phải tại người sống.
Một người phụ nữ ra bến xe để đi miền Tây. Có một chiếc xe còn chổ trống và sắp rời bến. Đáng lẽ bà sẽ đi xe đó, nhưng không hiểu sao một ý nghĩ lạ khởi lên trong tâm là không nên đi xe đó. Ý nghĩ đó thôi thúc kỳ lạ khiến bà phải từ chối lời mời của các anh phụ xe. Bà chờ đi xe sau. Trên đường đi bà gặp chiếc xe kia bị tai nạn giữa đường. Đó là bà không có nghiệp bị tai nạn xe. Nói trên nguyên nhân xa, và cũng là do một tác động siêu hình của ai đó, nói theo nguyên nhân gần.
Thứ hai, với những linh hồn mạnh, họ có thể hiện thành một hình hài ra trước mắt người sống, hoặc họ tác động lên các vật thể của thế giới vật chất.
Tưởng ấm làm trì trệ tâm thức, làm Hành ấm và Thức ấm bị ngăn ngại không phát huy tác dụng siêu việt của nó. Linh hồn cũng giống như một thiền giả thoát được Tưởng ấm, có được Hành và Thức ấm vượt hẳn thường tình. Linh hồn luôn luôn biết rõ tâm tư ý nghĩ, việc làm của con người. Chúng ta chỉ dấu ý nghĩ và việc làm của mình đối với người sống chứ không dấu các linh hồn trong thế giới siêu hình, cũng như không thể dấu những người đã đắc định sâu xa. Vì thế, hãy giữ tâm hồn mình trong sạch vì có nhiều linh hồn chung quanh biết rõ chúng ta lắm đấy.
Đối với người sống, chúng ta cho rằng thế giới này là thực hữu, còn thế giới siêu hình là cõi vật vờ, mờ mịt, tạm thời, chỉ khi linh hồn được đầu thai để làm người mới là hạnh phúc. Nhưng những linh hồn trong cõi thế giới siêu hình thì ngược lại! Họ thấy rằng thế giới vật chất này là tạm bợ, nặng nề, khó chịu, còn sống chỉ bằng linh hồn mới sáng suốt và tự tại hơn. Nhất là những thiên tử cõi trời thì càng thấy thế giới vật chất của con người là rác rưởi (xem Bát Nhã, Chơn Quang). Nhưng dù sao luật vô thường cũng chi phối tất cả. Đến lúc nào đó thì linh hồn cũng tan biến để một kiếp sống khác ở thế giới vật chất được hình thành.

4. VÀO THAI MỚI :
Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng đầu thai tức là linh hồn nhập vào thai mẹ. Sự thật không phải như vậy.
Thai mới được thành lập như sau :
Khi đang còn ở kiếp sống trước, chúng ta đã từng giờ từng phút tạo nên kiếp sau bởi ý nghĩ, lời nói và việc làm. Một nghiệp thiện tạo thành một niềm vui ở kiếp sau. Một nghiệp ác tạo thành một nỗi khổ ở kiếp sau. Một ân nghĩa với ai tạo thành một nhân duyên ở kiếp sau. Một ước mơ tạo thành một hành động ở kiếp sau. Vô số nghiệp đã vẽ nên dần dần nên hình ảnh của kiếp sau. (Xem Nghiệp và kết quả, Chơn Quang). Do đó, thân ở kiếp sau không còn là một sự lựa chọn sau khi chết nữa mà đã được qui định từ đời sống của kiếp trước.
Suốt kiếp sống bảy tám mươi năm, chúng ta đã tạo vô số nghiệp nhân thiện ác, thương người này, ghét người kia, ưa cái này, chán cái nọ... Những nghiệp nhân như thế đã quy định cho đời sống sau này, chúng ta sẽ sinh vào gia đình nào, tên họ ra sau, giàu nghèo, khổ vui, học hành, bạn bè, quốc gia,...
Rồi chúng ta chết !
Sau đó, đời sống tâm linh (linh hồn) theo quán tính và theo tính chất kéo dài lâu hơn thể xác, đã tồn tại thêm một thời gian nữa. Có người thời gian tồn tại của linh hồn rất ngắn ngủi, vài giờ, hoặc vài ngày; Có người linh hồn tồn tại đến vài năm, vài mươi năm. Trong thế giới tâm linh đó, họ tạo thêm một số nghiệp thiện ác bằng cách âm thầm giúp đỡ hay phá phách người sống, âm thầm thanh lọc nội tâm niệm Phật tu hành hay tham sân, buồn giận tiếp tục... Đến khi đủ duyên đầu thai, cha mẹ ở kiếp sau gần nhau. Khi tinh trùng cha sắp sửa gặp noãn của mẹ, linh hồn họ bị cuốn hút về đó không gì cưỡng lại được. Rồi ngay khi tinh trùng lọt được vào noãn, lập tức linh hồn họ bị tan biến. Đời sống mới tạo xong với hình thức một phôi thai nhỏ mà mắt thường không nhìn thấy. Tất cả những Ký ức của linh hồn cũ hoàn toàn biến mất không đem theo được gì cho thân sau. Toàn bộ tâm thức ở thân sau hoàn toàn do luật nhân quả tạo thành. Giây phút đó, Abhidhamma gọi là “Tử tâm tối hậu chấm dứt và Kiết sinh thức tối sơ xuất hiện.”
Cái giây phút mà tinh trùng lọt vào noãn cũng chính là lúc linh hồn cũ tan biến.
Rồi bộ não theo luật nhân quả mà hình thành dần dần. Điều chúng ta có thể lấy làm lạ khi thấy rằng từ một bộ não trinh nguyên chưa được đưa một dữ kiện nào vào, vậy mà vừa mới lọt lòng mẹ, mỗi đứa bé đã có tính khí, khuynh hướng khác hẳn nhau. Nếu chỉ là những tế bào não (phần cứng) theo di truyền mà phát triển thì lẽ ra nó chỉ phát triển khả năng (thông minh hay ngu dốt, Ký ức tốt hay kém,...) chứ chưa thể chứa đựng các khuynh hướng cá tính (phần mềm) được khi nó chưa tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Đứa thì hiền, đứa thì dữ, đứa thì dễ bảo, đứa thì bướng bỉnh... ngay từ lúc mới chào đời.
Chính luật nhân quả đã làm chuyện này!
Có những người được phước thông minh tài ba, học hành giỏi giắn, kiến thức uyên bác. Nếu nói theo thuyết “TẠNG THỨC”, người ta cho rằng người như vậy đã từng luyện tập học hỏi rất nhiều ở đời trước và Tạng thức đã lưu trữ đem theo sang đời này. Sự thật không phải như vậy.
Có thể một người đời trước rất tài giỏi, học cao, nhưng luôn luôn đố kỵ, ghét người hơn mình, trù dập những nhân tài khác. Chắc chắn qua đời sau họ sẽ là những người ngu đần khờ khạo.
Có thể một người đời trước chỉ là nông phu, nhưng biết đầu tư cho con cái ăn học đàng hoàng, phụ xây cất trường học trong làng, tặng sách vở cho những học trò nghèo. Chắc chắn qua đời sau họ sẽ là những người thông minh học giỏi.
Ở đây chỉ có nhân quả chứ không có đem theo.
Cũng có thể một người nhiều đời liên tiếp luôn luôn tài giỏi bởi vì họ biết truyền đạt hướng dẫn cho kẻ khác một cách chân thành trọn vẹn. Công đức đó khiến họ tài giỏi mãi mãi, và có thể đi đến vị trí của một thiên tài.
Tính tình ở hai đời sống có khi giống hệt nhau mà cũng có khi biến đổi.
Ví dụ, người có nhiều tâm từ ái, hay thương yêu giúp đỡ mọi người, Tâm từ ái đó qui định một khuynh hướng từ ái tiếp tục cho đời sau từ trong Ký ức.
Ví dụ, người có tính tình khô khan thô lỗ, họ cũng gây thành một loại nghiệp nhân khiến cho Ký ức đời sau xuất hiện tiếp khuynh hướng khô khan thô lỗ.
Đó là trường hợp giống nhau.
Trường hợp ngược lại. Ví dụ, một người có tính tình ôn hòa nhã nhặn, nhưng hay chỉ trích chê bai những người nóng nảy. Đời sau Ký ức của họ có khuynh hướng nóng nảy. Thế là tính tình đời trước và đời sau này không giống nhau .
Ví dụ, một người có tính hẹp hòi ích kỷ , nhưng biết chân thành ca ngợi những người có tâm hồn quảng đại. Đời sau trong họ xuất hiện tính quảng đại. Thế là tính tình đời trước và đời sau không giống nhau .
Đa phần thì tính tình ở hai đời rất giống nhau.
Một người thường xuyên tu thiền tập định, qua đời sau tâm hồn tự nhiên an tĩnh thoải mái nhẹ nhàng. Một người thích thơ văn thì đời sau cũng thích thơ văn.
Không phải một Tạng thức nào đã đem theo khuynh hướng từ đời này sang đời khác, chính tâm niệm của họ đã xây đắp nên một cơ cấu Năm Ấm của đời sau thông qua luật nhân quả.
Người hay chăm lo sức khỏe người khác, hay dùng sức lực để giúp người, đời sau họ sẽ có một Sắc ấm (hình hài) mạnh khỏe.
Người hay đem khúc hát lời ca làm rung động tâm hồn mọi người, đời sau họ sẽ có một Thọ ấm nhạy cảm.
Người hay làm bận tâm người khác, đời sau sẽ có một Tưởng ấm lăng xăng.
Người hay dùng ý chí, hay tập trung tinh thần, hay tự kỷ ám thị, đời sau sẽ có một Hành ấm mạnh mẽ. Những nhà ngoại cảm có năng khiếu bẩm sinh chính là những người đã tu tập rất nhiều từ đời trước.
Người tạo phước nhiều, đời sau có trực giác mạnh (Thức ấm).
Người điên là do tạo nhiều nghiệp ác, hoặc do khinh thường người điên, do khinh khi mọi người, hoặc do xúc phạm bậc Thánh, hoặc do gây đau khổ cho nhiều người.

5. CÕI GIỚI SIÊU HÌNH :
Đạo Phật cũng như các tôn giáo khác hay nói về các cõi siêu hình như thiên đường, địa ngục.... Đó là những cõi hiện hữu mà mắt chúng ta không nhìn thấy được.
Các nhà Vật lý vũ trụ hiện nay cũng nói nhiều về vật chất vô hình trong vũ trụ. Họ cho rằng trong vũ trụ còn tồn tại một khối lượng cực kỳ lớn các vật chất mà chúng ta không thể phát hiện được bằng các công cụ hiện nay. Chúng ta chỉ đoán qua tính toán lý thuyết.
Một số người có kinh nghiệm cận tử cũng thuật lại về các loại địa ngục, thiên đường mà họ đã đến được. Khi họ có cảm giác như rơi mãi xuống phía dưới thì lát sau họ đến một nơi mà có từng hầm lửa cháy và có nhiều người chen nhau dày đặc la khóc trong đó. Ngược lại khi họ có cảm giác bay lên cao thì họ sẽ đến một nơi tràn đầy ánh sáng và an lạc. Người trong cõi đó có thân thể bằng ánh sáng và họ biết được ý nghĩ của nhau chứ không cần ngôn ngữ .
Khi hoà thượng Hư Vân bị các tên lính đánh đến gần chết, ngài ngất đi gần sáu ngày. Đến khi Ngài tỉnh dậy nói rằng :
“Thần thức Thầy đi lên cung trời đao lợi nghe thuyết pháp. Thật là cảnh giới thiền định sâu xa, khổ vui đều xả ! Thuở xưa lúc ngài Hám Sơn Tử Bá thọ hình cũng tương tự cảnh giới này, những kẻ chưa chứng ngộ không thể diễn tả thay được”
Trước đó cũng có lần bị bệnh Hoà thượng thiếp đi gần 8 ngày cũng thấy lên cõi trời Đâu Xuất nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết pháp về định Duy Tâm Thức (tìm cái định nhờ biết rõ cấu trúc tâm lý).
Theo đức Phật, những người tạo nghiệp quá nặng phải đoạ địa ngục để chịu trừng phạt. Những người tạo phước quá nhiều sẽ lên cõi trên để hưởng vui. Chúng ta nên hiểu rằng các vị Thiên tử trên cõi trời đều có tâm hạnh đạo đức rất tuyệt vời, người ở thế giới vật chất này không thể bằng được. Vì xưa kia, khi còn là con người các vị đã sống cuộc đời rất vị tha, rất nghiêm túc. Không phải chư thiên trên cõi trời mãi lo hưởng vui mà quên làm phước đâu. Họ vẫn thỉnh thoảng âm thầm giúp đỡ người trong thế giới này khi họ thấy ai xứng đáng. Có khi trong cơn quẩn bách, chúng ta đã cầu nguyện trời Phật gia hộ giúp đỡ . Nếu thấy chúng ta xứng đáng, Chư thiên sẽ dùng uy lực của mình để gia bị. Nhất là những Phật tử cầu nguyện danh hiệu chư Phật, chư Bồ Tát, Hiền thánh tăng thường làm chư thiên cảm động đến giúp đỡ. Đức Phật đã nhập Niết bàn, trong Niết bàn Phật vẫn cảm ứng với tất cả chúng sinh. Tuy nhiên khi chúng ta hướng tâm niệm Phật, cầu nguyện chư Phật, sẽ khiến Chư thiên nhiệt tình giúp đỡ . Họ là những người quen nhiệt tình làm việc từ thiện một cách vô tư không cần chúng ta biết đến danh tánh. Thế nên hiểu được điều này, chúng ta sẽ thấy mình không bị cô độc trong vũ trụ. Chung quanh chúng ta còn nhiều đấng vô hình cao cả vẫn hay nhìn chúng ta với lòng ưu ái . Vấn đề còn lại là chúng ta sống làm sao cho xứng đáng với sự thương yêu của họ.
Tuy nhiên niềm tin về cõi giới siêu hình dễ tạo ra tâm lý mê tín, dễ tạo ra những cái “Đạo” quái gỡ . Vì thế nhiều nhà tôn gíáo chân chính ít nói đến cõi giới siêu hình. Hiện nay trên thế giới càng lúc càng có nhiều đạo mới. Đa số đều khai thác niềm tin về cõi trời. Họ tô vẻ đủ chuyện thần bí và tự cho mình là người liên lạc được với thần thánh rồi kêu gọi mọi người phải quy phục họ để được thần thánh cứu giúp. Họ thích khai thác cái sợ hãi về ngày tận thế để chiêu dụ tín đồ.
Đạo Phật khác với các tôn giáo khác ở điểm này. Tuy có nói đến cõi giới siêu hình như cõi trời, cõi địa ngục, nhưng đạo Phật vẫn lấy luật Nhân Quả Nghiệp báo là nền tảng, chứ không lấy một thần linh nào có quyền năng thưởng phạt. Vì thế, hãy kệ cõi trời và địa ngục, con người cứ phải thanh lọc nội tâm mình và đối xử tốt với nhau rồi mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến.
Do đó nếu chúng ta thấy một tôn giáo nào quá chú trọng đến ân sủng của thần linh, chúng ta hiểu ngay tôn giáo này không giống với đạo Phật và dễ đưa con người đến với mê tín, thậm chí cuồng tín.
Biết có cõi giới siêu hình nhưng không bận tâm vì cõi giới siêu hình, chỉ lấy luật Nghiệp báo làm chỗ dựa, đó là người Phật tử chân chính.
Nhất là người tu thiền mà quá hướng tâm về cõi giới siêu hình sẽ dễ bị ảo ảnh lừa gạt. Khi tâm họ được một chút thanh tịnh, niềm tin và mơ ước “bắt được liên lạc” với thần thánh từ trong Ký ức sẽ khởi lên. Màn ảnh Tưởng ấm sẽ hiện đủ thứ cảnh giới lạ lùng. Mà Tưởng ấm là sự ràng buộc. Nên Tưởng ấm hiện lên hình ảnh và lời nói tức là sự thối chuyển đã xuất hiện, thậm chí là sự nguy hiểm cũng gần kề. Nhiều người phát bệnh tâm thần vì chạy theo Tưởng ấm như thế.
sưu tầm