Ba mươi năm tìm mộ liệt nữ Ấu Triệu

TP - Một ngày đầu đông năm Mậu Tý - 2008, di hài bà Ấu Triệu Lê Thị Đàn được đưa về an táng tại quê nhà Thừa Thiên-Huế. Ấu Triệu từ lâu đã là nhân vật lịch sử đất Việt, tên bà trở thành tên phố nhiều nơi như Hà Nội, Huế...


Ông Nguyễn Hữu Hường bên nấm mồ của bà Ấu Triệu

Tuy vậy, di hài nữ chí sĩ yêu nước tuẫn tiết vì đại nghĩa phải qua ngót một thế kỷ bị thất lạc nay mới được trở về với cố hương.

Khao khát một nén nhang trước mộ liệt nữ


Mới đó đã hơn 30 năm, người đàn ông 86 tuổi với mái tóc trắng xóa trầm ngâm hồi tưởng quá khứ.

Trong căn nhà nhỏ trên đường Thái Phiên (Huế), cán bộ lão thành 62 năm tuổi Đảng Nguyễn Hữu Hường còn nhớ như in những tháng ngày đầu tiên lần tìm manh mối, dấu tích về mộ phần liệt nữ Lê Thị Đàn.

Không quan hệ dòng tộc, ruột rà, máu mủ, nhưng trước tấm gương liệt nữ, ông Hường đã kiên trì qua hàng chục năm đi tìm mộ Ấu Triệu. Căn duyên bắt đầu từ lần lên thăm khu lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở dốc Bến Ngự sau ngày đất nước giải phóng, ông Hường rất đỗi ấn tượng về ngôi miếu thờ có tấm bia “Ấu Triệu bi đình” do cụ Phan tạo lập.

Bà Ấu Triệu sinh ra, lớn lên ở xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, địa bàn hoạt động của ông Hường qua hai cuộc kháng chiến. Ông muốn có một việc làm ý nghĩa cho mảnh đất mình bám trụ chiến đấu.

Nhìn tấm bia đá ghi tạc công lao Ấu Triệu mà không một nấm mộ phần, ông Hường thấy lòng đau đáu và cảm thấy như còn một gánh nợ vô hình nào đó chưa trả với nơi ông từng được đùm bọc, chở che trong những tháng năm bom đạn.

Hành trình tìm mộ Ấu Triệu của vị cán bộ lão thành bắt đầu từ đây. Niềm khát khao cháy bỏng có một ngày được thắp nén nhang lên mộ phần người liệt nữ thôi thúc ông, ngõ hầu đáp lại bức tâm thư viết bằng máu của bà Ấu Triệu trước khi tuẫn tiết trong ngục tù thực dân hồi đầu thế kỷ: Đảng ta khi quét xong quân giặc/Trước nấm mồ em đốt bó nhang (bản dịch của Đặng Thai Mai- NV).

Ba mươi năm, một tấm lòng


Tấm bia “Ấu Triệu liệt nữ” do cụ Phan Bội Châu lập vẫn còn dòng chữ: “Sống vì nước, chết vì nòi. Bà Trưng, cô Triệu nay mấy ai”.

Làng Thế Lại thượng, xã Hương Vinh có dòng họ Lê Quang. Ngày đầu ông Hường hy vọng đây sẽ là manh mối quan trọng.

Nhưng trong gia phả họ Lê Quang lại không có ai tên Lê Thị Đàn. Dò hỏi sang làng Thế Lại hạ, nơi này không có họ Lê.

Có một ngôi làng Thế Lại thượng khác tại phường Phú Hiệp, TP. Huế, nhưng chẳng ai biết về bà Lê Thị Đàn...

Nghe ở đâu có tài liệu hay hội thảo liên quan đến cụ Phan, bà Đàn, ông Hường đều lặn lội tìm đến thu thập.

Năm tháng cứ dần dần trôi. Tình cờ ông gặp một nhà ngoại cảm từ miền Bắc vào giúp đỡ gia đình thân nhân liệt sĩ.

Được biết nhà ngoại cảm từng giúp nhiều trường hợp tìm lại hài cốt liệt sĩ thất lạc trong chiến tranh, ông Hường giãi bày tâm nguyện của mình và nhận được lời hứa giúp đỡ.

Tháng 10/2008, ông Hường được giới thiệu đến một dòng họ Lê khác trong vùng do ông Lê Văn Sinh làm đại diện. Cơ duyên run rủi, đây chính là gia đình hậu duệ bà Lê Thị Đàn.

Hôm đó cũng là ngày giỗ của em trai bà Đàn tên là Lê Minh Châu (ông nội ông Sinh). Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, trước khi ông Hường đến tìm, người trong họ Lê Văn về dự đám giỗ cũng có một cuộc họp bàn việc đi tìm mộ bà Đàn.

Tại đây, ông Hường biết thêm nơi bà Đàn tuẫn tiết là nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Theo ông Hường, vị trí này trùng hợp với nghiên cứu được công bố tại hội thảo về cụ Phan Bội Châu tổ chức ở Nghệ An năm 2006.

Năm 1968, dòng họ Lê Văn từng tổ chức tìm mộ bà Đàn tại nhà lao Lao Bảo nhưng bất thành, do điều kiện chiến tranh, địa hình sơn khê hẻo lánh.

Trở về bên những người đồng chí

Sau một hồi chuyện trò khuôn mặt của ông Hường như giãn ra, giọng nói trở nên nhẹ nhõm: “Tôi biết đây là việc làm của cá nhân xuất phát tự đáy lòng vì người xưa, nhưng đã đến lúc phải báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để cùng phối hợp thực hiện. Các anh trên tỉnh ủng hộ tôi, nhưng yêu cầu phải làm từ dưới lên”.

Thực tế lại không hề suôn sẻ. Người nhiệt tình hứa giúp đỡ “làm từ dưới lên” là Bí thư Đảng ủy xã Hương Vinh, ông Nguyễn Xuân Lý, bỗng nhiên đột ngột qua đời sau một cơn nhồi máu cơ tim trước lúc ông Hường xuất hành ra Lao Bảo. Vậy là ông Hường lại lọ mọ đứng ra lo liệu chỗ ăn nghỉ, dùng phương tiện đi lại của gia đình phục vụ nhóm tìm mộ.

Việc xác định nơi chôn cất tù nhân thời Pháp được Ban Quản lý di tích nhà tù Lao Bảo nhiệt tình giúp đỡ. Căn cứ tư liệu thu thập được từ trước, kết hợp trợ giúp của nhà ngoại cảm, sau một ngày định vị nơi chôn cất rồi động thổ khai quật, mộ Ấu Triệu Lê Thị Đàn đã được tìm thấy.

Đó là ngày 22/11/2008. Vị trí chôn cất thuộc khuôn viên Khu di tích nhà tù Lao Bảo, cách nhà điều hành khoảng 30m. Di cốt bà Đàn nằm ở độ sâu hơn 1m, theo thời gian gần như đã trở về với cát bụi.

Cùng với di hài, dấu vết váy áo mủn mục, trong huyệt mộ có viên gạch xưa, mảnh chén vỡ... vốn là những đồ “tùy táng” thường thấy của tù nhân tại Lao Bảo. Riêng loại gạch vồ được xác định là loại sử dụng phổ biến tại nhà tù này, được sản xuất từ năm 1900 đến 1930.

Ngày 25/11/2008, trước sự chứng kiến của lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, Bảo tàng, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên - Huế, chính quyền địa phương, di hài Ấu Triệu Lê Thị Đàn được đưa về nghĩa trang Phan Bội Châu, ở phường Trường An - TP Huế, an táng bên cạnh những người đồng chí.

Cùng tôi thắp nén nhang tưởng niệm lên ngôi mộ đất khiêm tốn vừa mới đắp của bà Ấu Triệu, ông Nguyễn Hữu Hường sực nhớ: “Tại huyệt mộ cũ ở Lao Bảo, sau khi cất bốc chỗ đất mủn vốn là di hài bà Ấu Triệu, trong lòng mộ vẫn còn một khuôn hình con người. Chỗ khuôn đất rỗng ấy tôi không cho san lấp, mà yêu cầu dùng vải nilon bịt kín để có thể phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học khi cần sau này”.

Ấu Triệu (? -1910) tên thật Lê Thị Đàn, là nữ chí sĩ yêu nước chống Pháp đầu thế kỷ 20. Bà quê Thế Lại thượng, Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Tên gọi Ấu Triệu (Bà Triệu nhỏ) do cụ Phan Bội Châu đặt, lấy gương bất khuất của Bà Triệu (Triệu Thị Trinh). Bà Ấu Triệu là nữ cộng sự đắc lực của cụ Phan trong Hội Duy Tân và Phong trào Đông Du từ năm 1904 tại Việt Nam, phụ trách liên lạc giữa hai miền Trung, Bắc của Hội.

Tháng 3/1910, Ấu Triệu bị Pháp bắt giam và tra tấn cực hình. Không khuất phục, Ấu Triệu viết thơ tuyệt mệnh bằng máu lên tường và thắt cổ tự vẫn tại một nhà lao ở Quảng Trị.




Ngọc Văn