Hai người đàn bà "ghê gớm" chốn thâm cung
00:39' 25/10/2007 (GMT+7)
(VietNamNet) - Đàn bà vốn đã là một ẩn số. Những người đàn bà nổi chìm trong chốn “thâm cung” lại thêm một lần bí ẩn. Miệng thế lưu truyền về họ ly kỳ hư thực những mưu mô và không ít bi kịch, vinh hoa và nước mắt. Khi bức màn cung cấm được vén lên…

Trong số những cổ vật - lư hương, hạc đồng, bát bửu… còn lưu giữ trong Đền Phù Đổng (ngoại thành Hà Nội) thờ Bà Mẹ Thánh Gióng, có đôi ang đựng nước thờ cỡ lớn, bằng sứ vẽ hoa văn men lam tím đặc sắc của gốm sứ sông Hồng, được giới thiệu là tác phẩm thời Lê - Mạc (TK 17). Thú thực, cặp đồ sứ này chưa phải là bảo vật gốm sứ vào hàng tuyệt diệu như tôi từng thấy ở các sưu tập khác. Nhưng rồi tôi đã phải chú ý khi được dân làng cho hay, theo các cụ truyền lại, đó là đồ thờ của bà Đặng Thị Huệ cung tiến vào đền.

Bà Đặng Thị Huệ thì tai tiếng đầy mình, nhiều người đã biết. Bà là gái quê Phù Đổng. Nhà nghèo, thất học, trôi dạt thế nào lại sa chân vào chốn thâm cung chúa Trịnh, làm kẻ hầu người hạ cho các phi tần. Được chúa Trịnh Sâm sủng ái, muốn gì được nấy, làm nghiêng ngả cả triều chính.

Người đàn bà gốc gác quê mùa, được số phận run rủi chạm tới quyền lực, cũng lắm dã tâm, từng mượn tay Chúa làm nhiều chuyện khuynh đảo, khiến người đương thời oán giận, vẫn còn có lòng thơm thảo nhớ đến quê nghèo.Dường như bên trong người đàn bà này, bị thói thường thèm khát quyền lực làm cho mê muội, không điều ác nào không dám làm. Nhưng ở góc khuất, thiện căn vẫn chưa mất, vẫn có cái tình của người con đối với quê cha, cái tình người chị, người mẹ như bao người đàn bà khác.

Run rủi, tôi được biết, cuốn gia phả dòng họ Nguyễn ở Linh Đường (tức Linh Đàm, nay thuộc quận Hoàng Mai), có ghi lại: Vào thời bà Đặng Thị Huệ, trong phủ Chúa Trịnh không chỉ một mà có đến hai người đàn bà cùng “ghê gớm”. Hai bà là “khắc tinh” của nhau trong các mưu toan quyền lực. Thật lạ, cuối cùng, một thắng một thua mà kẻ bại không bị trả thù, trái lại còn được cưu mang, an ủi. Có lẽ đây là chuyện hiếm lạ chốn cung đình xưa.


Lễ hội Đền Phù Đổng. Ảnh: Trần Trọng Cân
Không biết do ai dẫn dắt mà cô thôn nữ nhan sắc Đặng Thị Huệ vào cung, làm a hoàn cho bà Tiệp dư Nguyễn Thị Vịnh. Bà Vịnh là một vị phi của chúa Trịnh Doanh. Sách vở chỉ chép rằng một hôm chúa Trịnh Sâm (con chúa Trịnh Doanh - đã mất) tình cờ thấy Huệ, lập tức bị cơn “sét đánh”, mê mẩn tâm thần. Chúa liền gọi ngay Huệ vào cung, ngày đêm gần gũi, chẳng ngó ngàng gì đến việc phê duyệt văn từ tấu sớ...

Trở thành đệ nhất mỹ nhân trong phủ Chúa, lại khéo ngon ngọt yêu chiều, Huệ được Chúa coi như báu vật, ngọc ngà châu báu, xin vật gì Chúa cũng cho, thoả sức điểm trang lộng lẫy, tận hưởng xa hoa. Gái quê được thế là mãn nguyện lắm rồi. Vả, không chữ nghĩa gì, hẳn bà không dám màng đến chuyện nhúng tay vào triều chính.

Nhưng bọn nịnh thần lại không buông tha. Họ cứ lén lút đến dâng lễ vật, cầu cạnh bà xin với Chúa quyền này chức nọ. Người ngọc đã cất lời vàng, Chúa nỡ nào từ chối. Thế là triều thần kẻ thì ra sức xu nịnh, kẻ thì sợ hãi bà. Bà đã biết tới niềm khoái lạc của thứ “ma tuý” uy quyền, lại là uy quyền tột bậc, ở dưới một người đứng trên cả vạn người từ đấy.

Thói thường "một người làm quan cả họ được nhờ", bà không quên đứa em trai Đặng Mậu Lân ngỗ ngược lêu lổng đói khát ở quê. Bà gọi lên kinh, không chỉ cho vàng bạc châu báu, mà còn ngon ngọt với Chúa, cho Đặng Mậu Lân một chức quan mà không cần sát hạch, để cũng đứng trên kẻ khác. Thế là tai hoạ đổ lên đầu dân chúng Thăng Long.

Đặng Mậu Lân có quyền, lại ỷ vào thế chị, tung tiền chiêu nạp đám lâu la đầu trâu mặt ngựa mang gươm vác giáo, nghênh ngang võng lọng, nghi trượng rập theo kiểu vua chúa, làm loạn đường phố. Gặp gái đẹp lập tức quây màn tại chỗ, giở trò đồi bại. Dân chúng căm hận hai chị em họ Đặng, mà không làm gì được.

Rồi Đặng Thị Huệ cũng biết đến hạnh phúc làm mẹ khi sinh hạ Trịnh Cán. Chẳng may, đứa bé sinh ra đã èo uột. Thái y cũng không có cách gì vực đỡ, đành an ủi đó là “thiên mệnh”. Dù vậy, như mọi bà mẹ , Đặng Thị Huệ vẫn muốn tạo dựng cho con mình một tương lai vinh hoa. Ngặt nỗi, ngôi Thế tử thì Trịnh Sâm trước đó đã phong cho con trưởng Trịnh Tông. Đặng Thị Huệ không ngán ngại. Bà ngày đêm nỉ non xin Trịnh Sâm đưa Cán thay Tông. Trịnh Sâm đang lưỡng lự thì bọn nịnh thần hùa theo, phao tin gièm pha Thế tử, thế là Chúa giáng Trịnh Tông làm út, giam lỏng trong cung cấm.

Nhưng, sự đời như dân gian nói, bọ ngựa rình bắt ve sầu thì có chim sẻ đứng sau rình chụp. Đối thủ của bà Đặng Thị Huệ, trớ trêu thay, lại là người gần gũi nhất: Mẹ đẻ của chúa Trịnh Sâm - Thái phi Nguyễn Thị Hoa Dung.

Bà Thái phi ở đẳng cấp cao hơn hẳn về đức độ và tài năng chính trị. Bà là con gái của Quận công Nguyễn Đình Tư ở Linh Đường - một danh sĩ đương thời, là thầy dạy cả chúa Trịnh Doanh lẫn vua Lê Ý Tông.

Bà Hoa Dung, tên cha mẹ đặt là Nguyễn Thị Khương, thông minh, ham học, nết na từ tấm bé. Lớn khôn là trang tài sắc có tiếng kinh kỳ. Trịnh Doanh nối ngôi cha (Trịnh Cương), xin đón bà vào cung, phong ngay tước vị Chính phi (phủ chúa không tôn xưng “hoàng hậu”). Bà dâng kế sách “Ngũ qui” (mọi việc qui vào năm rường mối), Chúa khen hay, lấy làm rường cột cải tổ triều chính. Đi kinh lý, Chúa nhờ bà buông rèm trông coi việc triều. Bà được thoả chí thi thố tài năng tạo phúc cho trăm họ.

Nhưng đời riêng lại không như ý. Có lẽ do bà đoan trang, nên chuyện buồng the không được mềm mại khéo léo chăng. Được ít lâu, Chúa si mê người phi khác, có ý lấy lại ngôi Chính phi đem cho người ấy. Gia phả chép: Bà Hoa Dung không phải là người có máu mê quyền lực. Bà lại vốn sẵn lòng kiêu hãnh. Vì thế, trung thần lại vị nể bà, cùng nhau ra sức khuyên can Chúa. Chúa đành xuôi thuận. Sinh Trịnh Sâm, bà Hoa Dung mừng lắm, dành hết tình yêu thương cho con. Đã có quan Hữu tư giảng Nguyễn Hoảng dạy Sâm kinh sách, nhưng bà vẫn chăm lo rèn dạy con nghĩa lý, văn từ.

Lớn lên, Trịnh Sâm có đủ tài văn võ. Nối ngôi, Trịnh Sâm tỏ ra là người con có hiếu, ra sắc chỉ truy phong ông ngoại làm Triệu Khánh công, cho lập đền thờ ở làng Tự Tháp (sau đền này bị Lê Chiêu Thống sai lính phá đi cùng với nhiều cung điện, dinh thự của một thời các chúa Trịnh; cuối cùng dân xây đền Nam Huơng trên nền đền thờ cũ, nay ở số 77 phố Hàng Trống). Còn vua Lê Ý Tông tri ân thầy học, phong bà Hoa Dung làm Thái phi. Trịnh Sâm đi kinh lý, lại nhờ bà trông coi triều chính.


Đền Nam Hương, 77 Hàng Trống. Ảnh: Cung Chính Đoàn


Khi làm Thái phi, bà Hoa Dung gặp lắm chuyện phiền lòng. Trịnh Sâm ham vui cùng Thị Huệ, sao nhãng việc triều, lại dung túng cho Đặng Mậu Lân càn rỡ, bà đã phải nhọc sức khuyên can. Rồi Chúa lại hồ đồ ghét Tông, bênh Cán.

Ấy là lúc vị Thái phi - chính khách phải ra tay ngăn chặn nguy cơ thoán nghịch làm loạn triều, loạn nước. Bà vào cung, nói thẳng cho Chúa biết điều hơn lẽ thiệt: "Thế tử Tông với Vương tử Cán đều là cháu, ta thực không coi đứa nào hơn đứa nào. Có điều, Thế tử đã lớn mà khoẻ mạnh, còn Vương tử thì tuổi nhỏ, lại đau yếu. Chúa hãy nghĩ đến tôn miếu, xã tắc, tạm dành ngôi đông cung lại đó (đông cung là ngôi Thế tử - N.A), may ra Tông nó biết hối lỗi thì hay (lúc ấy Tông bị cho là có tội, bị giam lỏng). Bằng không, Vương tử khôn lớn hãy lập trưởng cũng chửa muộn gì!"

Nhưng Trịnh Sâm đã không nghe lời bà nữa. Trịnh Sâm ngã bệnh, ngày càng nguy kịch. Thái phi Hoa Dung hoảng sợ, thường vào cung chăm sóc. Thời khắc quyết định đã đến gần. Khi chúa lâm chung, sai thảo cố mệnh đưa Trịnh Cán lên ngôi. Bà đau lòng vì sắp phải vĩnh biệt đứa con độc nhất, nhưng vẫn rất tỉnh táo, bảo đưa chiếu cho xem. Rồi tự tay bà dùng bút son phê: "Không phải bút rồng của tiên vương, không đủ làm bằng”.

Nhưng tình thế không thể đảo ngược được nữa. Phe cánh Thị Huệ áp đảo vì Quận Huy nắm binh quyền đã ngả theo, Trịnh Cán đang thoi thóp trên giường bệnh mà vẫn lên ngôi chúa. Thị Huệ và Quận Huy cùng nhiếp chính.

Cánh trung thần đâu chịu bó tay. Họ mượn tay đám kiêu binh gặp buổi kỷ cương rối loạn đã chẳng coi quân pháp ra gì, để phế Trịnh Cán đi, lập Trịnh Tông lên rồi xin ý chỉ của bà. Thái phi kinh hoàng vì biết thế tất có cảnh đầu rơi máu chảy. Bà bảo họ đi thương lượng với Quận Huy, tạm để Tông làm Quyền Thế tử, đợi Cán khoẻ sẽ đưa Cán lên làm chúa.

Quận Huy đời nào chịu nghe theo. Giữa lúc ấy, kiêu binh đã nổi lên làm loạn. Chúng tràn ra phố, xông vào năm cung sáu viện thả sức cướp phá, hãm hiếp, chém giết hãi hùng. Đặng Thị Huệ hoảng sợ ôm con đi trốn, lẫn vào đám dân chúng chạy loạn đầy đường.

Bà Thái phi cho người đi tìm bằng được, đưa hai mẹ con về nuôi nấng trong cung của mình. Triều chính đã đảo lộn, thông minh và bản lĩnh, bà ứng biến theo cách của thời loạn. Thái phi tự tay ra sắc đưa Trịnh Tông lên ngôi chúa, hiệu là Đoan Nam Vương. Rồi bảo Chúa ra lệnh vỗ về binh lính và trăm họ.

Cơn biến loạn dịu đi. Trịnh Tông còn non nớt, bà lại lần nữa đứng ra nhiếp chính. Trịnh Tông phong bà nội làm Thái từ Thái tôn. Ông lại gọi hết danh y ở kinh kỳ vào cung chữa bệnh cho đứa em đáng thương Trịnh Cán. Nhưng mệnh Cán chỉ đến thế, thuốc gì cũng không sao cứu được.

Cuộc đời hai người đàn bà nổi tiếng vào buổi chợ chiều của thời Lê - Trịnh là vậy. Chỉ tiếc cho bà Thái phi Nguyễn Thị Hoa Dung và gia phụ vinh hiển cùng các anh chị em nhiều người hiển đạt, làm nên một nhà “phụ tử đồng triều”, là ngôi nhà thờ họ ở Linh Đường, đã bị bom đạn thời kháng chiến chống Pháp phá huỷ.

Con cháu các đời nay thì nghèo, chưa thể xây cất lại, để người thời nay có nơi bái ngưỡng. Bà Đặng Thị Huệ gặp may hơn khi còn để lại trong đình làng đôi ang sứ quí, khiến người ta còn được nghe nhắc đến tên bà như một người quyền thế vinh hoa ở cung vua phủ chúa mà không quên gốc.

Nhi Anh