Vì sao đức Thế Tôn đưa ra 8 pháp sau với hàng Tăng Bảo? Mà chỉ những ai đầy đủ 8 pháp đó mới xứng đáng là phước điền vô thượng ở đời? Pháp yếu chỉ thứ 7 trong 8 pháp đó là tối trọng. Đây cũng là thước đó để biết người nào mới chính là hàng Tăng Bảo đáng được tán thán, cung kính, cúng dường, đáng được chấp tay, là phước điền tối thượng ở đời. Nhìn vào đây để thấy được vị Chân Tu chứ không phải nhìn vào "chiếc áo", vì chiếc áo không làm nên thầy tu.

Đức Thế Tôn có nói như thế nào mới là Chúng đệ tử của Người:

Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn,
Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn,
Ứng Lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn,
Chân chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn.
"

Tức bốn đôi tám vị Dự lưu đạo, dự lưu quả - Nhất lai đạo, nhất lai quả - Bất lai đạo, bất lai quả - Alahán đạo, Alahán quả.

"Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay là ruộng phước vô thượng ở đời".

-- Tăng Chi Bộ Kinh - (Anguttara Nikaya)

Kinh Mahanama (1) - Mahanama Sutta (AN XI.12)


__Và như thế nào mới là Tỳ-Kheo đáng được cung kính:

" Như vậy, này các Tỷ-kheo, thành tựu tám pháp này, Tỷ-kheo xứng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là tám?

[1] Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn, đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp.

[2] Phàm nhận các món đồ ăn gì, thô hay tế, vị ấy ăn một cách cẩn thận, không có oán thán gì.

[3] Vị ấy có nhàm chán, nhàm chán thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, nhàm chán sự thành tựu các pháp ác bất thiện.

[4] Vị ấy hoan hỷ và dễ dàng sống chung với các Tỷ-kheo khác, và không làm các Tỷ-kheo khác hoảng sợ.

[5] Phàm có những gian dối, giả dối, xảo trá, quanh co gì, nêu rõ như thật cho vị Ðạo sư hay các đồng Phạm hạnh có trí cố gắng để nhiếp phục.

[6] Trong khi học tập, vị ấy khởi lên ý nghĩ: "Hãy để cho các Tỷ-kheo khác học tập, hay không học tập, còn ta, ta sẽ học tập ở đây ".

[7] Khi đi, vị ấy đi con đường thẳng, tại đây, con đường thẳng này tức là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

[8] Vị ấy sống tinh cần, nghĩ rằng: "Dầu chỉ có da, gân hay xương còn lại, dầu thịt và máu có khô cạn trong thân, điều mà sự kiên trì của con người, sự tinh tấn của con người, sự nỗ lực có thể đạt được, nếu chưa đạt được thời tinh tấn không có chấm dứt."

Thành tựu tám pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời.

-- Tăng Chi Bộ Kinh - (Anguttara Nikaya)
Kinh Con ngựa thuần thục - Ajañña Sutta (AN VIII.13)



Thành kính đảnh lễ Tăng Bảo, là những bậc thừa hành Chánh Giáo, bên ngoài có Y - Bát chân truyền, bên trong có Giới - Định - Tuệ làm căn bản; dù đã đắc quả thánh (Thánh Tăng) hay còn phàm (Thanh tịnh Tăng) đều gọi là Phước Điền của Chư Thiên và Nhân Loại.