Hàng năm, vào Tháng Bảy, cửa ngục ở Âm ty được mở. Ngày đó, các cô hồn được phép lang thang cầu thực, nhận bố thí của dương gian. Một trong những đàn tràng được lập lên là đàn Mông Sơn thí thực dùng để thực hiện việc này.
Cúng mười loại cô hồn là loại hình văn hóa nghi thức Phật giáo dùng trong ngày rằm tháng bảy hàng năm, để siêu thoát cho các cô hồn trong lục đạo được ăn uống tránh đói khổ, siêu sinh lên cõi trời thanh tịnh, lạc đạo.
Với mười loại cô hồn, bài Văn tế thập loại chúng sinh (gọi tắt là Văn tế) tương truyền là của Nguyễn Du không những chủ yếu trong nghi thức mà còn là một tác phẩm văn học Nôm có giá trị.
Bài Văn tế bao gồm 184 câu, chia ra làm ba phần chính: Phần đầu giới thiệu cảnh não nề của tháng bảy mưa dầm sùi sụt, cảnh lặng lẽ man mác, buồn thương...; Phần thứ hai nói rõ mười loại cô hồn, đây là phần chính của bài văn; Phần cuối kết luận, mở hướng cho con người đi vào con đường lương thiện, theo cầu đạo Phật từ bi để không sa đọa vào cô hồn quỷ đói. Cả ba phần đều với giọng văn thê thiết, vạch hướng con người đi vào con đường từ bi lương thiện để thoát khỏi cảnh tai ương khổ ai của kiếp nhân quả luân hồi.
Mười loại cô hồn cần được chẩn tế là:
1. Vua chúa bị giết.
2. Quý nữ liều thân.
3. Tể thần thất thế.
4. Đại tướng bại trận.
5. Ham giàu chết đường.
6. Ham danh chết quán.
7. Buôn bán chết xa.
8. Binh lính chết trận.
9. Kĩ nữ cô đơn.
10. Chết bởi nghèo nàn tai họa.
Vừa được chứng kiến một đàn cúng Mông Sơn thí thực, trong tiếng âm nhạc và các bài canh, kê, tán, tụng của âm nhạc Phật giáo tại chùa Đại Phúc (Ngọc Trục, Từ Liêm, Hà Nội), tôi rất bàng hoàng vì tinh thần nhân văn cao cả của Phật giáo, vừa bị mê hoặc lôi cuốn bởi vẻ đẹp phong phú của âm nhạc lễ nghi Phật giáo.