Đối thoại với nhạc sĩ Phú Quang


“Người miền Bắc cao đạo một cách ngây ngô còn người miền Nam thì thực tế một cách trần trụi"

"Có một điều tôi thấy là chúng ta vẫn có sự cố chấp giữa hai miền không chỉ trong âm nhạc mà còn trong nhiều vấn đề khác. Có một lần, một nhà báo miền Nam hỏi tôi: điều gì khiến cho anh là nhạc sỹ Bắc kỳ mà thành công ở Sài Gòn thì tôi bảo là cái công thức của tôi rất đơn giả: đó là cái đầu Bắc kỳ được tân trang ở Sài Gòn"

Phóng Viên ( PV ): Có lẽ chúng tôi sẽ trở lại thời rất xa xưa của anh- cái thời “Nam tiến” của nhạc sĩ Phú Quang. Thời đó có rất nhiều những nghệ sỹ từ phía Bắc vào Nam lập nghiệp. Vậy sự ra đi của anh vì những lý do gì? Khát vọng tìm kiếm một miền đất mới? Một sự đổi thay về tư duy? Hay là tiếng gọi của một người đàn bà? hay là một cái gì khác…

Nhạc sỹ Phú Quang ( PQ) : Sự ra đi của tôi vì một lý do rất buồn cười như thế này. Hồi đó là mùa đông, trời thì mưa phùn gió bấc, con tôi mới được ba tuổi bị ho sặc sụa mà sau một lần ho lại nôn ra hết cho nên đến khi ba tuổi rồi mà số cân của nó chỉ bằng lúc 9 tháng. Thời tiết mưa phùn gió bấc, ngõ thì lầy lội, con ốm đau, công việc mệt mỏi nhưng cứ vào lúc 19h tôi lại nghe một bản tin trên ti vi phản ánh về việc xây nhà vệ sinh trong nhà. Người Hà Nội thời kỳ đó đang dùng hố xí hai ngăn nên ông X, bà Y mà dám xây một nhà vệ sinh trong nhà, lại lát gạch, lát gương thì bị coi là xấu xa, đồi trụy. Tôi cảm thấy thật buồn và luôn tự vấn mình: Tại sao xây một cái toilet tối thiểu lại là một tội lỗi? Ở Sài Gòn, người ta muốn mua một căn nhà thì việc đầu tiên người ta phải xem cái toilet có đàng hoàng hay không ? Và tôi đã quyết định vào Sài Gòn sau năm ngày mặc dù biết đó là miền đất rất mới và không có gì chờ đợi mình ở đó.



Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: T.Q

PV: Anh phác thảo cuộc sống ở Hà Nội trước khi vào Sài Gòn như thế nào? Lúc đó hẳn anh đang sống trong một sự khắc khoải của đời sống nghệ thuật?


PQ : Tôi đã làm rất nhiều. Suốt bốn năm gần như tôi đã “độc chiếm” vị trí nhạc sĩ trong nhà hát kịch. Hồi ấy người ta gọi tôi, Doãn Hoàng Giang và Lưu Quang Vũ là cỗ xe tam mã của nhà hát kịch. Nhưng thằng nghệ sĩ có cái dở hơi là thấy rất buồn vì những chi tiết nhỏ. Mà mọi người cảm thấy rất tiếc là tại sao tôi đang có một vị trí như thế, thành đạt như thế mà lại bỏ đi? Khi vào Sài Gòn tôi gặp rủi ro mất trắng mười mấy cây vàng mà với số tiền đó người ta có thể mua một căn nhà mặt phố. Nhưng thật may, Sài Gòn dường như là miền đất phù suy chứ không phù thịnh.

PV: Lúc ấy tài sản anh mang đi là gì?

PQ : Lúc đó tôi đã viết rất nhiều nhạc phim, nhạc kịch, nhạc không lời, hòa âm, phối khí hàng trăm bản nhưng ca khúc thì chưa có gì ghê gớm lắm. Nhưng tôi đã nhận ra vào thời kỳ đó nếu không viết ca khúc thì không ai gọi ông là nhạc sĩ cả. Trong vòng một năm, tôi viết khoảng gần trăm ca khúc và may mắn hơn người khác ở chỗ là ca khúc của tôi khi viết ra bao giờ cũng được thu lại và được vang lên.Có nhiều người bất hạnh hơn khi có năm bẩy trăm ca khúc nhưng không được vang lên còn các ca khúc của tôi thì chưa có bài nào đã sáng tác mà không vang lên cả. Trước đó thì tôi coi ca khúc là bình thường và niềm đam mê của tôi là viết nhạc không lời vì trong nhạc không lời tôi có cơ hội bộc lộ hết mình giống như người ta có thể khỏa thân. Còn ca khúc chỉ bộc lộ được một góc riêng nào đó thôi. Nhưng Sài Gòn là mảnh đất của ca khúc và sau đó khi viết rồi thì tôi thấy rằng ca khúc có cái hay của nó mà trước đấy mình chưa hiểu hết


PV: Trước khi vào Sài Gòn thì anh đã biết gì về thế giới nhạc sĩ ở trong đó, những người còn ở lại sau năm 1975?Anh có hiểu họ, tác phẩm của họ và anh có đươc thế giới đó đón nhận?


PQ : Tôi rất hiểu đời sống âm nhạc Sài Gòn vì tôi là nhạc sĩ chuyên nghiệp, từ nhỏ đã được học nhạc. Tôi quan niệm muốn làm được điều gì đó thì phải biết người, biết mình. Từ những nhạc sĩ tên tuổi như Trinh Công Sơn, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy… cho đến những nhạc sĩ trẻ như Lê Lựu Hà.. mình đều nghiên cứu hết.


PV: Anh có nhận thấy một sự khác biệt nào? Đất nước khi đó dù thống nhất nhưng vẫn chia làm hai đời sống văn học, nghệ thuật, phong tục, tập quán… Giữa lúc đó âm nhạc hai miền có gì khác biệt?


PQ : Hạ tầng cơ sở như thế nào thì sẽ “đẻ” ra kiến trúc thượng tầng tương ứng. Người miền Nam rất thực tế nên họ dễ sống còn người miền Bắc thì cao đạo “đi mây về gió”. Tôi cứ ao ước giá như hai miền trộn vào với nhau thì rất tuyệt vời. Người miền Bắc cao đạo một cách ngây ngô còn người miền Nam thì thực tế một cách trần trụi. Tôi quan sát thấy ông xích lô miền Nam sau khi chạy xong một cuốc xe thì việc đầu tiên là lấy rẻ phủi bụi hoặc lau xe cẩn thận rồi thong thả đi uống cà phê, đọc báo, có khách đến thì đi ngay và nhiệt tình chỉ đường. Còn ông xích lô miền Bắc nhảy luôn quán nước rồi nói chuyện thế giới hôm nay thế nào? Nhưng hỏi ông lái xe xích lô miền Nam chuyện đó thì ông ta không biết.


PV: Khi đến một vùng đất mới với những đặc trưng văn hóa khác biệt thì người ta sẽ tìm cách thay đổi để hòa nhập vào nó? Anh có như thế không? anh có thay đổi để hòa nhập hay tìm cách chiều chuộng khán giả của anh ở nơi đó để tồn tại không ? Không phải là cá biệt vì đã có rất nhiều văn nghệ sỹ vào đó và họ đã đổi thay vì sự sinh tồn ở mảnh đất này.


PQ : Ở Sài Gòn 23 năm nhưng đến năm thứ 22 vẫn có người gặp tôi vào hỏi rằng: anh mới vào Sài Gòn lần đầu tiên à? Có người Hà Nội chính cống nhưng khi họ nói với người Sài Gòn hoặc nói với người ngoài Bắc mới vào là: Anh mới dô đấy à? anh đã dzậy rồi đấy à? Có những cô diễn viên rất xinh đẹp là người Hà Nội gốc nhưng vẫn nói pha giọng. Họ nghĩ rằng đó là cách vừa lòng người Nam bộ nhưng có lần tôi đã nói với một vài người là “chửi cha không bằng pha tiếng”. Thực ra tôi đã cảm thấy người miền Nam rất khó chịu khi mà ông Bắc giả giọng Nam. Thực ra đấy chính là giễu cợt thế nhưng có nhiều người không nhận ra. Năm đầu tiên vào Sài Gòn là một khoảng thời gian rất khó khăn với tôi. Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đứng chỉ huy một dàn nhạc, cả cái phòng rộng mênh mông mỗi người một góc nhưng mà mình bắt họ ngồi xê lại thì họ rất khó chịu. Sau đó tôi thuyết phục được họ dù trước đó không ai thèm nhìn tôi nhưng đến khi tôi ép họ làm và làm có hiệu quả thì họ nói là: em không ngờ anh là người Hà Nội mà em cứ tưởng anh là nhạc sỹ của thành phố.Lúc đầu người ta không thích lắm nhưng sau đó họ lại rất thích. Bởi vì không thể nào mà làm một ông miền Nam giả được.
Tôi vẫn nhớ trước một công chúng rất đông đảo ở báo Tuổi Trẻ thì nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu hỏi là : Anh là một nhạc sỹ nghe nói là nổi tiếng ở miền Bắc, vậy phải chăng anh bất mãn điều gì nên mới vào Nam? Tôi có nói đùa lại là: Các bạn trông người nghệ sỹ nhất trong đám này thì không phải là tôi mà là anh Phạm Trọng Cầu chứ không phải là tôi- một người đầu tóc thì bù xù, quần áo thì lôi thôi lếch thếch, đi thì chân nam đá chân chiêu. Thế nhưng câu hỏi vừa rồi thì lại không nghệ sĩ lắm. Nghệ sĩ là người thích đi tìm cái mới thì tôi vào đây là đuổi theo cái mới. Anh ấy lại hỏi tôi: Thế sao vào đây mà anh chỉ viết thương nhớ Hà Nội? Tôi lại nói: Tôi chỉ nói với anh chị điều này thôi: bây giờ giả sử có một người tình nhân mà người ta quên bố mẹ thì tôi khuyên các bạn đừng bao giờ yêu người đó. Bởi nếu mà tôi không yêu Hà Nội thì làm sao tôi có thể yêu Sài Gòn được.Sao lại cứ phải chán ghét cái này mới đến cái kia được? Tôi yêu Hà Nội như bố mẹ còn với Sài Gòn như tình nhân tôi đuổi theo. Nhưng nếu mà tôi khinh ghét bố mẹ tôi thì tôi khuyên những người tình nhân đừng nên chấp nhận.


PV: Ngay kể một người hay một vật đứng im cũng thay đổi theo thời gian nhưng mà anh đã thay đổi từ Hà Nội chuyển vào Sài Gòn, đó là vùng đất khác hoàn toàn với mảnh đất mà anh đã sinh ra và lớn lên. Vậy khi đến một vùng đất mới khác biệt như vậy thì bản thân anh có thay đổi không và quan điểm âm nhạc hay những cảm xúc âm nhạc của anh có thay đổi không?


PQ : Tôi là người tương đối tỉnh táo ở chỗ là không đến nỗi lãng mạn đến mức là quên đi cái thực tế nhưng cũng không yêu mình đến độ mà tưởng mình là nhất. Tôi có thể có cái dở của người nghệ sỹ những vẫn còn đủ tỉnh để làm mọi điều. Nhiều lúc tôi cũng thấy ân hận vì đã bỏ đi như thế. Nhưng sau một năm rồi thì tôi thấy Sài Gòn có cái đáng yêu riêng nó là rất tiện cho một đời sống, tức là để phát triển ở mức mà trung bình thì rất hay vì tốc độ phát triển, nhịp độ thay đổi của nó rất mạnh mẽ. Nhưng tôi có một may mắn là vẫn còn đủ nghị lực, đủ tỉnh táo để nhảy ra khỏi cái vòng đấy. Còn nếu anh cứ lao vào cái vòng đó thì giống hệt như một cái phố kẹt xe ông không đi thì cái xe đằng sau sẽ lao vào ông


PV: Có một hiện tượng là nhà văn miền bắc viết thì người miền Bắc đọc và ngược lại. Nhưng những ca khúc của anh kể cả người già, người trẻ, người Nam, người Bắc đều đón nhận nhiệt tình. Vậy thì cái hấp dẫn ở đây là gì, ca từ, giai điệu hay là độ sâu của tâm hồn anh thể hiện trong đó?

PQ : Trong tất cả những điều ấy thì tất nhiên một ca khúc đến với mọi người thì nó phải bằng cái rung động thật. Nhưng có một điều tôi thấy là chúng ta vẫn có sự cố chấp giữa hai miền không chỉ trong âm nhạc mà còn trong nhiều vấn đề khác. Có một lần, một nhà báo miền Nam hỏi tôi: điều gì khiến cho anh là nhạc sỹ Bắc kỳ mà thành công ở Sài Gòn thì tôi bảo là cái công thức của tôi rất đơn giả: đó là cái đầu Bắc kỳ được tân trang ở Sài Gòn. Đôi khi, tôi thấy người miền Bắc hơi cao ngạo và cố chấp khi nghĩ rằng mình không cần. Tôi nhớ ngày đầu tiên tôi làm cuốn sách nhạc thì một ông Giám đốc sở Văn hóa Thông tin Hà Nội cũng là nhạc sĩ nói rằng: “Thằng này nó kiêu vì làm quyển sách nó quá đẹp!”. Tôi có nói với ông ý rằng là làm sao tôi có thể tiếp anh nếu anh mặc một bộ quần áo ngủ nhàu nhĩ, anh phải mặc bộ quần áo sạch sẽ chứ .Tôi nghĩ rằng nếu tôi làm cho nó đẹp tác phẩm của tôi thì thế là thái độ của tôi trân trọng mọi người trong đó có sự trân trọng tôi nữa tại sao lại gọi đó là kiêu ngạo. Đã có một thời, chúng ta tự hào khi ra đường với một bộ quần áo nhàu nát và nghĩ rằng xây một cái toilet là tội lỗi thì cái chuyện không chú ý đến hình thức là chuyện bình thường.

(còn nữa)

Nhóm Phóng viên Vietimes thực hiện