"Ma cống" mồ côi



"Ma cống" Lê Văn Thọ. (Ảnh: TG)

Hơn 30 năm lăn lộn với nghề, không ít lần ông nằm mơ mình có 1 căn nhà bằng một phần tư... hố ga ở phố Mai Xuân Thưởng, để vợ chồng, con cháu sống đỡ khổ hơn.


Dân trong nghề đồn thổi vô số chuyện huyền bí quanh “ma cống” Lê Văn Thọ. Nào là “ma cống” có khả năng bẻ gập thân mình đến dẻo quẹo để luồn lách qua bất cứ nơi đâu dù nhỏ nhất trong “thế giới ngầm”, kể cả những nơi tưởng chừng chỉ là lối đi “độc quyền” của… chuột cống. Nào là “ma cống” có khả năng bắt cá 2 tay như 1, đến nỗi rái cá có gặp anh cũng đành nhịn đói.

Hay như, “ma cống” có khả năng chịu đựng cái lạnh thấu xương của Hà Nội mùa đông trong điều kiện trần như nhộng v.v... “Khủng” hơn, có người còn quả quyết rằng, không dưới dăm lần “ma cống” được Diêm vương “thỉnh an” nhưng sau đó lại… trả về.

Học... “hít thối”

Tóc bạc, da nhăn nheo, những vết thương chằng chịt hằn rõ trên bắp tay, cổ chân ông, càng gợi trí tò mò cho người tiếp xúc. “Ma cống” Lê Văn Thọ lầm lũi mời tôi chui vào “tổ ấm”, căn nhà chưa đầy 9m²và là nơi trú ngụ của gần chục con người đại gia đình của ông.

“Ma cống” cho biết, ông vào nghề từ năm 1971, là một trong những thế hệ đầu tiên của tổ cống ngầm trực thuộc Công ty cầu đường. Không giống như các anh em khác trong đội là những cựu binh rời quân ngũ gia nhập đội quân cống ngầm, “ma cống” Lê Văn Thọ làm công nhân khi mới tròn 19 tuổi.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, khi 9 anh em còn bé, thì bố mẹ ông lần lượt ra đi. Ông và các em lầm lũi côi cút trong tuổi thơ khó nhọc. Người ta gọi “ma cống mồ côi” là bởi thế. Cũng sau cái đận đau thương đó, anh em ông li tán mỗi người một ngả. Người về nhà cô dì, chú bác sống nhờ, người đi xa kiếm miếng cơm, manh áo thiên hạ. Riêng ông và bà chị liền kề được một bà cô tốt bụng đem về nuôi nấng, coi như con đẻ.

Chỉ hiềm, bà cô cũng rất nghèo, từ sáng sớm cho đến đêm khuya oằn lưng với gánh hàng xáo ki cóp từng đồng nuôi hai cháu. Lớn một chút, khi thấy sức vóc mình có thể tự kiếm sống nuôi thân, đỡ đần chị và bà cô, ông không ngần ngại xin vào tổ cống ngầm. “Chớp mắt, đã hơn 30 năm” - “ma cống” bùi ngùi lau nước mắt khi nhớ lại thuở xa xưa!

Ngày đầu tiên đi học việc, ông hăm hở dậy từ rất sớm. Dù vẫn biết làm nghề này là vất vả, gian truân song ông không thể hình dung được nó cực ngay từ cái bài học vỡ lòng.

Buổi đầu đi làm của ông bắt đầu bằng việc: đứng ở miệng hố ga để... hít khí xú uế trong cống ngầm! Đó là những ngày nhớ đời mà ít nhất dăm lần ông tính chuyện bỏ cuộc. Mùi từ cống xộc lên váng cả óc, cơm canh từ trong dạ dày cứ chực trào ra, tối về mũi không còn cảm giác mùi vị với thức ăn, cứ nghẹt cứng như... cống bị tắc nước.

Suốt gần một tháng liền chỉ phải đứng học nghề một cách đặc biệt như thế, đủ để thử thách tinh thần biết chịu đựng những khắc nghiệt của nghề nghiệp. Cuối cùng, ông đã... trụ được!

Buổi đầu làm... “chuột”

Nhớ lại những ngày đầu gian khổ đó, ông Thọ bảo rằng vượt qua được là nhờ trong đầu luôn nghĩ đến cái lưng còng vì gánh hàng xáo của bà cô họ đang nuôi nấng chị em mình. Còn một số những người khác chỉ đứng được mươi phút đã “một đi không quay gót lại” để “học bài” nữa.

Vượt qua thử thách, ông được phân công xuống mò rác ở quanh các hố ga. Cái cảm giác khi bắt đầu xuống hố ga lần đầu tiên thật khó quên. Tưởng chừng, khi học tốt bài vỡ lòng “đứng miệng hít mùi” là mọi việc sẽ ngon ơ, nào ngờ mới bước chân chạm nước mà người cứ như bị ai ném vào hố phân lợn.


Bắt đầu một ngày ngâm mình dưới nước cống. (Ảnh: TG)

Đứng trên đường còn được thở mùi cống trộn lẫn với không khí, còn bước xuống hố ga là thở đặc mùi cống. Mắt mũi lờ đờ như cá phải thuốc sâu, tay chân lóng nga lóng ngóng như gà mắc tóc. Đứng chưa vững, đã phải làm việc.

Khi bàn tay sục sâu dưới làn nước cống móc rác, bao nhiêu lần từng mớ rác đưa lên đồng nghĩa với việc bấy nhiêu lần phải hít trọn số khí mê tan xộc vào lồng ngực. Khi đã bắt đầu quen dần với công việc, ông theo các bậc đàn anh chui sâu vào lòng cống để thông tắc, để vớt bùn.

Vào sâu 3 mét kể từ miệng cống ngầm, con người ta như sống trong một thế giới khác. Tất cả là bóng tối, là màn đêm đen đặc dù đang giữa trưa hè nắng chói chang. Còn khi “độc lập tác chiến” thì cảm giác rờn rợn cứ ảm ảnh, tay làm nhưng trong đầu cứ lởn vởn biết bao cảm giác hãi hùng.

Ông nói mà nét mặt như thể đang đối diện với tất thảy những hãi hùng đó: “Cậu biết lúc đó tôi sợ gì nhất không? Ma! Sợ ma! Đang làm việc mà nghe bì bõm đằng sau thì cống có chật đến mấy cũng phải cố ngoái đầu lại nhìn, cho dù không có một chút ánh sáng nào lọt vào mắt”.

Ông Thọ kể: “Có lần vớt được xương mà lạnh cả gáy, đứng dưới cống lạnh mà toát cả mồ hôi hột, miệng lắp bắp mãi không thành lời. Mình thanh niên trai tráng 19 tuổi mà nhảy vọt lên đường, miệng ú ớ: “Các... chú... ơi! Cháu vớt... vớt phải xương... ng...ư...ờ...i”.

Thế là sau đó một chú chui xuống cầm khúc xương lên, mặt mình tái mét còn các chú không ai nhịn nổi... cười: “Như thế này mà xương người thì một năm tao phải vớt được cả trăm xác người. Cống ngầm thành nghĩa địa hả chú mày? Đây là xương bò, hiểu chưa?”.

Lần đó, mình ngượng muốn chui xuống đất, sau làm riết rồi cũng quen, không biết sợ là gì nữa”.

5 lần đối mặt... Diêm vương

Nhắc đến chuyện dân trong nghề đồn thổi rằng có mấy lần ông được Diêm vương “mời” không thành, “ma cống” cười rất tươi.

Ông bồi hồi cho biết, đó là vào ngày 18/3/1989, tổ cống ngầm vào Viện 103 để thực hiện nhiệm vụ nạo vét các hố ga lắng. Trong quá trình chuẩn bị thì anh em vớt mãi mà vẫn không thể nào tìm được ống bơm chìm dưới đáy hố ga. Thế là Thọ quyết định lặn xuống để lôi nó lên, do chủ quan nên ông không ngờ phía dưới bùn lắng khá dày và bị sặc bùn, vùng vẫy mãi mới ngoi lên được.


Công nhân Xí nghiệp 1, Công ty Thoát nước Hà Nội đang thi công tại cống ngầm phố Mai Xuân Thưởng. (Ảnh: TG)

Khi kéo được lên thì “ma cống” đã... tắt thở. Đồng nghiệp phải đưa ông vào viện, bác sĩ nhanh chóng thông đường thở, rửa ruột lấy bùn ra. Một ngày, rồi hai ngày trôi qua nhưng ông vẫn mê man bất tỉnh. Mọi người đã chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất có thể xảy ra. Đến ngày thứ ba, tưởng chừng vô vọng, gia đình khóc váng lên thì “ma cống” từ từ mở mắt.

Nhưng lần đó chưa kinh hoàng bằng vụ xảy ra ở làng Khương Thượng. Đợt đó trời mưa như trút nước, cống ngầm bị tắc, nước ngập lênh láng. Khi nhận được tin, đội của ông nhanh chóng đến hiện trường. Sau một lúc tìm hiểu, khảo sát tìm ra nguyên nhân dẫn đến cống bị tắc, là do có một thanh gỗ chắn ngang làm rác ứ đọng như một cái van kín, bên kia thì đầy nước mà bên này thì chỉ... róc rách chảy.

Trước tình hình này chỉ còn cách là buộc dây vào thanh gỗ rồi kéo tời cho nó bung ra. Nhưng buộc dây xong, chưa kịp chui ra thì thanh gỗ không chịu được áp lực của dòng nước đang đổ dồn về, bung ra một cách bất ngờ. Hàng trăm khối nước bẩn với đủ thứ xú uế đổ dồn đến, cuốn phăng “ma cống” lăn như hòn bi trong lòng cống xa mấy chục mét...

Khi áp lực dòng nước giảm, ông Thọ cố bơi theo dòng nước ra ngoài và thoát chết trong gang tấc. “Lần đó cầm chắc cái chết trong tay, nhưng số phận run rủi làm sao vẫn cho mình được sống. Bây giờ mỗi lúc nhớ lại đều nổi da gà!”.

Hay như cái lần cũng làm ở bệnh viện, khi đội đang thi công bên dưới, ông Thọ lọ mọ tới gần miệng hố ga thì bất ngờ hứng trọn một xô ê te vào đầu. Không còn cách nào khác, ngay lập tức ông phải lao xuống lòng cống đầy nước bẩn để tắm... nhằm rửa trôi hết ê te.

Đó chỉ là con số ít ỏi trong số hàng chục vụ đụng chạm “thần chết” kinh hồn mà ông đã gặp phải. Dù sao, cuối cùng may mắn đã mỉm cười với ông...

Mãi đến lúc chia tay ông, chuẩn bị rời xa căn phòng chưa đầy mười mét vuông có tới gần chục người chen nhau, tôi mới biết rằng, nghe tin có nhà báo tới thăm, ông đã phải cho đàn cháu tản cư để nhường chỗ cho khách ngồi.

Lầm lũi, lặn lội một đời nhưng ông vẫn chưa đủ tiền để có một mái nhà mà chui ra chui vào khỏi đụng vào đầu nhau. Ông nói đùa: “Căn nhà này cũng chẳng khác lòng cống là mấy, chỉ có điều nó không có nước thải, không có mùi hôi thối thôi, còn chật chội lắm”.

Sau hơn 30 năm lăn lộn với nghề, không ít lần ông nằm mơ mình có một căn nhà rộng bằng một phần tư... hố ga ở phố Mai Xuân Thưởng, để vợ chồng, con cháu sống đỡ khổ hơn.

(Còn tiếp)