Phản hồi “Ngoại cảm tìm mộ”- Sự thật là đây? (Phần I)
Thứ hai, 22/10/2007, 07:00 GMT+7

Sau khi xuất bản chuyên đề Ngoại cảm giả danh, VieTimes nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình về quan điểm của nhóm tác giả đã thực hiện chuyên đề đó. Tuy nhiên, do sự mù mờ còn trùm kín nhiều cái gọi là “nhà ngoại cảm”, do lý trí còn non kém, do văn hoá còn sơ khai, do tình cảm với người đã khuất nhiều khi lấn át cả sự thật... nên vẫn có một số phản hồi ngược lại quan điểm của VieTimes. Tuy vậy, Ban biên tập VieTimes dường như cũng phải “giật mình” khi đọc loạt bài” Phản hồi ngoại cảm tìm mộ”- Sự thật là đây? Tác giả thuật lại tương đối chi tiết hành trình tìm mộ anh trai của chính tác giả, với sự giúp đỡ của “nhà ngoại cảm” nổi danh Năm Nghĩa ở Bà Rịa – Vũng Tàu..

I/ Nỗi đau và mảnh giấy câm lặng


Gần bốn chục năm đã qua, nỗi khát khao đi tìm phần mộ anh tôi – Liệt sĩ Đ – lúc nào cũng cháy trong tôi và trong những người thân của tôi. Mẹ tôi trước khi vĩnh biệt cuộc đời đã dặn lại tôi rằng: “Hãy cố tìm cho được phần mộ của anh con”. Cái khát khao cháy bỏng ấy lúc nào cũng bị chặn lại bởi một mảnh GIẤY BÁO TỬ câm lặng vô tri, vô giác với những thông tin hoàn toàn mờ mịt: Liệt sĩ Đ - Đơn vị... thuộc... hy sinh ngày13 tháng 9 năm 1968 tại Mặt trận phía Nam.


Tôi đã đọc nhiều cuốn sách nói về những điều thần bí mà ngày xưa khi còn cắp sách tới trường, nhà trường Xã hội Chủ nghĩa đã dạy rằng đó là những kẻ Cuồng tín, những kẻ Mê tín dị đoan, những kẻ mê muội, kẻ Đồng cô bóng cậu không hiểu biết gì về Chủ nghĩa Duy vật Biện chứng.


II/ Nhà "ngoại cảm", nấm mồ chôn chung và những thùng chất độc màu da cam


Tôi bị mê muội, bị đắm chìm, đầu đau dữ dội. Tôi viết thư liên tiếp gửi tới các bạn bè đồng nghiệp ở các tỉnh thành trong Nam – Trong cái gọi là Mặt trận phía Nam ấy – Mặc dù những đồng nghiệp ấy chưa hề biết mặt, chưa hề biết tên. Tôi cứ gửi liều như vậy. Hy vọng và hy vọng hồi âm sẽ đến với tôi. Không ít anh chị em thuộc ngành K (ngành làm việc của tác giả) các tỉnh trong Nam đã gọi điện thông báo việc họ đã đi tìm hồ sơ về anh trai tôi.


Bồi hồi mỗi khi thấy số điện thoại lạ, tôi càng hồi hộp hơn khi nghe những giọng nói từ nơi xa xôi ấy. Từ cơ quan K huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chị P đã gọi điện cho biết các anh chị em cơ quan K Cà Mau đã photocopy thư của tôi để gửi đến các sở các ngành trong các huyện. P nói với tôi rằng ở Thới Bình không có tên anh tôi trong các Nghĩa trang Liệt sĩ. P không quên nhắc đến cô Năm Nghĩa – Năm Khùng – ở Ấp Bắc Hai, xã Hoà Long, thị xã Bà Rịa Vũng Tàu, nằm bên phải Quốc lộ 56, cách cổng Bà Rịa chừng 7 km.


Phải đăng ký lâu lắm mới đến lượt. Giờ đã có tới 4-5000 gia đình gửi hồ sơ đến cậy nhờ Năm Nghĩa tìm mộ người ruột thịt của họ. Thầm nghĩ, nếu gửi hồ sơ ngay bây giờ thì cũng phải chừng 5-10 năm nữa mới tới lượt, khi ấy tôi đã về hưu được khá lâu rồi, không biết có còn đủ sức khoẻ để đi tìm anh không!?


Tôi nhận tin nhắn từ ĐN của T nhân viên cơ quan K ở ĐN. T hứa sẽ chuyển giúp hồ sơ của anh tôi đến cô Năm Nghĩa. Tôi mừng quá, gọi điện hứa sẽ gửi ngay hồ sơ. Ngay trưa hôm đó tôi gửi chuyển phát nhanh hồ sơ cho T, kèm cả một lá thư cho cô Năm Nghĩa. Không ngờ vận may lại đến nhanh như vậy. Cơ hội tìm được anh sẽ là sự thật.


Tôi sợ hãi không dám nghĩ đến phần thịt xương còn lại của anh được gói cẩn thận, đặt nằm trong chiếc quan tài ấy. Vì đã bốn mươi năm qua đi rồi, kể từ ngày anh ngã xuống. Tôi chỉ thấy trào lên trong ngực mình cơn đau nghẹn thắt lại. Nước mắt tôi đã chảy khi nghĩ về những kỷ niệm thưở ấu thơ của anh em tôi. Tôi mơ thấy hai anh em được nằm ôm nhau ngủ như ngày nào. Mơ thấy anh và tôi cùng ngồi ăn vội vàng bát cơm nguội để kịp giờ đi học. Mơ thấy anh và tôi đang gánh ngô, gánh sắn từ trên nương về nhà. Tôi nghe những bước chân chắc nịch của anh. Tôi đã mơ, đã mơ và đã mơ về anh nhiều lắm... và tôi đã khóc, khóc rất nhiều khi nghĩ về sự thiệt thòi mà anh phải gánh chịu.


Ba ngày sau T báo đã nhận được thư tôi gửi và đã nhờ người quen đưa cho cô Năm Nghĩa.


7 giờ 45 phút ngày 29 tháng 8 năm 2007. Tôi nhận được điện thoại của chị H (người quen của T – người đưa thư và Giấy báo tử của anh tôi tới Năm Nghĩa). Chị H cho biết đã đưa thư và hồ sơ cho cô Năm Nghĩa. Cô Năm đang đọc thư của tôi. Thật vui mừng khi Năm Nghĩa - đồng ý nói chuyện với tôi. Năm Nghĩa đã hẹn rằng: Anh hãy chuẩn bị thật nhanh, ngày nào được, cô Năm sẽ báo và phải vào gấp để gặp anh ấy. Tôi chưa hết bàng hoàng thì 10 giờ 45 phút lại nghe tín hiệu điện thoại của H báo rằng phải vào gấp để ngày kia (31/8/2007) gặp cô Năm. Cô Năm hẹn sẽ cho gặp anh nhanh như vậy chắc hẳn rằng cô đã thấu hiểu nỗi đau của gia đình tôi.


Tôi vừa mừng vừa tủi, nước mắt lưng tròng. Tôi vội vàng thu xếp hồ sơ, bàn giao công việc, thông báo cho những người thân biết việc đại sự đó. Thời gian quá gấp, tôi lo không đến Bà Rịa - Vũng Tàu đúng ngày đã hẹn. Tôi sẽ đi một mình vào Bà Rịa - Vũng Tàu để gặp Năm Nghĩa. Tôi hiểu công việc này ngoài tôi ra không ai trong số anh chị em của tôi có thể làm được. Tôi trẻ nhất trong số mấy anh chị em tôi. Bởi vì chỉ có tôi đã từng sống và hiểu nhiều nhất về anh mà thôi. Chỉ có tôi mới có nhiều điều thầm kín và bí mật của một thời thơ bé xa xưa ấy mà thôi. Anh và tôi sẽ có biết bao điều để nói, để hỏi, để giãi bày.


Nước mắt tôi tuôn trào khi nghĩ đến giây phút anh em gặp nhau. Tôi chuẩn bị hành trang gọn nhẹ. Băng ghi hình, phim ảnh dư thừa dung lượng cần ghi. Bức ảnh anh được cất kỹ trong chiếc cặp số. Tôi thầm nghĩ về kết quả của chuyến đi này. Sự tài giỏi của Năm Nghĩa liệu có được như những điều tôi đã nghĩ hay không, tôi không thể nào biết được. Thôi thì cũng đành cất bước theo số phận đã được định đoạt mà thôi!


Tôi nhận điện cháu V ở miền Trung thông báo cháu sẽ đi cùng vào Nam để tìm mộ. Tôi rất mừng vì không phải lẻ loi một mình nữa.


Bốn giờ sáng 30 tháng 8, V tới Hà Nội. Hai cậu cháu gọi taxi đến phố Quang Trung để ra sân bay Nội Bài.


Đến sân bay Tân Sơn Nhất, gọi taxi tới N. Sáng hôm sau cô H đã bố trí cậu cháu tôi đi nhờ xe của một gia đình cũng xuống Bà Rịa gặp cô Năm Nghĩa để tìm người thân. Chúng tôi đi từ 5 giờ sáng để kịp đến Bà Rịa trước giờ làm việc của cô Năm.


Tất cả đều đúng như những điều đã được nghe nói. Khu nhà cô Năm Nghĩa nằm phía bên phải con đường. Chúng tôi xuống xe. Cùng đi từ ĐN xuống nhà cô Năm còn có hai chiếc xe nữa. Bảy gia đình cả thảy. Đã có một số người ở thành phố Hồ Chí Minh lên từ sớm đang ngồi đợi rồi (họ cũng đều là dân Bắc đi tìm liệt sĩ như cậu cháu tôi). Theo H nói, hôm nay là ngoại lệ. Cô Năm chỉ làm riêng cho nhóm ĐN xuống thôi.


Không biết đã có bao nhiêu vong linh anh hùng liệt sĩ đã tề tựu về đây, quanh khu nhà nhỏ này? Quanh khu vườn rợp bóng cây xanh này? Trong số các anh, các chị ấy có anh trai của tôi không? Tôi thầm ao ước mình có một khả năng siêu phàm như những nhà ngoại cảm để có thể nhìn thấy anh, dù chỉ một lần thôi.


Tôi lặng lẽ ngồi im lặng, mắt nhắm nghiền để tập trung trí não hướng về cõi hư vô. Tôi không cảm nhận được điều gì ngoài tiếng nhạc buồn của bài Chiêu hồn tử sĩ vẫn vang lên đều đều, chầm chậm. Thỉnh thoảng lại ào lên tiếng động cơ ô tô, xe máy chạy trên đường mà thôi. Tôi đã nghe biết bao huyền thoại về cô Năm mà người đời truyền cho nhau rằng: Hằng đêm Năm Nghĩa vẫn tỉnh giấc ra phòng ngoài - phòng thờ - để hát, để nói chuyện, để nhảy múa. Năm Nghĩa nằm ngủ ngon lành bên những gói hài cốt mà không hề sợ hãi gì. Năm Nghĩa một mình vào rừng tìm mộ theo lời chỉ dẫn của vong linh. Năm Nghĩa không dám đào bằng cuốc, bằng xẻng mà chỉ dùng tay bới đất vì sợ làm đau các anh, các chị...


Cô Năm ngồi ghế tựa, trước một chiếc bàn làm việc, một chồng hồ sơ về các liệt sĩ và một chiếc đài cát-xét có ổ ghi băng để trên bàn. Chiếc ghế tựa đặt phía đầu bàn để dành cho liệt sĩ ngồi. Một chén nước để trên bàn (nước dành cho các liệt sĩ uống). Tất cả ngồi bệt xuống vỉa hè lát gạch hoa. Ai cũng trong tâm trạng căng thẳng đợi chờ.


Cô Năm đọc một vài câu cầu khấn từ Trời Phật đến tới các anh hùng liệt sĩ. Tiếp đó là danh sách các liệt sĩ có gia đình đến tìm gặp. Tên anh trai của tôi được đọc đầu tiên. Ngồi bên cạnh tôi là cháu V, cháu cứ sụt sùi mãi không thôi. Bức ảnh anh trai tôi được V để ngay ngắn trước mặt. Tôi hiểu cháu tôi xúc động lắm trong giờ phút thiêng liêng này. Ngày anh tôi ra đi thì V đâu đã ra đời. Trong số tất cả các cháu và các con của tôi nữa, khi anh tôi ra đi duy nhất mới chỉ có cháu H - chị gái của V sinh năm 1965 - đứa cháu gái đầu tiên của cả gia đình. Anh tôi quý cháu lắm. Mùa hè 1966 trước khi lên đường, anh luôn mồm gọi cháu H là: “Con Hải âu trắng của cậu! Không khi nào cậu quên cháu được đâu con Hải âu trắng ạ!”. Các cháu tôi và cả các con tôi sau này anh tôi đều không hề biết mặt.


Cô Năm bỗng ngáp liên tục, vẻ mặt tỏ ra rất mệt mỏi. Rồi cô như bừng tỉnh nhìn về phía chiếc ghế để trống. Cô nói chuyện với vong linh liệt sĩ vừa đến.


Liệt sĩ đầu tiên về nói chuyện với cô Năm và gặp gia đình không phải là anh tôi mà là người khác. Những tiếng khóc, tiếng nấc của người thân khi nói chuyện với người ruột thịt đi từ cõi vĩnh hằng trở về. Tất cả những gì liệt sĩ nói ra (qua nhà ngoại cảm Năm Nghĩa) đúng sai chỉ có người trong cuộc mới rõ mà thôi. Hai gia đình được gặp người thân trước tôi đều hết sức xúc động và ghi nhận sự thật những điều mà người ruột thịt của họ đã nói.


Cô bé gái cũng chừng tuổi con gái tôi đi tìm gặp ông ngoại. Ông trở về chỉ nói với cháu đôi điều. Tôi bắt đầu thấy lạ lùng về mặt tình cảm của những người đã khuất. Phải chăng sự mất mát, sự đau đớn của vết thương trong chiến đấu đã làm các anh khô cứng, thô ráp đi, tình cảm không còn sâu nặng như người đời vẫn nói tình cảm máu mủ ruột rà, máu loảng còn hơn nước lã. Nếu nhận ra đó là đứa cháu ngoại của mình thật sự rồi thì làm sao người ông ngoại liệt sĩ ấy lại không hề vỗ về an ủi đứa cháu gái tội nghiệp cất công hàng ngàn cây số từ miền Bắc vào tìm ông. Người ông chỉ nói với cháu về sơ đồ vườn tược, nhà đất của gia đình, từ cây sung, cây duối bên bờ ao đến con đường vào làng. Cô cháu gái bé bỏng chỉ biết gật đầu công nhận vì có những điều ông ngoại nói cô có thể và không thể biết được. Cô bé xin ông ngoại tha tội cho mẹ vì mẹ cô yếu không thể vào gặp ông được. Nước mắt và chỉ có nước mắt rơi tràn trên khuôn mặt cô bé khi ông ngoại của cô đã trở về với cõi hư không.


Anh tôi đến. Cô Năm và anh nói chuyện với nhau. Tất cả những trao đổi của hai người, tôi chỉ nghe được một vế đó là lời nói của cô Năm Nghĩa mà thôi. Dù như vậy tôi cũng đủ hiểu toàn bộ câu chuyện giữa hai người.


Anh tôi vào Nam năm 1967. Đơn vị chia tay nhau ở Cầu Lầy, Kon Tum (Tôi nghe anh L người nhập ngũ cùng anh tôi nói. Anh L đánh nhau tại Đăk Tô, Tân Cảnh và tôi đã nói với cô Năm điều này để cô Năm hỏi anh tôi cho rõ). Anh tôi nói anh cũng chiến đấu ở Đăk Tô chứ không đi đánh nhau ở đâu cả! (Như vậy là trái với những gì mà một đồng đội khác của anh đã nói về mặt trận anh tôi chiến đấu và cái chết của anh. Điều này tôi hoàn toàn giữ bí mật, không tiết lộ ra với ai, kể cả Cô Năm Nghĩa).


Anh nói về làng Đăk Trăng (hai người hỏi đi hỏi lại nhau rất kỹ về địa danh này), nói về trận đánh năm 1967 ở cứ điểm Đăk Trăm. Anh tôi kể rất kỹ về đỉnh Sẹc Ly tại Đăk Tô. Kể về tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Văn Bình trên đỉnh Sẹc Ly. Tên Bình bắt được nhiều trinh sát của quân ta. Hắn đều trói các anh lại bằng đây điện, dây dù rồi đào hố chôn sống các anh. Người ta đã khai quật được một hố chôn tập thể gồm 27 người. 27 chiến sĩ trinh sát mình trần trụi bị dây điện trói giằng vào nhau. Các anh ôm nhau trong giờ phút lâm chung. Tai tôi như vẳng nghe tiếng các anh đang hát: Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh... Bản hợp xướng ấy cứ nhỏ dần, nhỏ dần, chỉ còn lại tiếng gầm gào của chiếc xe ủi lấp đất và tiếng cười man rợ của tên ác ôn Nguyễn Văn Bình mà thôi. Người ta tìm thấy các anh nhờ công của những người dân nghèo đi bòn mót sắt vụn để kiếm bát cơm manh áo.


Anh kể về những kho hoá chất, những thùng chất độc màu da cam còn đang nằm lăn lóc trên đỉnh Sẹc Ly. Anh kể về những hố chôn tập thể đồng đội của anh còn nằm trên đó. Anh lo không ai đưa các anh ấy về nghĩa trang liệt sĩ. Anh lo cho đồng bào mình bị nhiễm độc do uống nước từ suối chảy trên đỉnh Sẹc Ly xuống. Trên đỉnh Sẹc Ly mỗi khi mưa xuống nắng lên mùi hoá chất bốc lên nồng nặc, cay sè cả mắt. Anh kể nhiều về cuộc chiến đấu, về đồng chí, đồng đội của anh. Anh khẳng định ngày anh ra đi (hy sinh) là ngày 21 tháng 7 năm Mậu Thân tức là ngày mồng 2 tháng 9 năm 1968 chứ không phải ngày 13 tháng 9 năm 1968 như giấy báo tử đã ghi. (Tôi yên lặng gật đầu để anh khỏi tự ái, vì người ta nói rằng chiều như chiều vong. Tôi biết rằng anh đã nhầm (hoặc nhà ngoại cảm nhầm). Ngày 2 tháng 9 năm 1969 mới trùng vào ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu. Anh hy sinh ngày 13 tháng 9 năm 1968 trùng vào ngày 21 tháng 7 nhuận của năm Mậu Thân.


Trong tôi chợt nhói lên nỗi đau, sự hờn giận của một đứa em trai sau 40 năm lặn lội tìm gặp được người anh ruột của mình. Tôi cũng đã từng là người lính, đã từng cầm súng trong cuộc chiến tranh ấy. Tôi lại không thể lý giải được sự lạ lùng ở anh. Vừa nghe những lời anh nói (qua cô Năm Nghĩa) tôi vừa tự hỏi: Phải chăng quân đội đã dạy những người lính trở nên khô cứng như thế này sao!? Hay là do sự bức xúc của cuộc chiến mà tâm hồn anh trở thành khô khan đến khó hiểu như vậy?


Tôi vẫn nghe nói âm sao dương vậy. Vậy mà trong cuộc gặp gỡ này có điều gì đó làm tôi khó hiểu. Hai anh em sống với nhau từ thưở tôi lọt lòng mẹ, chẳng rời nhau bao giờ. Biết bao điều thầm kín, bao kỷ niệm đẹp, tình cảm sâu nặng giữa anh em. Biết bao hình ảnh của những người thân trong gia đình bây giờ đã đi đâu trong trí nhớ của vong linh anh tôi!?


Ngay cả đến điều tưởng như không thể nào, không bao giờ quên được cho dù có phải xa rời cuộc sống của dương thế này thì anh chị em chúng tôi cũng không thể quên được. Đó là cái âm ngữ của anh chị em chúng tôi gọi cha mẹ bằng Ba Me – người đã sinh thành ra chúng tôi - Vậy mà anh tôi đã thay vào đó là từ “Bố Mẹ”. Cái từ “Bố Mẹ” ấy không hề và không bao giờ có trong anh em chị chúng tôi khi còn ở nhà! Ngay trong những lá thư anh gửi về gia đình cũng không hề có cái âm ngữ “Bố Mẹ”, vậy thì hà cớ gì giờ đây trong vong linh anh lại dùng cái từ lạ hoắc đó!?


Anh không hề hỏi gì về các anh chị em trong gia đình. Không hề nhắc đến tên một người nào trong gia đình. Ngay cả khi cháu V hỏi về cái tên mà ngày ra đi anh đã gọi bé H là gì thì anh cũng không còn nhớ được. Anh bảo: “Lâu quá, cậu quên mất rồi”. 40 năm qua đi kể cũng là rất lâu. Tôi không dám trách anh về sự quên đó, nhưng cái tên ác ôn khét tiếng Nguyễn Văn Bình trên đỉnh Sẹc Ly ấy thì sao anh lại nhớ đến vậy!? Phải chăng sự căm thù đã lấn át tất cả tình cảm của anh. Đến nỗi cái tên của những người thân yêu trong gia đình, anh cũng không còn nhớ được nổi lấy một người.


Trời ơi! tại sao tôi lại không thể có được khả năng siêu phàm để mà nhìn thấy hình hài anh đang hiển hiện trước mắt, để mà nghe thấy những gì anh đang nói!? Nếu sau này có theo các cụ về với tiên tổ, anh em gặp nhau nơi chín suối, tôi sẽ hỏi anh cho ra nhẽ về cuộc gặp gỡ lịch sử ngày 31 tháng 8 năm 2007 (19 tháng 7 năm Đinh Hợi) này; hỏi về sự quên lãng đến lạ kỳ của anh. Ngay cả kỷ vật mà mẹ đưa cho anh ngày ra đi, anh cũng nói sai. Nhà nghèo, ngày ấy mẹ đào đâu ra nhẫn vàng mà tặng anh (tôi suýt bật cười vì sự “quên” đến lạ lùng của anh). Cái suy luận về kỷ vật mà anh cả (tôi cố tình không nói tên bác cả, nên anh tôi cũng chỉ gọi là bác cả mà thôi) tặng cho anh ở rừng hạt dẻ cũng làm tôi ái ngại về trí nhớ của anh...

Hoài Giang