Bậc Thầy Chánh Biến Tri thuyết giảng Diệu Pháp sắp đặt để hiện bày trạng thái phần duyên thứ hai, gọi là Hành làm duyên Thức, Thức phát sanh do Hành làm duyên. Hành là hành động tạo tác, như có Phúc Hành, Phi Phúc Hành, Bất Động Hành, Thân Hành, Khẩu (Ngữ) Hành, Ý Hành.

- Thức với mục đích bao gồm Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, và Ý Thức. Có hai trường hợp Thức thành tựu:

1. Nhãn Thức là thành tựu của quả Thiện
2. Nhãn Thức là thành tựu của quả Bất Thiện

Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức cũng có hai trường hợp tương tự với Nhãn Thức, đó là thành tựu của quả Thiện và quả Bất Thiện.

- Khi người không có kiến tạo tích trữ các loại Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp, thì không thể có kết quả là sẽ cho thành tựu việc an lạc và khổ đau, kết quả không thể phát sanh do không có được thực hiện. Nếu là như vậy, Nghiệp mà người có thực hiện thì sẽ có quả trổ sanh, Nghiệp mà người không có thực hiện thì sẽ không có quả trổ sanh. Với nhân như thế, Bậc Trí Tuệ nên hiểu biết rằng Hành làm duyên cho Thức phát sanh.

Thức phát sanh từ PHÚC HÀNH:

A- Dục giới: Trước mắt, duyên do Phúc hành Dục giới nên sản sanh ra quả thiện trong Dục giới.

Quả phước của Thiện Dục Giới như là bố thí xả ly mà người đã kiến tạo tích lũy, làm Duyên cho phát sanh Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt thức, Thân Thức một cách tốt đẹp, trở thành duyệt ý nơi Ý Giới, là người có sự suy xét với Tâm hằng nghĩ tưởng đến ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, và luôn nghĩ tưởng đến Giới Thí Thiện đã được kiến tạo, thì sẽ dắt dẫn đi tục sinh vào Thiện Thú, và tột cùng của sự xác định là lúc cận tử lâm chung của người có nghĩ tưởng đến việc Thiện cũng được dắt dẫn tái tục về Thiên Giới.

Với nhân như thế, mới bảo rằng Hành làm duyên cho Thức, và Thức phát sanh do Hành làm duyên.

Ý Thức Giới câu hành với Hỷ được phát sanh cũng do bởi Phúc Hành. Ý Thức Giới câu hành với Xả và Tương Ưng Trí, là có Trí Tuệ kết hợp, thường phát sanh lên cũng bởi do Phúc Hành. Không thể tự phát sanh lên nếu không có Hành làm duyên.

B- Sắc giới: quả Dị Thục Sắc Giới là quả làm cho Thức hiện diện ở trong Cõi Sắc Giới, được phát sanh cũng do Thiện Sắc Giới làm duyên, phát sanh từ Phúc Hành Sắc Giới.

Khi hành giả tu tiến Thiện Thiền Sắc Giới và Thiền không bị tiêu hoại thoái hóa, đến khi thân hoại mạng chung, thì được thọ sanh về Phạm Thiên Sắc Giới. Bậc Sa Môn tu tiến từ Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, Ngũ Thiền với Tâm tĩnh lặng, xa lìa Bất Thiện Pháp, và các Thiền đó không bị tiêu hoại, khi thọ mạng diệt, thì được phát sanh về Phạm Thiên Sắc Giới và Thiện Sắc Giới cũng tương tự với Thiện Dục Giới là được tính hành vào trong Phúc Hành.

Thiện Dục Giới được phát sanh theo Nhãn Môn, có Cảnh Sắc làm đối tượng, phát sanh từ Nhãn Thanh Triệt, là người được thấy Đức Phật, Pháp, Tăng, với tâm tín thành quy ngưỡng, xác định một cách tận cùng của đức tin chỉ là được thấy lễ vật cúng dường, được thấy người cúng dường đến Đức Phật, Pháp, Tăng, và có Tâm tín thành với đức tin, thì cũng được tính vào trong Thiện Dục Giới.

Thiện Dục Giới được phát sanh theo Nhĩ Môn, có Cảnh Thinh làm đối tượng, phát sanh từ Nhĩ Thanh Triệt, là được nghe âm thanh hiện bày và phát âm lời nói không tìm thấy một điều tội tỗi.

Thiện Dục Giới được phát sanh theo Tỷ Môn, có Cảnh Khí làm đối tượng, phát sanh từ Tỷ Thanh Triệt, là người được ngửi hương thơm ở các lễ vật, và có tâm kết hợp với đức tin tín ngưỡng sự việc thành tín khi thấy người thực hiện, tức thời phát tâm hoan hỷ vui thích theo với đức tin, và như thế, cũng được xếp vào Thiện Dục Giới.

Thiện Dục Giới được phát sanh theo Thiệt Môn, có Cảnh Vị làm đối tượng, phát sanh từ Thiệt Thanh Triệt, là người được nếm thưởng thức các vị và xác định trong tâm rằng các vị của hoa quả và của tất cả vật thực này có vị tốt đẹp, có mỹ vị, thích hợp cho sự cúng dường đến chư tỳ khưu Tăng, làm thành tư lương để được thọ dụng trong kiếp vị lai, làm thành thực phẩm để dành trên đường đi đến Níp Bàn, và như thế, cũng được xếp vào Thiện Dục Giới.

Thiện Dục Giới được phát sanh theo Thân Môn, có Cảnh Xúc làm đối tượng, phát sanh từ Thân Thanh Triệt, là người có sự đụng chạm vào các sự vật với sắc thân như là y phục và nệm gối, có tâm thành tín suy nghĩ tất cả các sự vật này được thực hiện việc xả thí cúng dường, thì sẽ có được nhiều quả phước báu, và như thế, cũng được xếp vào Thiện Dục Giới.

Bậc trí tuệ nên hiểu biết về cả ba loại Thiện Dục Giới, Thiện Sắc Giới, và Thiện Vô Sắc Giới thường làm cho Thức được thiết lập trong Thiện Thú, là Nhân Thiện Thú, và Thiên Thiện Thú theo phạm vi của thực tính pháp.

Với nhân như thế, Đấng Thập Lực có lời khải thuyết Diệu Pháp: Thức phát sanh do Hành làm duyên.


Thức phát sanh từ PHI PHÚC HÀNH

Thức phát sanh từ Phi Phúc Hành là thành quả của Bất Thiện, thích hợp trổ sanh quả khổ đau, dẫn đi vào trong Tứ Khổ Thú. Với nhân như thế, Bậc Trí Tuệ nên hiểu biết Thức này phát sanh do bởi Phi Phúc Hành làm duyên, là do có Hành làm duyên.

Qua cả 2 Tư là Tư Thiện và Tư Bất Thiện, với Tư Bất Thiện loại Ý Thức Vô Nhân thường dắt dẫn chúng sanh đi tái tục vào Tứ Khổ Thú. Quả của Thiện loại Ý Thức Vô Nhân, nếu có được tái tục trong Cõi Nhân Loại, và nếu có được sắc nhân thân, thì cũng không có đầy đủ sắc thần kinh, là phải bị mù mắt khi vừa mới sanh, bị tai điếc hoặc bị bại xuội, què quặc, hoặc gù lưng khi vừa mới sanh.

Người có được thực hiện nhiều Thiện Sự với Tâm Thiện Dục Giới Hữu Nhân thường cho quả đi tái tục trong Cõi Nhân Loại và Thiên Dục Giới. Thiện Sắc Giới cho tái tục trong Cõi Phạm Thiên Sắc Giới. Thiện Vô Sắc Giới cho tái tục trong bốn Cõi Phạm Thiên Vô Sắc Giới. Tất cả Quả Dị Thục Thiện thường cho tái tục theo từng thể loại sai khác nhau.

Theo lệ thường có 3 Cảnh hiện bày trong lúc cận tử lâm chung, đó là: 1) Cảnh Nghiệp, 2) Cảnh Nghiệp Tướng, và 3) Cảnh Thú Tướng, đó là 3 loại Cảnh thường hiện bày trước thời gian tái tục.

Cảnh Nghiệp là Tư Thiện và Bất Thiện mà chúng sanh đã tạo tác.
Cảnh Nghiệp Tướng là hành động nghiệp báo đã thực hiện cho thành Cảnh.
Cảnh Thú Tướng là việc thực hiện Thiện Nghiệp và Bất Thiện Nghiệp cho thành Cảnh trong thời cận tử hoại diệt ngũ uẩn.

Thực hiện việc Thiện hoặc là việc Bất Thiện, tạo tác bất luận loại Nghiệp nào để tích lũy và nghĩ tưởng đến loại Nghiệp đó, thì thường dắt dẫn đi tái tục thích hợp. Nếu nghĩ tưởng đến Nghiệp Bất Thiện, thì sẽ dẫn đến Khổ Thú. Nếu nghĩ tưởng đến Nghiệp Thiện, thì sẽ dẫn đến Thiện Thú.

Một trường hợp khác, khi sắp tiêu hoại ngũ uẩn, Tâm Thức lại nghĩ tưởng đến việc đã có tạo tác Nghiệp Thiện và Bất Thiện, thì thường dắt dẫn đi đến Khổ Thú và Thiện Thú. Chính loại Nghiệp này được gọi là Nghiệp Tướng, là Nghiệp thành nhân sẽ cho đi tái tục.

Khi Nghiệp Tướng đến hiện bày, nếu Nghiệp Tướng làm Cảnh Thiện, thì sẽ được phát sanh đến Thiên Giới, nếu Nghiệp Tướng là Cảnh Bất Thiện, thì sẽ phát sanh vào Tứ Khổ Thú.

Cảnh Thú Tướng là sanh thú hiện bày, là Thiên Giới hoặc là Địa Ngục đến hiện bày qua Ý Môn. Đôi khi Cảnh Địa Ngục đến hiện bày, đôi khi Cảnh Nhân Loại đến hiện bày, và cũng có đôi khi là Cảnh Thiên Giới đến hiện bày, duyên theo Nghiệp đã tạo tác một cách thích hợp.

- Cảnh Địa Ngục hiện bày, như thể hiện nồi đồng sôi (lohakumbhi), là Cảnh Thú Tướng sẽ cho đi đến Địa Ngục tuần tự nối tiếp theo kiếp sống.
- Cảnh Nhân Loại hiện bày với khả năng cho thấy bụng của người Mẹ, xe cộ, hoặc vải dệt bằng lông thú, và như thế, gọi là Cảnh Thú Tướng sẽ làm cho chúng sanh đi tái tục vào Cõi Nhân Loại.
- Cảnh Thiên Giới thường hiện bày như là cho thấy cung điện và các cây cảnh xinh đẹp.

Cuối cùng, một cách xác thực là Cảnh Thú Tướng đến hiện bày được gọi là Phúc Hành làm duyên cho Thức. Với nhân như thế, bậc Thầy Giáo Chủ có lời khải thuyết là Hành làm duyên cho Thức.