Đạo Mẫu là một tín ngưỡng dân gian Việt Nam thờ các nữ thần (thường gọi là các Thánh Mẫu). Đạo Mẫu là một phần quan trọng trong hệ thống tín ngưỡng dân gian và bản sắc dân tộc của Việt Nam
Nguồn gốc lịch sử của đạo Mẫu không được ghi lại rõ ràng trong sách vở. Có người cho rằng nó có nguồn gốc từ thời tiền sử, khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu hay Nữ thần Mẹ. Theo thời gian, khái niệm Thánh Mẫu được mở rộng để bao hàm cả các nữ anh hùng trong dân gian - những người phụ nữ có thật nổi lên trong lịch sử với vai trò người bảo hộ hoặc trị bệnh. Những nhân vật lịch sử này được kính trọng, tôn thờ, và cuối cùng được thần thánh hóa để thành một trong các hiện thân của Thánh Mẫu.
Các vị thần trong đạo Mẫu phản ánh các phẩm chất của một người Mẹ vừa thần thánh lại vừa con người. Đạo Mẫu không chú trọng vào cuộc sống sau khi chết, nó quan tâm đến cuộc sống hiện tại và câu hỏi làm thế nào để người ta có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ trên trần gian.
Trong tín ngưỡng dân dã của người Việt Nam, việc tôn thờ Nữ thần, thờ Mẫu là một hiện tượng khá phổ biến và có căn cỗi lịch sử và xã hội sâu xa.
Tuy đều là sự tôn sùng các thần linh nữ tính, nhưng giữa thờ Nữ thần với thờ Mẫu và Tam toà Thánh Mẫu không hoàn toàn đồng nhất.
Tôn thờ Nữ Thần
Từ rất lâu đời, ở nước ta Nữ Thần đã được nhân dân tôn vinh và thờ cúng. Người xưa cũng đã từng tập hợp các vị tiên có nguồn gốc thuần Việt , thì trong tổng số 27 vị, đã có 14 là Tiên nữ.
Trong truyền thuyết Nữ thần Mặt Trời và Nữ thần Mặt Trăng đã soi sáng và sởi ấm cho mặt đất, tạo lập nên vũ trụ.
Huyền thoại về Bà Nữ Oa đội đá vá trời. Các nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Phong, Pháp Điện tạo ra mây, gió , sấm chớp…
Sinh thành ra dân tộc Việt Nam có Mẹ Âu Cơ đẻ ra một bọc trứng, nở thành 100 người con.
Các bà Mẹ cũng là các vị thần sáng tạo ra văn hoá và các giá trị văn hoá, là tổ của nhiều ngành nghề truyền thống như Mẹ Lúa, Mẹ Mía, Mẹ Lửa…
Nhiều Nữ thần là các danh tướng anh hùng ngoài trận mạc, là những nhân tài xây dựng đất nước như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan, Bùi Thị Xuân…
Các vị Nữ thần từ bao đời nay được nhân dân tôn làm Thánh , Thần, được triều đình sắc phong thành các vị Thần, Thành Hoàng của nhiều làng.
Đạo Mẫu có các nghi lễ tổ chức theo Âm lịch với các tín đồ và nhiều người đi lễ tham gia. Các nghi thức hành lễ không được đào tạo chính thức mà chủ yếu được truyền khẩu từ đời này qua đời khác. Nghi lễ phổ biến nhất là lên đồng (hay còn gọi là hầu bóng). Trong nghi lễ này, người ta tin rằng linh hồn của các vị thần sẽ nhập vào người lên đồng, linh hồn này được vời đến để nghe lời cầu nguyện của người đi lễ. Trong các nghi lễ, phụ nữ thường đóng vai trò chính, người lên đồng cũng thường là phụ nữ (bà đồng), đôi khi mới do nam giới đảm nhận (ông đồng).
Các giá đồng (các điệu múa linh thiêng) là một phần quan trọng của nghi lễ. Có 72 giá đồng, bao gồm giá các quan lớn, giá các cậu, giá chầu bà, giá các cô,... Trong buổi lễ, các giá đồng được biểu diễn cùng với hát văn (hay chầu văn). Hát văn là một thể loại hát nói (vừa hát vừa nói). Hát văn do người đồng biểu diễn cùng với dàn nhạc cung văn. Người ta nói rằng, chầu văn tạo nên một khung cảnh và âm nhạc tâm linh để giúp cho người đồng nhập vào vai mới và gắn kết với những con người và nơi chốn ở bên ngoài thế giới địa phương của họ.
Thờ Mẫu
Tục thờ Mẫu và Tam toà Thánh Mẫu có quan hệ mật thiết với tục thờ Nữ thần
Mẫu là Nữ thần nhưng không phải tất cả các nữ thần đều là Mẫu, mà chỉ có một số nữ thần được tôn vinh là Mẫu.
Danh từ Mẫu là gốc Hán Việt, còn thuần Việt gọi là Mẹ. Nghĩa ban đầu, Mẫu hay Mẹ đều để chỉ người phụ nữ đã sinh ra một người nào đó, là tiếng xưng của người con đối với người sinh ra mình.
Ngoài ý nghĩa xưng hô thông thường đó, từ Mẫu và Mẹ có ý nghĩa rộng rãi tôn vinh những bà Mẹ chung của mọi người.
Tín ngưỡng thờ Mẫu chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức cội nguồn, dân tộc, lòng yêu nước đã được thiêng liêng hoá mà Mẫu là biểu tượng cao nhất.
Đạo Mẫu tiếp thu những ảnh hưởng của tục thờ cúng tổ tiên,một tín ngưỡng có vai trò quan trọng hàng đầu trong tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Trong quá trình đạo Phật du nhập vào nước ta và một bộ phận quan trọng của nó đã phát triển theo khuynh hướng dân gian hoá, giữa đạo Phật và đạo Mẫu có sự thâm nhập và tiếp thu ảnh hưởng lẫn nhau khá sâu sắc.
Điều dễ nhận biết là ở hầu hết các ngôi chùa hiện nay ở nông thôn đều có điện thờ Mẫu. Trong đó phổ biến nhất là dạng “ tiền Phật hậu Mẫu “
,phía trước thờ Phật ,phía sau thờ Mẫu.
Tam Toà Thánh Mẫu
Chúng ta thấy trong những điiện thờ Mẫu có một hệ thống được thờ như sau:
Trên cao nhất của thượng điện là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.. Tuy vậy, ít nơi thờ. Vì đúng lẽ chỉ có những vị tiên trên thượng giới mới được thờ Thượng đế.
Tiếp đến là thờ Tam Toà Thánh Mẫu ( Mẫu Tam phủ, Mẫu tứ phủ)
Mẫu là quyền năng sáng tạo vũ trụ duy nhất và hoá thân thành Tam vị , Tứ vị cai quản các cõi các miềm khác nhau của vũ trụ: Mẫu Thiên,Mẫu Địa, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Ngàn.
Thường chúng ta thấy Tam toà thánh mẫu trong các điiện thờ:



Mẫu Thượng Thiên hay còn gọi là Mẫu Cửu Trùng (Cửu Thiên Huyền Nữ) mặc áo đỏ, ngồi chính giữa.Sau này một số điện thờ Mẫu, nơi chính giữa thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Mẫu Thượng Thiên sáng tạo bầu trời và làm chủ quyền năng mây, gió ,sấm, chớp…
Mẫu Liễu Hạnh xuất hiện vào khoảng đời hậu Lê, nhưng nhanh chóng trở thành vị Thần chủ của Đạo Mẫu Việt Nam và được tôn vinh với tư cách là Mẫu Thượng Thiên, được thờ ở vị trí trung tâm, mặc trang phục màu đỏ.