“Cuộc chiến” với tà đạo

(PetroTimes) - Cuối năm 2014 vừa qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) tổ chức hội nghị đánh giá tình hình, thống nhất nhận định và đề ra biện pháp đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”.


Năng lượng Mới số 402
Nhận diện bản chất phản động

Cái gọi là “Đạo Hà Mòn” thực chất không phải là tôn giáo mới, cũng không phải là tín ngưỡng dân gian, mà đây là tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để thực hiện mưu đồ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thành lập ra Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số. Tính chất phản động còn thể hiện ở chỗ, tà đạo “Hà Mòn” bị tổ chức phản động Fulro lưu vong ở Mỹ, đứng đầu là Ksor Kơk triệt để lợi dụng, móc nối với các đối tượng cầm đầu lôi kéo, kích động, lừa mị một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu ở Tây Nguyên tham gia vào các hoạt động phản cách mạng.


Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tổng cục An ninh II tổ chức hội nghị cuối năm 2014


Chỉ cần điểm qua sự hình thành của cái gọi là đạo “Hà Mòn”, là có thể thấy ngay bản chất lừa mị của tà đạo này: Vào cuối năm 1999, đối tượng Y Gyin (sinh năm 1942, trú làng Kơ Tu, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), hành nghề thầy cúng, thầy mo đã dựng ra chuyện mình được “Đức Mẹ hiển linh trao cho sứ mệnh truyền giáo”. Y Gyin đã tung nhiều chuyện bịa đặt, xuyên tạc, huyễn hoặc, hòng lôi kéo người dân thiếu hiểu biết tham gia vào tổ chức. Từ đó tà đạo “Hà Mòn” lan truyền trong một bộ phận dân cư tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk.

Hoạt động của tà đạo này gây tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự địa bàn, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt tôn giáo của nhiều thôn, làng; gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tà đạo “Hà Mòn” không có giáo lý riêng, mà chỉ dựa vào giáo lý, giáo luật, kinh thánh của đạo Công giáo, sau đó các đối tượng “cốt cán” biên soạn thêm lời giáo huấn của Đức Mẹ như “Sứ điệp của Đức Mẹ Maria”, “Thông điệp Đức Mẹ hiện hình” và gần đây là “Sứ điệp của Đức Mẹ Pluk”. Hòng lôi kéo giáo dân từ bỏ sinh hoạt đạo Công giáo, chối bỏ những sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên để theo tà đạo. Thậm chí, nhằm tạo vỏ bọc cho tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo này, một số nơi chúng còn tự nhận là “Công giáo Đêga”.

Về chính trị, chúng có âm mưu “chờ quốc tế can thiệp sẽ biểu tình đồng loạt, đòi lại đất của Nhà nước Đêga”. Phương thức hoạt động của tà đạo “Hà Mòn” là tụ tập theo nhóm để đọc kinh, cầu nguyện và dâng hoa vào các ngày 10, 20 và 30 hằng tháng tại nhà riêng những tên cầm đầu, cốt cán. Để có kinh phí hoạt động và nuôi dưỡng bộ máy phản động, chúng bịa đặt ra luận điệu lừa mị: “Nếu mọi người góp tiền đầy đủ, thì công việc sẽ thuận lợi, sau này sẽ được hưởng quyền lợi”.

Thực tế chúng đã bắt mỗi người dân theo tà đạo này nộp số tiền từ 90-200 nghìn đồng/người/tháng, 2-3 lon gạo/người/tháng và bán sổ “pheo” 90 nghìn đồng/quyển, sổ hát 40 nghìn đồng/quyển.
Với tính chất phản động như trên, nên để dễ lôi kéo, lừa mị, đối tượng mà thứ tà đạo này hướng đến chủ yếu là bà con ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn khó khăn, trình độ hiểu biết và dân trí thấp, có niềm tin mù quáng. Thậm chí chúng còn vẽ ra bức tranh sáng cho tương lai của những người tin theo, rằng: “Nếu ai đi theo sau này sẽ có chức, có quyền trong bộ máy nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số, được chia nhiều đất đai, tài sản.

Nếu ai siêng năng dâng hoa, cầu nguyện và đọc kinh “Đức Mẹ” thì cuộc sống sẽ tốt đẹp, đầy đủ, không làm cũng có ăn; bị ốm đau, bệnh tật không chữa cũng khỏi, thậm chí cả nợ ngân hàng cũng được trả hết!”.
Có thể nói, với mưu đồ chính trị phản đội lốt tôn giáo, tà đạo “Hà Mòn” đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội. Ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở từng địa phương; gây mất an ninh và trật tự an toàn xã hội; làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của một bộ phận giáo dân Công giáo; phá hoại phong tục tập quán và kích động tư tưởng ly khai trong một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, với mưu đồ lập lên cái gọi là “Nhà nước Đêga”, tà đạo “Hà Mòn” đã thể hiện rõ bản chất phản cách mạng.

Thống nhất về nhận thức và biện pháp


Nhằm bóc gỡ bộ máy của tổ chức phản động này, từ cuối năm 2012 đến nay, lần lượt các đối tượng cầm đầu đã bị bắt và trừng trị nghiêm minh theo pháp luật. Ngày 28/5/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phá hoại chính sách đoàn kết. Tại phiên tòa này, Y Gyin, kẻ bịa đặt ra câu chuyện “Đức Mẹ hiện hình” ở xã Hà Mòn, sau đó phát triển thành tà đạo “Hà Mòn” đã lĩnh án 3 năm tù; các đối tượng cốt cán khác như A Tách, A Hyum, Runh, Jơnh, Byưk, Đinh Lứ và Đinh Hrôn lần lượt nhận những hình phạt từ 7 đến 11 năm tù.

Tiếp đó, vào ngày 8/9/2014, tại xã H’ra, huyện Măng Yang, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự phá hoại chính sách đoàn kết, tuyên A Kuin (SN 1974), là con ruột của Y Gyin (sau khi Y Gyin và một số tên cốt cán bị bắt vào ngày 19/12/2012, thì A Kuin đã thay thế là người chỉ đạo, trực tiếp biên soạn “sứ điệp” và móc nối nhận sự chỉ đạo của các thế lực phản động và Fulro lưu vong từ nước ngoài) bị tuyên phạt 9 năm 6 tháng tù. Đối tượng Ngư (SN 1972, xã H’ra, huyện Mang Yang) là tay chân của Kuin, có nhiện vụ phụ trách việc tuyên truyền, phát triển tà đại tại các huyện Mang Yang và Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai nhận mức án 7 năm 6 tháng tù. Trước khi nhận những bản án thích đáng, cả Y Gyin, A Kuin và những tên cầm đầu khác đều thừa nhận chuyện “Đức Mẹ hiện hình ở Hà Mòn” chỉ là câu chuyện do chúng bịa đặt ra, hòng lừa mị những người nhẹ dạ, thiếu hiểu biết tin theo.


Y Gyin và đồng bọn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự ngày 28/5/2013 (Ảnh: Quang Thái, TTXVN tại Gia Lai)


Cùng với việc xử lý nghiêm những kẻ cầm đầu sa lưới pháp luật, nhiều cơ sở hoạt động tà đạo bị bóc gỡ, một số đối tượng cầm đầu, cốt cán được cảm hóa, giáo dục, số ngoan cố thì hoang mang lo sợ và lẩn trốn ra rừng. Hàng trăm người nhẹ dạ, cả tin, bỏ sinh hoạt Công giáo theo tà đạo “Hà Mòn” đã nhận ra lỗi lầm và quay trở lại với tôn giáo chính thống.
Mặc dù, khung tổ chức của cái gọi là “Đạo Hà Mòn” đã bị bắt giữ và xử lý theo quy định pháp luật hiện hành, nhưng số đối tượng cầm đầu, ngoan cố còn lẩn trốn vẫn ráo riết hoạt động, chúng tiếp tục reo rắc tư tưởng ly khai, phản động. Chúng đưa ra luận điệu: “Mẹ” Y Gyin rất buồn vì các con của “mẹ” không còn hoạt động. Yêu cầu các điểm nhóm, anh em phải cố gắng đọc kinh, cầu nguyện.

Những ai tin theo con đường của “mẹ” sẽ còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy anh em phải đoàn kết, cố gắng hoạt động để thành lập “Nhà nước riêng của người dân tộc thiểu số, khi đó mọi người sẽ có cuộc sống sung sướng. Hiện mình phải cố gắng chờ đợi, khi nào “mẹ” ra tù thì mới biết công việc và con đường của “mẹ” như thế nào (!).
Từ tháng 3/2014, tình hình hoạt động tà đạo “Hà Mòn” có diễn biến phức tạp. Nếu như trước đây, tà đạo này lôi kéo đối tượng nam thanh niên là chủ yếu, thì gần đây khi chúng ta đấu tranh mạnh, chúng mở rộng phát triển đối tượng là nữ giới và thiếu niên. Số cầm đầu cốt cán lẩn trốn tiếp tục móc nối hoạt động trở lại, chúng hướng đến lôi kéo số người trước đây đã cam kết bỏ tà đạo, dụ dỗ họ quay trở lại sinh hoạt.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đắk Lắk đã tập trung lãnh đạo các lực lượng và chính quyền địa phương đẩy mạnh đấu tranh, truy bắt các đối tượng Fulro lợi dụng tà đạo “Hà Mòn”; ngăn chặn hoạt động móc nối liên lạc của số đối tượng “Tin lành Đêga” với số cầm đầu, cốt cán tà đạo “Hà Mòn”; thực hiện tốt công tác vận động quần chúng kết hợp giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, giúp họ nhận ra bộ mặt thật của tà đạo “Hà Mòn” và tự nguyện từ bỏ. Kết quả, trong thời gian ngắn, chúng ta đã giáo dục, cảm hóa được 718 người từ bỏ tà đạo, xóa tà đạo khỏi địa bàn 2 làng, 3 xã và 1 huyện.

Tính đến thời điểm tháng 10/2014, toàn vùng Tây Nguyên còn 39 đối tượng cốt cán lẩn trốn, lánh mặt; 1.758 người hiện đang tham gia sinh hoạt tà đạo; hoạt động tà đạo còn diễn ra ở 24 làng, 10 xã, 8 huyện thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum.
Tìm hiểu tại một số địa phương cho thấy, ở đâu cấp ủy, chính quyền địa phương huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, phát động được toàn dân tham gia, thì ở đó công tác đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn” đạt kết quả. Đồng chí Y Thek Niê, Phó bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) - địa phương đã xóa được tà đạo này cho biết: “Tà đạo manh nha hoạt động từ năm 2006, thời điểm cao nhất lôi kéo được 300 người dân tộc thiểu số ở buôn H’ring, xã Ea H’đing tham gia.

Trước tình hình đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thành lập tổ công tác tại buôn H’ring gồm 11 người, do đồng chí Phó bí thư Huyện ủy làm tổ trưởng. Bên cạnh đó, phân công cho các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa, hỗ trợ buôn H’ring phát triển mọi mặt. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng đấu tranh là chính, đã làm cho bà con hiểu rõ bản chất phản động của tà đạo “Hà Mòn”, từ đó tự giác bỏ sinh hoạt và dần cảm hóa được số cầm đầu. Đến cuối năm 2012, các đối tượng cầm đầu, lẩn trốn đã ra trình diện, kiểm điểm trước dân, được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; buôn H’ring không còn người tin theo tà đạo “Hà Mòn” và xã Ea H’đing tổ chức lễ công bố xóa tà đạo “Hà Mòn”. Huyện Cư M’gar cũng là một trong những địa phương phát huy được vai trò tham mưu của LLVT trong đấu tranh xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”.


Làng Kret Krot mở hội mừng tà đạo bị xóa bỏ


Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng: Trước hết phải thống nhất về mặt nhận thức, thấy rõ bản chất phản động của tà đạo này, tìm ra âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động của chúng để có biện pháp đấu tranh phù hợp. Thực chất tà đạo “Hà Mòn” là tổ chức chính trị phản động đội lốt tôn giáo, mà bọn Fulro lợi dụng lôi kéo quần chúng tham gia chống phá chính quyền, hòng thành lập ra cái gọi là “Nhà nước Đêga” ở Tây Nguyên. Vì vậy, đối với số cầm đầu, cốt cán ngoan cố và tỏ rõ bản chất phản động, chúng ta phải kiên quyết đấu tranh trấn áp và xử lý nghiêm minh theo luật pháp. Những đối tượng vì thiếu hiểu biết mà tin theo, cũng như số bà con nhẹ dạ, bị lừa mị, thì lấy giáo dục, thuyết phục, cảm hóa là chính để họ nhận ra và sửa chữa lỗi lầm.

Bên cạnh đó, tại những địa bàn đang có tà đạo hoạt động, cần tập trung xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cơ sở đủ mạnh, nhằm chủ động tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh. Tranh thủ vai trò, uy tín của các chức sắc, chức việc tôn giáo trong việc tuyên tuyền, giáo dục, vận động quần chúng từ bỏ tà đạo. Tiếp tục phát huy vai trò tham mưu của LLVT, Công an nhằm tìm ra những biện pháp đấu tranh phù hợp, hiệu quả. Đồng thời chăm lo, hỗ trợ bảo đảm tốt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, không để các thế lực thù địch, phản động có cơ hội lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo và sự khó khăn, thiếu thốn của bà con để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Về những giải pháp cần thực hiện trong thời gian Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Tổng cục An ninh II (Bộ Công an) thống nhất: Khẩn trương rà soát, phân loại để đánh giá đúng thực trạng hoạt động của tà đạo “Hà Mòn” tại từng địa bàn.

Trên cơ sở đó áp dụng đồng bộ các biện pháp, và có đối sách thích hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, đấu tranh đối với từng loại đối tượng. Trong đó tập trung tăng cường lực lượng để truy tìm, truy quét, kêu gọi hết số đối tượng lẩn trốn, lánh mặt về trình diện; đồng thời tiến hành xóa bỏ triệt để các điểm nhóm đang lén lút hoạt động tại các thôn làng, không để phát sinh tà đạo “Hà Mòn” ra các địa bàn mới. Tiếp tục triển khai các tổ công tác bám thôn, làng để tiến hành các biện pháp tuyên truyền, đấu tranh liên tục; thường xuyên tập huấn, trau dồi nâng cao kiến thức về tôn giáo, dân tộc, địch tình …có liên quan đến tà đạo “Hà Mòn”; xác định rõ vai trò, trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị, tổ chức để xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, biện pháp cụ thể, phù hợp; qua đó làm tốt công tác củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, tranh thủ các chức sắc tôn giáo, giáo phu và những người có uy tín cùng tham gia quản lý, giáo dục, cảm hóa đối tượng.

Rà soát, đánh giá để kịp thời bổ sung, hoặc điều chỉnh những thiếu sót, bất cập trong việc triển khai, thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; chú trọng giải quyết dứt điểm những vấn đề phát sinh, những tranh chấp, kiến nghị của người dân; khôi phục, phát huy giá trị và hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống kết hợp phát huy hiệu quả hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn làng, nhằm ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đẩy mạnh đấu tranh tuyên truyền phản bác, vạch trần luận điệu xuyên tạc, lừa mị, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện âm mưu, ý đồ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của tổ chức phản động Fulrô nói chung và số cầm đầu, cốt cán trong tà đạo “Hà Mòn” nói riêng.


Tây Nguyên được xác định là địa bàn chiến lược của cả nước. Đây cũng là khu vực trọng điểm mà các thế lực thù địch, phản động ráo riết thực hiện mưu đồ chống phá. Tà đạo “Hà Mòn” chính là một trong những chiêu trò của bọn phản động Fulro, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vì vậy, việc tin theo tà đạo “Hà Mòn” là đi ngược lại lợi ích dân tộc, lợi ích quốc gia, vi phạm nghiêm trọng chính sách tôn giáo và dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, vi phạm Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần phải được trừng trị nghiêm minh, bảo đảm cho Tây Nguyên ổn định và phát triển cùng cả nước.

Theo thống kê, đến năm 2013, cả nước có 13 tôn giáo với 37 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động; có khoảng 24 triệu tín đồ tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước); khoảng 83 nghìn chức sắc và nhà tu hành, hơn 250 nghìn chức việc trông coi việc đạo ở khoảng 25 nghìn cơ sở thờ tự trên cả nước. Ngoài các tôn giáo lớn du nhập từ nước ngoài, như: Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bà-la-môn,... còn có các tôn giáo nội sinh, như: Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam... Các tôn giáo ở nước ta, mặc dù độc lập về nghi lễ, nhưng gắn bó với nhau trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phóng sự của Bình Định