Thực hiện phép lạ (thần thông) Āvibhāva nghĩa là tạo ra ánh sáng từ bóng tối, và đem ra ánh sáng những gì đang bị dấu kín.

Liên quan đến phép thần thông loại này có giai thoại được kể lại rằng có một vị tỳ khưu kia, sau khi thoát khỏi Thiền Định Jhana (nghĩa là thiền bậc bốn) ngài đã quyết tâm thực hiện một phép lạ (thần thông) bằng cách tụng câu thần chú sau đây: “Mong rằng chỗ tối tăm được tràn đầy ánh sáng” và “Mong rằng những nơi bị che dấu được phơi bày ra trước ánh sáng cho nhiều người được thấy.” Sau đó mọi sự đã diễn ra y như quyết tâm của ngài trưởng lão; ngài có thể nhìn thấy bất kỳ ai cũng như bất kỳ điều gì từ xa và những người ở xa cũng có thể nhìn thấy người nếu họ muốn làm như vậy.

Trưởng lão Buddhaghosa tác giả Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) đã kể lại chính Đức Phật là một ví dụ điển hình thực hiện phép lạ (thần thông) này như sau:

Một lần kia, có một người phụ nữ tên là Cūlasubhadda, đang sinh sống trong thành phố Sāketa đã mời Đức Phật và các chư vị tỳ khưu đi theo đến dùng một bữa tiệc tại tư gia của bà vào ngày hôm sau. Lúc đó Đức Phật đang có mặt tại Khu Rừng Kỳ Viên (Jeta), trong thành phố Sāvatthi, cách đó vào khoảng bảy yojana (khoảng 112 km.). Người ta kể lại rằng Đức Phật và khoảng năm trăm chư vị tỳ khưu đi theo ngài đã bay trên không đến thành phố Sāketa và đến lưu lại tại các phòng Kuṭis dành riêng cho từng vị với mái hình chóp do ngài Thiên Chủ Vissukamma, một kỹ sư thiên cung tạo ra, đang khi các phòng Kuṭis (chỗ ở có hình chóp) đang bay từ Sāvatthi đến Sāketa. Đức Phật đã thực hiện một phép lạ (thần thông) nhãn tiền khiến cho cư dân trong hai thành phố đều có thể nhìn thấy nhau, trong khi đó các căn phòng hình chóp từ từ hạ xuống ngay chính trung tâm thành phố, cùng lúc đó Đức Phật cũng cho các cư dân trong thành phố nhìn thấy cõi địa ngục- phía dưới một nơi gọi là A-tỳ-địa ngục (Avīci) - Đó là cõi địa ngục tận cùng sâu thẳm. Ngài cũng cho họ thấy cõi nhàn cảnh tại một nơi gọi là Cõi Phạm Thiên. Chính Đức Phật đã cho họ nhìn thấy cùng một lúc cảnh Địa ngục và cõi thiên cung nhờ vào phép thần thông của ngài và cư dân của cả hai thành phố đều nhìn thấy.

Đây là toàn bộ những gì ghi lại trong Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga). Tuy nhiên, trong tập Chú Giải Pháp Cú Kinh (Dhammapada) còn đưa thêm nhiều chi tiết khác nữa, cùng với một số khác biệt nhỏ như khoảng cách giữa hai thành phố được cho là vào khoảng bảy yojana, lại được ghi lại trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) là 120 yojana (tức vào khoảng hai ngàn cây số) thành phố gọi là Sāketa, nơi người phụ nữ Cūlasubhadda cư ngụ, lại được Pháp Cú Kinh (Dhammapada) gọi là Uggaha.

Còn có thêm một tiết mục nhiều chi tiết hơn được tìm thấy trong Pháp Cú Kinh (Dhammapada) cho rằng người phụ nữ Cūlasubhadda không tự mình trực tiếp đến mời Đức Phật. Nàng cũng chẳng sai người nào đến gặp Ngài như là người được nàng ủy nhiệm cho. Thay vào đó nàng đã trèo lên ngọn tháp cao nhất trong tòa lâu đài của nàng để tỏ lòng tôn kính Đấng Thế Tôn bằng năm cách tỏ lòng tôn kính (nghĩa là nàng đã hai lần phủ phục đầu gối chạm đất, hai lần lấy khuỷu tay và một lần chạm trán xuống sàn nhà) nàng đã dâng nước thơm cho ngài, cộng với hoa và nhang đồng thời có ý định trong tâm, nói rằng “Nhân tiện tôi sẽ mời Đức thế tôn, cùng với các vị tỳ khưu đi theo, đến dùng bữa sáng với tôi vào ngày hôm sau, mong rằng Đức Thế Tôn thông qua dấu hiệu từ xa của tôi thông báo đến ngài lời mời này.” Như vậy sau khi nói trong tâm như vậy nàng đã tung lên trên trời bảy bó hoa jasmine.

Đang khi nàng Subhaddā thực hiện lời mời Đức Phật trong thâm tâm như vậy, thì Đức Thế Tôn còn đang thuyết pháp một bài cho thính giả trong khu Rừng jeta. Người ta kể lại rằng những cành hoa người phụ nữ Subhaddā tung lên trời đã bay tới khu Rừng Kỳ Viên (Jeta), rồi họp thành một bức Trướng kết lại bằng hoa treo lơ lửng phía trên đầu Đức Phật. Nhà Triệu Phú Anāthapiṇḍika cũng đang có mặt nghe Đức Phật thuyết pháp. Vào cuối bài giảng ông đã mời Đức Phật và các vị tỳ khưu đến dùng bữa tại nhà ông vào ngày hôm sau. Nhưng Đức Phật cho biết, “Ôi chủ gia nhân, tôi đã nhận một lời mời dùng bữa vào ngày mai rồi.” Hơi bối rối, nhà triệu phú liền thưa, “Nhưng chưa có người nào đến trước tôi để mời ngài cả, Ôi Đức Thế Tôn, thế ngài đã nhận lời mời của ai vậy?” Và sau đó Đức Phật đã kể lại cho ông nghe người phụ nữ Cūlasubhaddā đã mời ngài từ xa như thế nào và ngài đã nhận lời mời đó cũng bằng một cách như vậy.

Nhiều chi tiết khác cũng được khẳng định trong tập Chú Giải Pháp Cú Kinh (Dhammapada) như sau:

Sau khi Đức Phật đã chấp nhận lời mời của người phụ nữ Cūlasubhaddā, thì Thiên Chủ (Sakka) là thủ lãnh các vị thần, biết được tin tức đó, liền ra lệnh cho Vissukamma, là vị kỹ sư thiên cung, thực hiện ngay năm trăm chỗ ở và dâng cho Đức Thế Tôn cùng các chư vị tỳ khưu đến thành phố Uggaha vào ngày hôm sau. Ngài Vissukamma này đã thực hiện công việc được giao và đứng chờ tại cổng thành dẫn đến khu Rừng Kỳ Viên (Jeta). Rồi sau đó Đức Phật cùng với năm trăm vị tỳ khưu bậc thánh đi theo đã ngồi vào chỗ ở mái cong đó và ngay sau đó họ đã được dẫn đến thành phố Uggaha bằng cách bay trên không.

Tại Uggaha, ngài triệu phú Ugga, nhìn về phía người phụ nữ Cūlasuddhaddā đã chỉ cho ông thấy và thấy được bằng cách nào Đức Phật cùng với phép thần thông của ngài đã xuất hiện trong vinh quang và vị này hết sức là cảm kích. Ông ta đã sấp mình tôn thờ Đức Thế Tôn cùng các vị tỳ khưu đi tháp tùng ngài bằng cách dâng hoa và nhiều của bố thí sau đó lại dọn cho các ngài một bữa tiệc. Đồng thời ông còn tổ chức một cuộc đại thí cho dân chúng kéo dài trong bảy ngày liên tiếp.

Vào lúc này ta hãy gác sang một bên khả năng hay sự xác thực của các phép lạ (thần thông) siêu phàm đó. Chúng ta có thế sắp xếp các phép lạ (thần thông) đó thành các loại như sau:

1. Phép lạ (thần thông) thu ngắn khoảng cách, làm cho những người cách nhau cả trăm cây số cũng có thể nhìn thấy nhau.

2. Phép lạ (thần thông) được nâng bổng lên trên không và di chuyển trong đó.

3. Phép lạ (thần thông) tiết lộ các nhàn cảnh và khổ cảnh, Làm cho các người trên trần gian này cũng có thể nhìn thấy.

4. Vị kiến trúc sư thiên cung Vissukamma lại có thể tạo ra được chỗ ở cho chúng sanh cư ngụ trong một thời gian nhất định.(những chỗ ở được tạo dựng lên như vậy, ngoại trừ những cỡ kích bình thường chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi tạm thời mà thôi. Chúng không thể tồn tại vĩnh cửu được)

Ngoài những Phép lạ (thần thông) mở màn (Āvibhāva) đã bàn đến ở trên, Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) cũng đã kể lại một phép lạ (thần thông) Yamakapāṭihāriya (phép lạ (thần thông) song do chính Đức Phật thực hiện. Sau đây là một bài tường thuật được kể lại trong bản văn đó.