Đừng bắt những “báu vật nhân văn sống” phải chờ



Từ chủ trương đi vào thực tế là cả một chặng đường, khi đa số nghệ nhân dân gian đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nếu làm không nhanh, e rằng nhiều nghệ nhân không kịp nhận sự tôn vinh, đãi ngộ.






Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định về việc hỗ trợ đối với Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Khi biết tin này, nhiều nghệ nhân mừng rơi nước mắt, là nguồn động viên của Nhà nước, của xã hội. Có điều, từ chủ trương đi vào thực tế là cả một chặng đường, khi đa số nghệ nhân dân gian đã ở tuổi “gần đất xa trời”, nếu làm không nhanh, e rằng nhiều nghệ nhân không kịp nhận sự tôn vinh, đãi ngộ.
Không nên phân chia cao - thấp
Năm 2001, nhận thấy các “báu vật nhân văn sống” đứng trước nguy cơ dần “rơi rụng” vì tuổi tác, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã chủ động tìm kiếm và vinh danh hơn 300 nghệ nhân trên cả nước bằng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” của riêng tổ chức này. Hơn 10 năm sau, khi Nghị định 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể ra đời, các nghệ nhân từng âm thầm cống hiến, nghiên cứu để phát triển và bảo tồn văn hóa dân tộc đã được vinh danh. Nhưng sau sự tôn vinh đó, nhiều nghệ nhân vẫn phải sống trong nghèo khổ, bệnh tật.

Lễ mừng thọ các nghệ nhân cao tuổi và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian Việt Nam


Một năm qua, Bộ LĐTBXH đã lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định hỗ trợ đối với nghệ nhân. Mới đây, theo tờ trình của Bộ LĐTBXH, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2015/NĐ-CP hỗ trợ những NNND và NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Các nghệ nhân sẽ có 1 tháng làm hồ sơ để bắt đầu được hưởng trợ cấp từ ngày 1.1.2016. Theo đó, NNƯT, NNND từ 55 tuổi trở lên đối với nữ và đủ 60 tuổi trở lên đối với nam không có người phụng dưỡng; người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; người mắc một trong các bệnh cần chữa trị dài ngày theo danh mục của Bộ Y tế… có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp dưới 50% mức lương cơ sở do Chính phủ quy định sẽ được trợ cấp 1 triệu đồng/người/tháng.


Mức hỗ trợ 850.000 đồng/người/tháng sẽ dành cho các NNƯT, NNND thuộc đối tượng nêu trên có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở hoặc NNƯT, NNND không thuộc các đối tượng nêu trên nhưng có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở. Riêng NNƯT, NNND không thuộc các đối tượng nêu trên, có mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở được trợ cấp 700.000 đồng/người/tháng.


Bên cạnh đó, các nghệ nhân sẽ được Nhà nước đóng BHYT bằng với mức đóng cho người thuộc hộ nghèo (bằng 4,5% mức lương cơ sở) và được hưởng BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo theo quy định về BHYT. Ngoài ra, khi các nghệ nhân qua đời thì được Nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng 7.000.000 đồng. Đây thực sự là niềm động viên lớn với những người lưu giữ và truyền dạy di sản của dân tộc.


“Quan niệm của người Việt Nam là “có còn hơn không”, nên quan tâm, lo cho các nghệ nhân thì rất đáng mừng. Tôi rất ủng hộ chủ trương này, nhưng giá như được thì bằng nhau tất cả, chứ không nên phân mức cao hay thấp. Hiện nay đời sống của các nghệ nhân đều rất khó khăn và đều đã cao tuổi, ai cũng say mê cống hiến, nên xét những ai có mức thu nhập dưới mức lương cơ sở, thì để các nghệ nhân nhận mức trợ cấp như nhau” - ý kiến của NSND Bùi Thanh Trầm - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhân dân Hà Nội khi biết đến chủ trương hỗ trợ nghệ nhân khó khăn.


Đừng bắt nghệ nhân phải chờ


Từ ngày 1.1.2016, khi nghị định này đi vào thực tế, ước tính sẽ có khoảng 560 nghệ nhân được hỗ trợ. Đây là con số rất nhỏ so với hàng nghìn “báu vật sống” trên khắp cả nước. Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ (SN 1923 tại Hải Dương) bộc bạch rằng “chỉ mong sao chính sách sớm đi vào thực tế, để chúng tôi có những động viên không chỉ về tinh thần mà còn có thêm vài đồng hỗ trợ cho cuộc sống. Chứ bây giờ, tôi có ba người con đều làm nông nghiệp, con cái mình nó nuôi thân đã khó, giờ còn nuôi cả thân già như mình”.


Đến nay, Nghị định trợ cấp hằng tháng cho các nghệ nhân khó khăn đã ban hành được gần một tháng, nhưng nhiều nghệ nhân vẫn chưa biết đến chủ trương này. Một phần vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi, lại ở vùng sâu, vùng xa, nhiều cụ không có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông để nắm được thông tin.
Ngay cả GS-TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, người nhiều năm qua đi kêu gọi các cá nhân, tổ chức thực hiện chế độ trợ cấp cho các nghệ nhân khó khăn - khi được phóng viên thông báo mới biết chủ trương sắp được thực hiện và rơm rớm nước mắt vì xúc động. “Suốt hơn 20 năm qua, tôi đã đi khắp nơi kêu gọi các tổ chức, cá nhân có những hỗ trợ và vinh danh những nghệ nhân để động viên tinh thần cho họ.


Đến nay điều đó đã thành hiện thực, tuy muộn còn hơn không. Nhưng tôi cũng băn khoăn, khi đa phần nghệ nhân đều là những người nghèo, mù chữ, sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh, trong một tháng tới không biết họ có kịp hoàn thiện hồ sơ để được hưởng trợ cấp từ đầu năm 2016 không. Những thủ tục như để chứng nhận hộ nghèo, có thu nhập thấp, hay các yêu cầu khác đều phải qua các cấp chính quyền ở địa phương xét duyệt, trong khi địa phương lại chưa biết hoặc chưa nắm rõ chủ trương. Nếu tất cả các khâu làm không nhanh và khẩn trương thì e rằng không kịp. Trong khi nhiều nghệ nhân đã rất cao tuổi, sự sống chỉ còn tính thời gian thì mong chính sách sẽ đi vào thực tế thật nhanh, mong địa phương nhanh chóng thông báo đến các nghệ nhân ở địa bàn mình và giúp đỡ họ thực hiện các thủ tục cần thiết, đừng bắt nghệ nhân phải chờ nữa” - GS Tô Ngọc Thanh chia sẻ.

Những nghệ nhân, những “báu vật nhân văn sống”, nói như GS Tô Ngọc Thanh, “mang theo toàn bộ sáng tạo của tiền nhân, vậy nên, nếu làm không nhanh, không kịp thì chúng ta là những người có lỗi”.


Theo Đặng Chung (Báo Lao Động)