Phát hiện tuyết rơi trên sao Hoả

(Dân trí) - Một thiết bị laze trên tàu thăm dò Phoenix đã phát hiện những đám mây rơi cách mặt sao Hỏa chừng 3km, trong khu vực các đồng bằng cực bắc của hành tinh và hiện tượng này biến mất trước khi mặt trời lên.



Dấu vết của các dòng sông trên bề mặt sao Hỏa

Trước đó, tàu thăm dò Phoenix đã phát hiện ra dấu vết của nước và ngày 29/9, các nhà khoa học tham gia chương trình thám hiểm hành tinh đỏ tuyên bố lần đầu tiên phát hiện ra có tuyết rơi trên sao Hoả. Các phân tích mẫu đất cho thấy có hai chất khoáng trong nước ở dạng lỏng, đó là canxi carbonat (có trong đá phấn và đá vôi) và silicat.



Thiết bị laze của tàu thăm dò phát hiện tuyết rơi cách bề mặt hành tinh chừng 3km, trong khu vực các đồng bằng cực bắc của hành tinh và hiện tượng này biến mất trước khi mặt trời lên.



Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tàu Phoenix là chứng minh có băng trên sao Hoả. Từ lâu, các nhà khoa học nghi ngờ có nước đóng băng trên các đồng bằng phía bắc của hành tinh này. Tàu thăm dò cũng cho thấy đất trên sao Hoả bị kiềm hoá nhẹ, có chứa chất hữu cơ và chất khoáng.



Sứ mệnh kéo dài ba tháng trên sao Hoả của Phoenix là nhằm đi đến kết luận liệu môi trường của hành tinh này có thích hợp cho sự sống. Theo phân tích tổng hợp từ những hình ảnh thu được của các nhà khoa học thuộc Trung tâm hàng không vũ trụ Đức (German Aerospace Center- DLR) công bố trên tạp chí Planetary and Space Science số tháng 10/2008, cách đây chừng 4 tỷ năm có một hệ thống sông chảy trên sao Hoả, tạo nên nhiều miệng núi lứa và hồ.



Giáo sư Peter Smith của Đại học Arizona, Mỹ nhận định: “Tôi cho rằng chúng ta đang tiến gần hơn giả thuyết tồn tại vùng có thể sinh sống được trên hành tinh đỏ”.



Ngọc Nhàn

Theo AP