kết quả từ 1 tới 3 trên 3

Ðề tài: Cố TBT Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!'

  1. #1

    Mặc định Cố TBT Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!'

    Kỷ niệm 28 năm ngày mất cố Tổng bí thư Lê Duẩn (10.7.1986-10.7.2014)

    Cố TBT Lê Duẩn: 'Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc!'

    Đăng Bởi Học Giả - 17:10 08-07-2014



    Bác Hồ và Cố Tổng bí thư Lê Duẩn năm 1960

    Trên cương vị là Bí thư thứ nhất và sau đó là Tổng Bí thư suốt 26 năm, ông Lê Duẩn đã để lại nhiều di sản cho lịch sử Việt Nam. Có thể người ta còn tranh cãi về ông ở vài vấn đề, nhưng công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất dân tộc cũng như ý chí kiên cường và tinh thần cảnh giác cao độ trong việc chống lại chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc, thì có lẽ ít người nghi ngờ…



    Bài học lớn về Trung Quốc


    Trước hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn là người lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Như nhiều nhà lãnh đạo của Việt Nam khi ấy, ông thực sự tin Trung Quốc là người anh em, đồng chí thực sự của cách mạng Việt Nam.


    Năm 1954, Hiệp định Geneva được ký kết đã bẻ ngoặt nhận thức của ông về mối quan hệ với Trung Quốc. Nhà thơ Việt Phương, thư ký của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng kể:

    “Khi bàn thảo về Hiệp định Geneva, Bộ Chính trị của ta chỉ đồng ý lấy vĩ tuyến 16 là ranh giới cuối cùng của khu phi quân sự tạm thời giữa hai miền Nam – Bắc trong thời gian chờ tổng tuyển cử. Nhưng Trung Quốc với sự ảnh hưởng của mình, đã khăng khăng ép ta phải đồng ý chọn vĩ tuyến 17.

    Khi chúng ta bàn bạc vấn đề này với Trung Quốc, họ đã nói: “Chúng tôi là tướng ngoài mặt trận. Các đồng chí hãy để cho chúng tôi tùy cơ ứng biến”. Khi nói như thế, người Trung Quốc đã tự cho mình quyền định đoạt số phận của người Việt Nam”.

    Thời điểm đó, ta đã kiểm soát phần lớn vùng Nam bộ, ngoại trừ một vài đô thị nhỏ. Ở miền Bắc, ta chiến thắng vang lừng ở Điện Biên. Nhưng Trung Quốc đã bắt ta phải ký một hiệp định chia cắt đất nước - một hành động mà sau này như nhiều người nói: “người anh lớn” đã phản bội lại “người em” của mình.

    Sau khi hiệp định được ký, trên đường từ Bắc vào Nam, nhìn những quân dân miền Nam giơ 2 ngón tay chào nhau, vừa là biểu tượng victory - chiến thắng, vừa là lời hẹn 2 năm sau sẽ đoàn tụ, ông Lê Duẩn đã khóc. Ông hiểu, sẽ không bao giờ có tổng tuyển cử, sẽ không bao giờ chỉ là 2 năm…Rồi đây đất nước sẽ còn bị chia cắt rất lâu vì Hiệp định Geneva năm đó.

    Sau đó, khi chia tay Lê Đức Thọ ra Bắc tập kết, ông Lê Duẩn đã nói với người đồng chí của mình một câu rất nổi tiếng: “Anh ra nói với Bác, 20 năm nữa tôi mới được gặp Bác”.

    Rất trùng hợp, 20 năm sau, đất nước thống nhất. Nhưng quan trọng hơn, đó là lần ông Lê Duẩn thực sự thấy thấm thía nhất về nỗi đau chứng kiến đất nước ông đã bị người anh em Trung Quốc phản bội. Năm 1972, trong một cuộc trò chuyện với Chu Ân Lai, nhắc lại về Hiệp định Geneva, ông Lê Duẩn đã không ngần ngại lên án: “Năm đó, người Trung Quốc các anh đã bán đứng chúng tôi trên bàn đàm phán”.

    Dù là năm 1954 hay năm 1972 hay sau này, dù là lúc đang lãnh đạo cách mạng miền Nam hay khi đã ra Bắc lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, kể cả khi đất nước đã thống nhất, chưa một phút giây nào, TBT Lê Duẩn quên bài học đó.

    “Chúng ta không được phép sợ Trung Quốc”

    Khi còn sống, TBT Lê Duẩn luôn cho rằng, hiểu Trung Quốc là chuyện sống còn của dân tộc Việt Nam, khi mà lịch sử địa lý, trớ trêu thay đã khiến ta mãi mãi phải là láng giềng của họ. Mà để hiểu người Trung Quốc nhất định phải hiểu được những đặc tính của dân tộc Việt Nam.

    Đắm chìm vào trong dân tộc để hiểu cái ở ngoài dân tộc và giữ dân tộc là cách mà TBT Lê Duẩn đã làm khi ở cương vị người đứng đầu đất nước.

    Trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhân danh việc chi viện, giúp đỡ chúng ta, rất nhiều lần Trung Quốc lồng ghép vào đó những toan tính riêng của họ. Có lần Trung Quốc đề nghị cho chúng ta 500 chiếc xe vào Trường Sơn với điều kiện kèm lái xe của họ. Nhưng TBT Lê Duẩn không nhận bất cứ một chiếc xe nào.

    Có người trong Bộ Chính trị đề nghị “sao ông không nhận một vài chiếc cho người ta vui?”, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn kiên quyết giữ lập trường của mình: “Chừng nào tôi còn ngồi đây, thì tôi không cho một kẻ nào nghĩ trong đầu rằng có thể cướp được đất nước Việt Nam này”.

    Hẳn là vì hiểu rõ dân tộc, mà ông đã không quên rằng, Trung Quốc từng mượn đường vào đánh Chiêm Thành thời nhà Trần, rồi từng lấy cớ vào giúp vua Lê Chiêu Thống để kéo quân vào Hà Nội. Như một nhà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam với Trung Quốc đã từng nhận xét về ông: “Với TBT Lê Duẩn, cái gì nhịn được thì nhịn, nhưng ông tuyệt đối không bao giờ nhượng bộ những điều quá đáng, nguy hại cho an ninh quốc gia”.



    Tổng bí thư Lê Duẩn thăm một đơn vị tên lửa phòng không bảo vệ Hà Nội
    Điều mà TBT Lê Duẩn vẫn thường cố gắng cắt nghĩa là tại sao Trung Quốc đô hộ Việt Nam 1.000 năm mà không đồng hóa được ta? Bởi 1.000 năm là quá dài, và người Trung Quốc chưa bao giờ giấu diếm tham vọng ấy suốt những thời kỳ họ cai trị Việt Nam. Trong lịch sử, nhiều dân tộc khác bị đồng hóa rất dễ dàng chỉ với vài trăm năm, nhưng sự khác biệt của người Việt Nam đã khiến dân tộc này thoát khỏi quy luật đáng sợ đó.

    Có rất nhiều thứ người Trung Quốc cho là chân lý, nhưng người Việt Nam không chấp nhận. Người Trung Quốc dùng đạo Khổng để giáo dục người dân. Người Trung Quốc dạy: “Tại gia tòng phụ”, nhưng người Việt Nam nói: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Người Trung Quốc nói “xuất giá tòng phu”, người Việt Nam lại cho rằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.

    Và ông Lê Duẩn luôn nhìn thấy, qua những khác biệt đó người Việt Nam vừa để dạy mình, vừa thể hiện sự phản kháng với tư tưởng đó, và sâu xa hơn là phản kháng sự đồng hóa mà người Trung Quốc cố tình áp đặt lên số phận của dân tộc Việt Nam. Sự phản kháng này nằm sâu trong mầm mống tồn tại của dân tộc, khiến sức mạnh đồng hóa của người Trung Quốc không đâm thủng được. Trung Quốc ngày đó bắt người phụ nữ bó chân, nhưng người Việt Nam không bao giờ đồng ý. Với người Việt Nam, để sinh tồn thì bàn chân là phải vững chắc trên mảnh đất này. Đó là một nền tảng văn hóa vô cùng Việt Nam, tự thân người Việt Nam và nó đối chọi hoàn toàn với người Trung Quốc.

    Dường như, khi hiểu được truyền thống ấy và sức mạnh phản kháng ấy của dân tộc, TBT Lê Duẩn đã luôn có tự tin khi đứng trước những nhà lãnh đạo Trung Quốc, đứng trước sức mạnh của người Trung Quốc, trong rất nhiều giai đoạn thăng trầm của mối quan hệ giữa hai nước.

    Một lần, khi ra ngoài Bắc bàn về đấu tranh miền Nam, ông Lê Duẩn nói: “Thưa Bác, chúng ta muốn thắng Mỹ, có một điều rất quan trọng là chúng ta phải không được sợ Mỹ, nhưng cũng không được sợ Trung Quốc và không được sợ Liên Xô”.


    Có người trong Bộ Chính trị phản đối ý kiến đó. Nhưng ông Nguyễn Chí Thanh đã đứng lên ủng hộ: “Thưa Bác, việc anh Ba nói vậy là vô cùng cần thiết và nhất định phải như vậy chúng ta mới thắng được”.


    Cả Bộ Chính trị vỗ tay hoan hô ý kiến đó. Chỉ tiếc là đến giờ những văn bản họp Bộ Chính trị khi đó hầu như vẫn chưa được công bố, khiến những câu chuyện này không thực sự được biết rộng rãi trong dân chúng.


    Điều khiến nhiều người suy nghĩ là những năm tháng đó, trong lúc khó khăn nhất, khi mà chúng ta đang dựa vào họ, thành bại của cuộc chiến tranh phụ thuộc một phần không nhỏ vào sự ủng hộ của họ, nhưng TBT Lê Duẩn vẫn biết cách giữ được vị thế của mình với những nhà lãnh đạo Trung Quốc.

    Ông cũng rất khéo léo giữ được độc lập của đất nước mà vẫn khiến Trung Quốc duy trì sự ủng hộ với Việt Nam trong một giai đoạn dài. Cái ý thức “không sợ Trung Quốc” ấy có lẽ đã khiến TBT Lê Duẩn dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng luôn ở thế ngang bằng với những lãnh đạo Trung Quốc như Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Nhưng cũng chính vì tư tưởng đó, TBT Lê Duẩn đã trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam khiến Trung Quốc e dè, nếu không muốn nói là “gai mắt” nhất trong giai đoạn ấy.

    Nhà thơ Việt Phương từng kể một câu chuyện: “khi Bác Hồ đang chữa bệnh ở Trung Quốc, TBT Lê Duẩn có chuyến thăm Trung Quốc và ở gần nơi Bác chữa bệnh. Bác Hồ lúc đó đã bảo với ông Lê Duẩn: “Chú Ba đến ăn cơm với Bác. Chắc là họ chưa đến mức có ý định giết Bác.
    Bác đã rất nghi ngại việc TBT Lê Duẩn ở một mình có thể có những chuyện không hay và tìm cách giữ an toàn cho ông bằng mọi cách”.


    Từ năm 1976, khi ta căng thẳng với Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, khi những người lính cận vệ của TBT Lê Duẩn đưa dụng cụ đo phóng xạ vào phòng ông kiểm tra, bao giờ độ phóng xạ cũng ở mức kịch kim. Có người lính cận vệ đã đề nghị ông đổi phòng vào ban đêm một cách bí mật. 1 năm sau đó, người lính cận vệ đó bị ung thư máu qua đời, dù trước đó rất khỏe mạnh. Đó có thể chỉ là một sự trùng hợp, nhưng cũng có thể không…

    2 tháng qua, khi Trung Quốc ngày càng tráo trở và ngang ngược ở biển Đông, với tham vọng bá quyền không giấu diếm, rất nhiều người dân Việt Nam nhớ về vị TBT mà lịch sử đã nhìn nhận là người có đường lối cứng rắn nhất với Trung Quốc.


    Có lẽ ngày hôm nay, với vấn đề biển Đông, người Việt Nam chúng ta sẽ phải nhớ lại câu nói của cố TBT Lê Duẩn và bài học mà ông đã để lại: “Chúng ta, bằng bất cứ giá nào, cũng không được phép sợ Trung Quốc”.


    Thảo Nguyên

    http://motthegioi.vn/xa-hoi/co-tbt-l...uoc-85605.html
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  2. #2

    Mặc định

    Bài học về TQ trong ký ức con trai cố TBT Lê Duẩn

    Đăng Bởi Chuyên Gia - 17:10 08-07-2014



    Bác Hồ và cố Tổng bí thư Lê Duẩn

    TS. Lê Kiên Thành, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn từng chia sẻ về cha mình: “Nhiều người nói, cha tôi là người chống Trung Quốc. Nhưng cha tôi từng nói, bản thân giới lãnh đạo Trung Quốc với người Trung Quốc, với đất nước, với dân tộc Trung Quốc là hai khái niệm khác hẳn nhau". Một Thế Giới xin trích đăng suy nghĩ của ông:


    Ngày bé, họa báo Trung Quốc tràn lan ở VN, in hình các lãnh đạo Trung Quốc, màu và giấy rất đẹp. Tôi thường lấy để bọc vở. Có lần cha tôi nhìn thấy những cuốn vở đó, hôm sau ông đã yêu cầu thư ký bóc hết những bìa có ảnh lãnh tụ Trung Quốc để bọc những tờ báo khác vào.


    Ông không muốn người ngoài hiểu rằng con trai mình có gì không tôn trọng với Trung Quốc. Nghĩa là cha tôi lúc nào cũng nghĩ rất sâu xa, cẩn trọng, dù trong thâm tâm, ông luôn cảnh giác với người Trung Quốc.


    Thực tế là năm 1979, khi Đặng Tiểu Bình đánh Việt Nam, cha tôi rất buồn. Ở thời điểm đó, ngoài việc tuyên bố dạy cho Việt Nam một bài học, Đặng Tiểu Bình muốn chứng tỏ với nước Mỹ, Trung Quốc bây giờ không còn là một Trung Quốc đứng cạnh Việt Nam nữa.Cha tôi và Đặng Tiểu Bình từng rất thân thiết với nhau. Năm 1961, ở hội nghị các Đảng Cộng sản, cha tôi và Đặng Tiểu Bình đã từng thức thâu đêm với nhau để chia sẻ quan điểm. Sự thân tình đó kéo dài mãi giữa hai người, kể cả khi Đặng Tiểu Bình bị yếu thế trong giới lãnh đạo Trung Quốc, mỗi lần sang Trung Quốc, cha tôi vẫn tìm gặp. Vì vậy cuộc chiến năm 1979, với cha tôi còn là sự phản bội về quan hệ cá nhân.


    "Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, TBT Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế. Và nếu còn sống đến hôm nay và đối mặt với vấn đề biển Đông, ông cũng sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn đó!”.




    Tuy nhiên, khi Trung Quốc đã đánh ta, có lần xem những bài viết kích động phê phán những lãnh tụ Trung Quốc, cha tôi đã đề nghị: “Đừng viết về cá nhân như thế này. Chúng ta phê phán tư tưởng, hành động của họ, chứ không phê phán cá nhân”.Nhiều người nói, nếu không vì cha tôi, sẽ không có cuộc chiến tranh biên giới năm 1979. Nhưng thực tế, đến thời điểm này, khi chúng ta đã hết sức mềm mỏng, khi chúng ta đã lùi đến hết mức chúng ta có thể lùi, những tham vọng của Trung Quốc với lãnh thổ nước ta vẫn không hề dừng lại, thậm chí còn công khai và táo tợn hơn rất nhiều.

    Tôi luôn tin rằng, lòng yêu nước không phải của riêng ai. Ai cũng sẽ yêu nước, dù ít hay nhiều. Và mỗi người đều có quyền yêu nước theo cách của mình. Nhưng ở vị trí người lãnh đạo đất nước, lòng yêu nước ấy phải là tuyệt đối. Bởi mỗi quyết định liên quan đến con người đó đều ảnh hưởng đến vận mệnh dân tộc.


    Nên, chừng nào trong đầu một nhà lãnh đạo còn có những chuyện cá nhân chi phối, thì chừng đó họ sẽ không thể anh minh trong những quyết định liên quan đến vận mệnh dân tộc. Như cha tôi lúc còn sống luôn nói rằng, khi người ta đã yêu đất nước đến vô cùng, đến mức trái tim chỉ có thể đập vì nó, thì họ sẽ luôn tìm được con đường đúng nhất.


    Một lần, khi ghé thăm cửa khẩu Hữu Nghị, nơi được coi là biểu tượng hàn gắn của mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau giai đoạn chiến tranh, tôi đã thấy ở nơi trưng bày những kỷ vật về mối quan hệ hai nước, có tất cả những tấm ảnh lãnh đạo Việt Nam qua nhiều thế hệ, trừ cha mình.


    Trong sâu thẳm, tôi tự hào về điều đó: Cha tôi, TBT Lê Duẩn là người quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất ở đây. Trái tim ông đã xui khiến ông hành động như thế. Và nếu còn sống đến hôm nay và đối mặt với vấn đề biển Đông, ông cũng sẽ chỉ có duy nhất một lựa chọn đó!”.


    Thảo Nguyên (ghi)

    http://motthegioi.vn/xa-hoi/bai-hoc-...uan-84904.html
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

  3. #3

    Mặc định

    Con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về cha và chiến tranh biên giới 1979

    Thứ sáu, 17/02/2017, 18:15 PM



    "Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc", ông Lê Kiên Thành - con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn nói về cha và chiến tranh biên giới năm 1979.

    Sáng 17 tháng 2 năm 1979, khi chúng ta vừa mới ra khỏi cuộc kháng chiến chống Mỹ, súng đã bất ngờ nổ đỏ dọc một rẻo đất hẹp ở biên giới phía bắc. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào. Trước sự ngoan cường của người Việt Nam, 3 tuần sau họ đã phải rút quân về nước.

    - Thiếu tướng Lê Mã Lương có nhận định rằng sau 1975, Tổng bí thư Lê Duẩn là người đầu tiên khẳng định Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam, trong khi đó, nhiều tướng tá vẫn tin rằng khả năng này ít xảy ra. Sự nhận thức về khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh của ông Lê Duẩn bắt đầu từ thời điểm nào, thưa ông?

    Đấy là thời điểm xa hơn đấy rất nhiều, chắc từ những năm đầu thập niên 1960. Trong một chuyến đi thăm Trung Quốc, trong cuộc tiếp Mao Trạch Đông hỏi Việt Nam có bao nhiêu dân, ông Lê Duẩn trả lời là 30 triệu. Sau đó, Mao Trạch Đông hỏi về dân số của Lào, Campuchia, Thái Lan.

    Khi đó, Mao Trạch Đông nói “Thế thì ít quá, tôi sẽ dẫn 400 triệu bần nông xuống làm cách mạng ở Đông Nam Á”. Hồi đó dân số Trung Quốc vào khoảng 700 triệu. Sau này có lúc Trung Quốc muốn đưa 200 xe ô tô tải giúp chúng ta chở hàng vào miền Nam với điều kiện lái xe là người Trung Quốc. Ông Ba kiên quyết không nhận cái xe nào.

    Giữa cuộc họp, ông đập bàn nói rằng thà không có còn hơn đưa sinh mệnh của đất nước vào sự nguy hiểm. Thực ra, trong suốt cả cuộc kháng chiến, Trung Quốc ủng hộ mình bao nhiêu thì họ cũng luôn nghĩ về lợi ích của họ bấy nhiêu. Thế nhưng thiếu sự ủng hộ của họ, chúng ta cũng không chiến thắng được.

    Ông Lê Kiên Thành - con trai Tổng Bí thư Lê Duẩn

    - Liệu có phải sự cảnh giác từ rất sớm đó góp phần khiến ông Lê Duẩn bị đánh giá là quá quyết liệt trong mối quan hệ với Trung Quốc thời kỳ sau 1975?

    Ông ấy quyết liệt đủ đến độ để họ không thể hiện dã tâm từ đầu. Nhưng cũng ít đến độ họ vẫn phải tiếp tục ủng hộ mình. Nhiều người nói là vì ông găng quá nên xảy ra cuộc chiến. Nhưng tôi nghĩ điều đó sai. Nếu nhìn về lịch sử từ xưa đến nay sẽ rõ. Cho nên đừng mơ hồ chuyện đó.


    Có một hình ảnh rất hay là bầy sư tử khi ngủ, nó luôn quay về phía mà nó nghĩ là có kẻ thù mạnh hơn. Sư tử là kẻ mạnh nhất trong khu rừng mà còn cảnh giác đến độ như vậy huống hồ chúng ta.

    Năm 1979, đất nước chúng ta vừa ra khỏi cuộc chiến tranh có 4 năm. Với chúng ta bây giờ bốn năm là một khoảnh khắc. Còn đối với một dân tộc vừa đi ra khỏi một cuộc chiến tranh hàng chục năm, trên người đầy vết thương, đầy tang tóc...bốn năm đó thực sự đáng giá.

    Thế nhưng, súng đã nổ trên một rẻo đất hẹp ở biên giới phía Bắc. Trong tất cả lịch sử chiến tranh của đất nước chưa bao giờ có chuyện như thế. Nước Mỹ mang 500.000 ngàn quân nhưng phải trải qua một thời gian rất dài, trong một không gian rất rộng gồm cả miền Nam. Nhà cầm quyền Trung Quốc muốn chúng ta cảm nhận được sức nặng của một tỷ người đến cỡ nào.

    Nhưng chúng ta đã chứng tỏ cho họ thấy điều đó là vô nghĩa. Từ biên giới vào có mười mấy cây số nhưng 1 tháng sau họ mới đặt chân được vào thành phố Lạng Sơn. Đó là điều ngay cả người Trung Quốc cũng không nghĩ tới. Sau này, tướng tá Trung Quốc đều nói với phương Tây rằng họ không tưởng tượng được tổn thất có thể khủng khiếp như thế.

    Hồi đó, chúng ta chỉ có một sư đoàn đóng ở biên giới, còn lại là dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương. Trong khi đó Trung Quốc sử dụng tới 600.000 quân, tức là 60 sư đoàn.



    Hình ảnh thị xã Cao Bằng bị quân Trung Quốc bắn phá tan hoang do nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường ghi lại. Ảnh tư liệu.


    - Một số tài liệu nói rằng, trong cả hai chuyến thăm Trung Quốc trên cương vị Tổng bí thư năm 1975 và 1977, ông Lê Duẩn đều rút ngắn thời gian và không tổ chức tiệc đáp lễ như truyền thống?

    Đó là thông tin sai, tất cả những chuyến thăm ấy đều trọn vẹn. Thật ra đến năm 1976 hoặc trước đó, ông có gặp Đặng Tiểu Bình và hai người vẫn nói chuyện với nhau vẫn rất tình cảm. Chính Đặng Tiểu Bình là người nêu vấn đề là chuyện mấy hòn đảo đừng nói của ai vội, đấy là vấn đề lịch sử mà chúng ta đều phải bình tĩnh nhìn nhận. Đặng Tiểu Bình với ông Ba có những mối quan hệ cá nhân rất khăng khít. Sau này, khi Đặng Tiểu Bình bị cách mạng văn hoá vùi dập, mỗi lần đi thăm Trung Quốc, ông vẫn tìm cách liên lạc với Đặng Tiểu Bình.


    Cho nên, chuyện năm 1979 đối với ông Ba là một sự phản bội cá nhân của tình cảm giữa hai người bạn.

    - Giai đoạn 1978, ông Đặng Tiểu Bình đi thăm nhiều nước và tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, ông Lê Duẩn nghĩ gì?

    Về mặt cá nhân thì tôi không rõ, nhưng hai con người đó cũng là hai con người có trách nhiệm với hai Tổ quốc. Chắc là họ cũng chỉ nghĩ nhiều về Tổ quốc hơn là nghĩ về cá nhân. Đặng Tiểu Bình sẽ nghĩ là làm thế nào cho Trung Quốc tốt nhất và ông Lê Duẩn sẽ nghĩ làm thế nào cho Việt Nam tốt nhất.

    Đối với những con người ở vị trí đó, cái cá nhân như chúng ta vẫn nói là thứ gì đó rất khác. Nhưng tôi thấy một lần ông đọc báo Nhân Dân và khi thấy vẽ tranh biếm hoạ đả kích Đặng Tiểu Bình thì ông ấy nhăn mặt nói: “Ba không bao giờ muốn người ta đả kích nhằm vào cá nhân như vậy”. Cái đó một phần vì ông là bạn của Đặng Tiểu Bình.

    - Từ 1977, những văn kiện gửi cho quân khu Quảng Châu nhấn mạnh tinh thần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh. Tại sao đến thời điểm đó, vẫn có rất ít người dự đoán được thời điểm Trung Quốc tấn công Việt Nam?


    Trước chiến tranh nổ ra, có mời thư ký của ông Nguyễn Duy Trinh đến nói chuyện với cán bộ về tình hình và các khả năng. Ông nói hết tình hình, khả năng như nào, logic thì nó sẽ thế nào.

    - Vậy, những động thái từ phía Việt Nam để chuẩn bị cho một cuộc chiến ở phía Bắc thực ra đã bắt đầu từ thời điểm nào?

    Có lẽ từ khi chúng ta giúp Campuchia tiêu diệt chế độ Polpot. Chúng ta vẫn nghĩ rằng chiến tranh nếu nổ ra chắc vẫn còn xa. Còn gần đến cỡ đó thì ít người nghĩ đến thật.

    - Chỉ hai tuần sau Tết, ngày 17/2, Trung Quốc bất ngờ nổ súng trên toàn tuyến biên giới phía Bắc?

    Thật ra, ngày đó là ngày cưới của tôi. Tối hôm đó tôi cưới thì sáng Trung Quốc nổ súng đánh biên giới. Tối hôm đó vẫn rất bình thường. Sau này, có người nói sao đánh nhau lại còn cưới. Nhưng họ không hiểu rằng trong cuộc kháng chiến, có rất nhiều đám cưới trên chiến hào, trong hầm trú bom.




    Bởi vì, cuộc kháng chiến của mình dài quá, nhiều trẻ em sinh ra trong tiếng bom nổ. Nếu chúng ta không tạo ra được cuộc sống bình thường trong cuộc chiến đấu này, chúng ta không thể duy trì cuộc chiến tranh dài đến thế. Đấy cũng là lý do để sau này tôi muốn con tôi, cháu tôi nhớ rằng cha mẹ, ông bà đã làm đám cưới trong một ngày trên biên giới phía bắc, tiếng súng của sự dã man và phản bội đã vang lên.

    - Tổng bí thư Lê Duẩn có tham dự đám cưới của con trai mình không?

    Có chứ. Có cả ông Trường Chinh và nhiều thành viên Bộ Chính trị. Lãnh đạo đơn vị tôi cũng có mặt ở đó. Họ căng thẳng lắm khi nghe Trung Quốc đánh trên toàn tuyến. Nhưng khi đến đám cưới mọi người nói chuyện bình thường, nét mặt các ông lãnh đạo bình thường. Ở các ông già toát lên một sự tự tin ghê gớm. Ừ thì cuộc chiến xảy ra sớm nhưng là điều mình nghĩ từ 10-20 năm.

    Thực tế đã xảy ra như thế. Một tháng sau người Trung Quốc mới đặt chân đến thị xã Lạng Sơn, cách biên giới có 12 km. Nếu đi bình thường chỉ mất 20 phút nhưng Trung Quốc với từng ấy quân lính, từng ấy xe tăng thì một tháng sau mới chiếm được thị xã nhỏ bé của mình. Đừng nghĩ sẽ đi đâu xa.



    Xác xe tăng Trung Quốc bị bắn gục tại bản Sẩy (Hòa An, Cao Bằng). Ảnh tư liệu.

    - Sau khi Trung Quốc rút, ông Lê Duẩn là người quyết định không truy kích. Quyết định đó được đưa ra như thế nào?

    Thực ra cái mình muốn nhất là Trung Quốc không đánh. Nhưng điều đó lại xảy ra rồi. Giết thêm 1-2 vạn quân nữa thì không có ý nghĩa, chỉ thêm nhiều người Trung Quốc căm thù người mình. Cũng chính ông Lê Duẩn khi miền Nam giải phóng, có người đã xin xử bắn một số người kẻ ác phía hàng ngũ Việt Nam cộng hoà, ông không đồng ý. Những người ấy ác thật, họ mổ bụng, họ tra tấn đồng chí của mình thật. Trong chiến tranh, người ta có thể chấp nhận cái chết, nhưng trong hoà bình thì lại không thể chấp nhận được.

    - Còn ý kiến cho rằng Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh biên giới là để thử khả năng phòng ngự của Việt Nam và khả năng Liên Xô sẽ giúp đỡ Việt Nam như thế nào?

    Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc.
    Ông Lê Kiên Thành


    Tôi không nghĩ Trung Quốc thử. Hiệp định Việt Nam ký với Liên Xô diễn ra là sau 17/2. Người Việt Nam đều hiểu chúng ta trông đợi nhất vào chính chúng ta thôi, khó có thể trông đợi người nào khác. Tôi cũng không nghĩ Trung Quốc đánh để thử Liên Xô, vì đó là một trò chơi quá đắt tiền, quá mạo hiểm và quá dã man. Họ có những mưu đồ khác.

    Sâu xa nếu mà được là phải rút được quân Việt Nam ra khỏi Campuchia để cứu Pol Pot, nhưng điều đó không thực hiện được. Thứ hai là Trung Quốc muốn chứng tỏ điều Trung Quốc làm được mà Mỹ không làm được. Cuối cùng thì Trung Quốc cũng không làm được.

    - Ông Lê Duẩn có lường được rằng cuộc chiến tranh biên giới sẽ kéo dài đến 10 năm sau mới kết thúc không?

    Ngay cả bây giờ, Trung Quốc vẫn muốn người Việt Nam không thích ông Lê Duẩn chỉ vì một vấn đề là ông ấy đại diện cho một ý chí của những người muốn cảnh giác với Trung Quốc. Tôi lên biên giới, vào Mục Nam Quan (sau này đổi thành Hữu Nghị Quan), họ treo ảnh các lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc, trừ ông Lê Duẩn.

    Và tôi lại cảm thấy tự hào kinh khủng vì có một người ba hay thật, người mà đến khi chết vẫn nghĩ giữ nguyên vẹn đất nước Việt Nam này, không mua bán, không mặc cả. Nếu là anh em thì hoà thuận, còn không thì chết chúng tôi cũng giữ đất nước này.

    Nguồn: Vietnamnet
    Last edited by Bin571; 20-02-2017 at 01:28 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Người Trung Quốc nghĩ gì về Trung Quốc?
    By dienthoai in forum Chân dung & Đối Thoại
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 24-07-2013, 06:13 AM
  2. Trung Châu Phái Huyền Không Hình Học - Trung Châu Tam Quyết
    By PTS in forum Nơi Rao vặt, Trao đổi, Hiến tặng ...
    Trả lời: 11
    Bài mới gởi: 07-06-2013, 02:33 PM
  3. Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 13-12-2012, 09:04 AM
  4. Tam giới mật ma quan thánh đế quân trung hiếu trung nghị chân kinh
    By nhaply in forum Đạo Giáo ( Lão giáo, Khổng giáo, Nho giáo )
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 18-10-2011, 10:17 PM
  5. Truyền thuyết về Tết Trung Thu của Trung Quốc!
    By sackhong in forum Lịch sử, giai thoại, truyền thuyết của các nước khác
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-11-2009, 02:22 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •