ĐẠO ĐẾ (DUKKHA NIRODHAMAGGASACCA)

Đạo đế là sự thật về con đường diệt khổ, là tu tập theo bát chánh đạo.

Tu tập theo Bát chánh đạo là đủ, tuy nhiên, nếu nói rộng ra là gồm cả 37 phẩm trợ đạo. Ta hãy xem 37 pháp ấy:

- Ngũ căn : Tín, tấn, niệm, định, tuệ.
- Ngũ lực : Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.
- Tứ chánh cần : 4 tấn.
- Tứ niệm xứ : 4 niệm.
- Tứ như ý túc : Dục, tấn, tâm, tuệ.
- Thất giác chi : Niệm, trạch pháp, tấn, hỷ, an, định, xả.
- Bát chánh đạo : Kiến, tư duy, ngữ, nghiệp, mạng, tấn, niệm, định.

Như thế 37 pháp ấy gồm có: 9 tấn, 8 niệm, 4 định, 2 tín, 1 tư duy, 1 hỷ, 1 an, 1 xả, 1 ngữ, 1 nghiệp, 1 mạng, 1 dục, 1 tâm.

Tuy nhiên, nếu phân tích thêm nữa thì 37 phẩm trợ đạo đều có đầy đủ ở trong Bát chánh đạo:

- Chánh kiến và chánh tư duy thuộc Trí (Tuệ phần): Trong đó có 5 tuệ (trạch pháp thuộc tuệ) và 01 tư duy.
- Chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng thuộc Thân (Giới phần): Trong đó có 01 ngữ, 01 nghiệp, 01 mạng.
- Chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định thuộc Tâm (Định phần): Trong đó có 9 tấn, 8 niệm và 4 định.

Còn các pháp khác không cần thiết. Vì khi tu tập đã có tín; và trong tấn, niệm, định vốn đã có dục, tâm, hỷ, an, xả. Và, rút gọn hơn nữa, còn giới, định, và tuệ. Tu tập giới, định, tuệ chính là tu tập 37 trợ đạo phẩm.

I. Con đường tu tập:

Đạo đế là con đường tu tập chứ không phải là pháp môn tu tập, lại càng không phải pháp môn phương tiện.

- Pháp môn tức là phương pháp tu. Nói phương pháp tu có nghĩa là có một phương cách tu, tu theo một công thức sẵn có. Phương pháp, phương cách, công thức là cái qui định sẵn. Có phương pháp, qui định tức là có lập trình. Có lập trình tức có thể giải mã để tìm ra nghiệm số. Nó không phải là một công thức vật lý, không phải là một phương trình toán học. Giác ngộ là một bài toán tâm linh nhưng không có một công thức, một phương pháp nào để giải mã được cả.

- Pháp môn phương tiện lại càng sai lầm. Tu theo phương tiện nhằm đạt cứu cánh. Phương tiện và cứu cánh thường diễn tiến theo nhân, quả và thời gian. Đạo đế không phải là tu dần dần (tiệm tu) mà được. Còn nhân quả, còn thời gian là còn trong khổ đau và sinh tử.

Bát chánh đạo là con đường tu tập, chư Thánh nhân đã đi; đi đến nơi giác ngộ, giải thoát. Con đường là lối đi, là lộ trình nhưng không phải là lối đi, là lộ trình cụ thể nào. Đây chính là cách nói về sự khai mở tuệ giác, con đường khai mở tuệ giác.

Ví dụ: Chánh kiến. Ta không thể đưa ra một phương pháp, một công thức nào để có được chánh kiến cả. Chánh kiến là thấy biết chơn chánh (9). Thấy biết chơn chánh là thấy biết bằng paramattha. Thấy biết bằng paramattha mà ta vận dụng tâm trí, tìm ra phương cách, phương pháp thì đã rơi vào thế giới ý niệm (paññatti) rồi.

Lại nữa, khi bản thân chánh kiến và đối tượng của chánh kiến là paramattha thì khi ấy, chỉ còn là một dòng diễn tiến của sự sống, của thực tại hiện tiền, không thể gọi tên hoặc ý niệm.

Nói cách khác, con đường tu tập đạo đế là một cuộc chuyển hoá, biến mê thành ngộ, biến cái thấy lầm thành thấy đúng, từ mắt bệnh ra mắt lành. Ở đây, như đã nói ở diệt đế, con đường tu tập này là tu tập theo giới định tuệ để chấm dứt ảo tưởng (nhân). Chấm dứt ảo tưởng thì ảo giác (quả) sẽ tự diệt. Khi ảo tưởng (tập đế) và ảo giác (khổ đế) diệt thì Niết-bàn (diệt đế) tự hiển lộ. Và khi ấy đạo đế cũng chính là diệt đế. Và nhân (đạo đế) và quả (diệt đế) lúc ấy là một, không thể gọi là nhân sinh quả, nên Bát chánh đạo còn được gọi là Bát thánh đạo, là vậy.

II. Sự chứng ngộ Niết-bàn

Khi còn gọi tên, còn sử dụng khái niệm thì có nhân, có quả (đạo đế là nhân, diệt đế là quả). Khi còn nói tu tập và con đường tu tập thì phải có sự tu tập và sự chứng ngộ Niết-bàn.

Vậy thì ta phải tu tập giới, định, tuệ như thế nào để chứng ngộ Niết-bàn. Ta có thể điểm lại giới, định, tuệ ấy:

- Giới thuộc Thân (ngữ, nghiệp, mạng)
- Định thuộc Tâm (tấn, niệm, định)
- Tuệ thuộc Trí (kiến, tư duy)

1. Tu giới, định, tuệ, để hưởng phước báu nhân thiên

Khi ta chưa thấy pháp thì dẫu có tu giới, định, tuệ cũng không thể giác ngộ, giải thoát, thấy Niết-bàn, mà chỉ có thể hưởng được phước báu nhân thiên thôi.

1.1- Khi Thân tu giới: Nghĩa là ta cố gắng nói lời chơn chánh, cố gắng giữ gìn 3 nghiệp, cố gắng nuôi mạng chơn chánh - thì ngữ, nghiệp, mạng ấy từ từ sẽ tốt hơn. Khi nói từ từ, dần dần là ở trong nhân quả và thời gian. Còn nhân quả, thời gian là còn sinh tử; nghĩa là còn hữu lậu và sanh y. Do vậy ta chỉ hưởng được phước báu hữu lậu.

1. 2- Khi Tâm tu định: Khi ta cố gắng làm lành, lánh ác (tấn), cố gắng lìa xa tạp niệm, giữ chánh niệm. Cố gắng tu thiền định - thì từ từ, dần dần ta sẽ có đựơc tấn, niệm, định tốt hơn. Từ từ, dần dần nghĩa là diễn tiến trong nhân quả và thời gian. Tương tự như tu giới - định ấy còn hữu lậu và sanh y, chỉ hưởng được phước quả hữu lậu.

1.3- Khi Trí tu tuệ: Ta cố gắng lìa xa tất cả những tà kiến, cố gắng lìa xa sân tư duy, hại tư duy, dục tư duy - thì từ từ, dần dần ta sẽ có được kiến và tư duy tốt hơn. Kiến và tư duy ấy còn hữu lậu và sanh y, chỉ hưởng phước báu nhân thiên.

Bất cứ một hành giả nào, sa-môn nào, Tăng Ni Phật tử nào chưa thấy pháp, nghĩa là chưa ngộ, mà tu thì đều rơi vào trường hợp thứ nhất này.

2. Tu giới, định tuệ để chứng ngộ Niết-bàn

Chỉ để dành cho người thấy Pháp. Vậy pháp ấy là pháp gì? Và tu thế nào mới chứng ngộ Niết-bàn?

Khi nói về Pháp đức Phật dạy: “Ai thấy Pháp tức thấy Như Lai, ai thấy Như Lai tức thấy Pháp” thì pháp ấy chính là chân lý, là sự thật mà mỗi người phải chứng nghiệm trong lòng mình.

Pháp ấy có 5 tính chất:

- Sandiṭṭhiko: Nghĩa là thấy ngay lập tức, thấy ngay trong hiện tại này. Là phải thiết thực hiện tại.
- Akāliko: Là vượt ngoài giới hạn của thời gian, không bị nhân quả chi phối.
- Ehipassiko: Đến đây mà thấy, quay đầu là bến.
- Opanāyiko: Là dừng lại trên chính mình, là bước trên đất thực, chú tâm, chánh niệm.
- Paccatam veditabbo viññūhi : Là tự chứng, tự ngộ.

Như vậy, trong cái thấy giác ngộ, sự thật hiện ra lập tức, không ở trong nhân quả và thời gian, phải ở tại đây và bây giờ, ở chính nơi tấm thân một trượng này cùng với cảm giác và tư tưởng (ngũ uẩn). Nghĩa là ở trong dòng chảy của tâm-sinh-vật-lý này.

Tu giới, định, tuệ để chứng ngộ Niết-bàn thì ta phải hiểu rằng: Giới là đại biểu cho ngữ, nghiệp, mạng; Định là đại biểu cho niệm và định; Tuệ là đại biểu cho kiến và tư duy. Tuy nhiên, lác đác trong kinh điển, đức Phật nói: Tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác thì ta phải hiểu là nó gồm đủ Bát chánh đạo. Vì:

- Tinh tấn là ngăn ác, làm lành, đại biểu cho nhóm Giới (trong lành).
- Chánh niệm là đi đến định, đại biểu cho nhóm Định (định tĩnh).
- Tỉnh giác là đại biểu cho nhóm Tuệ (sáng suốt).

Rút gọn hơn nữa, chỉ còn niệm và tỉnh giác vì trong niệm và tỉnh giác đã có tinh tấn. Đến đây hành giả sử dụng niệm, tỉnh giác để quán thân, thọ, tâm, pháp (tứ niệm xứ), quán ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên... Trên lộ trình tuệ quán này, bắt đầu là tuệ thấy rõ danh-sắc, hành giả lần lượt phá tan ảo giác về ngã về thực hữu của cái ta, rồi từ đấy sự thực của pháp dần dần tỏ lộ.

Con đường thực chứng tam tướng: vô thường, khổ và vô ngã để thấy rõ Niết-bàn là độc lộ, độc đạo, không có bất kỳ một lối đi nào khác ngoài lộ trình đã dẫn. Thấy rõ tam tướng, sự thực của pháp, mới chấm dứt được 3 ảo tưởng, đồng thời chấm dứt luôn 3 ảo giác. Đạo đế khi ấy chính là diệt đế. Và ngay cả khi khổ đế, tập đế được thấy như chân như thật thì tất cả đều trở thành như thật như chân; tất cả đều diễn tiến trong cái đang là!

Do vậy, tu tập đạo đế (nhân) để chứng ngộ diệt đế (quả) là cách nói của thường ngữ, của thế tình. Trong cái thấy toàn diện có định, tuệ chiếu soi thì tất cả đều hiện ra như thực tướng. Đạo đế, do vậy, là con đường ở đây và bây giờ, có cái nhìn thấu thị, xuyên suốt các giả tướng mê vọng để trả tất cả về với thế giới như chân như thực (paramattha), không còn bị trôi lăn bởi ảo tưởng, ảo giác (khổ, tập) của thế giới khái niệm (paññatti) để chìm đắm giữa đêm dài sinh tử khổ đau.