Pháp luật cứ tiếp tục hoàn thiện để thực hiện nền pháp trị, giáo dục cứ tiếp tục cải cách để thực hiện nhiệm vụ trí dục, còn nền đức trị và nhiệm vụ đức dục, nên chăng nhường lại cho tôn giáo?

Mỗi ngày, các mặt báo trong nước bỏng lên với những tin hãi hùng – con đánh cha, chồng giết vợ, những người thân bỗng trở nên thù hằn đánh đập và hành hạ nhau. Rồi trộm cắp, tham nhũng, lừa đảo…


Lắc đầu – nhiều người không hiểu nổi nhân tình thế thái. Dân tộc Việt Nam vốn được tiếng là nhân hậu, hiền lành, chất phác, thật thà… bỗng ở đâu sinh ra lắm gian manh gian hùng thế?


Quay vào luật pháp và chính quyền – người ta đổ lỗi luật pháp không nghiêm minh, chính quyền không làm hết trách nhiệm.


Nhìn sang ngành giáo dục – người ta chỉ trích một nền giáo dục kém cỏi, không đủ sức đào tạo ta những nhân cách tốt cho xã hội.


Tất cả đều đang bộc lộ một sự bất lực.


Khi luật pháp, giáo dục, hay sự trừng phạt không đủ răn đe hành vi của họ (thực tế là không bao giờ đủ), thì cứu cánh cuối cùng phải là niềm tin. Con người phải tin vào những giá trị bất biến – thế nào là tốt đẹp, thế nào là xấu ác, hành xử tốt đẹp hay xấu ác thì dẫn đến hậu quả gì.


Khi con người không còn tin rằng việc làm xấu ác của mình sẽ phải trả giá trong tương lai, mà cố bưng bít việc làm xấu ác đó, thì sự khơi dậy những việc làm tàn bạo là khôn lường.


Pháp trị và đức trị

Trước hết, đừng vội đổ lỗi tất cả cho luật pháp và chính quyền, giáo dục. Bởi vì luật pháp và chính quyền có hoàn hảo bao nhiêu, cũng chỉ hoàn thành được một nhiệm vụ là pháp trị. Mà pháp trị chẳng những không bao giờ đạt đến được công bằng và văn minh, mà nó còn không thể thâu tóm một lãnh vực khác của đời sống xã hội – đạo đức.


Việc đức trị, trong lịch sử, vốn là nhiệm vụ của tôn giáo. Tôn giáo là đức tin. Đức tin tôn giáo là những giá trị được mặc định đúng. Những giá trị ấy làm nền tảng cho mọi ý thức xã hội, kể cả là nền tảng để xây dựng luật pháp.


Đức tin là yếu tố rất quan trọng cấu thành nên tính người và quy định những hành vi ứng xử của người đó trong xã hội.


Dân tộc Đức đã từng tôn thờ một niềm tin với chủ nghĩa phát xít. Họ tin rằng chỉ có họ là dân tộc thượng đẳng duy nhất, mọi dân tộc khác đều thấp hèn. Niềm tin sai lầm – nhưng lại mang tính chất tôn giáo ấy đã gây ra thảm họa diệt chủng cho loài người trong nửa đầu thế kỉ trước.


Thời kỳ kháng chiến, Dân tộc Việt Nam đã tôn thờ niềm tin vào Hồ Chí Minh, vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, mọi giá trị khi đó đều không đáng để đánh đổi nền độc lập dân tộc. Niềm tin này đã có lúc đạt đến độ như là một đức tin tôn giáo. Và nó đã mang lại thắng lợi, độc lập tự do cho dân tộc.


Đó là trong thời điểm lịch sử có tính chất sống còn, khi đại số đông cần thực hiện một mục tiêu chung duy nhất, việc xây dựng một niềm tin chung có vẻ đơn giản hơn.


Còn trong cuộc sống bình thường, mỗi người/nhóm người theo đuổi một mục tiêu riêng, thì cần có những nền tảng căn bản chung về đức tin và tôn giáo.


Bỏ qua hết các yếu tố mê tín, thì tôn giáo nào cũng có những giá trị nhân văn, nhân đạo, đóng vai trò cực kì to lớn trong việc răn đe và tạo nền tảng đạo đức cho xã hội.

Đức tin tôn giáo và nền tảng đạo đức xã hội

Đức tin tôn giáo không phải là đức tin mê muội vào giáo chủ hay các phương thức biểu hiện của nó (đền thờ, nhà thờ, chùa chiền…), mà là đức tin vào những giáo lí tốt đẹp, góp phần duy trì đạo đức xã hội hợp với quá trình tiến hóa của loài người (hướng thiện, hướng chân, hướng mĩ).


Châu Âu có Công giáo, Cận Đông có Hồi giáo, Trung Đông có Ấn giáo, châu Á có Phật giáo…Bất kì tôn giáo nào cũng đề cao tình yêu.


Trong đạo đức Kitô giáo, giới răn nền tảng là yêu thương: yêu Thiên Chúa, yêu bản thân, yêu tha nhân.


Kinh thánh răn cấm những điều cụ thể: không giết người, không lấy của người, không nói sai sự thật, không ham muốn chồng hoặc vợ của người, không làm chứng giả để hại người...


Phật giáo đã đưa ra những chuẩn mực đạo đức rất cụ thể: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Nguyên lí căn bản của đạo luật là quy luật nhân quả (cái mà nhà bác học A. Einstein gọi là “đạo vũ trụ”), đòi hỏi mỗi người phải tự mình làm lành, lãnh dữ để hưởng phúc tránh họa về sau.


Thiên chúa giáo kêu gọi tình yêu thương giữa con người với con người, Phật giáo chủ trương bình đẳng, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha.



Tôn giáo không phải là chính trị. Các nhà hoạt động tôn giáo chân chính thì không bao giờ bước vào chính trường để tranh giành quyền lực. Tôn giáo và các nhà truyền giáo có nhiệm vụ thiêng liêng của mình: làm cho mỗi người hoàn thiện hơn lên.



Dân tộc Việt Nam đang sở hữu một tôn giáo tinh anh, mà những giá trị căn bản của nó đã trường tồn trên 2500 năm. Ở đó, những quy luật mang tính thiện được mặc định thừa nhận và khi mỗi người đã có đức tin vào nó rồi, thì người ta tốt lên từ nhu cầu tự thân, không phải vì sợ sự trừng phạt (của pháp luật).


Trong lịch sử, cũng đạo Phật cũng có những giai đoạn nhận được sự bảo trợ của chính quyền, (như trường hợp vua Asoka ở Ấn và các vua triều Lý Việt Nam) nhưng đạo Phật chưa bao giờ tỏ ra muốn thâu tóm quyền lực chính trị. Các bậc chân sư tu hành khi được trọng dụng đã truyền đạt tinh thần nhân đạo cho các bậc quân vương: thương dân như con, coi sự bình yên của người dân là sự bình yên của quốc gia.


Lịch sử các thời Đinh, Lê, Lý, Trần đã chứng minh, đạo Phật là đã làm nhiệm vụ đức trị một cách bền vững, bên cạnh việc pháp trị của nhà nước.


Những hiện tượng xã hội hỗn loạn mà chúng ta đang nhìn thấy ngày hôm nay, bản chất là sự suy kiệt của đạo đức xã hội. Pháp luật cứ tiếp tục hoàn thiện để thực hiện nền pháp trị, giáo dục cứ tiếp tục cải cách để thực hiện nhiệm vụ trí dục, còn nền đức trị và nhiệm vụ đức dục, nên chăng nhường lại cho tôn giáo?

Linh Thủy