kết quả từ 1 tới 1 trên 1

Ðề tài: Vai Trò Của Thực Vật Trong Ðời Sống Văn Hóa Việt Nam Và Ðông Nam

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Vai Trò Của Thực Vật Trong Ðời Sống Văn Hóa Việt Nam Và Ðông Nam

    Vai Trò Của Thực Vật Trong Ðời Sống Văn Hóa Việt Nam Và Ðông Nam
    ***


    Việt Nam nói riêng và Ðông Nam Á nói chung nằm trong khu vực nhiệt đới ẩm (nắng nóng + mưa ẩm)[1] và gió mùa (làm cho khí hậu điều hòa), cho nên thực vật ở đây phát triển cực kỳ phong phú về chủng loại, nhiều về số lượng và có giá trị về chất lượng. Cũng bởi vậy, từ xa xưa, cây cối đã đi vào đời sống văn hóa muôn mặt của con người. Sử dụng thực vật phục vụ cho đời sống con người chính là một nội dung quan trọng bậc nhất của văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên của người dân Việt Nam và Ðông Nam Á, nó đã làm nên cái mà các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là một nền “văn minh cây cỏ”, “văn minh tre gỗ”. Bài viết bước đầu tìm hiểu vai trò của thực vật trong ăn uống, trồng trọt, mặc (văn minh cây cỏ); ở, đi lại, đồ dùng (văn minh tre gỗ) và trong tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật (đời sống tinh thần) của người Việt Nam và, trên một số mặt, có mở rộng cho Ðông Nam Á nói chung.
    I- VĂN MINH CÂY CỎ

    1.1. Ăn uống



    Ở các hang động Hòa Bình và nhiều khu vực khác của Ðông Nam Á, tại các lớp đất có niên đại trên 10,000 năm, người ta đã tìm thấy dấu tích của nhiều loại thực vật như bầu bí, dưa chuột, củ ấu, các loại đậu, trám, bàng, mận, hồ tiêu, cau, trầu... cùng các dụng cụ chế biến chúng (như chày và bàn nghiền). Do sự phong phú của thực vật cùng với sự đa dạng của địa hình, người dân Ðông Nam Á cổ đại sinh sống bằng hái lượm nhiều hơn là săn bắn.



    Cho đến tận bây giờ, ở các vùng đồi núi Việt Nam, hái lượm vẫn còn tiếp tục giữ một vai trò quan trọng. Nghiên cứu cho thấy người Mường ở vùng núi Lương Sơn thuộc tỉnh Hòa Bình hiện đang thường xuyên khai thác trên 90 loại rau rừng, trong đó có những thứ cây hiện vẫn chưa phân loại được. Họ có hiểu biết rất đầy đủ và chính xác về đặc tính của từng loại rau xét theo mùøa, theo bộ phận, theo mùi vị... Chẳng hạn, vào các mùa thực vật phát triển như xuân hạ, số rau rừng được hái lượm nhiều hơn hẳn (xuân 65%, hè 46%, thu 24%, đông 9%). Ngay đối với cùng một chủng măng, người ta cũng biết rõ rằng mỗi loại có giá trị vào một thời điểm khác nhau trong năm: măng vầu được thu hái vào tháng 3-4, măng nứa tháng 6-8, măng bương tháng 7-8, măng giang tháng 8-9 [Võ Thị Thường 1986].



    Các loại cây, quả vô cùng đa dạng và độc đáo này của Việt Nam và Ðông Nam Á đã khiến cho người phương Bắc, phương Tây nhìn vào đâu cũng thấy thú vị và ngạc nhiên.



    Cây quýt (quất trục) đã được chép trong thiên Vũ cống và sách Chu thư. Nó được xem là sản vật quý của Nam phương. Ðời Hán nó được chọn để đem cống trước tiên, nhà Hán đặt ra ở Giao Chỉ một chức quan chuyên trông coi quýt để hàng năm đem cống. Hán thư chép: “Người nào ở Giang Lăng mà có được ngàn cây quýt, là phong lưu ngang với tước thiên hộ hầu” [Lê Quý Ðôn 1973, tr. 504-505].



    Quả vải được người Hán khen là “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thuỷ tinh, như giáng tuyết”. Sách Hán thư viết rằng vào năm 111 trCN, Hán Vũ Ðế cho lập Phù Lệ cung, bắt đem 100 cây vải, 2 cây chuối tiêu từ đất Nam Việt lên trồng vào đó; cho đặt chức tụ quan ở Giao Chỉ để trông nom việc dâng tiến hoa quả [Lê Quý Ðôn 1973, tr. 502].



    Về quả cau, sách Thảo mộc trạng của Kê Hàm nói: “Tân lang (cau), ăn quả nó vừa đắng vừa chát, nhưng… ăn với trầu không và vôi thấy thơm, ngon, hạ khí, tiêu cơm. Người Giao, Quảng cho là quý, khi cưới xin, đãi khách, thường phải dùng nó. Khi gặp gỡ nhau mà không có miếng trầu, thì người ta lấy làm ân hận.” Sách Bản thảo lại nói: “Cau ở Giao Châu quả nhỏ, vị ngọt; cau ở Quảng Châu quả lớn vị chát”. Sách Quảng đông tân ngữ nói: “Ở Quỳnh Châu, nhà nào cũng có vườn cau, cũng có rừng dừa. Ðó là những sản vật của nơi đất lầy tốt” [Lê Quý Ðôn 1973, tr. 499].



    Rất nhiều loại rau quả, cây cối đặc thù khác của phương Nam cũng đều được người Trung Hoa ghi chép với những miêu tả và nhận xét thú vị.



    Vào giữa tk 19, nhà thám hiểm người Ðức F.Schow khi ghé thăm phía nam bán đảo Ðông Dương (vùng Nam Trung Bộ) đã thấy dân địa phương lấy bột cây búng báng làm lương thực. Dưới con mắt của ông, đây là một sự kiện đầy thi vị nên khi về nước, trong cuốn “Trái đất, cây cối và con người” (Die Erde, die Pflanzen und der Mensch, Leipzig, 1854), ông đã miêu tả cây báng như một thứ quà tặng mà thiên nhiên đã ban phát một cách hào phóng: “ở đây người ta vào rừng lấy thức ăn y như chúng ta vào rừng để lấy củi đốt vậy”. Trong bộ Tư bản, Mác đã trích dẫn lại đoạn này [Ðặng Thế Phi 1998].



    Ðồ uống của người Việt hoàn toàn làm bằng chất liệu thực vật. Người Việt truyền thống hầu như không bao giờ dùng sữa. Họ uống nước chè, nước vối, nước nhân trần, nước dừa, nước mía…

    1.2. Trồng trọt

    Ở Ðông Nam Á nói riêng và các vùng nhiệt đới ẩm nói chung, loại cây đầu tiên được thuần dưỡng và đưa vào trồng trọt là các loại cây lấy củ [Hà Văn Tấn 1998, tr. 49]. Nông nghiệp trồng hạt được biết đến muộn hơn nông nghiệp trồng củ. Ở Ðông Nam Á, việc này xảy ra vào khoảng 4-3 ngàn năm trCN (ở di chỉ khảo cổ Non Nok Tha (Thái Lan), người ta tìm thấy dấu vết lúa tại lớp đất có niên đại 3600 ± 320 năm trCN).



    Do điều kiện địa lý - khí hậu đặc thù, lúa cạn đã được chuyển dần thành lúa nước và Ðông Nam Á trở thành cái nôi của nghề trồng lúa nước. Hiện nay, nhiều tài liệu vẫn ghi rằng Trung Hoa mới là nơi có nghề trồng lúa nước cổ nhất là không hoàn toàn chính xác sự lẫn lộn này là kết quả của sự nhập nhằng giữa hai khái niệm “Trung Hoa cổ xưa” với “Trung Hoa hiện nay”. Trung Hoa cổ xưa (thời kỳ nghề trồng lúa nước ra đời) nằm ở địa bàn lưu vực sông Hoàng Hà là nơi chỉ biết đến nghề trồng kê mạch; sau này người Hán mới xâm chiếm vùng Hoa Nam vốn là một bộ phận của Ðông Nam Á cổ đại, nơi mà nghề nông trồng lúa nước đã ra đời. Gần đây, tài liệu “Trung Quốc - 7000 năm nông nghiệp lúa nước” của Hu Baoxin và Chang Shujia đăng trên tạp chí Thư tín UNESCO năm 1984 đã cho biết rõ rằng lúa nước có từ lâu là ở vùng Hoa Nam, nhưng ngay ở đây nó cũng chỉ đặc biệt phát triển nhanh từ đời Tống (tk 10-11), sau khi nhập giống lúa Thắng Hạn (tên người Trung Quốc đặt cho lúa chiêm) từ Việt Nam [Ðinh Gia Khánh 1996, tr. 250].



    Không phải ngẫu nhiên mà bữa ăn của người Việt Nam được gọi là bữa cơm. Không phải ngẫu nhiên mà cây lúa trở thành tiêu chuẩn cái đẹp của người Việt Nam: Em xinh là xinh như cây lúa… (câu hát). Cũng không phải ngẫu nhiên mà tiếng Việt có vô số từ khác nhau để phân biệt các giai đoạn trưởng thành và các bộ phận chuyên biệt của cây lúa: Còn nhỏ là cây mạ, lớn lên là lúa, ngọn lúa đâm bông gọi là đòng, hạt lúa nếp non rang lên là cốm, hạt lúa già là thóc; bông lúa gặt về thì phần còn lại ngoài đồng là rạ, đập tách hạt thóc ra rồi thì phần còn lại của bông lúa là rơm; sau khi xay giã xong thì hạt thóc chia thành gạo, cám, trấu, gạo gãy gọi là tấm; gạo nấu lên thành cơm, xôi, nấu cho nhiều nước thành cháo, chế biến thành món quà là bỏng… Cây lúa theo đặc tính hạt thóc thì có lúa nếp, lúa tẻ; theo thời vụ thì có lúa mùa, lúa chiêm… Những loại cây lương thực du nhập từ bên ngoài vào, trước đây đều được coi như những loại lúa (lúa ngô, lúa kê, lúa mạch, lúa mì…); tên các loại đến trước như ngô, kê dần dần rơi rụng chữ “lúa”, nhưng đôi khi vẫn còn sót lại dấu vết (xôi ngô ở Hà Nội gọi là xôi lúa). Trong các loại lúa, khi xưa, người Việt dùng lúa nếp là chính, theo thời vụ thì lúa mùa là chính (mùa mưa phù hợp với nhu cầu sinh thái của cây lúa). Trong Vân đài loại ngữ, Lê Quý Ðôn thống kê được ở Việt Nam có trên trăm giống lúa, trong đó phong phú nhất là lúa nếp với 29 giống; lúa mùa tẻ thì có 23 giống, lúa chiêm tẻ có 9 giống. Sách Quảng Ðông tân ngữ của Trung Quốc cũng cho biết rõ ràng: “Ở Lĩnh Nam có nhiều thóc tẻ, mà ở Giao Chỉ là nhiều nhất” [Lê Quý Ðôn 1973, tr. 486].



    Một trong những khâu quan trọng của kỹ thuật trồng lúa nước Ðông Nam Á là việc nhổ mạ và cấy lúa. Việc nhổ mạ và cắt bớt ngọn có tác dụng kích thích sự phát triển của cây và bông lúa. Còn việc cấy (trồng lại) thì có tác dụng phân bố lại diện tích cho hợp lý: không thưa quá, cũng không mau quá (triết lý hài hòa âm dương). Người xưa trong khi vừa có câu Cấy thưa thừa thóc, cấy dày thì cóc được ăn (đừng cấy mau quá), thì lại có nguyên tắc cấy: cho nhặt hàng sông [2], cho đông hàng con [3], cho tròn bụi lúa (đừng cấy thưa quá) [4]. Những năm 1950-1960, do chưa hiểu hết kinh nghiệm người xưa, lại do nóng vội, nên chúng ta đã ấu trĩ phê phán ông cha: “Cấy thưa thừa thóc, cấy dày thì cóc được ăn” - Ðó là câu chuyện cổ nhân, Nó đã ràng buộc nông dân ngàn đời, Ngày nay ta cải tiến rồi, Cấy thưa thừa thóc thiệt thòi nhà nông, Cấy dày lắm dảnh nhiều bông, Thêm bao nhiêu hạt no lòng bấy nhiêu! Kết quả của việc cấy dày thái quá đã dẫn đến chỗ ở nhiều nơi đến mùa thu hoạch chỉ thấy nhiều rơm rạ.



    Người Việt và cư dân Ðông Nam Á không chỉ sáng tạo ra kỹ thuật trồng lúa, mà còn biết trồng một năm hai vụ lúa từ rất sớm. Các sách Dị vật chí, Thủy kinh chú đều ghi: “Lúa Giao Chỉ chín 2 mùa” [Văn Tạo 1979, tr. 65]. Vào tk 17, A. de Rhodes [1994, tr. 30] nhận xét: “... về các nguồn lợi thì có thóc gạo là dồi dào và đất rất phì nhiêu. Có hai mùa gặt vào tháng 6 và tháng 1, vì thế giá rẻ tới ba lần so với Tàu”.



    Ðể tăng năng suất, người Việt còn sớm nhận ra rằng chính thực vật là một loại phân bón rất hiệu quả. Biện pháp canh tác khởi thuỷ là “đao canh hỏa chủng” (đốt rẫy lấy tro bón đất rồi đào đất tra hạt), “đao canh thuỷ nậu” (ngâm nước cho cỏ chết nhũn làm phân rồi trồng lúa). Phân thực vật nguyên chất được gọi là phân xanh. Ở nhiều nơi, gốc lúa người ta không cắt mà để thối làm phân.



    Kỹ thuật trồng xen kẽ vừa tăng vụ lại vừa tạo nguồn phân cho lúa: người nông dân Việt Nam có kinh nghiệm trồng đậu, vừng trước, để sau khi thu hoạch thì cày úp xuống, thân cây vừng đậu sẽ thối rữa làm phân cho vụ lúa kế sau; loại phân xanh này được đánh giá tốt ngang với phân tằm, phân bắc. Ngay cả phân chuồng, phân bắc, cũng nhất thiết phải ủ với tro bếp, trấu hoặc rơm rác (tức là chất liệu thực vật) thì đem bón ruộng mới tốt.



    Từ xưa ở Thái Bình, người ta đã biết nuôi bèo hoa dâu. Ðây là một loại phân xanh đặc biệt nhất: Nó lan rất nhanh (chỉ sau 1 ngày đã lan rộng gấp 15 lần diện tích ban đầu); do phủ kín mặt nước, nó có tác dụng giữ không cho nước bốc hơi, cũng không cho cỏ mọc lên, sau 3-4 tháng bèo chết mục thành phân. Khoa học hiện đại phân tích thấy bèo dâu chính là một “nhà máy phân đạm”: tuy nó tự mình không cho đạm, nhưng nó cho tảo lam cộng sinh; các nhà nông học một số nước khác cũng biết tảo lam cho năng suất lúa tăng từ 328-368% nhưng không có cách nào nuôi cấy nó có hiệu quả. Truyền thống nuôi bèo dâu của người Việt Nam chính là biện pháp giải quyết bài toán này. Một gánh bèo dâu thả xuống có giá trị tương đương với 20 gánh phân; không những thế, đổ phân thì cây tốt nhưng bông thóc không nhiều, còn thả bèo dâu thì ngược lại, cây tuy không tốt nhưng bông lại nhiều - đây thật là một thứ phân lý tưởng [Văn Tạo 1979, tr. 88-92]. Không phải ngẫu nhiên mà trong chuyến bay lên vũ trụ của Phạm Tuân và Gorbatko, bèo dâu đã được chọn để mang theo làm thí nghiệm.



    Với các loại cây khác, người Việt cũng đạt tới một trình độ kỹ thuật cao trong trồng trọt. Chẳng hạn, tác giả sách Nam phương thảo mộc trạng đã rất ngạc nhiên chép việc người Giao Chỉ nuôi một loại kiến vàng để trừ sâu bọ cho cây cam và khi chiết cam thì “lấy chiếu bó cam cùng với tổ kiến mang bán ở chợ”.

    1.3. Chữa bệnh



    Thực vật vừa là thức ăn, lại vừa là kho tàng thuốc chữa bệnh thần diệu và vô tận. Xung quanh ta, hầu như không có thứ cỏ cây nào lại không có tác dụng chữa một bệnh nào đấy: bèo tấm làm ra mồ hôi; bèo cái chữa mụn nhọt; quả khế có tác dụng giã độc, trị ngã nước và sốt rét; ăn một quả chuối hột có tác dụng bằng uống một viên thuốc trị sạn thận… Cùng một thứ cỏ cây, mỗi bộ phận lại có những dược tính khác nhau: vỏ quả cau trị thủy thũng, lợi tiểu; hạt cau trị giun sán, đầy bụng, tả lỵ… Cùng một bộ phận, mỗi cách sử dụng, chế biến cũng cho những dược tính khác nhau nữa: lá trầu không hơ nóng đắp lên rốn chữa đau bụng, đầy hơi, ợ hơi; vò nát bọc trong miếng vải nhúng nước sôi chà xát hai bên sống lưng có tác dụng đánh gió, thông khí, đuổi tà khí, trị cảm mạo; nấu nước tắm trị rôm sảy, ghẻ ngứa; vò nát đắp lên mụn nhọt là mụn nhọt tiêu tan; vò lấy nước ngậm trong miệng chữa viêm nha chu…



    Trong dân gian, xông giải cảm là cách chữa bệnh bằng cây lá cực kỳ phổ biến và hiệu nghiệm: Ði đâu về bị cảm nắng, cảm lạnh chỉ cần lấy củ sả, lá tre, lá bưởi, lá chanh, lá ngải, kinh giới…, mỗi loại một ít cho vào nồi nước đun sôi rồi ngồi trùm chăn vừa xông vừa khoắng cho hơi nóng bốc đều cho cả người toát mồ hôi đầm đìa là khỏi. Xông không chỉ có tác dụng trị cảm: bí đại tiểu tiện có thể dùng bồ kết cho vào nồi đốt cháy xông vào hậu môn; bị trĩ nên dùng lá kinh giới đun lấy nước xông và rửa; trĩ mũi dùng hạt nhãn đốt lên, dùng ống trúc dẫn khói xông vào mũi…



    Sách Nam dược thần hiệu của nhà sư Tuệ Tĩnh sống vào tk. 14 thống kê được 499 vị thuốc cổ truyền và 82 vị thuốc mới phát hiện. Chống lại tệ sùng bái Trung Hoa đang có khuynh hướng lan tràn lúc bấy giờ, Tuệ Tĩnh chủ trương: “Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt” và: “Thiên thư riêng định cõi trời Nam, Thổ sản khác nhiều Bắc quốc”. Ðến tk 18, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã dành 7/28 tập trong bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh của mình để bàn về dược, trong đó 2 tập chuyên về các vị thuốc [5] và 5 tập chuyên về các đơn thuốc.



    Cho đến nay, ở Việt Nam đã phát hiện được 1.863 loài cây thuốc của 238 họ thực vật (3/4 trong số đó mọc hoang). Riêng chữa một số bệnh thông thường như cảm sốt đã có 253 cây, ỉa chảy 242 cây, kiết lị 237 cây, tiêu độc 249 cây, ho viêm họng 282 cây, tê thấp 238 cây, điều kinh 113 cây [Lê Ðình Phái 1996, tr. 37-38].



    Vì thực vật trước hết là nguồn lương thực, thực phẩm, cho nên người Việt luôn chú trọng kết hợp ăn uống và chữa bệnh: uống nước vối dễ tiêu, ăn ý dĩ chống sốt rét, lá mơ đúc trứng trị kiết lỵ, cháo đậu xanh giải độc, ăn trầu ấm người và chống sâu răng… Sách Nữ công thắng lãm của Lê Hữu Trác nêu ra 82 cách làm các loại bánh, 35 cách làm mứt kẹo, 16 loại xôi, 9 loại tương hành - tất cả đều có tác dụng chữa bệnh.



    Bánh tro, theo cách làm do Lê Hữu Trác ghi lại gồm: cành lá rạ phỏng, cây vừng khô, lá tầm gửi, vỏ cây xoan (sầu đâu), vỏ bưởi, cám nếp - tất cả đốt thành tro, ngâm nước khoảng 15 ngày, gạn sạch, rồi đem ngâm gạo nếp trong 5 trống canh, sau đó lấy gạo gói bánh, nấu trong nước chứa 1 phần nước tro, 2 phần nước lã, cho thêm măng tre đập dập. Theo hiểu biết hiện nay thì: rạ phỏng có kháng sinh; vừng bổ trung, nhuận tràng, điều hòa ngũ tạng, chữa nóng âm ỉ; tầm gửi trị phong, tê lạnh; vỏ xoan sát trùng, trừ giun sán, trị lỵ, đau ruột; vỏ bưởi trừ đờm, thông hơi, chữa đau bụng; cám hạ khí, thông ruột, dễ tiêu, chữa nghẹn ợ; măng tre bổ trung, điều hòa dạ dày, mát tim, tiêu đờm, bớt bốc nóng… [Văn Tạo 1979, tr. 115-116].



    Có một số loại cây ở Ðông Nam Á (chủ yếu là họ lan) qua tinh luyện đã trở thành những thứ thuốc huyền thoại được biết dưới tên gọi là bùa ngải. Huỳnh Liên Tử trong cuốn Tìm hiểu ngải nghệ huyền bí [SG, 1968] đã kể lại những mẩu chuyện ly kỳ về các loại: bạch đại ngải, phù phấn ngải (ở rừng Campuchia); mê tâm ngải (ở rừng Thất Sơn, Nam Bộ); huyết nhân ngải (ở rừng Bố Trạch, Quảng Bình); ngải độc (ở rừng Lai Châu); mai hoa xà vương ngải (một loại lan ở rừng Tô Châu, Trung Quốc); ngải cầu tài (một loại hoàng lan ở rừng Lào); diệt độc ngải… Ðược biết, tại vườn thuốc nhà ông Trần Văn Thức ở Ðào Xá (Tam Thanh, Phú Thọ) có một chậu ngải giải sầu (giúp quên đi những nỗi lo) thuộc họ lan đất rất hiệu nghiệm [Huyền Nam 1986].



    Không phải ngẫu nhiên mà người phương Bắc thường nhận xét với một chút ghen tỵ rằng người Việt ta ngồi trên đống thuốc. Lê Quý Ðôn viết trong Vân đài loại ngữ [1973, tr. 498]: “Sản vật tốt, phần nhiều sản xuất ở phương Nam. Có nhiều thứ hương dược (thuốc có mùi thơm), hoa quả, cây rau, mà Trung Quốc không có. Từ đời Hán, người ta khai thác Giao Chỉ, sưu tầm những thứ của quý lạ, rồi sau các thứ kì hương, hoặc sinh ở ngoài biển, hoặc sinh ở trong đất, đem bày la liệt ở thiên phủ (cung vua)”. Do trong dân có bệnh sùng thuốc bắc, nên nhiều ông thầy lang tuy dùng thuốc nam, nhưng vẫn phải xưng là thuốc bắc thì con bệnh mới tin, hoặc dùng thuốc nam là chính và chế thêm một vài vị thuốc bắc. Cho nên tục ngữ ta mới có câu: “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền”.

    1.4. Mặc

    Người Việt Nam và Ðông Nam Á trong lịch sử cũng không biết đến một chất liệu may mặc nào khác ngoài thực vật. Từ các loại vỏ cây đập dập làm vải (vải sui, chăn sui) cho đến các loại vải tơ chuối, tơ tằm, đay gai, bông… là cả một nền văn minh. Vải tơ chuối mặc thoáng mát được người Trung Hoa gọi là vải Giao Chỉ (Giao Chỉ cát). Việc trồng dâu nuôi tằm từ phương Nam đã đi vào Trung Hoa và ở đây nó trở nên nổi tiếng. Tơ lụa Trung Hoa nhiều về số lượng và đẹp do kỹ thuật dệt, nhưng về năng suất và chất lượng thì trong một thời gian dài vẫn thua tơ lụa của ta. Các sách Thuỷ kinh chú, Tam đô phủ, Tề dân yếu thuật đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi ở Trung Hoa một năm chỉ sản xuất được 3 lứa tằm thì ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm Ấp một năm nuôi được 8 lứa. Người Việt xưa dệt ra rất nhiều loại vải: lụa, là, gấm, vóc, sa, đoạn, quyến, lương, nhiễu, the, thao, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi…



    Theo nhận xét của một linh mục người Ý tên là Cristophoro Borri trong bản tường trình Xứ Ðàng Trong năm 1621 thì người Ðàng Trong “có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi thích thú khi thấy đàn ông, đàn bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp và quý họ mặc khỏi rách hay bẩn. Ðiều này không có gì lạ, nếu biết rằng có những cây dâu cao… được trồng trong những thửa ruộng rộng lớn… và mọc lên rất chóng. Thế nên chỉ trong một ít tháng là tằm… nhả tơ, làm thành… kén… với số lượng rất nhiều và dư thừa đến nỗi người Ðàng Trong không những đủ dùng riêng cho mình mà còn bán cho Nhật Bản và gửi sang Lào để rồi đưa sang Tây Tạng. Thứ lụa này tuy không thanh và mịn nhưng bền và chắc hơn lụa Tàu” [1998, tr. 31-32].



    Thực vật và các bộ phận của nó cũng đang là nguồn cảm hứng sáng tạo cho vô số các loại mẫu thời trang hiện đại (thời trang lá dừa, thời trang lá chuối, thời trang mây tre…).



    II- VĂN MINH TRE GỖ



    2.1. Ở và đi lại



    Khi xây dựng ngôi nhà, người Việt Nam truyền thống hoàn toàn chỉ sử dụng chất liệu tre gỗ: bương, vầu... làm cột nhà; tre đằng ngà, hóp... làm đòn tay; giang, mây, song... làm lạt buộc; lá cọ, lá dừa nước, rơm rạ, cỏ tranh, vỏ tràm, nứa... lợp mái, đan vách; gỗ đước, thân dừa... làm khung sàn; các loại gỗ dùng làm khung nhà và sử dụng trong nội thất. Toàn bộ ngôi nhà không dùng đến một cây đinh, nếu có chỗ nào cần đinh thì đinh đó phải là đinh tre vừa bền vừa chắc, không dùng đinh sắt dễ sét gỉ và làm mất mỹ quan (kim khắc mộc). Người Việt có kỹ thuật ngâm tre (chọn tre già, chặt vào mùa khô để tránh khí ẩm gây mục mọt, đem ngâm bùn ao 6 tháng) hoặc hun bằng khói lá xoan, khi đem dùng sẽ không bao giờ bị mối mọt. Còn đối với gỗ, truyền thống Việt Nam dựa vào độ cứng, khả năng chống mục và màu sắc mà chia gỗ làm 3 loại: thiết mộc, sắc mộc (hồng sắc) và bạch tạp.



    Khi làm một ngôi nhà, người Việt thường trồng sẵn luôn một bụi tre, một rặng xoan, vài gốc mít... để hai mươi năm sau con cái họ có vật liệu làm nhà. Các loại cây cối quanh nhà vừa phục vụ cho nhu cầu lâu dài, vừa tạo cảnh quan, đồng thời tận dụng và cải tạo khí hậu. Phía nam (trước) ngôi nhà trồng các loại cây cao và thoáng như cau, dừa... để không che ánh sáng và gió mát. Phía bắc (sau) thì ngược lại, trồng các loại cây rậm, có tán lớn như chuối... để cho kín đáo và ngăn gió lạnh thổi về vào mùa rét (thành ngữ chuối sau cau trước là thế). Phía tây trồng các loại cây cao, rậm, có tán lớn để che bớt cái nắng gay gắt. Phía đông thường đào ao và ít trồng cây để thoáng mát và đón nắng sớm mai.



    Trong môi trường giao thông sông nước, khắp nơi trên đất Việt ta đều có thể gặp những chiếc thuyền tre, thuyền gỗ. Thuyền tre đan bằng nan tre cật rồi sơn kín bằng sơn ta hoặc dầu rái. Thuyền gỗ thường làm bằng các loại gỗ sao, kiền kiền, lim xanh, táu một, săng lẻ, giẻ đỏ, chò chỉ... là những loại gỗ mà kỹ thuật gỗ hiện đại đánh giá là có khối lượng thể tích cao, có sức chịu va đập lớn, sức chịu uốn cao, có cấu trúc thớ gỗ, tia gỗ lâu bị hà mục... Về kỹ thuật đóng tàu, sách Vũ bị chí đời Minh chép: “Cách đóng thuyền của nước Nam khác hẳn Trung Quốc. Người ta [Việt Nam] xẻ gỗ, làm ván to, ghép lại, không đóng đanh..., không tẩm bằng sơ gai, dầu đồng mà lại lấy tre cỏ [dầu rái] nhét vào chỗ hở thủng”. Lợi dụng đặc tính nổi (do rỗng ruột) của tre, nứa, bương, vầu..., người Việt dùng chúng bó lại thành bè để ở (nhà bè, nhà nổi). Ðể nối liền những đôi bờ, ta gặp khắp nơi những cây cầu tre; chúng có thể “lắt lẻo gập ghềnh khó đi”, nhưng cũng có thể rất chắc chắn, nếu muốn: trong khoảng dưới 6m, cầu tre ghép hoặc tre bó có thể chịu được tải trọng từ 0,5 đến 5 tấn, với độ bền vài năm [Văn Tạo 1979, tr. 189-193]. Rồi còn cầu gỗ, cầu phao, cầu thuyền (ghép bằng thuyền)-tất cả đều vẫn là tre gỗ

    2.2. Vật dụng, tiện nghi



    Nghề đan lát cùng nghề mộc đã tạo nên cả một thế giới tiện nghi bằng tre gỗ. Người Việt Nam đan từ các đồ dùng thông dụng như cót, phên, dần, sàng, nong, nia, thúng, mủng, giỏ, gùi, nơm, rậm, đó, đăng... cho đến các đồ dùng đòi hỏi hình thức và kỹ thuật tinh tế như nón, mũ, giày, dép, chiếu, gối, mâm, bàn, ghế, túi xách, làn, hòm đựng đồ... bằng các nguyên liệu song, mây, tre, trúc, cói, lá... trước hoặc sau khi đan, chúng được hun khói bếp cho bền. Kỹ thuật đan rất tinh vi, với nhiều kiểu đan: mắt cáo, chéo đơn, chéo kép, xoắn ốc, chữ thập... tạo nên các hình kỷ hà, hình hoa lá, cây cỏ, muông thú.



    Nghề mộc làm từ các đồ gia dụng như bàn ghế, giường tủ, hòm xiểng... cho đến các đồ mỹ nghệ, đồ thờ cúng... với các kỹ thuật ghép mộng (âm dương), đục đẽo, chạm trổ tinh tế. Và, tất nhiên, không cần dùng đến một chiếc đinh nào. Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm, những bộ tủ chè, sập gụ, hoành phi, câu đối... vẫn là những kiệt tác, là niềm tự hào của nghệ thuật thủ công Việt Nam.



    Ngoài ra, còn biết bao nghề thủ công khác khai thác nền văn minh thực vật và văn minh tre gỗ này: Nghề làm giấy với các loại giấy bản, giấy dó, giấy trầm hương... Loại sau cùng (giấy trầm hương) vừa thơm vừa bền, không thấm nước, không bị nát; sử sách Trung Hoa cho biết vào năm 284, có thương nhân người La Mã đã mua ba vạn tờ giấy trầm hương này làm quà dâng cho vua nhà Tấn ở Trung Quốc. Nghề dệt chiếu sử dụng cây cói để tạo nên những tấm thảm với những đặc điểm rất thích hợp với khí hậu nóng ẩm: mát về mùa hè, ấm về mùa đông, vừa thoáng, vừa êm, vừa nhẹ, dễ giặt, mau khô, bền lâu mà vẫn sáng đẹp. Cũng từ tre nứa, nghề làm quạt đã tạo nên những chiếc quạt giấy, quạt nan, quạt lá cọ, quạt mo... với đủ kích cỡ để quạt mát khi tắt gió, che đầu lúc đi đường, tạo nên phong thái ung dung của người quân tử, cái e ấp dịu dàng của cô gái nết na, trở thành một đạo cụ không thể thiếu trên sân khấu chèo, tuồng...



    Nghề làm hương khai thác tính thơm của các loại gỗ như trầm hương, bạch đàn, quế, long não, kỳ nam... là đặc sản phương Nam mà phương Bắc không hề có. Sách Quế hải ngu hành chí nói: “Bài hương (= rễ trầm, rễ hương bài) sản xuất ở Nhật Nam, hình dáng như cỏ bạch mao; hương thơm nức như xạ hương... Nay, các thứ hợp hương thông thường đều có hòa lẫn bài hương”. Sách Bản thảo nói: “Nhựa cây trám như sơn đen, đốt lên thấy thơm nóng ngào ngạt. Nay người ta dùng nó để chế ra hắc tuyến hương (nén hương đen)”. Sách Quế hải ngu hành chí nói: “Hương châu sản xuất ở Giao Chỉ. Người Giao Chỉ lấy hương nát, dẻo, viên bằng hạt ba đậu nhỏ, để xen kẽ với hạt lưu ly, và chỉ ngũ sắc, xâu lại thành một chuỗi, như hạt chuỗi của đạo sĩ”. Giải thích tại sao chỉ phương Nam mới có các loại gỗ thơm này, Phạm Thành Ðại đời Tống nói: “Phương Nam hỏa thịnh, hơi lửa bốc lên, cho nên vật gì cũng có vị cay, mà hương thơm”. Thẩm Tác Triết (đời Tống) cũng viết: “Nam phương hỏa thịnh, thực nó sinh thổ; thổ vị ngọt mà thơm, cây cỏ ở Nam phương được vượng khí của hỏa bồi dưỡng cho, anh hoa phát tiết ra ngoài, cho nên có hương thơm” [Lê Quý Ðôn 1973, tr. 460-461].

    III- ẢNH HƯỞNG CỦA THỰC VẬT TRONG ÐỜI SỐNG TINH THẦN



    3.1. Tôn giáo



    Từ xa xưa, các loại cây cối xung quanh, do vai trò quan trọng của mình, đã được con người nhân hóa, coi là có linh hồn. Người Mường coi nguồn gốc dân tộc mình là cây si thần thánh; nhiều dân tộc Ðông Nam Á coi nguồn gốc dân tộc mình từ quả bầu mẹ. Rồi sùng bái chúng - các loại cây quan trọng như bầu bí, lúa gạo, mía, cau... đều được thờ cúng từ lâu đời. Thần Nông được hình dung dưới dạng thực vật. Rất nhiều lễ hội xuống đồng, cầu mùa, cơm mới... đều liên quan đến việc sùng bái thực vật. Nhiều nơi có tục buộc băng tang cho cây cối khi chủ nhà mất; trồng cây lâu không ra quả thì có tục “khảo cây lấy quả” (đánh vào gốc cây để bắt nó ra quả)... Nhiều loại cây, quả được gán cho những ý nghĩa thiêng liêng huyền bí (ví dụ, quả bầu, bí, lựu, lê... tượng trưng cho sự đông con; hoa sen tượng trưng cho sự thanh cao...).



    Từ chỗ thực vật là dạng tự nhiên điển hình nhất, người ta tin rằng ăn thức ăn thuần thực vật sẽ làm cho tâm hồn thanh khiết. Quan trọng hơn, thực vật là loại thức ăn âm tính (so với động vật), cho nên ăn thức ăn thực vật sẽ khiến cho con người bớt hung hãn, biết nhẫn nại, khoan dung... Kết quả là hình thành một truyền thống ăn chay, từ đời thường, nó trở thành rất phổ biến trong các tôn giáo, tín ngưỡng phương Ðông: xuất gia tu hành - ăn chay; cầu xin cái gì - ăn chay; nhiều người không tu hành, không cầu xin gì, cũng ăn chay định kỳ hàng tuần, hàng tháng. Khi làm lễ cúng, người Việt Nam có truyền thống cúng bằng hoa và quả: bình hoa đặt bên trái, mâm quả đặt bên phải xác lập mối quan hệ từ nhân đến quả (trong khi lễ vật của người phương Tây và các dân tộc gốc du mục trong cúng tế lại phải là động vật - tục hiến sinh, lễ tam sinh).
    3.2. Ngôn ngữ


    Ở trên (§1.2) đã nói đến khía cạnh ngôn ngữ học của từ lúa. Những từ chỉ cây và các bộ phận của nó đã đi rất sâu vào đời sống ngôn từ Việt Nam.



    CÂY: Từ nghĩa gốc là thực vật có thân cao, “cây” được chuyển nghĩa để chỉ những đồ vật có một chiều cao nhất định: cây cột, cây rơm, cây nến, cây viết (= bút), cây bông (pháo hoa), cây kem, cây nước (cột nước ở tâm bão), cây (=gỗ, vd: mua cây đóng bàn), cây vàng, cột cây số... Rồi từ cây vàng, cột cây số, “cây” được dùng chỉ giá trị (vd: ngôi nhà một trăm cây) và khoảng cách (vd: quãng đường 5 cây). Ðến cây kể chuyện, cây hài hước, cây văn nghệ, cây bút (= nhà văn)... thì nghĩa của “cây” đã đi xa lắm.



    LÁ: Từ nghĩa gốc là bộ phận của thực vật, có diện tích phẳng, rộng để quang hợp, “lá” được chuyển nghĩa để chỉ những đồ vật có diện tích phẳng, rộng: lá cờ, lá thư, lá phổi, lá gan, lá lách, lá mía (sụn mỏng trong mũi), lá sách (dạ dày), lá chắn, cặp ba lá, mỡ lá, vàng lá, lá sen (kiểu cổ áo), lá tọa (kiểu quần)... Rồi đến những nghĩa tinh thần như lá cải (chỉ những tờ báo nhảm nhí), lá mặt lá trái (chỉ sự tráo trở), lá lành đùm lá rách (chỉ sự tương trợ), lá ngọc cành vàng (chỉ con nhà khuê các), hoa lá (chỉ người mơ mộng, không thực tế), xỏ lá ba que (chỉ người đểu cáng)...



    HOA/BÔNG: Từ nghĩa gốc là bộ phận của thực vật, có hình dáng lan tỏa và màu sắc đẹp, “hoa/bông” được dùng để chỉ cây có hoa nói chung (trồng hoa/bông); dùng để tạo các từ ghép chỉ các loại cây lương thực và thực phẩm (hoa màu, hoa lợi, hoa quả); chỉ cái làm từ hoa (nước hoa). Rồi chuyển nghĩa để chỉ những thứ có hình hoa: hoa thị (dấu), hoa văn, hoa lửa, hoa/bông tuyết, hoa đèn, hoa đăng, pháo hoa/bông, hoa tay, nhũ hoa, nan hoa, chữ hoa, rỗ hoa, tường hoa, vạn hoa (kính), cháo hoa, hoa tiên (một loại giấy tốt có in hoa lá), hoa râm (tóc), hoa mắt, tràng hoa (quấn cổ), hoa cái (sọ), hoa (1/10 lạng)... và cả những thứ có trang trí những hình bất kỳ, không nhất thiết là hoa: gạch hoa/bông, đá hoa, vải hoa, chiếu hoa, hoa/bông tai... Rồi để chỉ cái đẹp, việc đẹp, tính chất đẹp: hoa hậu, hoa khôi, hoa niên, thám hoa, khai hoa, hoa lệ, hoa mỹ, hào hoa, tài hoa, phồn hoa, thăng hoa, tinh hoa, văn hoa, vinh hoa, nguyệt hoa / trăng hoa, hoa (huê) tình... Và từ đẹp chuyển sang xấu: xa hoa, hoa hòe, hoa sói, hoa hoét (cầu kỳ), ba hoa, phù hoa, mua/bán hoa, hoa liễu (bệnh)...
    Giáo sư Trần Ngọc Thêm
    Last edited by dragonle; 27-09-2008 at 10:45 PM.
    Chu du thiên hạ
    Hãy Tu theo cách của mình!
    Để học rùng mình

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. “Cửu Huyền Thất Tổ” trong văn hoá Việt Nam
    By Bin571 in forum Tâm linh – Tín ngưỡng – Siêu hình học – Ngoại cảm
    Trả lời: 3
    Bài mới gởi: 17-02-2014, 04:44 PM
  2. Trả lời: 6
    Bài mới gởi: 24-08-2011, 10:17 PM
  3. Phật Giáo Trong Văn Hóa Việt Nam
    By Tourism Manager in forum Văn Hóa
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 16-08-2008, 01:40 AM
  4. Thần Chú Văn Thù Sư Lợi .
    By laduykhanh in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 05-03-2008, 02:28 AM
  5. Hát Chầu Văn Trong Hầu Bóng
    By Bin571 in forum Đạo Mẫu,Đạo Tứ phủ
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 13-10-2007, 10:23 AM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •