Những người già cuối cùng tới từ chiến địa Điện Biên

Đăng Bởi Một Thế Giới - 13:12 07-05-2014




Sáng 30.4.2014, tất cả những bạn trẻ ngồi kín trong quán cà phê chân Cột cờ Hà Nội đều ngạc nhiên thấy có hai ông già một Tây – một ta ngực đeo đầy huân chương đang ngồi hát với nhau mấy bài dân ca tiếng Pháp.


Ông Tây 83 tuổi sang Việt Nam du lịch và thăm bảo tàng Quân Đội nhân dịp hồi nhớ cuộc chiến cũ. Ông già Việt Nam tuổi đã 90 được con cháu chở tới bảo tàng xem kỷ vật của ông đang được trưng bày tại đây.

Trong lúc các bạn trẻ hiếu kỳ và vỗ tay thì hai ông già đứng lên bắt tay rồi ôm nhau chào từ biệt, trong mắt lấp lánh nước mắt. Họ chia tay nhau mỗi người đi một hướng, hai ông già đều khóc vì đó có thể là lần cuối cùng họ gặp được nhau trong cuộc đời này.




Từ phải qua: ông Servoz Robert, ông Sơn Hà và một người bạn Pháp tại Bảo tàng Quân Đội.

Cách đây đúng 60 năm, họ là lính Pháp và lính ông Giáp, ở hai chiến tuyến, bắn nhau trên đồi Him Lam, trên chiến địa Điện Biên. Còn bây giờ họ là hai ông già, cựu chiến binh đi hết một cuộc đời rồi. Ngẫu nhiên gặp nhau và nhận ra nhau lần này, trong dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, họ ngồi xuống uống một tách cà phê giữa Hà Nội thanh bình, rồi vĩnh biệt. Một ông già sẽ về phố Rue de Bahinos ở Anglet (Pháp) còn một ông già về ngôi nhà trọ bé nhỏ ở Hồ Tây.

Ông Sơn Hà vốn là một sĩ quan cao cấp của ngành tình báo đang nghỉ hưu ở Hà Nội. Ông trước khi nghỉ hưu là Phó phòng 16 Cục 2, giờ tương đương chức Phó cục trưởng của Tổng cục Tình Báo. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Sơn Hà là Tiểu đoàn trưởng của một tiểu đoàn trinh sát trong Sư 312. Còn ông Servoz Robert là lính chiến trong Tiểu đoàn 6 BPC, là một tiểu đoàn dù thuộc địa dưới quyền của Tiểu đoàn trưởng Bigeard. Tiểu đoàn dù 6 BPC rất nổi tiếng vì sau này Bigeard về Pháp đã trở thành Bộ trưởng Quốc Phòng Pháp.

Ông Sơn Hà chính là người đã vẽ nên tấm bản đồ tác chiến đầu tiên đầy đủ nhất của Điện Biên Phủ. Trong triển lãm các hiện vật nhân 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ ở Bảo tàng Quân Đội tại Hà Nội, tấm bản đồ tác chiến vẽ sơ đồ bố trí phòng ngự của cứ điểm Him Lam mang số hiệu hiện vật trưng bày 13 chính là một công trình của ông Sơn Hà, đổi bằng rất nhiều máu của đồng đội và nhiều ngày tháng ông trực tiếp đi trinh sát, nắm tình hình ngoại vi cứ điểm, đặt các đài quan sát, hỏi cung các lính dù Pháp bị bắn rơi và các lính Pháp bị bắt…Sau khi Tướng Đờ-Cát (De Castries) bị bắt ngày 7.5, ông Sơn Hà cũng là người đầu tiên hỏi cung tướng Đờ-Cát ngay tại hầm chỉ huy trong trận địa.




Tấm bản đồ tác chiến trận Him Lam của ông Sơn Hà đang là hiện vật trưng bày trong Bảo tàng Quân Đội

Còn ông già Servoz Robert cũng bất ngờ khi nhận ra người bên kia trận chiến ác liệt đồi Him Lam xưa lại là ông già 90 hiền lành trước mặt. Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, ông Servoz bị bắt giữ tù binh, sau đó trải qua nhiều thăng trầm binh nghiệp ở nước nhà trước khi nghỉ hưu và quay lại Việt Nam, cưới một người vợ Mỹ Tho. Ông quay lại Việt Nam lần này để xem triển lãm các hiện vật về 60 năm Điện Biên Phủ sau đó lại về Pháp với vợ. Ông nói, trước đây không hiểu sao chúng ta lại là kẻ thù của nhau. Tôi thích người Việt Nam, hai chúng ta đều lấy vợ Việt, chúng ta đều chung trong khối gia đình Pháp ngữ.

Hai ông già hát vài bài dân ca mà cả hai cùng thuộc, rồi chia tay.Họ và thế hệ cựu binh Pháp – Việt lứa tuổi chín mươi chính là những kỷ vật sống cuối cùng của cuộc chiến trên lòng chảo Điện Biên 60 năm trước. Họ đã dùng cả cuộc sống và toàn bộ tuổi trẻ để trả lời cho những câu hỏi của lịch sử.

Nhà văn Trang Hạ