Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhất định phải học, học gì vậy?

Chớ nên bị dao động bởi hoàn cảnh, chớ nên bị nhuốm bẩn bởi hoàn cảnh, hãy tu tâm thanh tịnh, tu tâm bình đẳng trong hoàn cảnh, đó là đúng. Thấy người lành, chuyện tốt cũng thế, mà thấy kẻ ác, chuyện xấu cũng thế, đều coi bình đẳng, đó là thật sự tu hành. Đương nhiên, công phu của chúng ta còn chưa đủ, vẫn chưa có cách nào tu tâm thanh tịnh và tâm bình đẳng trong hai cảnh giới cực đoan, công phu chưa đến mức! Khi công phu chưa đến mức, tốt nhất là xa lìa chúng, tâm chúng ta sẽ thanh tịnh.

Tâm địa thật sự thanh tịnh, cũng chẳng phải là cố ý tiếp cận, vì sao? Hóa độ chúng sanh. Chúng sanh ở nơi nào cơ duyên đã chín muồi, mời quý vị đến giảng kinh, thuyết pháp, mời quý vị trụ trì đạo tràng, quý vị có thể đến đó.

Xưa kia, trụ trì đạo tràng toàn là Phật, Bồ Tát, hoặc bậc tái lai, vì sao? Trong cảnh giới chẳng động tâm thì mới có tư cách trụ trì giáo hóa một phương. Vẫn bị cảnh giới bên ngoài ảnh hưởng thì chỉ có thể làm học trò, làm thanh tịnh chúng, chẳng thể trông nom sự vụ. Trông nom sự vụ sẽ phải tiếp xúc với người khác, hễ tiếp xúc với người khác mà còn có phiền não, phiền não ngày càng tăng trưởng, trái nghịch đạo tâm. Người học đạo mong sao phiền não mỗi ngày một ít đi, chẳng thể là ngày một tăng thêm. Ngày một tăng thêm là tu lục đạo luân hồi (trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), tu ba ác đạo (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh), sai mất rồi, chắc chắn là chẳng thể làm theo cách ấy!
(Pháp Sư Tịnh Không)