Thực hư lang vườn chữa bệnh như “phù thủy” ở Sơn La



GiadinhNet - Nhiều năm qua, ông Bàn Văn Tụ, người dân tộc Dao ở Phù Yên, Sơn La đã chữa bệnh cho hàng trăm lượt người. Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ và phương pháp nhuốm màu mê tín dị đoan.


Ông Bàn Văn Tụ và những “con bệnh” là viên đá, sỏi mà ông đã “hút” ra qua ống nứa (ảnh nhỏ). Ảnh: P.B

Chữa xong có thể giúp “thầy”... làm nương



Nhiều năm qua, người dân ở thị trấn Phù Yên đã quen với cảnh người lạ hỏi đường lên bản Suối Bường, xã Kim Bon gặp ông Bàn Văn Tụ để được chữa bệnh. Chả vậy mà khi chúng tôi dừng nghỉ chân ở một quán nước ven đường, hỏi đến địa danh của đồng bào Dao sinh sống này, bà chủ quán đã hỏi lại, “có phải tìm “thầy” Tụ chữa bệnh không”?Và theo như lời của bà chủ quán nước thì “đường lên đấy xa xôi và khó đi vô cùng”. Con đường lên bản Suối Bường chỉ khoảng 40km nhưng cũng phải mất cả buổi sáng chúng tôi mới đến được vùng đất quanh năm “mây mù, sương giá” này.


Nhà của ông Bàn Văn Tụ nằm cheo leo trên sườn đồi, xung quanh cây cối xanh rì. Khi chúng tôi đến, trong ngôi nhà của ông có đến gần chục bệnh nhân đang được ông thăm khám, chữa bệnh. “Tôi chữa bệnh không lấy tiền nên chẳng vụ lợi gì ở đây cả. Ai tin thì đến nhờ tôi, tôi giúp, có trả tiền tôi cũng chẳng lấy, nếu có lòng tốt thì giúp tôi vài ba ngày trên nương rẫy”... ông Tụ bắt đầu câu chuyện.Nói rồi ông chỉ vào dụng cụ chữa bệnh của mình gồm một ống nứa rỗng hai đầu, hai quả trứng, ít tiền vàng, hương cùng một ít cây thuốc mà ông lấy từ trên rừng về. Chỉ vào cái ống nứa, ông bảo nó dùng để “hút bệnh”, tuy nhiên, không phải người nào cũng phải dùng ống hút này mà “tùy vào từng bệnh, từng cấp độ của bệnh, thời gian chữa của mỗi bệnh nhân mới dùng”.

Tôi thường sử dụng phương pháp hút khi người bị bệnh nặng, không có thời gian chữa bệnh lâu mới dùng. Bởi dùng phương pháp này “thầy” rất hao tổn sức lực lắm”, ông Tụ nói.Sau khi đã thăm khám cho một vài bệnh nhân, ông quay sang cậu bạn đồng nghiệp của tôi hỏi bị bệnh gì, đã đi bệnh viện và cúng bái đâu chưa. Sau khi nghe “bệnh nhân” kể về các triệu chứng, “thầy” Tụ dùng quả trứng lăn quanh vùng bụng, phun rượu vào người, đọc “thần chú”, dùng hương soi khắp nơi và đọc bệnh.


Sau khi đọc “bệnh”, “thầy” Tụ đưa ống nứa vào đúng vị trí, kê miệng vào đầu ống còn lại, dùng lực hút mạnh. Và cứ sau mỗi tiếng “phốc”, “thầy” lại nhè ra, khi thì viên đá, viên sỏi, khi lại cục vôi trắng, hòn máu đông đèn xì…“Thầy” Tụ cho biết, để hút được con bệnh ra, nhất thiết phải có rượu và trứng. “Phun rượu và lăn trứng là cách để dụ con bệnh ra gần ngoài, còn dùng hương để soi xem chúng ở đâu và dùng ống nứa hút. Ngoài việc hút “con bệnh” ra, tôi còn phải sử dụng thuốc Nam gia đình truyền sắc cho mọi người uống”, ông Tụ kể về cách chữa bệnh của mình.



“Hút” bệnh chỉ là mê tín

Nhìn vào những thứ mà “thầy” vừa “hút” cho anh bạn đồng nghiệp, chúng tôi thấy nó như viên đá, viên sỏi, xù xì, dính bết máu. “Thầy” bảo bệnh của anh bạn tôi khá nhẹ và do không có thời gian nên “thầy” bảo dùng phương pháp hút như trên cho nhanh. Sau đó, “thầy” cho uống một bát nước thuốc, bảo bao giờ có thời gian thì quay lại chữa cho khỏi hẳn.Chỉ vào những viên đá, viên sỏi trên tờ giấy, “thầy” bảo anh bạn đồng nghiệp mang ra một góc đồi để chôn, bởi nếu vứt lung tung, ai dẫm phải sẽ lại lây căn bệnh mà anh bạn tôi mắc phải(?!).

Trò chuyện với chúng tôi, chị Bàn Thị Hương (28 tuổi), ở xã Mường Bang, huyện Mộc Châu, Sơn La cho biết, mình bị bệnh sỏi thận từ nhiều năm nay nên phù nề, đau nhức rất khó chịu. Sau khi nghe tiếng về cách chữa bệnh của “thầy” Tụ, chị khăn gói, đồ đạc lên đây chữa đã được 3 hôm nay. “Giờ thấy không đau, đỡ bị phù và ăn ngon hơn”, chị Hương cho biết.Còn bà Cầm Thị Loan (SN 1966) ở thị trấn Phù Yên, chỉ về con trai năm nay đã 25 tuổi đang ngồi ở góc giường rồi bảo: “Thằng con tôi chẳng hiểu sao khoảng hơn một năm về trước, tự nhiên tính cách thay đổi, thường xuyên la hét rồi bỏ đi lang thang khắp nơi. Có bệnh thì vái tứ phương, nghe mọi người mách, gia đình tôi đưa lên gặp thầy.

Hiện cháu không còn la hét, ăn uống, nói chuyện bình thường(?!)”.Theo những người đã lên đây chữa bệnh nhiều lần hoặc đưa người thân lên đây thì cái tài chữa bệnh của thầy khiến không ít người lầm tưởng là “phù thủy”. “Lúc nào trong gia đình thầy cũng có gần chục người ăn ngủ lại để chữa bệnh. Đó là chưa kể những người từ khắp nơi như Mộc Châu, Bắc Yên (Sơn La), rồi cả Yên Bái, Điện Biên, Hà Nội… đến lấy thuốc”, chị Hoài, ở Bắc Yên cho biết.Ngồi trò chuyện với phóng viên, “thầy” Tụ cho biết, mình năm nay đã hơn 70 tuổi (SN 1941). Ngay từ nhỏ, “thầy” đã được bố mẹ, ông bà truyền cho kinh nghiệm lấy thuốc của người dân tộc Dao. Năm 1964, “thầy” tham gia Chiến dịch đường 9 Nam Lào, đến năm 1975 thì xuất ngũ về địa phương, tiếp tục theo nghề bốc thuốc chữa bệnh của gia đình.“Được một thời gian sau thì tôi bỗng dưng bị hoang tưởng, thần kinh, không làm ăn được gì. Suốt ngày tôi lặn nước để đuổi theo những nàng tiên xinh đẹp. Sau 3 năm bị bệnh thì tự nhiên tôi khỏi, có khả năng nhìn được con bệnh và tự chữa bệnh như thế”, ông Bàn Văn Tụ chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vì Văn Lượng, cán bộ xã Kim Bon cho biết, việc ông Tụ chữa bệnh như thế xã đã biết từ lâu. Tuy nhiên, nhiều năm qua không ai phản ánh cũng như ông Tụ không lôi kéo, lừa đảo ai mà chỉ chữa bệnh làm phúc nên chính quyền cũng không can thiệp.Một thầy thuốc Đông y cho biết, cách chữa bệnh bằng các “phép thuật” như “thầy” Tụ thường gặp nhiều ở các vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người cho rằng, đó là cách sử dụng “năng lượng” của con người để chữa bệnh nhưng đến nay cũng chưa có sự giải thích nào thấu đáo bằng khoa học. Tuy nhiên, ngoài việc “hút” bệnh như đã nói thì ông Tụ còn kết hợp các loại thuốc gia truyền khác nên có thể phần lớn khỏi bệnh là do tác dụng của các cây thuốc, chứ việc “hút bệnh” có chăng là mê tín mà thôi.
Phùng Bình