Học giả Mỹ: Philippines chiếm đóng bất hợp pháp 2 đảo của Việt Nam

09:06 | 13/11/2014

0 Ý kiến phản hồi
(Petrotimes) – Theo các học giả thuộc Tổ chức nghiên cứu phi chính phủ CNA (Virginia, Mỹ), mặc dù Philippines có ưu thế vượt trội so với Trung Quốc về chứng cứ pháp lý chứng minh chủ quyền với bãi cạn Scarborough, nhưng sự chiếm hữu của Manila trên 2 đảo Thị Tứ và Loại Ta thuộc quần đảo Trường Sa lại là “bất hợp pháp”.




Ảnh đảo Thị Tứ (Thitu Island) và Loại Ta (Loaita Island), thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chụp từ vệ tinh Google

Trong tài liệu có tên “Biển Đông: Đánh giá chính sách của Mỹ và các lựa chọn cho tương lai” công bố mới đây, các nhà nghiên cứu của CNA đã đánh giá tính pháp lý trong yêu sách chủ quyền của các nước đối với Biển Đông, những nhận định của các học giả, tổ chức nghiên cứu… về chủ quyền của mỗi nước. Tài liệu được cho là có sự tài trợ của Washington, để đưa ra các nhận xét tư vấn cho chính sách của Mỹ đối với các tranh chấp trên Biển Đông.

Ở phần nói về Philippines, các tác giả của tài liệu cho rằng, Manila không thể có chủ quyền pháp lý đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa (Philippines gọi là quần đảo Kalayaan).Theo các học giả, 2 đảo Thị Tứ (Philippines gọi là Pasaga) và Loại Ta (Philippines gọi là Kota) mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền là căn cứ từ một tài liệu sáp nhập hợp pháp do Đế quốc Pháp công bố vào năm 1933.

“Các sáp nhập pháp lý của Pháp vào thời điểm đó là một phương pháp hợp pháp trong việc thu hồi lãnh thổ và quyền lợi chuyển giao cho Việt Nam”, nghiên cứu nêu rõ.Đồng thời, cần lưu ý rằng, việc sáp nhập được hỗ trợ bởi các hoạt động hàng hải của Pháp trước khi xảy ra Chiến tranh thế giới II, cũng như bằng chứng những tuyên bố chủ quyền này không bị bỏ rơi sau Chiến tranh thế giới II.

Từ đây, nghiên cứu của các học giả Mỹ đi tới kết luận: "Philippines đang chiếm đóng bất hợp pháp 2 đảo Thị Tứ và Loại Ta ở Trường Sa và đó là tài sản hợp pháp của Việt Nam".

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn cho rằng, đảo Cây (Philippines gọi là Panata) đáng lẽ cũng nên được gộp vào danh sách các đảo, bãi đá mà Philippines đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa, nhưng hiện cần có thêm bằng chứng để khẳng định điều này.Đáng lưu ý là tài liệu còn cho rằng việc ra yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Philippines có trọng lượng pháp lý rất ít, tương tự đường lưỡi bò của Trung Quốc. Thậm chí, Manila còn tuyên bố chủ quyền đối còn muộn hơn Việt Nam, Trung Quốc...

Tuy nhiên, khi đưa quân ra chiếm đóng trái phép đảo Thị Tứ và Loại Ta cùng vài đảo, đá khác từ 1968 đến 1971, Philippines lại nói những đảo, đá này là “vô chủ” và mãi đến năm 1978, Manila mới bỗng dưng tuyên bố chủ quyền với Trường Sa.

Đảo Thị Tứ lớn thứ 2 trong quần đảo Trường Sa, sau đảo Ba Bình (của Việt Nam, nhưng hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép). Philippines đang có 200 lính và dân ở đây, có trụ sở làm việc, trung tâm y tế và một đường băng cho máy bay lên xuống.Còn đảo Loại Ta nhỏ hơn (6,45 hecta) chỉ có vài ngôi nhà cho lính trú ngụ.
Linh Phương (theo Philippines Star)