Phần I



Tam Quốc diễn nghĩa chép: Tào Tháo mắc bệnh đau đầu, mời danh y là Hòa Đà đến chữa trị. Hòa Đà nói với Tào Tháo, rằng căn nguyên của bệnh đau đầu của ngài chính là do “phong diên”, nó lớn dần lên trong não. Chỉ còn cách là dùng “ma phí tán” sau đó dùng rìu bổ đầu ra mới có thể lấy “phong diên” ra ngoài mới có thể trị triệt để căn bệnh đau đầu của ngài được. Tào Tháo vốn đa nghi vừa nghe qua phương án trị bệnh của Hoa Đà lập tức nổi giận. Ông ta cho rằng Hoa Đà muốn báo thù cho Quan Vũ nên tính mượn cơ hội dùng đao phẫu thuật để giết mình. Trong cơn thịnh nộ, Tào Tháo lập tức sai nhốt Hoa Đà vào ngục tối rồi giết Hoa Đà. Sự kiện này nhờ Tam Quốc diễn nghĩa, một trong tứ đại kỳ thư và hàng loạt những sách bình luận, điện ảnh, phim truyền hình đã lưu truyền rất rộng, không ai là không biết. Nhưng việc Hoa Đà bị giết có thực sự giống như Tam Quốc diễn nghĩa đã ghi chép hay không? Nếu như những gì được ghi lại trong Tam Quốc diễn nghĩa không phải là sự thực lịch sử vậy Hòa Đà rốt cuộc vì sao lại bị Tào Tháo giết?


Hoa Đà

Trong cái chết của Hoa Đà có một bước ngoặt rất quan trọng mà mọi người đã bỏ qua chính là Tào Tháo đã triệu Hoa Đà đến để trị bệnh cho mình. Nếu như Tào Tháo không triệu Hoa Đà đến khám bệnh, thì Tào Tháo và Hoa Đà, một anh hùng thời loạn, một thầy thuốc tứ phương, anh cứ làm thừa tướng, tôi cứ việc chữa bệnh cho bách tính, không ai xâm phạm đến ai, Hoa Đà tuyệt nhiên không thể bị Tào Tháo giết được. Vì thế muốn biết nguyên nhân vì sao Tào Tháo giết Hoa Đà trước tiên phải lý giải vì sao Tào Tháo lại triệu Hoa Đà đến xem bệnh cho mình?


Trong Tam Quốc chí – Hoa Đà truyện và Hậu Hán thư – Hoa Đà truyện có ghi chép về khả năng chữa bệnh thần kỳ của Hoa Đà rồi sau đó mới nói “Thái tổ nghe tiếng mới triệu Hoa Đà”.

Nhưng sự kiện cuối cùng trước khi “Thái tổ nghe tiếng mới triệu Hoa Đà” được ghi chép trong Tam Quốc chí và Hậu Hán Thư đều là sự kiện cái chết của Thái thú Quảng Lăng Trần Đăng. Cái chết của Trần Đăng là nằm trong dự đoán của Hoa Đà rằng sau ba năm ông ta sẽ phát bệnh (Bệnh này sau ba năm sẽ phát, nếu gặp lương y mới mong chữa được,… Lúc ấy mà Đà này không ở đó, sẽ như lời mà chết). Sau đó mới thấy đoạn “Thái tổ nghe danh mới triệu Hoa Đà”. Vì thế với hai truyện ký về Hoa Đà được ghi lại trong Tam Quốc chí và Hậu Hán thư, có thể thấy rõ rằng việc Tào Tháo triệu Hoa Đà vào phủ chữa bệnh có 3 khả năng:

Một là Tào Tháo nghe y thuật thần kỳ của Hoa Đà mà cho triệu kiến.

Hai là nghe nói Hoa Đà đã dự đoán chính xác về cái chết của Thái thú Trần Đăng mà cho triệu kiến.

Ba là Tào Tháo vì cả hai điều trên mà cho triệu kiến Hoa Đà.

Tình huống thứ nhất là hoàn toàn có thể. Tào Tháo và Hoa Đà vốn là đồng hương, y thuật siêu việt của Hoa Đà mà Tào Tháo không nghe mới là chuyện không bình thường.

Còn trong tình huống thứ hai thì chắc chắn là Tào Tháo và Trần Đăng có mối quan hệ.

Trần Đăng là một người rất được Tào Tháo tín nhiệm. Cha con họ Trần đã làm cho Tào Tháo hai việc lớn vì thế rất được Tào Tháo coi trọng. Một là cha của Trần Đăng là Trần Khuê đã ngăn cản quan hệ thông gia giữa Viên Thuật và Lã Bố. Lã Bố và Viên Thuật không kết được thông gia, cũng không thể liên thủ điều này có vai trò rất quan trọng trong quá trình thống nhất phương Bắc của Tào Tháo. Hai là Trần Đăng đã can ngăn trước khi Lã Bố đến bái kiến Tào Tháo, bí mật nói với Tào Tháo rằng: Lã Bố là người hữu dũng vô mưu, có sữa thì là mẹ, phản trắc bất thường nên sớm diệt trừ. Tào Tháo nghe xong cảm thấy rất vui. Bởi vì Tào Tháo luôn nghĩ rằng Lã Bố là kẻ tất nhiên phải trừ khử vì thế Tào Tháo đã ngay lập tức phong cho Trần Khuê, cha của Trần Đăng chức quan 2.000 thạch, còn Trần Đăng thì được phong làm thái thú Quảng Lăng. Khi chia tay Trần Đăng, Tào Tháo còn cầm tay Trần Đăng nói: “Việc ở phía đông, phải giao phó cho ông”. Chuyện ở phía Đông đều giao phó cho ông là việc gì? Đó chắc chắn là việc Trần Đăng sẽ làm nội ứng cho Tào Tháo trong quân Lã Bố.
Trần Đăng đã không phụ lòng gửi gắm của Tào Tháo. Sau khi Lã Bố thấy Trần Đăng từ chỗ của Tào Tháo trở về, Trần Khuê, Trần Đăng đều được phong quan cao bổng hậu trong lòng lo lắng không yên muốn trở mặt với Trần Đăng. Trần Đăng chỉ nói một câu đã làm lay động Lã Bố. Trần Đăng nói: Sau khi tôi đến gặp Tào Tháo, nói Lã Bố là một mãnh hổ, chỉ có thể cho hắn ăn no thì ngài mới có thể dùng được. Tào Tháo nói, ngươi nói không đúng. Lã Bố là một con đại bàng hung dữ, chỉ cần cho hắn đói một chút hắn mới có thể phục vụ cho ta. Nếu như cho ăn no rồi, hắn sẽ cất cánh mà bay mất. Lã Bố vừa nghe Trần Đăng nói Tào Tháo khen mình là đại bàng, rất cao hứng quên luôn cả mối hiềm nghi của mình.


Vì thế có thể nói trong lòng Tào Tháo, Trần Đăng là một công thần có dũng có mưu. Do đó, khi Trần Đăng bị bệnh và được Hoa Đà chuẩn đoán chắc chắn là thông báo cho Tào Tháo biết: Loại bệnh này ba năm sau sẽ tái phát. Nếu như lúc đó mà gặp được thầy giỏi có thể trị được. Ba năm sau bệnh của Trần Đăng quả nhiên bạo phát, khi ấy Hoa Đà không còn ở đó nữa, Trần Đăng cũng vì thế mà chết.

Cái chết của Trần Đăng ngay lập tức truyền khắp thiên hạ.Tào Tháo coi trọng Trần Đăng như vậy hẳn nhiên cái chết của ông ta sẽ gây ra một chấn động lớn.

Sau khi Trần Đăng chết, Tào Tháo cho triệu kiến Hoa Đà nguyên nhân đương nhiên là khả năng thứ hai. Bởi theo Hoa Đà truyện y thuật thần kỳ của Hoa Đà đều là những việc chữa trị cho dân thường và quan chức cấp thấp. Những người này đối với Tào Tháo chẳng quan trọng gì. Trần Đăng không như vậy. Ông ta là người được Tào Tháo tín nhiệm và coi trọng. Cái chết của Trần Đăng có hai điểm làm kinh động Tào Tháo: Một là thời gian Trần Đăng phát bệnh. Hai là vì không có Hoa Đà ở đó mà Trần Đăng bị chết. Trước là chẩn đoán, sau là trị liệu. Cái chết của Trần Đăng đã chứng minh Hoa Đà trong cả việc chẩn đoán và trị bệnh đều rất có quyền uy.

Một vị thần y như vậy, Tào Tháo đương nhiên rất cần.

Còn như khả năng thứ ba là hiện thực nhất. Có những lời đồn trong dân chúng lại thêm cái chết của Trần Đăng đương nhiên địa vị của Hoa Đà trong Tào Tháo sẽ được nâng cao. Vì thế Tào Tháo mới nghĩ đến việc mời Hoa Đà về trị bệnh.

Đương nhiên vẫn còn một điểm đó chính là nhu cầu của Tào Tháo. Nếu Tào Tháo không có bệnh thì mời một danh y như Hoa Đà làm gì? Tào Tháo mắc bệnh đau đầu. Một khi bệnh này phát, Tào Tháo tâm loạn mắt mờ vô cùng khó chịu.

Tào Tháo triệu Hoa Đà trị bệnh cho mình, các điều kiện khách quan và chủ quan đều đầy đủ.

Một người sở trường trong việc chữa các bệnh nan y như Hoa Đà vừa nhìn thấy Tào Tháo đau đầu, lập tức châm cứu cho Tào Tháo. Châm cứu xong hết đau, vô cùng công hiệu. Nhưng khi đó quan hệ giữa Tào Tháo và Hoa Đà là “thường ở bên cạnh” để lỡ Tào Tháo có phát bệnh thì có thể lập tức trị liệu.

Nhưng “thường ở bên cạnh” hoàn toàn không phải là ngày ngày theo hầu Tào Tháo. Sự dựa dẫm của Tào Tháo vào Hoa Đà không phải là quá lớn. Sau đó, Tào Tháo còn tự mình xử lý việc quốc gia đại sự (Thái tổ thân lý – Thái tổ tự xử lý việc quốc gia đại sự) rất bận rộn mà bệnh tình ngày càng trầm trọng vì thế mới dùng Hoa Đà làm thầy thuốc của riêng mình (sử Đà chuyên thị - dùng Hoa Đà chuyên coi việc sức khỏe cho mình).


Hoa Đà học y thuật

“Chuyên thị” và “thường ở bên” không hề giống nhau. “Thường ở bên” là khi cần thì cho gọi, còn “chuyên thị” thì Hoa Đà đã trở thành một thầy thuốc “riêng” hầu hạ cho Tào Tháo.


Vậy “Thái tổ tự mình xử lý việc quốc gia” là vào thời gian nào?

Vào năm Kiến An nguyên niên (tức năm 196) Tào Tháo đón Hiến Đế về Hứa Xương. “Phụng sự thiên tử để lệnh cho thiên hạ”. Khi đó Tào Tháo đã có quyền thế khuynh đảo thiên hạ. Năm Kiến An thứ 5, xuất binh đánh bại Viên Thiệu, đến năm Kiến An thứ 7 Viên Thiệu mắc bệnh mà chết. Đến năm Kiến An thứ 9 Tào Tháo đánh bại Viên Thượng định đô ở Nghiệp Thành. Tháng 1 năm Kiến An thứ 10, Tào Tháo tấn công giết Viên Đàm. Tập đoàn họ Viên cuối cùng đã bị đập tan. Đương nhiên nói sự diệt vong của tập đoàn Viên Thiệu chính là nói Tào Tháo bắt đầu “thân tự xử lý” những việc trọng đại trong triều. Việc triều chính bận rộn đã khiến bệnh đau đầu của Tào Tháo phát tác. Chính lúc đó, Tào Tháo mới quyết định để Hoa Đà thành bác sĩ “riêng” của mình. Hoa Đà từ thân phận một lang trung du hành khắp nơi chưa bệnh trong quá khứ đã bị hạn chế tự do hành động. Đây là một điểm quan trọng.

Nhưng mà Hoa Đà ở bên cạnh Tào Tháo một thời gian liền xin về quê nghỉ phép. Lấy cớ gì để xin nghỉ phép đây?

Trong hai cuốn sử đã dẫn ở trên có chép: Một là về quê lấy thuốc (Hậu Hán thư), hai là nhận được thư của gia đình (Tam Quốc chí). Nhưng không kể là lý do nào, Tào Tháo đều đồng ý.

Tào Tháo vì sao lại đồng ý?

Một là về nhà lấy thuốc thì không thể không đồng ý. Không đồng ý làm sao có thuốc trị bệnh?

Hai là muốn thu phục nhân tâm. Nhận được thư của gia đình mà không cho về chẳng phải Tháo đã đánh mất lòng trung nơi thần y sao?

Nhưng lý do xin nghỉ phép thực sự của Hoa Đà là gì?

Hậu Hán thư – Hoa Đà truyện nói tới bốn lý dó: Một là Hoa Đà tính cách cổ quái (vi nhân tính quái), hai là Hoa Đà ở chỗ Tào Tháo không được như ý muốn (nan đắc ý), ba là cảm thấy xấu hổ vì nghề y (sỉ sĩ y kiến nghiệp), bốn là nhớ nhà (khứ gia tư quy). Tam Quốc chí thì chỉ nói đến một lý do: nhớ nhà (cửu viễn tư gia quy).

Hoa Đà về nhà lấy lý do là bệnh của vợ chưa khỏi cứ kéo dài thời gian nghỉ mà không trở lại phủ Tào Tháo. Tào Tháo nhiều lần viết thư còn sai quan chức địa phương đến thúc giục nhưng không làm Hoa Đà lay chuyển.

Vì sao Tào Tháo thúc bách Hoa Đà như vậy mà ông ta không lay chuyển?

Tam Quốc chí nói là “Đà ỷ năng khánh thực sự” còn Hậu Hán thư nói: “ỷ năng khánh sự”. Cả hai cuốn sử này đều nói giống nhau rằng, Hoa Đà dựa vào y thuật cao siêu của mình không muốn làm một thầy lang hầu hạ riêng cho Tào Tháo.

Tào Tháo biết rằng mình thúc giục mà không lay chuyển được Hoa Đà, lập tức nổi giận truyền người trước sau điều tra phát hiện rằng vợ của Hoa Đà giả bệnh. Vì thế Tào Tháo cho bắt Hoa Đà, giải về giam tại nhà ngục ở Hứa Đô (nay là Hứa Xương Hà Nam). Thông qua tra khảo, Hoa Đà xác nhận mình phạm tội “lừa dối”.

Mưu sĩ lớn nhất của Tào Tháo là Tuân Húc nói với Tào Tháo rằng: Y thuật của Hoa Đà là rất cao, sự sống còn của ông ta có quan hệ đến sinh mệnh của rất nhiều người nên miễn tội cho ông ta. Nhưng Tào Tháo nghe xong không vừa ý, nói với Tuân Húc rằng: Không cần phải lo, trong thiên hạ này lẽ nào lại không tìm được một thầy thuốc như vậy hay sao?

Kết quả một ngôi sao lớn đã rơi, thần y Hoa Đà đã bị Tào Tháo giết.

Tào Tháo là người rất yêu người tài, tiếc người tài và trọng người tài. Hòa Đà cũng là một vị thần y hiếm có vậy tại sao Tào Tháo lại muốn giết Hoa Đà?

Về phía Tào Tháo, Tào Tháo muốn Hoa Đà chuyên tâm điều trị bệnh cho mình đồng thời đối với việc vợ của Hoa Đà bị bệnh, ông ta cũng đã đối xử thấu tình đạt lý. Tào Tháo còn hứa sẽ tặng cho Hoa Đà 40 mươi hộc đậu (từ thời Tống trở về trước, 10 đấu gọi là một hộc), dễ dàng cho phép ông về quê thăm gia đình. Cách làm này của Tào Tháo rõ ràng là để thu phục nhân tâm nhưng làm được việc này đối với Tào Tháo cũng không đơn giản, chí ít nó cũng nói rõ rằng Tào Tháo rất cần Hoa Đà. Nhưng Hoa Đà lại chẳng hề cảm kích cũng không chịu nghe theo mệnh lệnh của Tào Tháo mà về chữa trị cho ông ta, còn lấy việc bệnh tật của vợ để lừa Tào Tháo, không vào phủ chữa bệnh. Tào Tháo đương nhiên nổi giận. Đối với một vị tể tướng triều Đại Hán đang năm mọi quyền sinh sát trong tay, Hoa Đà chỉ làm một phương kỹ (từ dùng chỉ chung các nghề y, bói toán, xem tướng,… thời xưa), tức là kẻ tiểu nhân mà thôi.

(Còn nữa)

Hy Văn (Vietimes) dịch từ China.com