Phần II


Trong quan niệm của người Trung Quốc thời cổ đại, “thượng y y quốc, kỳ thứ tật nhân” (y học cao siêu là chữa bệnh cho đất nước, y học thấp mới là thứ y học chữa bệnh cho người). Là một người đọc sách, làm quan trị nước mới được người ta coi trọng, một lang trung lang thang khắp nơi như Hoa Đà không được người ta coi trọng.

Tào Tháo đã “thân lý quốc chính” (tự thân xử lý việc nước), vì thế ông ta đương nhiên có quyền sinh sát, có thể dùng pháp lệnh nhà nước đàng hoàng mà giết người. Huống chi người chọc giận ông ta chỉ là một lang trung, địa vị rất thấp, giết cũng đâu phải là vấn đề. Vì thế Tào Tháo vì tức giận mà xử sự cảm tính, đó chính là điều dẫn đến hai nguyên nhân Tào Tháo giết Hoa Đà.


Một là, có thể giết. Hai là không có ảnh hưởng gì lớn. Nhưng đây chỉ là nguyên nhân bề mặt. Nguyên nhân chân chính khiến Tào Tháo giết Hoa Đà chính là vì Tào Tháo trước nay không coi Hoa Đà là “người”. Đương thời chế độ pháp luật bảo vệ cho quyền uy của Tào Tháo chứ không mảy may bảo về quyền sống của Hoa Đà.

Về phía Hoa Đà mà nói, việc ông ta không chịu “vung dao mổ” là một cái cớ để Tào Tháo giết.
Thứ nhất, ông ta không muốn làm thầy lang cho riêng Tào Tháo, mà muốn làm một lang trung lang thang khắp nơi chữa bệnh cho bách tính chứ nhất định không chịu phục vụ cho một người. Vì thế làm một thị y (thầy thuốc hầu) cho Tào Tháo không phải là mong muốn của Hoa Đà. Vì thế, chức thị y này Hoa Đà không hoàn toàn nghĩ tới. Hoa Đà lấy lý do là vợ có bệnh để không đến Hứa Đô. Nhưng mà Hoa Đà cũng là một con người, ông ta cũng có quyền lựa chọn đi hay không đi!


Thứ hai, nhớ nhà. Hoa Đà truyện trong Hậu Hán thư và Tam Quốc chí đều nói rằng thời gian Hoa Đà trị bệnh cho Tào Tháo rất lâu, xa nhà, nhớ nhà đến sốt ruột. Vì nhớ nhà mà không muốn phục vụ Tào Tháo nữa. Lựa chọn ai để phục vụ là quyền lợi chính đáng của Hoa Đà, điều này đâu phải là tội?

Thứ ba, không hiểu đầy đủ về Tào Tháo. Hoa Đà đã không hiểu đầy đủ về một nhân vật gian hùng thời loạn như Tào Tháo, càng không hiểu đầy đủ về quyền sinh sát mà Tào Tháo đã chế độ chuyên chế ban cho. Hoa Đà từ chối không đi với lý do là vợ bị bệnh nhưng lý do này rất dễ bị người ta phát hiện . Nếu bị Tào Tháo phát hiện ra thì sao ? Điều này Hoa Đà dường như không nghĩ tới, không hề có phương án để đối phó. Giống như Hoa Đà là một danh y nổi tiếng, nhưng trong con mắt Tào Tháo ông ta chỉ là một kẻ “tiểu nhân”. Không chỉ là Tào Tháo, những quan lại thời đó đều không coi những người không phải là quan là con người chứ đừng nói đến nhân tài. Chúng ta nói Tào Tháo là kẻ yêu tài nhưng mà Tào Tháo không hề yêu người có tài. Vì thế những kẻ thống trị chuyên chế đều khu biệt “nhân” và “tài”, chỉ yêu “tài” chứ không yêu “nhân”. Đây cũng là cách nhìn nhân tài của chế độ chuyên chế.

Hoa Đà trở thành một danh y nổi tiếng, được nhiều người tôn kính là do những thường dân bách tính, là những người bệnh trong nhân dân.. Vì thế, Hoa Đà muốn lấy lý do vợ mình mắc bệnh để không làm thầy lang hầu hạ Tào Tháo là một suy nghĩ giản đơn và ấu trĩ. Tào Tháo có lý do để giết Hoa Đà, Hoa Đà lại không suy nghĩ thấu đáo mọi chuyện, vì thế ông ta chẳng phải cũng có một phần trách nhiệm trong cái chết oan uổng của mình hay sao?

Cả Tam Quốc chí và Hậu Hán thư đều không ghi chép việc Hoa Đà đề xuất mổ đầu Tào Tháo để trị bệnh. Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung ghi chép về cái chết của Hoa Đà là thuần túy hư cấu. Nhưng những hư cấu của Tam quốc diễn nghĩa cũng không phải là hoàn toàn vô căn cứ, nó cũng có nền tảng hiện thực của nó: Một là Hoa Đà có thể dùng “Ma phí tán” để phẫu thuật bụng. Hai là Hoa Đà giết là sự thực. La Quán Trung muốn ca ngợi Hoa Đà mới có chuyện Hoa Đà đề nghị Tào Tháo mổ đầu chứ không hề có chuyện này.

Tam Quốc diễn nghĩa là một trong bốn bộ tiểu thuyết cổ điển nổi tiếng của Trung Quốc, Hoa Đà cũng là một danh y trong truyền thuyết người Hoa. Vì thế việc ông ta muốn dùng rìu sắc mổ đầu Tào Tháo để lấy “phong diên” mới được lưu truyền rộng rãi nhưng hoàn toàn không phải là sự thực về cái chết của Hoa Đà.

Liên quan đến cái chết của Hoa Đà, gần đây người ta đưa ra một nguyên nhân: Hoa Đà dựa vào y thuật cao siêu của mình muốn đòi Tào Tháo ban quan chức, kết quả bị Tào Tháo giết.

Luận điểm này là gì?

Một là “tâm lý bất bình”. Hoa Đà vốn là một người đọc sách, đến cuối đời vẫn là một thầy thuốc bình thường nên tâm lý hay bất bình. Đặc biệt là sau khi danh tiếng của ông ta ngày càng nổi, càng tiếp xúc nhiều hơn với quan lại quý tộc, nhìn thấy những người này làm quan, nội tâm càng cảm thấy bất bình. Vì thế Hậu Hán Thư – Hoa Đà truyện, mới nói Hoa Đà là “người ghét việc ác, khó mà có được”. Hoa Đà vì không thể làm quan nên tính cách càng ngày càng quái dị không thể xử sự giống như người khác .
Hai là “giữ bệnh để làm mình trở nên quan trọng”. Tào Tháo sau khi giết Hoa Đà, công khai nói với mọi người rằng: Hoa Đà có thể trị được căn bệnh đau đầu của ta nhưng có ý không muốn trị, mà chỉ muốn mượn cớ đó để nâng cao giá trị của mình. Ta không giết hắn hắn cũng không chữa dứt hẳn căn bệnh đau đầu cho ta.

Ba là “khuếch đại bệnh tình”. Tào Tháo chỉ bị đau đầu nhưng Hoa Đà nói là bệnh này không thể trị dứt được, kiên trì trị bệnh lâu dài mới mong sống thêm được vài năm.

Tôi cho rằng ba lý do này đều không tồn tại. Bởi vì bề ngoài thì có lý nhưng bên trong thì rất vô lý.

Đầu tiên là “tâm lý bất bình”.

Hoa Đà có thích làm quan không? Trần Khuê đề cử ông ta làm Hiếu liêm nhưng ông ta từ chối. Thái úy Hoàng Uyển mời Hoa Đà, Hoa Đà cũng từ chối không đến. Hiếu Liêm và Trưng Tích là hai con đường lớn để bước vào hoạn lộ thời Đông Hán nhưng Hoa Đà đều không muốn đi theo. Bởi vì Hoa Đà sinh ra vào thời loạn, không muốn làm quan. Một người không muốn làm quan vì sao phải lợi dụng Tào Tháo để đòi một chức quan?

Hoa Đà tâm lý bất bình có thể là sự thật nhưng Hoa Đà vẫn nhận lời Tào Tháo đến trị bệnh, đồng thời còn “thường ở bên cạnh”. Nếu muốn cầu quan nơi Tào Tháo thì sao không kéo dài thời gian trị bệnh cho ông ta? Sau đó lại còn lấy lý do vợ bị bệnh để không vào phủ chữa bệnh cho Tào Tháo, rõ ràng là không muốn nhận sự biết ơn của Tào Tháo, cũng không muốn bị giam cầm trong cái lồng của Tào Tháo. Nói “giữ bệnh” và “dứt căn” thực ra là cường điệu. Nếu như Tào Tháo lấy việc “giữ bệnh” để thêm tội cho Hoa Đà, thì sao Hoa Đà không “trị dứt căn” để thoát khỏi sự trị tội của Tào Tháo. Có thể thấy, Hoa Đà nhận lời mời của Tào Tháo, thuần túy là trị bệnh chứ không phải là có ý cầu làm quan. Bỏ Tào mà đi là vì không thể trị dứt bệnh chứ không phải là không muốn chữa.

Vì thế luận về cái chết của Hoa Đà tất nhiên phải luận về vấn đề: Hoa Đà vui thú với nghề y hay xấu hổ với nghề y?

Hoa Đà không muốn làm quan thời loạn là điều nhất quan từ trước tới sau. Trước không muốn người tiến cử, sau không muốn phụ giúp Tào Tháo. Bởi vì tư tưởng chính thống ở Hoa Đà rất sâu. Tào Tháo, là “kẻ lấy danh nghĩa thiên tử để ra lệnh chứ không tự coi là thần”. Đối với một người có tư tưởng chính thống như Hoa Đà đương nhiên không hợp. Hoa Đà là một lương y, ông ta có nguyện vọng cứu xã hội. Thậm chí thân bị giam trọng ngục tối vẫn muốn viết sách để lưu truyền hậu thế, hy vọng y thuật của mình có thể cứu giúp được nhiều người hơn nữa. Ông đã truyền Ngũ cầm hý để rèn luyện thân thể và dạy châm cứu để trị bệnh. Có thể thấy là Hoa Đà vui với nghề y chứ không xấu hổ với nghề y.

Vì sao một người lấy nghề y làm vui như Hoa Đà lại vẫn có tư tưởng “thân là nhân sĩ, lấy nghề y để dựng nghiệp, thường cảm thấy tự ân hận”. Điều này đối với nhận định Hoa Đà vui với nghề y chẳng phải là mâu thuẫn lắm sao?

Hoa Đà cũng là một người đọc sách “thông hiểu các kinh”, đương nhiên bản thân cũng muốn làm quan. Nhưng Hoa Đà sinh ra vào cuối thời Đông Hán, chính trị cực kỳ hỗn loạn, Hoa Đà lại không có người giúp đỡ, không có hoàn cảnh vì thế đọc sách làm quan đối với Hoa Đà thực ra là một tham vọng quá cao.

Không thể làm quan, nhưng con người ta vẫn phải sống nên Hoa Đà mới làm nghề y. Dùng nghề y để mưu sinh đối với người có y thuật cao siêu như Hoa Đà là không thành vấn đề. Vì thế Hoa Đà mới trở thành thầy thuốc du hành tứ phương để cứu người. Đồng thời trên đường hành nghề, y thuật của Hoa Đà cũng được nâng cao, cảm thấy sâu sắc rằng: Bách tính nhân dân trong đời loạn như thế này rất cần những danh y như Hoa Đà. Chính vì nhu cầu xã hội và y thuật cao siêu của Hoa Đà phối hợp mới tạo thành một thần y Hoa Đà vui vì bốc thuốc chữa bệnh cứu người như vậy.


Tuy Hoa Đà phải lấy nghề y làm sự nghiệp, cũng cảm thấy bất bình nhưng trải qua nhiều năm tháng hành nghề y, Hoa Đà biểu hiện một nhiệt tình thực sự đối với nghề này.


Trên đường hành nghiệp, Hoa Đà từng gặp một bệnh nhân bị nghẽn yết hầu, rất muốn ăn một thứ gì đó nhưng không thể ăn được. Người nhà dùng xe kéo anh ta đi tìm thầy thuốc. Hoa Đà nghe thấy anh ta kêu đâu mới dừng xe lại xem bệnh. Xem xong, Hoa Đà nói với người nhà anh ta rằng: Vừa rồi tôi gặp trên đường một tiệm bánh, trong bánh có rất nhiều tỏi và giấm. Đi mua lấy 3 thăng hai loại đó, uống vào, bệnh tự nhiên sẽ khỏi. Người nhà bệnh nhân y lời làm theo, mua giấm và tỏi cho bệnh nhân uống. Uống xong bệnh nhân cảm thấy buồn nôn rồi nôn ra một con giun, bệnh cũng vì thế mà khỏi. Lúc đó Hoa Đà đã đi mất, người bệnh bèn treo con giun vào bên xe, tự mình đến nhà Hoa Đà để cảm tạ. Hoa Đà không vẫn chưa trở về, con của ông vẫn đang chơi ở cửa, nhìn thấy người tới, ngay lập tức tự nói với mình, chắc chắn là đến gặp cha ta, bên xe treo một con giun chứng tỏ điều đó. Người bệnh nhân này tiến đến gần nhà của Hoa Đà mới thấy trên bức tường phía bắc nhà Hoa Đà có treo đến chính mười con giun.

Ví dụ này rất điển hình. Người bệnh rên rỉ, Hoa Đà nghe tiếng rên mà tới, chủ động tìm bệnh nhân để trị bệnh, nói cách trị bệnh cho bệnh nhân rồi đi. Người bệnh tìm đến nhà để cảm ơn, con của Hoa Đà nhìn thấy bên xe của bệnh nhân có treo con giun đũa thì biết là người đã được cha mình chữa khỏi. Bệnh nhân nhìn bức tường của nhà Hoa Đà mới biết Hoa Đà là người chuyên chữa loại bệnh này.

Lại nói đến điều thứ hai, “giữ bệnh để tăng sự quan trọng của mình”

Đây là câu nói của Tào Tháo sau khi giết Hoa Đà. Vì thế không loại trừ nhân tố là Tào Tháo dùng câu nói này để tự bào chữa cho mình. Đồng thời, nhân tố này là rất quan trọng. Hoa Đà là một danh y. Khi Tào Tháo quyết định giết Hoa Đà thì mưu sĩ quan trọng nhất của Tào Tháo là Tuân Húc đã ra sức can gián... Vì vậy sau khi giết Hoa Đà, Tào Tháo cũng vì thế mà nhận sự phê phán gay gắt của dư luận. Do đó cách nói “giữ bệnh của ta để làm tăng sự quan trọng của mình” là rất khó tin. Trên sự thực, bệnh đau đầu của Tào Tháo là rất khó chữa.

Nhưng cũng cần chú ý đến một phương diện khác, Tào Tháo là một người bệnh toàn tâm muốn được chữa khỏi, Hoa Đà là một thầy thuốc trị bệnh không phân biệt người bệnh. Nhưng giữa hai người lại rất khó để hiểu nhau. Hoa Đà cho rằng căn bệnh của Tào Tháo khó trị khỏi được, còn Tào Tháo lại cho rằng Hoa Đà “giữ bệnh để làm tăng sự quan trọng của mình”.

Cuối cùng là điều thứ ba, “khuếch đại bệnh tình”

Cái gọi là khuếch đại bệnh tình, theo ý tôi là sự thẳn thắn.


Bệnh “phong diên” là một loại bệnh rất khó chữa. Bệnh này tuy chỉ là đau đầu nhưng rất khó trị khỏi. Khi phát tác người bệnh đau dữ dội. Đồng thời bệnh có biến chứng. Biến chứng ở Tào Tháo chính là tâm hoảng loạn, mắt mờ. Tôi cho rằng Hoa Đà nói với Tào Tháo rằng bệnh này khó chữa khỏi là thực sự cầu thị, nói thực về bệnh tình của ông ta. Lời nói thẳng thắn này không phải là bắt buộc. Bởi vì nguyên nhân chân chính của cái chết Hoa Đà là đã mạo phạm đến cơn đại nộ của Tào Tháo. Mà Tào Tháo cũng không coi Hoa Đà là một con “người”, cũng không hề tôn trọng sự lựa chọn cuộc sống của Hoa Đà.

Lưu Vũ Tích, một thi nhân nổi tiếng đời Đường trong bài Hoa Đà luận có một câu nói nổi tiếng rằng: “Chấp chính giả chi huệ, chân khả úy chư”. Chính là muốn nói Tào Tháo “năm quyền” sinh sát mà xử sự cảm tính như vậy thật chẳng phải là rất đáng tiếc hay sao?

Hy Văn (Vietimes) dịch từ China.com