Đi tìm Khổng Minh thật trong "Tam quốc diễn nghĩa"


Khổng Minh là một nhân vật rất quen thuộc với độc giả Việt. Đối với nhiều người đọc, Khổng Minh là một nhân vật đầy mưu lược, thông hiểu đạo lý, phù chính nghĩa trong tác phẩm "Tam Quốc diễn nghĩa" lừng danh. Tuy nhiên hiện nay ở Trung Quốc, dư luận có nhiều cách lý giải mới về Khổng Minh. Điều đó có thể do các giá trị cũ thay đổi, hoặc vì một lý do nào đó khác… Chúng ta có thể tự cảm nhận khi đọc bài viết này.




Khổng Minh "thần cơ diệu toán"


Tác giả của phần trích trong hai chương sách bình về Gia Cát Lượng được trích dưới đây là Mai Triêu Vinh, sinh năm 1970 ở Vũ Hán, Hồ Bắc, gốc là người Nam Xương, Giang Tây. Ông hiện là Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Vũ Hán, chi nhánh Bắc Kinh. Vốn nổi tiếng bởi những cuốn sách gây sốc và bán chạy vào loại nhất. Mai Triêu Vinh đã viết rất nhiều tác phẩm và hầu hết đều gây được sự chú ý của người đọc.

Các tác phẩm của ông bao gồm: Tiến hóa luận: câu chuyện mạnh được yếu thua; 12 quy luật suy vong của các triều đại Trung Quốc; Lược sử nhân loại: Chúng tôi có 300 vạn năm; Siêu đế quốc: giải mã những vương triều cường thịnh Trung Quốc; Nhà đại cải cách Ung Chính: thực lục về việc phản đối lợi ích của tập đoàn; Bình luận về 7 đại gian hùng trong lịch sử Trung Quốc;… Hầu hết những tác phẩm của ông đều mang tính chất phản đề, “nói ngược”. Và cũng vì những cuốn sách này, người ta đã coi Mai Triêu Vinh là nhà bình luận lịch sử xã hội sắc sảo.

Gần đây, cuốn sách Mai Triêu Vinh bình luận về Gia Cát Lượng đã gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Lần đầu tiên một học giả đã trên giấy trắng mực đen công khai tuyên bố Gia Cát Lượng là kẻ ngụy quân tử, đầy thủ đoạn, giả nhân giả nghĩa nhằm đạt bằng được dã tâm chính trị của mình. Cuốn sách thực sự là một cú sốc lớn bởi lẽ lâu nay Gia Cát Lượng vẫn tồn tại như một điển hình về sự mưu trí tuyệt đỉnh.



Gia Cát Lượng "diễn trò" trước các mưu sĩ Giang Đông


Ý kiến về cuốn sách do vậy rất trái ngược. Người tung hô, cho rằng đây là kiến giải mới mẻ, lập luận thuyết phục, là những phản đề đầy giá trị. Kẻ cho rằng đó chỉ là cách “làm tiền” lộ liễu… Đoạn trích dưới đây thuộc phần 12 chương II và phần thứ nhất chương III trong cuốn sách đó.

“Giả thần mượn quỷ”


Trong thời kỳ Tam Quốc, Gia Cát Lượng được mọi người công nhận là kẻ “thông hiểu thần thánh”. Trong hồi thứ 49 Tam quốc diễn nghĩa nói đến việc ông mượn gió Đông, hỏa thiêu Xích Bích, đại phá 80 vạn quân Tào Tháo. Gia Cát Lượng tự kể: “Từng gặp đạo nhân, được truyền thụ kỳ môn độn giáp, có thể hô phong hoán vũ”. Nhưng thật ra đây chỉ là một mánh khóe nhằm lừa bịp Chu Du mà thôi.





Gia Cát Lượng chẳng qua đã lợi dụng sự mê tín của mọi người đối với thần thánh để giở trò huyễn hoặc. Công bằng mà nói, ông là người cực kỳ thông minh, giỏi nắm bắt cơ hội. Những gì ông làm thường rất giản đơn, nhưng ông ta che che đậy đậy, lúc ẩn lúc hiện khiến cho mọi người không biết đâu mà lần ra đầu mối. Những điều thực ra rất giản đơn, ông biết cách làm cho nó trở nên rắc rối, khó hiểu.


Mỗi khi Gia Cát Lượng điều binh khiển tướng, đều có một chút gì đó thần bí. Không phải chỉ đơn giản trao túi gấm cho tướng lĩnh, mà còn sẵn sàng lắng nghe những kháng nghị của họ. Điều này làm cho các tướng lĩnh cũng như binh sĩ không hiểu rõ ràng toàn bộ diễn biến của chiến cục. Thuộc hạ chỉ còn biết “y kế” mà hành sự. Tác dụng của việc làm như thế là khiến cho mọi người có cảm giác thần bí về Gia Cát Lượng, trở thành một quân cờ trong tay ông, không nắm được toàn bộ chiến lược nên thiếu hẳn tinh thần hợp tác. Hai mặt này hiển nhiên sự nguy hại của cái sau lớn hơn so với cái trước rất nhiều.


Vô vị nhất là việc mượn gió Đông. Khi mọi người đồng tâm đồng sức kháng Tào, Gia Cát Lượng lại lợi dụng một chút hiểu biết về thiên văn của mình để giở mánh khóe lừa bịp ba quân. Đăng đàn làm phép, làm trò huyễn hoặc, thần thánh hóa bản thân mình để đạt được mục đích chính trị. Khoa trương công lao của bản thân, cướp đoạt công lao to lớn của Hoàng Cái và Chu Du, tựa hồ thắng lợi trong trận hỏa thiêu Xích Bích hoàn toàn là do việc Gia Cát Lượng làm phép mà đem lại. Bao nhiêu khó nhọc vào sinh ra tử của các tướng lĩnh và hàng vạn binh sĩ trở thành một vở kịch trên sân khấu.


Một tướng như Gia Cát Lượng đã khiến cho sự nghiệp của Thục Hán gặp rất nhiều gian truân. Trận Đương Dương chính là một ví dụ. Đương nhiên nếu đọc Tam quốc diễn nghĩa mà chỉ thấy miêu tả Triệu Vân xả thân cứu A Đẩu, Trương Phi hét lớn lui quân Tào trước cầu Tràng Bản… Như thế chính là tác giả muốn che giấu sự bất tài của Gia Cát Lượng. Vốn là Tào Tháo truy kích thắng lợi, nhưng trong tác phẩm ngược lại, quân Lưu Bị ở đâu cũng chiếm được thượng phong. Thực tế trong trận Đương Dương, Gia Cát Lượng không hề giành được thắng lợi nào về mặt chính trị. Bởi vì lần này là đánh trực diện ông không có cách nào giở trò bịp bợm ma quỷ được. Cuối cùng không thể không nhắc tới câu nói thẳng thắn trong Tam Quốc chí Gia Cát Lượng truyện: “Tại Hạ Khẩu, Lượng nói: Việc rất gấp, hãy phục mệnh đi cứu Tôn tướng quân”.


Gia Cát Lượng giở trò quỷ thần, lừa dối chỉ là nhất thời, ông không thể lừa được cả đời.


Gia Cát Lượng gặp Lưu Bị khi Cửu Châu đang hỗn loạn, anh hùng khắp nơi nổi lên. Quân thần tương ngộ, như cá gặp nước. Nhưng không thể cùng quân Tào tranh thiên hạ đành vứt bỏ Kinh Châu, lui về Ba Thục, dụ dỗ cướp nước của Lưu Chương, giả liên minh với quân Ngô, cùng khổ giữ đất Kỳ Sơn, tiếm quyền ở những nơi xa xôi… đó là kế sách của những kẻ hèn mọn.


“Nhân giả, nghĩa cũng giả theo”


Con người có thất tình lục dục, khóc và cười vốn đối lập. Từ khi con người oa oa chào đời, âm thanh đầu tiên mang đến thế giới là “tiếng khóc”, tới khi con người đi hết cõi đời, âm thanh cuối cùng lưu lại dương gian cũng là “tiếng khóc”. “Khóc”, trên thực tế là một bản năng của con người. Khi buồn thương khóc, khi vui sướng cũng khóc. Khóc đã trở thành cách biểu hiện tình cảm nội tâm,


Khóc, thuở bé không phân biệt giới tính, bé trai bé gái đều có thể khóc bất cứ lúc nào, đến khi thành niên, khóc dường như trở thành độc quyền của nữ giới, đàn ông thì nhất định “có nước mắt nhưng không dễ để rơi”, phụ nữ khóc lại là “cành hoa lê mùa xuân điểm chút mưa”.


Khi đã thành gia thất, đàn ông có chuyện bực bội, cùng lắm chỉ có thể đạp cửa mà đi, uống say xỉn rồi về. Nhưng tuyệt đối không thể để rơi nước mắt đau khổ. Phụ nữ thì lặng lẽ rớt nước mắt, âm thầm sầu não. Thảo nào có người nói: trẻ con dùng nước mắt để đối phó với người lớn, phụ nữ lấy nước mắt để đối phó với đàn ông, còn đàn ông thì sao? Chỉ có thể dùng nước mắt để đối phó với thế giới! Trong tiếng khóc, họ giải toả áp lực, thách thức số phận.




Chuyện thiên hạ đâu chỉ "luận bàn" qua tiệc rượu!


Khóc và cười là một cặp biểu tượng tình cảm đối lập. Con người có thể khóc khi vui sướng, cũng có thể cười khi đau đớn. Tào Tháo gặp khó khăn cũng có khóc và cười. Chiến bại Xích Bích là giao lộ của tính mệnh. Nhưng tác giả không tập trung miêu tả vào mưu kế để thoát thân mà lại tập trung miêu tả ba lần họ Tào cười lớn trên đường tháo chạy.


Lần thứ nhất, ở “phía tây Ô Lâm”, Tào Tháo ngồi trên ngựa “ngửa mặt cười không dứt”, Tào nói; “Ta không cười người khác, chỉ cười Chu Du vô mưu, Gia Cát Lượng thiểu trí. Nếu là lúc ta dụng binh, ta sẽ cho một đội quân mai phục ở đây, như thế chẳng hơn ư?” Nói chưa dứt, Triệu Tử Long đột nhiên xông ra, khiến cho sự đắc chí của Tào Tháo phải nhanh chóng “hạ mã uy”.


Lần thứ hai, ở “Hồ Lô khẩu”, Tào Tháo ngồi dưới một khu rừng thưa, ngửa mặt cười lớn, lại chê Gia Cát Lượng, Chu Du trí mưu chưa đủ, kết quả là Trương Dực Đức xuất hiện làm cho ông ta hồn xiêu phách tán. Không chỉ tổn thất nghiêm trọng, đến cả ngựa xe, quân lương cũng bị cướp.


Lần thứ ba, trên “đường nhỏ Hoa Dung”, Tào Tháo lại cười Gia Cát Lượng, Chu Du là “loại vô năng”. Đang cười thì Vân Trường cầm đao đứng sừng sững trước mặt, ông ta cười không thành tiếng, chỉ còn biết cúi đầu cầu xin tha mạng.


“Ba lần cười” này trong tiểu thuyết có thể nói là tuyệt bút. Tuy có thể thấy Gia Cát Lượng dụng binh vô cùng kỳ diệu, nhưng Tào Tháo so với những người khác cũng rất đáng nể vì. Thân lâm cảnh hiểm, vẫn có thể cười, chế giễu đối thủ của mình thiếu trí tuệ cơ mưu. Nếu là người khác, chỉ e chạy thoát thân còn chẳng kịp, huống hồ trong những trường hợp như vậy. Đặc biệt là ba lần cười của ông ta, càng khiến cho người ta vỗ bàn mà khen là tuyệt bút. Quân ít ngựa thiếu, bản thân không còn lực để tiếp tục chiến đấu mà Quan Vũ thần dũng vô song, chém Nhan Lương, giết Văn Sú nếu như dùng biện pháp cứng rắn thì hung nhiều hơn cát.


Tục ngữ nói, kẻ thức thời mới là tuấn kiệt. Đến bước đường cùng, Tào Tháo đã dùng tình nghĩa để làm mềm lòng Quan Vũ, cầu xin được mở cho một con đường sống. Bởi vì ông ta trong quá khứ đã từng có ân với Quan Vũ mà Quan Vũ lại là con người lấy “nghĩa” làm đầu. Cuối cùng Tào Tháo đã tự mình hóa giải nguy nan. Có thể khuất phục được nhân tài ấy chính là đại trượng phu, cách xử sự với mọi người của Tào Tháo thể hiện điều đó.


(Còn tiếp)


Tiểu Vũ (Lược dịch từ cuốn sách Mai Triêu Vinh bình luận về Gia Cát Lượng)