Những mỹ nữ K – Star “đánh chiếm” Thiếu Lâm Tự

K-STAR (Kungfu star) – "Ngôi sao võ thuật" là chương trình thi võ thuật Trung Quốc có quy mô thế giới được tổ chức lần đầu năm 2006. Năm nay là năm thứ hai diễn ra chương trình này và là lần đầu tiên các nữ võ sĩ được phép khoe tài.




Bóng hồng trên Thiếu Lâm Tự


Như vậy nghĩa là người ta không chỉ háo hức chờ xem ai là Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan mới, mà giới mê phim võ thuật còn khấp khởi chờ đón những thế hệ tiếp theo của Dương Tử Quỳnh, Chương Tử Di… Bởi những người chiến thắng sẽ có cơ hội trở thành ngôi sao kungfu mà các bộ phim võ thuật đang sẵn sàng đợi họ.


Điều thú vị là 36 võ sĩ lọt vào vòng chung kết – trong đó có 9 mỹ nữ - được trải qua khóa huấn luyện kéo dài 7 ngày tại địa danh huyền thoại Thiếu Lâm Tự.


Vậy chuyện sinh hoạt và luyện tập của các nữ võ sĩ tại ngôi chùa nổi tiếng hơn 1000 năm nay không cho phép nữ giới đóng cửa tu luyện này đã diễn ra như thế nào?


1. Chuyện vui


Khi ăn cơm không được nói chuyện, chỉ được ra hiệu bằng tay


Nói đến việc sinh hoạt 7 ngày trong Thiếu Lâm tự, các ngôi sao kungfu nữ đua nhau kể, chuyện thú vị nhất là chuyện trong các bữa ăn. Peiling, cô gái người Mỹ dù mới ăn vài bữa ở trai đường nhưng tỏ ra rất hào hứng. Cô bảo: Cực kỳ thơm ngon, giống như là những món ăn mẹ tôi tự tay làm vậy. Còn nữ võ sĩ có ngoại hình rất giống Dương Tử Quỳnh tên là Lý Á Quân đến từ Thâm Quyến thì nói: Có lẽ vì các cô gái luôn chú ý đến chế độ ăn uống để giữ hình thể đẹp, nên việc không được ăn thịt ở đây cũng không là trở ngại gì lớn lắm. Huống hồ đồ ăn ở Thiếu Lâm Tự được nấu rất ngon, cà cũng thơm hơn thịt nữa.


Có điều việc ăn uống ở Thiếu Lâm Tự không được tùy tiện thoải mái như bình thường. Dĩ nhiên ,vì đây là nơi đất thiêng của nhà Phật, quy tắc cũng tương đối nhiều.


Ví dụ, trong trai đường chỉ được nói “lưỡng cú bán thoại”. Lưỡng cú – hai câu – là lời của người chủ trì nói. Trong trường hợp có việc thật gấp, mọi người chỉ có thể nói nhỏ với nhau. Đó gọi là bán thoại.


Khi xới cơm cũng không được nói, chỉ có thể ra hiệu. Nếu cơm ít, dùng ngón cái bấm vào ngón út để thể hiện. Nếu không đủ ăn, thì mang bát không tới trước mặt sư phụ đầu bếp, để nói rằng muốn ăn thêm bát nữa.


36 tuyển thủ cũng gặp không ít chuyện dở khóc dở cười. Một võ sĩ người nước ngoài do không quen ăn bánh bao, ăn mãi không được, khổ sở phát khóc. Đơn giản vì Thiếu Lâm Tự không cho phép lãng phí lương thực, lấy bao nhiêu thức ăn phải ăn bằng hết.




Quyền cước mỹ nữ


2. Chuyện đáng tiếc


Hàng ngàn năm nay, Thiếu Lâm Tự không cho phép phụ nữ vào chùa, lần khóa cửa tu luyện này, ngoài cơ hội được học võ Thiếu Lâm chính tông ra, 9 nữ võ sĩ có được quyền ở lại trong chùa không ?


“Không được, có lẽ là vì không tiện lắm. Mọi người đều không được ở trong chùa mà ở trong một khách sạn gần đó.” – Điền Điêu Hiệp – một cô gái trong đoàn kể. “Tuy chúng tôi vẫn được học ngồi Thiền chỉ tiếc là không được học tập trong Thiếu Lâm Tự, mà ở Am Sơ Tổ, do nữ sư phụ ở đó hướng dẫn”.


Thiền là gì ? Mấy ngày tập ngồi liệu các cô gái sẽ ngộ ra được bao nhiêu về Thiền ? Vốn là vận động viên cấp I quốc gia, Điền Điêu Hiệp nói, “Thời gian quá ngắn, tôi cũng chưa hiểu lắm, có điều tôi nghĩ, Thiền chính là một trái tim bình thường, cũng giống như mang một tâm thái học tập để tham gia cuộc thi, còn chuyện được nổi tiếng hay bị loại không phải là điều quá quan trọng.”


3. Chuyện khó nói


Lần này, Thiếu Lâm Tự đã phái 18 vị La hán tới giúp 36 ngôi sao kungfu luyện tập.


So với các võ sĩ nam, các cô gái kungfu phải nỗ lực hơn rất nhiều vì sự “phân biệt đối xử” mà các thầy không thể không theo. Thế nên dù võ công của các sư phụ đều rất cao cường nhưng không khỏi có những điều khiến các cô gái bất mãn.


Một trong những giới luật của chùa là không được phép gần nữ sắc. Vì giới luật này mà giữa 9 cô học trò và các sư thầy kungfu đã xảy ra không ít chuyện khó nói.


“Ví dụ, ban đầu chúng tôi không để ý, khi gọi sư phụ chúng tôi vẫy tay. Chuyện này ngoài đời thì rất bình thường. Nhưng ở đây các sư phụ để ý lắm, bắt bỏ tay xuống ngay. Những chỗ chúng tôi chạm vào, các sư phụ còn dùng ngón tay phủi đi. Rất buồn cười.”


Nếu nam tuyển thủ tập động tác nào chưa đúng, sư phụ có thể đích thân chỉnh lại, nhưng là nữ thì không được, sư phụ sẽ đứng từ rất xa, sau đó giơ tay chỉ bạn, làm thế này không đúng, làm thế kia không đúng… Trong chuyện này, làm các cô gái quả là thiệt thòi!


Thời gian biểu của 36 tuyển thủ:


4.30 sáng: ngủ dậy, tập hợp.

5h: Đến Thiếu Lâm Tự chờ sư phụ, sau đó chạy bộ hoặc nhảy ngựa (lúc này trời vẫn chưa sáng hẳn).

7h: Ăn sáng.

7.45: Bắt đầu đóng cổng, tập bài tập buổi sáng hoặc học Thất tinh quyền, Thiếu Lâm côn hoặc ngồi Thiền, học vẽ.

12h: Ăn trưa.

1h chiều: Luyện tập kungfu hoặc bài vác nặng leo núi.

5h40: Thu quân trở về.

6h: Ăn tối.

7h: Diễn tập tiết mục ngoài trời.

Thời gian nghỉ ngơi buổi tối: sớm nhất 11h, muộn nhất là 12h.


Thông tin thêm về K-STAR


Được biết, “Ngôi sao võ thuật truyền hình toàn cầu 2007” do công ty truyền thông Thâm Quyến, công ty TNHH truyền bá văn hóa Thiếu Lâm và Đài truyền hình Hongkong TVB phối hợp tổ chức.


Cuộc thi được tuyển chọn tại 3 địa điểm trong Trung Quốc lục địa là núi Võ Đang, núi Nga Mi và núi Hoa Sơn. Ngoài ra còn có các vận động viên được chọn từ: Mỹ, Australia, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia và ba đặc khu hành chính: Hongkong, Đài Loan, Macao. 36 tuyển thủ được lựa chọn đến Thiếu Lâm Tự bái sư học nghệ lần này sẽ tiếp tục được đến Tây Tạng thi đấu tiếp.


Riêng với các mỹ nữ đánh võ, một hợp đồng đầy hứa hẹn sẽ được trao cho một trong ba nữ võ sĩ tài giỏi nhất, đó là vai diễn trong bộ phim lịch sử dài 30 tập có tên “Thiếu Lâm tăng binh”, với bạn diễn là ngôi sao điện ảnh xuất thân võ lâm thế gia Hồng Kim Bảo (Sammo Hung).


Sở dĩ cuộc thi được phát động vì nguy cơ thiếu các diễn viên kungfu tài năng. “Phim kungfu hiện đang ở thời điểm thoái trào”, ông Hồng Kim Bảo, diễn viên kỳ cựu đồng thời là đạo diễn chỉ đạo võ thuật nhận định. Chính vì vậy, ông rất chờ đợi cuộc thi có thể tìm ra được những diễn viên kungfu có tiềm lực, mặc dù ông cũng biết rõ rằng để trở thành một ngôi sao kungfu thực sự không chỉ biết đánh võ giỏi mà còn đòi hỏi những tố chất tổng hợp, “đặc biệt là với điện ảnh, phải có chút duyên và sự hiểu biết nữa”.


Tham gia vào quảng bá và ủng hộ cho chương trình còn có các gương mặt lừng lẫy của “giới võ hiệp” như: Kim Dung, Từ Khắc, Thành Long, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan…


Anh Sa (Tổng hợp)