Ân tình

Trong nguyên tắc của thương yêu thì đòi hỏi chủ thể phải có khả năng thương yêu và đối tượng phải thật sự xứng đáng để được thương yêu. Nhưng nếu chủ thể vẫn giữ được khả năng thương yêu mà đối tượng lại đánh mất tính đáng yêu, không thể đáp ứng với nhu cầu ban đầu của chủ thể, thì coi như đối tượng đã tự rút lui ra khỏi nhu yếu muốn được thương yêu của mình và đương nhiên không thể đòi hỏi chủ thể phải giữ mức yêu thương như vậy mãi. Điều này cũng dễ hiểu, bởi muốn được thương yêu thì phải đáng yêu. Đối tượng nếu cứ dậm chân tại chỗ hay tuột dốc trong khi chủ thể vẫn luôn tỏa sáng và đi tới thì chắc chắn chủ thể sẽ bỏ xa đối tượng.

Như vậy đối tượng chịu hết trách nhiệm sao? Không đâu, chính chủ thể cũng gánh chung phần trách nhiệm. Nếu tình thương yêu của chủ thể đủ chân thành, đủ mạnh mẽ hay đủ lấp lánh nhiệm mầu thì có thể lay chuyển và nâng đỡ đối tượng cùng bay lên một lượt với mình. Tại vì trong thương yêu phải có sự dẫn dắt, uy lực thương yêu của bên nào mạnh hơn thì sẽ kéo được bên kia theo. Đằng này khi thương yêu mà chủ thể không hiểu được đối tượng của mình, không giúp cho đối tượng luôn giữ được tính đáng yêu và khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn trong đối tượng để nâng lên cho luôn ngang bằng với mình thì chủ thể chưa thể hiện trọn vẹn vai trò thương yêu.

Nếu cả hai đều cố gắng đắp bồi thì chắc chắn tình thương sẽ nhanh chóng kết thành hoa trái, còn một bên thiếu cố gắng mà bên kia không chịu nâng đỡ hay không đủ sức nâng đỡ thì sự đổ vỡ có thể sẽ xảy ra. Trong trường hợp này cả hai đều có lỗi, mặc dù một bên có lỗi nhiều hơn. Cho nên trong khi thương yêu một người nào ta hãy luôn tự hỏi năng lực thương yêu trong ta có đủ lớn để sẵn sàng ôm ấp và nâng đỡ khi người kia yếu kém hay rớt xuống không? Đó chính là chất liệu của ân tình. Ân tình là thứ keo sơn bền chắc chống lại sự rò rỉ của chất độc ích kỷ trong trái tim khi rơi vào tình trạng yếu đuối hay trước tác động tha hóa mãnh liệt của môi trường.

Thông thường khi ta đáp ứng được những tiêu chuẩn của đối tượng đưa ra thì ta nghĩ rằng mình đã có đủ khả năng thương yêu. Điều đó không chắc. Đôi khi chính đối tượng cũng không đủ sự hiểu biết chín chắn về những tiêu chuẩn để nuôi dưỡng một tình thương chân thật bền vững, nên những điều kiện họ đưa ra phần lớn chỉ nhằm phục vụ cho nhu yếu của chính bản thân họ mà thôi. Thậm chí những điều kiện của họ còn nguy hại đến tiến trình xây dựng hạnh phúc lứa đôi như là phải có thật nhiều tiền bạc hay các tiện nghi vật chất sang trọng để tranh đua với bạn bè, hoặc phải có danh dự hay địa vị trong xã hội để bước ra đường ai nấy cũng kính trọng. Chính vì muốn đáp ứng nguyện vọng của đối tượng thương yêu mà chủ thể đã bỏ ra rất nhiều thời gian, năng lực, tài năng và cả phẩm chất quý báu trong tâm hồn để đánh đổi. Kết quả là tuy mang về được những thành tựu như đối tượng mong đợi, nhưng năng lượng của chủ thể đã cạn kiệt nên không còn đủ sức để thương yêu.

Trong khi bản chất của thương yêu thì phải có ba chất liệu căn bản: tươi mát, vững chãi và thảnh thơi. Khi người kia ngồi bên ta mà lúc nào cũng tiếp nhận được năng lượng bình an và mát mẻ trong ta thì ta đích thực là điểm tựa cho cuộc đời họ. Ánh mắt, nụ cười, hơi thở, giọng nói, cử chỉ… của ta đều biểu lộ một sức sống tiềm tàng để người kia quay về nương náu sau những cuộc tranh chấp căng thẳng ngoài xã hội. Người ngoài có thể đem tới cho người kia bao phiền hà rắc rối, nhưng gia đình phải là mái ấm sẵn sàng che chở và nuôi dưỡng khi người kia rơi vào tình trạng hao hụt tinh thần. Nếu một ngày ta lên xuống tới năm bảy lần, khi thế này khi thế khác, trong tâm lúc nào cũng đầy dẫy những năng lượng căng thẳng lo âu hay bực bội khó chịu thì người kia sẽ không dám tới gần ta, ngồi bên ta mà họ luôn cảm thấy mất mát. Cho nên nếu ta không có những chất liệu căn bản quan trọng đó thì càng thương yêu ta càng làm cho người kia đuối sức.

Như vậy để chủ thể giữ vững vị trí thương yêu thì phải cần đến sự giúp đỡ của đối tượng. Đối tượng phải nhìn sâu trong bản chất của những điều kiện mà mình đã đưa ra có phải thật sự là để nuôi lớn cây tình yêu hay chỉ vì thỏa mãn cho cảm xúc của chính bản thân mình. Ta phải thông minh và can đảm để buông bỏ bớt. Càng buông bỏ thì đời sống lứa đôi càng thêm sức sống. Nếu ta thực sự thương người kia thì ta đừng để người kia gánh vác một mình, hãy giúp đỡ bằng cách lấy bớt những khó khăn mà ta đã vô tình quẵng lên vai họ. Thái độ san sẻ đó sẽ khiến cho người kia biết ơn và đi theo ta suốt đời mà không cần phải cố gắng tạo thêm nhiều sức cuốn hút từ những cảm xúc yêu đương nồng cháy.

Trong trường hợp đối tượng không bảo tồn được tính đáng yêu thì chủ thể cũng phải có trách nhiệm hết lòng nâng đỡ. Cuộc sống bận rộn với quá nhiều nhu yếu tiện nghi nên khiến đối tượng đánh mất ý thức giữ gìn những phẩm chất mà chủ thể đã một thời yêu thích và tôn thờ. Ngày xưa ta yêu người ấy vì người ấy có giọng nói thật hiền hòa, có ánh mắt dịu ngọt, có khả năng lắng nghe sâu, có lòng khoan dung rộng rãi… Nhưng con người đáng yêu ấy bây giờ đâu rồi? Ta ít chịu ngồi xuống thật yên để thấy được nguyên nhân sâu xa nào đã khiến cho người kia trở nên như vậy thay vì chỉ biết trách móc, giận hờn hay tìm cách loại trừ khi không được thỏa mãn. Đôi khi chính những đòi hỏi ích kỷ trong ta đã làm cho người thương của ta xuống cấp trầm trọng như vậy mà ta không hề hay biết.

Nếu ta nói ta thương người kia mà không chịu quay về giúp đỡ, chỉ muốn người kia làm theo ý ta thôi thì đó không phải là tình thương chân thật. Trong bản chất của tình thương chân thật phải có chất liệu của sự nâng đỡ, của hy sinh, của hiến tặng. Có lẽ vì thế mà mối liên hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái không bao giờ có thể rứt ra được. Người tây phương chưa có danh từ “ân tình” trong từ điển. Có thể họ quen cách sống sồng phẳng, đổi chác nên khi thấy người kia không còn gì cho họ nữa thì họ rút lui ngay. Cái đó gọi là hưởng thụ chứ đâu phải thương yêu. Bởi vì thương yêu là phải chịu hết trách nhiệm về người mình yêu.

Ta nên ký kết với người thương của ta một bản hiệp ước sống chung để bảo vệ phẩm chất cho nhau. Ta có thể nói với người kia: “Này em, nếu em thực tình thương yêu anh, lo cho anh thì xin em đừng tưới tẩm vào anh những năng lượng nguy hại như căng thẳng, giận hờn, nghi ngờ, sợ hãi… Trong anh đã có sẵn những hạt giống đó, nếu nó lớn dậy thì anh sẽ khổ, mà anh khổ thì sẽ làm cho em khổ theo. Và anh cũng hứa sẽ luôn ý thức trong khi nói năng, hành động và kể cả tư duy để không vung vãi vào em những rác rến độc hại có tính chất hủy diệt mầm sống trong em, vì anh biết nếu em khổ thì anh cũng khổ lây. Chúng ta hứa với nhau chỉ nên làm những gì hay không nên làm những gì có tính chất tưới tẩm những hạt giống tích cực, hạt giống của hiểu biết và thương yêu cho nhau thôi”.

Một người khô héo thì đau khổ rất nhiều. Họ đã không biết xử lý niềm đau nỗi khổ, không biết cách ôm ấp và chăm sóc vết thương đang lầy lội nên để nó tràn lấp ra những người chung quanh. Trong quá khứ ta đã không giúp đỡ họ. Ta đã không thực tập tưới tẩm có chọn lựa. Nếu ta biết tưới tẩm những hạt giống tích cực trong người kia mỗi ngày thì người kia đâu có tệ như bây giờ. Người kia có thể đang ở trong ngục tù tăm tối, rất khổ sở vì giận lấy bản thân mình và bị người bỏ rơi. Người thương của ta là một phần của cuộc đời ta. Ta phải có trách nhiệm giữ gìn. Giữ gìn cho người kia cũng chính là giữ gìn cho ta. Vậy ta còn chần chừ gì nữa mà không mau trở về giúp đỡ người kia. Họ đang trông cậy vào ân tình của ta đó, nếu ta không giúp thì ai giúp bây giờ?

Xin có mặt cho người
Bằng tất cả trong tôi
Phút giây này tỉnh thức
Với ân tình chưa vơi

Bài viết của Minh Niệm

Kiencanghp sưu tầm :p