Trong 10 năm tới, thế giới sẽ bị đe doạ bởi những trận động đất cực mạnh mà về phạm vi ảnh hưởng tương tự như thảm hoạ sóng thần đã xảy ra dọc bờ biển Indonesia năm 2004 - hậu quả đã có hàng trăm ngàn người chết và mất tích. Đây là lời cảnh báo của các nhà khoa học Nga, những người đã thành công trong việc tạo ra một mô hình nghiên cứu hiện tượng động đất.
ĐỘNG ĐẤT CỰC MẠNH TRONG 10 NĂM TỚI?
Trong 10 năm tới, thế giới sẽ bị đe doạ bởi những trận động đất cực mạnh mà về phạm vi ảnh hưởng tương tự như thảm hoạ sóng thần đã xảy ra dọc bờ biển Indonesia năm 2004 - hậu quả đã có hàng trăm ngàn người chết và mất tích. Đây là lời cảnh báo của các nhà khoa học Nga, những người đã thành công trong việc tạo ra một mô hình nghiên cứu hiện tượng động đất.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu quốc tế Moscow về lý thuyết dự báo động đất và vật lý địa cầu thuộc Viện hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã tạo ra một thuật toán cho phép dự báo ở đâu và khi nào có thể xảy ra động đất mạnh. Cộng tác viên khoa học hàng đầu của Viện là TS toán-lý Vladimir Cosobokov đã công bố điều đó trong cuộc hội thảo quốc tế của Hiệp hội vật lý địa cầu Châu Âu, được tổ chức tại Viên (Áo) vào đầu tháng 8 năm 2008 - theo tạp chí khoa học New Scientist của Anh.

Các nhà khoa học đã xác định được rằng, những trận động đất mạnh nhất đều có tính chu trình và độ mạnh của chúng sẽ tăng lên ở cuối chu kỳ. Nhờ sử dụng mô hình của mình, các nhà nghiên cứu Nga đã đi đến kết luận rằng thảm hoạ địa chấn tiếp theo sẽ xảy ra trước năm 2018 và những hậu quả của nó cũng không thua kém trận động đất ven bờ đảo Sumatra (Indonesia) năm 2004.

Nhắc lại rằng, vào ngày 26 tháng 12 năm 2004 tại Ấn Độ Dương phía Tây đảo Sumatra (Indinesia) đã xảy ra một trận động đất mạnh 9-9,3 độ Richter - đây là trận động đất mạnh thứ hai trong vòng một trăm năm qua. Cơn sóng thần tiếp theo sau đó đã cướp đi sinh mạng của 280 ngàn người và có hơn ba triệu người mất nhà cửa và tài sản. Indonesia đã bị thiệt hại nhiều nhất bởi những đợt sóng 30 mét. Các nước khác đã chịu hậu quả lớn gồm có: Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Srilanca, Bangladesh, Mianma, Somalia, Tanzania, Kenia, Nam Phi và Yemen. Có hơn 7 ngàn khách du lịch nước ngoài đã bị thiệt mạng tại những khu nghỉ mát.

Trong bản dự báo của các nhà khoa học Nga thì đảo Sumatra (Indonesia) cũng được nêu lên trong số 5 tâm chấn xác suất cao của trận động đất mạnh có thể xảy ra. Ngoài ra, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, thảm hoạ được dự báo có thể xảy ra ở phần Tây biên giới giữa Hoa Kỳ và Canada, ở Chi Lê, Kashmir và ở Ấn Độ Dương gần quần đảo Andaman.

Mặc dù khoa địa chấn học đương đại đã tiến xa về phía trước, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể dự báo được các trận động đất với xác suất cao. Và cả dự báo của các chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu nói trên của Nga cũng chưa đạt được độ chính xác lớn.

Bản chất của những thảm hoạ địa chấn lớn là rõ ràng: chúng xảy ra ở những nơi đứt gãy kiến tạo đã được hình thành sau hàng triệu năm. Vỏ Trái Đất bị vỡ ở những nơi va chạm của những tấm khuôn cầu khổng lồ. Và hiện thời đã biết các khu vực địa chấn nguy hiểm. Tuy nhiên, những bộ óc xuất sắc nhất của nhân loại cũng chưa thể tính toán được thời điểm xảy ra động đất mạnh với độ chính xác đến ngày tháng, thậm chí đến năm cụ thể.

Việc dự báo khoa học trung hạn của hoạt động địa chấn khá tin cậy đối với một số năm trước mắt và sẽ được xem xét lại sau từng thời kỳ nửa năm. Ngành địa chất Hoa Kỳ cũng phải thừa nhận rằng, việc dự báo động đất ngắn hạn là chưa thể được, ít nhất là trong vòng nửa thế kỷ tới.


Lê Bình (Theo báo Nga Pravda)