Chí-Tôn Ca - Bhagavad Gìtà 3
Nguyễn Quỳnh USA

ĐỐI-THOẠI TÁM

BẢN-NGÃ VÔ-THƯỢNG

VĨNH-CỬU

Aksharabrahmayoga

15. Krishna: “Đến với Ta, những ai có Tâm vĩ-đại ... những người
thoát cảnh luân-hồi. Luân-hồi là cái nhà bất-hạnh.”
ARJUNA thưa

1. Bạch Đức Thế-Tôn. Đấng Vô-Thượng ấy là gì? Tâm-tư sâu-thẳm hay Đại-ngã (Adhhyàtman) là gì? Nghiệp (Karma) là gì? Những đẳng-tính thấp của Đấng Vô-Thượng là gì (Addhibùtam)? Những đẳng-tính linh-thiêng của Đấng Vô-Thượng là gì?

2. Bạch Đức Thế-Tôn. Ai làm những hạnh hi-sinh trong xác-thân này (Dehe) và làm ra sao? Lúc lìa đời (Prayànakàle) làm sao vị Sa-môn (Yogins) biết được Người?

ĐỨC THẾ-TÔN

3. Đấng Chí-Tôn là Đấng Vô-hủy diệt. Đấng Chí-Tôn là bản-ngã tự-nhiên của mỗi người, và cũng là nguyên-khởi của muôn-loài. Còn Nghiệp (Karma) là Sinh (Visargas)1.

4. Đấng Chí-Tôn Vô-hủy diệt. Đấng Chí-Tôn (Adaidàivatam) là Bản-ngã Linh-thiêng Tối-thượng. Đấng Chí-tôn thực-hành những hạnh Hi-sinh (Adhiyajnas) chính là Ta, ngay trong thể-xác này.

5. Người nào nhớ đến Ta ở lúc lâm-chung (Antakàle), thì sau khi đã lià thân-xác, người ấy đến với bản-ngã của Ta (Madbhàvam). Điếu này không còn hồ-nghi (Samsayas) gì nữa.

6. Này Nam-tử Kuntì. Ở lúc lià đời người ấy tưởng cái gì thì đi về cái đó. Nghĩa là sau khi chết, người ấy luôn luôn chuyển thể (Bhàvitas).

7. Nếu thế thì hãy luôn luôn cố-gắng (Yudhya) tưởng đến Ta. Để Tâm và Trí (Manobuddhis) về Ta. Đó là cách chắc-chắn nhất để nhà ngươi đến bên Ta.


8. Này Nam-tử Prithà. Nhờ có tâm trong hành Đạo (Yoga), tâm-trí trì-cửu, người ấy đến với Tinh-thần Vô-thượng, thiền-định về Đức Thế-Tôn2.

9. Ai nghĩ đến Đấng Trị-vì Minh-triết Vĩnh-cửu 3, Đấng huyền-vi li-ti nhất (Anos)4, đồng thời cũng là Đấng phù-trì vạn-vật có hình-hài huyễn-ảo (Acintyrùpam), ngời sáng như mặt trời ra khỏi vùng tăm-tối (Tamasas).5

10. Ở lúc lâm-chung, với tâm-trí ngưng vận-chuyển (Acalena), với lòng ngưỡng-mộ kiên-trì (Yuktas), và với sức mạnh của Đạo (Yogabalena), người ấy để hơi thở chuyển-động đúng giữa hai chân mày thì người ấy thể nhập vào Tinh-thần Vô-thượng (Param purusam) linh-thiêng (Divyam).

11. Điều ấy theo kinh-ngữ Vệ-đà gọi là Vô Hủy-diệt. Các nhà đạo-hạnh thánh-thiện, không còn đắm-mê, bước vào Vô Hủy-diệt, khát-khao Vô Hủy-diệt trong khi suốt đời trai-giới (Brahmacaryam). Ta sẽ cắt nghĩa thêm cho nhà ngươi về con đường này.

12. Hảy điều ngự mọi quan năng6 (Dvàràni). Ngưng tư-tưởng. Để cho không-khí chuyển lên óc. Nhập thiền (Àsthito yogadhàranàm)7.

13. Hãy phát âm tiếng Linh-thiêng ‘Ôm’, rồi trầm-mặc nề Ta. Cứ thế, từ bỏ thân-xác (Deham), tiến về Mục-đích Vô-thượng8.

14. Này Nam-tử Prithà. Tâm-trí ai thực-sự chỉ nghĩ về Ta, người đó là vị Sa-môn hoàn-toàn kỉ-luật (Nityayuktasya), thì người đó dễ đến (Sulabhas) với Ta lắm9.

15. Đến với Ta, những ai có tâm vĩ-đại (Mahàtmànas), những ai đã đạt hoàn-thiện (Samsiddhim) cao-khiết là những người thoát cảnh luân-hồi (Punarjanna). Luân-hồi là cái nhà bất-hạnh (Duhkhàlayan).

16. Này Arjuna. Để tới miên Vô-thượng thì thế-gian (Lokàs) phải lụy vào nhiều kiếp luân-hồi (Punaràvartinas). Nhưng, này Nam-tử Kunti, đến với Ta không còn luân-hồi nữa.

17. Ai biết rằng một ngày của Phạm-thiên (Brahmanas) bằng một ngàn niên-đại (Yuga) trên trần10, và một đêm của Phạm-thiên chỉ chấm dứt sau một ngàn niên-đại, người đó mới thực biết ngày và đêm (Ahoràtravidas).

18. Từ cái không thị-hiện (Avyaktàt), mọi thị-hiện (Vyaktayas) lóe ra ở buổi bình-minh của ngày Phạm-thiên. Nhưng khi đêm Phạm-thiên xuống thì mọi thị-hiện đều tan rã, và đó là lúc cái không thi-hiện lại trở về.


19. Này Nam-tử Prithà. Cái trùng trùng điệp điệp (Bhùtagràmas)của kiếp sinh, cứ đến (Bhùtvà bhùtvà) rồi lại tan đi, không sao tránh khỏi (Avasas) khi đêm xuống, rồi lại hiện ra lúc ban ngày.

20. Nhưng cao hơn hiện-tượng này là thị-hiện của bản-ngã còn cao hơn thị-hiện ban đầu (Sanàtamas). Thị-hiện này không mất đi khi phù-sinh không còn nữa (Sarvesu Bhùtesu Nasyatsu).

21. Ta gọi cái không thị-hiện này là bản-thể Bất-diệt, và có tên là Mục-đích Tối-thượng. Ai tới đó không còn trở lại. Thị-hiện ấy là miền (Dhàma) Tối-thượng (Paramam) của Ta.

22. Này Nam-tử Prithà. Chốn ấy là Tinh-thần Vô-thượng (Paras). Muốn tới chốn ấy phải thật dốc lòng (Bhaktyà), không màng tới cái gì khác nữa. Trong chốn ấy vạn-vật (Bhùtàni) hiện-hữu, và cũng nhờ chốn ấy vũ-trụ vững bền (Tatam).

23. Này Uy-Dũng Tướng- quân. Ta sẽ bàn tới khi nào những vị Sa-môn đạt đạo thoát khỏi luân-hồi9, và khi nào họ lại chịu cảnh luân-hồi.

24. Lửa, sáng-lạn, ngày, và những tuần trăng sáng, với sáu tháng ở phương bắc theo vận-hành của mặt trời. Lúc ấy lìa đời, người nào biết Đấng Thế-tôn, đi theo Đấng Thế-Tôn11.

25. Khói, đêm, và những tuần không trăng , với sáu tháng ở miền nam theo vận-hành của mặt trời, thì trăng lại sáng. Đó là lúc bậc Sa-môn tái-sinh.

26. Ta gọi đó là hai con đường sáng-tối, vĩnh viễn cùng vũ-trụ. Con đường sáng cho người thoát khỏi luân-hồi. Con đường tối cho người vào kiếp luân-hồi.

27. Này Nam-tử Prithà. Đã biết hai con đường ấy, bậc Sa-môn không còn lờ mờ nữa. Này Arjuna. Thế thì luôn luôn trì cửu (Juktas) trong Đạo (Yoga).

28. Bậc Sa-môn quán-triệt điều này vượt ra khỏi (Atyeti) kết-qủa hành-động tinh-khiết ghi rõ trong kinh-nghĩa Vệ-đà, trong hạnh hi-sinh, trong trai-giới và trong việc làm công-đức (Dànesu). Thế là người ấy tới miền Vô-thượng Uyên-nguyên.



ĐỐI-THOẠI TÁM
GHI-CHÚ


1. Karma: Nghiệp/hành-động. Theo Ràmànuja, ‘nghiệp’ là ‘sinh’, do phối-hợp với người nữ mới sinh ra con người, hay sinh nghiệp. Người nào mong thoát khỏi luyến-mộ của Tiểu-ngã khỏi căn-cơ vật-chất phải hiểu điều này, phải biết sợ nghiệp và tránh nghiêp. Nhưng í này cần phải bàn sâu hơn, vì ‘nghiệp/Karma’ có nhiều nghĩa. – Theo W. Sargeant, trang 363.

2. Theo Ràmànuja, thì ba câu 8, 9 và 10 ám chỉ chữ Àisvaryàrthin có nghĩa là ‘người muốn đạt sức mạnh siêu-nhiên’ tức muốn hiểu sức-mạnh của Đức Thế-Tôn qua huân-tập Đạo (Yoga) hằng ngày.

3. Kavim: Nhà thơ, nhà tiên-tri. W. Sargeant dịch là ‘nhà tiên-tri cổ’. Trong chính bản viết như sau: Kavim purànam anusàsitàram nghĩa là: ‘nhà thơ, cồ-nhân, vua chúa’. Sri Samkaràcàrya dịch chữ Kavim là ‘bậc hiền-gỉa, nhà tiên-tri hay đấng hiểu-biết vô-thượng’. Ông cũng dịch chữ purànam (cổ xưa) là ‘vĩnh-cửu’, và dịch chữ anusàsitàram là ‘đấng ngự-trị thế-gian’. Do đó câu 9 với câu 10 phải coi như một câu, nếu không nghĩa sẽ tối tăm Tôi đề nghị hai câu này có thể dịch và xếp lại như sau:

9-10. ‘Ai trầm mặc về bậc Hiền-gỉa thông kim bác cổ, vị Chúa-tể của thế-gian, huyền vi hơn cả huyền-vi, Đấng phù-trì vạn-vật ... Ở lúc lâm-chung ... người ấy thể nhập vào Tinh-thần Vô-thương linh-thiêng.’ Và nếu dịch như như sau thì còn rõ hơn: ‘Ai trầm mặc về Đức Thế-tôn – chính là bậc Hiền-gỉa ...., chính là vị Chúa-tể ....và cũng là Đấng phù-trì vạn-vật ....’

4.. Anos: Từ nguyên-tử, hơn nguyên-tử. Tức là ‘từ chi-li’ và hơn cả ‘chi-li’.

5. Tamasas: Hơn đen tối. Chữ này hợp với chữ ‘parastàt’ (xa hơn nữa) có nghĩa là ‘vượt xa khỏi tăm-tối’. Nhưng chữ Tamasas không có nghĩa là ‘tâm đen-tối, lòng đen tối hay ngu lậu’. Cho nên nghĩa của nó hoàn toàn về ‘vật-chất’.

6. Dvàràni: Quan-năng mà người Ấn gọi là ‘chín cửa của xác-thân’, như đã bàn đến ở phần đối-thoại trước.

7-8. Theo lời bình-giảng của Ràmànuja, thì hai câu 12 và 13 ám chỉ ‘người có tâm hoàn-toàn xa-thoát’, tức là Kàvalyàrthin, người tách rời Tiểu-ngã khỏi xác-thân, và kính-ngưỡng Đức Thế-tôn là Bản-thể Vô-hủy diệt, và là Đấng Phạm-thiên Vĩnh-cửu.

9. Theo lời bình-giảng của Ràmànuja, thì hai câu 15 và 16 bàn về ‘con người minh-triết (Jnànin), vì luôn luôn hướng tâm về Đấng Thế-tôn, hội nhập vào Đấng Thế-tôn, cho nên thoát khỏi luân-hồi.

10. Yuga: Niên-đại. Niên-đại ở đây có nghĩa là thời kì, ví dụ thời kì Paleozoic vào khoảng 290 triệu năm. Tuy nhiên ‘Yuga’ phải hiểu là ‘chu-kì’ của vũ-trụ. Trong Chí-Tôn Ca có bốn chu-kì (Yugas): 1) Krtayuga dài 1, 738,000 năm (Thời Đại Thánh-minh). 2) Tretà Yuga dài 1,296,000 năm (Thời-Đại Suy-nhược Thánh-minh). 3) Dvàpara Yuga dài 864,000 năm (Thời-Đại xấu nhiều hơn tốt). 4) Kali Yuga dài 432,000 năm (Thời-Đại xấu xa chế-ngự thế-gian). Tổng cộng gọi là Mahàyugas dài 4,320,000 năm để làm thành một Kalpa, hay một ngày của Phạm-thiên. Theo cách tính đó thì năm thứ 5,079 của Kali Yuga là ngày 18 tháng Hai năm 3102 trước Công-nguyên, tương đương với thời văn-minh cổ ở Cận-Đông.

11. Câu này và những câu sau phản-ánh í-nghĩa trong Chàndogya Upanishad và Brhadàranyaka Upanishad phân-biệt hai con đường sáng-tối, nhấn mạnh ở điểm không phải chỉ đợi đến lúc lâm-chung. Í ấy cũng phân biệt giữa người trầm tư về năm ngọn lửa là: Trời, Thần Gió, Thế-gian, Nam, Nữ, và người chỉ lo cầu khấn. Người chỉ lo cầu khấn sẽ đi vào bóng tối và chịu kiếp luân-hồi.