30 phút sau khi ăn củ bán hạ (một loại cây thuộc họ ráy), hai anh em Lập (lớp 6) và Linh (lớp 2) cảm thấy khó thở, không thể nuốt nước bọt và nói chuyện được. Gia đình hoảng sợ đưa ngay đến bệnh viện.
Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM, xác định, dạ dày 2 bệnh nhi chứa một lượng lớn chất độc calcium oxalate không tan vốn có trong củ bán hạ.

Các biện pháp giải độc được tiến hành ngay sau đó, nhưng phải sau 3 ngày cấp cứu, tình trạng sức khỏe của hai em mới có dấu hiệu cải thiện.

Sáng nay, môi miệng của các nạn nhân đã hết sưng và có thể nói được, nhưng giọng nói vẫn còn khàn.

Mẹ các cháu cho biết, quận 12 nơi gia đình sinh sống có rất nhiều cây bán hạ mọc hoang. Hai bé nhổ cây chơi vô tình phát hiện ra củ trông giống củ khoai nên mang đi luộc ăn thử.

"Tôi đã nhắc nhở nhưng chúng vẫn lén ăn. Ban đầu hai trẻ chỉ than ngứa miệng nên tôi chủ quan. Đến khi bố trông thấy thì miệng các bé đã sưng to và ú ớ không nói được câu nào", mẹ nạn nhân nói.

Theo y văn, cây bán hạ có tên khoa học thuộc họ cây Ráy, củ hình tròn, lá hình trái tim. Toàn thân cây trông gần giống với cây môn kiểng. Khi tiếp xúc với miệng, củ bán hạ sẽ phóng thích ra chất độc tác dụng lên niêm mạc miệng, môi lưỡi gây nóng rát và viêm. Nếu ăn nhiều, người ăn có thể bị sưng môi, lưỡi gây khó nói, khó nuốt hay khó thở, thậm chí tử vong.


Cây ráy mọc nhiều ở các vùng quê nước ta. Ảnh: nhidong.org.

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, chuyên khoa 2, Bệnh viện Nhi đồng 1, khuyên, nếu trẻ trót ăn củ bán hạ, phụ huynh phải nhanh chóng rửa sạch miệng kết hợp với việc cho uống nước lạnh, nước đá hay sữa, ngậm kem que để làm dịu niêm mạc miệng, giảm nhẹ triệu chứng sưng, tê cay miệng.

Trong trường hợp trẻ than mệt, bị sưng nhiều ở vùng lưỡi họng hay có triệu chứng khó thở phải đưa đến bệnh viện ngay.

Phương Nghi