Một làng có 30 thầy bói

Từng là cán bộ chống mê tín dị đoan, giữ chức trưởng thôn 6-7 năm rồi bị "về vườn" do dính tham ô đất đai, ông Hòa ở nhà đuổi gà cho vợ. Được một thời gian, ông lấy cuốn tử vi ra nghiền ngẫm, tung tin người âm nhập vào rồi bắt đầu quãng đời hành nghề thầy bói.


Thầy Hương Sen đang ngồi nhắn tin điện thoại. Ảnh: GĐ&XH.

Ngồi quán nước đối diện cổng UBND xã Vĩnh Khúc (tỉnh Hưng Yên), lân la hỏi chuyện bói toán, bà chủ quán đon đả giới thiệu ngay: "Chỉ tính cái làng Thượng này cũng đã có mười mấy thầy rồi. Dọc hai bên đường qua cái cầu kia nhà các "thầy" đã la liệt".

Chỉ tay về phía ngôi nhà to nhất trong vùng, bà này nói: "Đó là nhà 'thầy' Vọng, nhưng 'thầy' bị công an bắt năm ngoái rồi. Đi một đoạn nữa là đến nhà 'thầy' Đỉnh. Từ ngày ông Vọng bị bắt thì trong làng này, uy tín nhất vẫn là 'thầy' Đỉnh. Nhưng để được ông này xem cho thì khó lắm, không mấy khi ở nhà đâu, 'thầy' sắm cả cái xe bạc tỷ để đích thân lên Hà Nôi xem cho các 'sếp' thôi".

Một thời gian dài, dân tình đồn ông Lê Thanh Vọng (40 tuổi) là hàng "đại bàng" trong nghề bói toán bởi ông có thể nhìn vào... quả cau mà xem số, xét tướng trúng phóc cho từng người. Chỉ cần nhìn vào cơ ngơi đàng hoàng, to rộng nhất nhì của xã này cũng hình dung phần nào "thương hiệu" của ông Vọng.

Trước thắc mắc tại sao xã này nhiều "thầy" thế mà chỉ mỗi ông Vọng bị "chiếu tướng" bà chủ quán nước giải thích: "Thầy Vọng ăn nói xấc xược, ăn chặn tiền người ta quá thì bị bắt thôi. Một vừa hai phải như bao nhiêu ông khác trong làng thì chả sao. Mà Vọng bị bắt mấy lần rồi đấy".

Cũng theo bà hàng nước này, ông Đặng Văn Hòa, từng là cán bộ chống mê tín dị đoan của địa phương, nay cũng được liệt vào hàng "đại gia" bói toán trong làng. Giữ chức trưởng thôn 6-7 năm, ông Hòa bị cho "về vườn" khi dính vào vụ tham ô trong mua bán đất đai. Ở nhà đuổi gà cho vợ được một thời gian, ông này mang mấy cuốn tử vi ra "nghiền ngẫm", rồi tung tin người âm nhập vào và trở thành nhà tiên tri lúc nào không hay. Từ đó, ông Hòa hành nghề thầy bói.

"Thầy" Nhưng cũng na ná như "thầy" Vọng. Chưa học hết lớp 4 trường làng, nhà thầy nghèo lại đông con, buôn bán toàn thứ làng nhàng, vậy mà chỉ mấy năm "ăn lộc thánh", thầy đã xây được tòa biệt thự nguy nga, mua cả ôtô đi chơi sau những ngày phán lộc. Dân tình đồn nhau nhiều "quan nhớn" nhờ thầy bày cho đường đi nước bước trong đường công danh cũng như làm ăn buôn bán. Nhiều người dính “phốt” cũng vội vã tìm đến, mong thầy giải hạn.

Trong sân nhà "thầy" lúc nào cũng có người ra kẻ vào nườm nượp vừa tạo không khí vừa cảnh giới, nếu ai trong đám khách có hành động bất thường lập tức sẽ xuất hiện vài gương mặt lạnh lùng lượn quanh theo dõi. Nếu như phát hiện ra ai đó muốn chụp ảnh thì ngay lập tức người đó bị tịch thu máy quay hoặc điện thoại. Nghe nói nhiều phóng viên đến đây định ghi hình đã bị đập vỡ cả máy.

Tại xã Vĩnh Khúc, chỉ tính riêng thôn Vĩnh Bảo có tới gần 20 "thầy". Đây chính là trung tâm của "khu công nghiệp" mê tín dị đoan. Tuy nhiên, trong làng, chẳng ai xem bói các "thầy". Chẳng hiểu vì "bụt nhà không thiêng" hay do biết quá rõ mánh lới lừa đảo của các "thầy" mà người trong làng lại tìm đến nơi khác để xem bói.

Nữ thầy bói nghiện thuốc lá

Từ đầu năm nay, người dân lại kháo nhau về một nữ thầy bói trẻ phán "cực kỳ trúng" đang nổi lên như cồn. Mới vào đến cổng đã thấy người ra vào đông đúc nhưng vẻ mặt ai cũng lộ vẻ chán nản. Hóa ra, thứ Bảy "thầy" đi chùa. Mẹ "thầy" đon đả: "Các cậu không may mắn rồi, hôm nay thầy bận. Bác cho các cậu số điện thoại của “thầy” mà liên lạc nhé 09791414...".

Bà cụ vừa đọc vanh vách số của “thầy” vừa mách nước sắm lễ những gì và không quên "quảng cáo" thầy xem “trúng” lắm, đất cát nhà cửa, tình duyên được mất thầy chỉ cho tất. Không chỉ hứa chắc như đinh đóng cột vận hạn gì thầy cũng giải được, bà còn mách thầm tôi rằng, các đại gia lô đề trên Hà Nội thường xuyên tìm đến thầy xin lộc. Nhiều người được "thầy" cho số lộc, rồi về nhà đánh trúng luôn.


Thầy bói Hương Sen đang hành nghề. Ảnh: GĐ&XH.

Liên lạc qua số điện thoại bà cụ vừa cho, "thầy" hẹn chiều thứ Hai tới. Nữ thầy bói 28 tuổi mới nổi danh này có tên là Hương Sen. Dù đã lấy chồng và có một con nhưng vì từ đầu năm, sống quá thiên về phần âm nên đã bị chồng bỏ.

Hơn 2h chiều, nhà thầy đã rất đông người chầu chực (hầu hết từ xa đến) để mong được diện kiến. Những người này cho biết, được mách nước rằng, nhất thiết trong lễ của người xem bói phải có mấy điếu thuốc lá để cho thầy hút. Điện thờ thần, không gian riêng của “thầy” được bố trí phía trong buồng, ánh sáng xanh đỏ đầy huyền bí.

Sau khi ghi họ tên khách vào sổ, "thầy" bắt đầu gõ mõ cốc cốc, thưa bẩm huyên thuyên gọi tên đủ các thần linh trên đời. Thủ tục xong, “thầy” rút thuốc lá ra hút lấy hút để rồi bắt đầu phán một tràng về quá khứ, hiện tại, tương lai. Bất chợt thầy dừng lại hỏi: "Cậu nói là năm nay làm ăn thua lỗ đúng không? Thế này thảo nào không gặp hạn. Cậu sinh năm Tý mà lại vào tháng không được mùa sinh. Phải năng đi lễ hơn nữa mới mong đỡ hạn" - "thầy" vừa nhìn sổ vừa nói.

Khi được hỏi về thủ tục "giải hạn", thầy tiết lộ: "Hạn nặng thì mua lễ vài ba triệu, hạn của cậu cũng nhẹ, chỉ mất 500.000 đồng thôi. Nếu cậu làm thì làm luôn vào dịp rằm tháng 7 này là tốt nhất. Chỉ cần nạp tiền trước rồi đến ngày đó "thầy" gọi cậu về giải là được".

Để kết thúc quẻ, thầy dò la: "Các cậu đến đây không phải chủ tâm vào nhà “thầy” đúng không? Nhìn qua là “thầy” biết ngay". Thấy khách không nói gì, “thầy” được nước: "Các cậu vào nhà thầy là đúng rồi đấy. Thầy làm việc là ở cái tâm giúp người chứ không phải như các ông kia chỉ để kiếm tiền. Với lại “thầy” là tự nhiên bề trên tự ứng vào chứ không cần đọc qua cuốn tử vi nào cả... ".

Chính quyền không hay biết

Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch xã Vĩnh Khúc Khương Văn Sinh cho rằng, cả xã hiện nhiều nhất cũng chỉ có 2 - 3 người xem bói và đều hoạt động chui lủi, lén lút. Những người này đều đã được chính quyền mời ra xã lập biên bản, phạt hành chính về hành nghề mê tín dị đoan.

"Vụ 'thầy' Vọng bị bắt là do Công an huyện Văn Giang phối hợp với chính quyền địa phương triển khai. Còn cô Sen mới nổi lên, nhưng có ai vào xem. Nghe đâu cũng là con cháu dây mơ rễ má với ông Vọng. Chúng tôi sẽ lưu ý trường hợp này", ông Phó chủ tịch xã giải thích.

Ông Sinh còn đưa ra một so sánh: "Trước đây, khi chưa bắt ông Vọng, dân ở tứ phương đổ về đông ngùn ngụt, có những "thầy" một ngày xem đến 20-30 người, ôtô đậu kín đường làng. Nhưng từ ngày ông Vọng bị bắt, vấn nạn bói toán đã lắng xuống. Các 'thầy' chuyển nghề sang buôn bán hết", ông Sinh nói.

"Nghề” bói bắt đầu xuất hiện ở Vĩnh Khúc từ những năm 1980 và được "khai sinh" từ một nhân vật tên là Bà Nạp, một bà cụ bị mù. "Nghề" này đã biến gia đình nghèo rớt mùng tơi của Bà Nạp trở nên khá giả, sung túc. Không ít người "đánh hơi" thấy bà làm ăn được đã kéo đến xin làm đệ tử. Một số còn cắp sách, cắp bút tìm đến "sư phụ" để "tầm sư học đạo" để quay về quê hương hành nghề. Từ đó, Vĩnh Khúc trở thành “khu công nghiệp” của bói toán, mê tín dị đoan.

(Theo Gia đình & Xã hội)