kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Tìm mộ liệt sĩ Việt Nam: Trái tim bạn Lào

  1. #1

    Mặc định Tìm mộ liệt sĩ Việt Nam: Trái tim bạn Lào

    (VietNamNet) - Chiến tranh, những người lính tình nguyện Việt Nam từng chung chiến hào với các chiến sĩ Pa Thét Lào trên các mặt trận Trung Lào, Hạ Lào. Thời bình, tấm thịnh tình của nhân dân Lào "đưa" bộ đội Việt Nam đi tìm hài cốt đồng đội.

    Chiến tranh đã qua đi, nhiều chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã nằm lại trên nước bạn Lào. Đội 192 thuộc Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập với nhiệm vụ cao cả: Tìm và cất bốc mộ các liệt sĩ hy sinh tại nước bạn đưa về an táng trên đất mẹ. Họ đã đón nhận những tình cảm nồng ấm và sự giúp đỡ nhiệt thành của bà con các bộ tộc Lào.

    Những người mẹ Lào

    Trung tá Trần Trung Thành, người được phân công về đội 192 từ ngày đầu thành lập nói có lẽ anh là người hạnh phúc nhất đời vì anh có rất nhiều mẹ. 15 năm trôi qua, đôi chân anh đã đi qua hầu hết các bản làng của hai tỉnh Sê Công và Xaravan của nước bạn Lào.
    Thành đã gặp và được rất nhiều bà mẹ Lào nhận làm con nuôi. Một trong số mẹ của anh Thành là mẹ Lan, ở huyện Khoong Sê Đôn. “Mẹ Lan là người mẹ tuyệt vời, lo cho chúng tôi từng bát cơm, vá từng manh áo” - Anh kể về mẹ Lan.

    Khi biết bộ đội Việt Nam qua Lào tìm hài cốt đồng đội, mẹ Lan đã chủ động đi hỏi bà con các bản làng. Nơi đâu báo có thể có mộ liệt sĩ, mẹ Lan lại cặm cụi viết thư sang Việt Nam báo tin cho đội. Tin của mẹ cho dù không chính xác 100%, nhưng cũng là cơ sở để đội thẩm tra. Từ nguồn tin ấy, rất nhiều liệt sĩ đã được trở về với quê hương.

    Một lần, đội 192 tiến hành tìm kiếm mộ liệt sĩ ở bản Xoong Khả Loong, cách trung tâm huyện Khoong Sê Đôn vài chục cây số đường rừng. Biết các con bộ đội Việt Nam thiếu rau, thiếu thực phẩm, mẹ Lan cứ mỗi tuần lại lặn lội tiếp tế. Hơn hai tháng ròng như vậy.

    Đợt đó, đội 192 đã tìm và cất bốc được 20 ngôi mộ liệt sĩ. Mẹ Lan bật khóc như đã tìm được chính những đứa con của mình. “Bọn tôi vừa bốc xong ngôi mộ cuối cùng, anh em vừa nghỉ, mẹ Lan vào, mẹ khóc, ôm từng túi hài cốt như ôm con của mẹ. Anh em tôi khóc hết cả!”.

    Đầu năm 2007, mẹ Lan mất, đội 192 day dứt vì chưa đền đáp được gì cho mẹ.

    Anh Thắng, một chiến sĩ đội 192 kể: Có trường hợp ở huyện Cà Lừm, một người mẹ Lào biết chỗ có mộ liệt sĩ Việt Nam nhưng dứt khoát mẹ không báo. Chỉ vì thấy các con Việt Nam của mẹ vất vả, mẹ chỉ mà nhỡ không có, lại hành tội các con! Cả đội xúm lại vận động mẹ mới chỉ. Và mẹ lặn lội đưa đến tận nơi, ở cùng đội, lo cơm nước cho anh em.
    Mới hồi đầu tháng 5/2007, Thắng cùng anh em cắt rừng đi bộ ròng rã 5 ngày đêm để đến được một bản xa thuộc huyện Cà Lừm tỉnh Xaravan. Vào đến nơi, anh em hạ ba lô, nằm vật xuống vì kiệt sức.

    “Nếu không có các mẹ Lào ở bản đó, chúng em chắc không đứng lên được. Các mẹ nấu cơm cho ăn, cả bản có mấy con gà cũng làm thịt cho ăn. Các mẹ cứ nhìn bọn em nói: sao các con giống con bộ đội Việt Nam của mẹ ngày xưa quá!” - Thắng kể.

    Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam xưa trên đất bạn Lào đã để lại một tình cảm sâu đậm trong lòng nhân dân nước bạn. Trong hành trình 15 năm tìm mộ liệt sĩ trên nước bạn Lào, cán bộ chiến sĩ đội 192 cũng đã nhận được những vòng tay yêu thương của những người mẹ Lào.

    “Giữa rừng núi bao la, dù có trong tay bản đồ định vị, nhưng thiếu sự hướng dẫn của các mẹ, các già làng thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ.” - Trung tá Trần Trung Thành.

    "Lo cho người thân của mình..."

    Có lẽ lần đi tìm và cất bốc mộ liệt sĩ tại Lào lâu nhất, quy mô nhất của đội 192 là đợt tìm tìm kiếm tại bản Non Xa Phăng, huyện Khoong Sê Đôn.
    Một nguồn tin đáng tin cậy từ phía bạn báo: Tại một hang đá thuộc địa phận bản Non Xa Phăng có khoảng 80 đến 100 hài cốt liệt sĩ Việt Nam. Trong một trận oanh tạc của Mỹ, các anh bị vùi lấp tại đây. Thẩm tra nguồn tin, đội 192 lên đường, lần này đội được bổ sung thêm một tiểu đội công binh để phá cửa hang.

    Địa điểm tìm mộ giáp biên giới Thái Lan. Tình hình an ninh không yên ổn nên phía bạn cử hẳn một tiểu đoàn bảo vệ khu vực khai quật. Đội 192 được bảo vệ ba vòng: vòng ngoài là dân quân, du kích địa phuơng, tiếp đến là quân đội, vòng cuối cùng là công an Lào.

    Đứng ở địa điểm tập kết dưới chân núi nhìn lên cửa hang, anh em trong đội ước chừng vài cây số. Tưởng sẽ nhẹ nhàng với những đôi chân đã quá quen với rừng sâu, vực thẳm. Thế nhưng, khi lên mới biết, dốc dựng đứng, một bên là vách đá, một bên là vực sâu, chỉ cần sẩy chân thì...

    Cả đội xuất phát từ 7h sáng, lên đến nơi vừa đúng trưa. Một trăn trở xuất hiện trong đầu đội trưởng Thành: leo lên được rồi, triển khai tìm kiếm sẽ bàn ra phương án, nhưng cao thế này, hiểm trở thế này, lấy đâu nước cho anh em. Còn thổi cơm, còn chỗ ngủ.

    Đọc được ý nghĩ ấy, già làng Bun Phăn vỗ vai: “Bộ đội chỉ huy yên tâm, mình chuẩn bị cả rồi!”. Khi biết tin bộ đội Việt Nam về bản để khai quật hang có hài cốt liệt sĩ, ông Bun Phăn đã chuẩn bị tất cả.

    Ông phân công cho từng nóc (gia đình) từng nhiệm vụ cụ thể. Nhóm nóc này lo nước, nhóm nóc kia lo nấu cơm, nhóm thì lo thức ăn. Cứ thế luân phiên nhau. Chính ông cũng là người đã báo tin cho chính quyền về hang đá có hài cốt liệt sĩ Việt Nam.

    Hai tháng trời ròng rã, bản Non Xa Phăng tập trung lo cho bộ đội Việt Nam. Mùa hè ở Lào nắng gắt, buổi trưa cứ đúng khi mặt trời chiếu thẳng đỉnh đầu, cả đội nhận được những gùi cơm, thức ăn, nước. Nước phải gùi lên vất vả, anh em bảo nhau tiết kiệm. Nước rửa mặt dùng luôn thành nước tắm. Thấy vậy, dân bản bảo nhau tranh thủ, mỗi người một gùi, chuyển nước lên đều đặn.

    Thấm mệt với những công việc tìm kiếm, nhưng chẳng ai dám kêu, khi nhìn thấy những thanh niên dân quân gùi cơm, gùi nước. Áo ướt đẫm mồ hôi, mặt tái đi vì mất nước. Bàn chân họ toé máu vì vấp phải đá tai mèo. Ngày nào cũng vậy, giờ cơm, giờ nước chính xác không sai, không chậm. Bà con chân tình bảo, chậm đưa cơm lên bộ đội đói, lấy sức đâu mà làm.
    Khăm Lả, chàng thanh niên 17 tuổi, nhiều lần gùi nước cho bộ đội, mệt đến lả người, nhưng vẫn quyết không bao giờ để tràn một giọt nước ra ngoài. Bun Súc, đội viên dân quân, vợ sinh con trai cũng gác qua một bên để lo cho bộ đội Việt Nam.

    Cả dân bản, cả chiến sĩ đội 192 vất vả đào bới. Phải nổ mìn để mở của hang, nhưng do cấu tạo địa chất, đào được bao nhiêu, nổ mìn bao nhiêu, đất đá từ trên cao đổ tràn xuống lấp lại như cũ. Những gì tìm được chỉ là những đoạn dây dù, chiếc lược, mảnh huy hiệu quân tình nguyện.

    Lực bất tòng tâm, đội 192 phải rút quân. Già Bun Phăn nói trong nước mắt: "Thôi, đã gắng hết sức nhưng không được, biết làm sao đây. Các anh ấy đã hy sinh vì chúng tôi, bây giờ không thể về quê mẹ, nằm lại đây. Các cán bộ cứ về nói với bà con Việt Nam rằng chúng tôi sẽ lo cho các anh như người thân của mình”.

    Chia tay trong nước mắt, lần ấy, đội 192 không cất bốc được một hài cốt nào, nhưng các anh cũng yên lòng khi đồng đội mình nằm lại đây đã có bà con bản Non Xa Phăng chăm sóc...
    Kỳ Nhân
    Chu du thiên hạ
    Hãy Tu theo cách của mình!
    Để học rùng mình

  2. #2

    Mặc định Lần tìm dấu chân người lính Việt trên đất Lào

    (VietNamNet) - Đội tìm mộ đã vượt qua thiên nhiên khốc liệt, rừng xanh núi thẳm và vô vàn khó khăn gian khổ. Ai cũng chung một khát khao rất linh thiêng: Lần tìm theo từng dấu chân người lính tình nguyện Việt Nam đã ngã xuống trên đất bạn Lào.

    Kỳ 1: Tìm mộ liệt sĩ Việt Nam: Trái tim bạn Lào

    Dọc đường tìm mộ

    Mỗi lần xuất quân với chiến sỹ đội 192 là một lần ra trận. Cũng súng đạn, cuốc xẻng, tăng, võng, gạo và những đồ vật không thể thiếu cho việc cất bốc mộ liệt sỹ: hương, đèn, cồn rửa, túi hài cốt...

    Hành quân đường dài đội cũng có xe ôtô. Nói xe ôtô cho oai, chứ ba chiếc xe của đội, chiếc nào cũng đại tu vài ba lần, nếu chiếu theo qui định thì đã hết hạn sử dụng cả chục năm trước. Nhiều lúc đang vi vu, bỗng xịch một cái, chiếc Gaz 69 trở chứng. Cả đội xuống đẩy. Đẩy không được lại ba lô trên vai và đi bộ. Chuyện này không phải là hiếm!
    Thắng - người nói giỏi tiếng Lào nhất đội kể: Trong cái khó ló cái khôn! Bọn em sáng kiến lắm. Ví dụ như chôn gạo dọc đường hành quân chẳng hạn. Đấy là thủ thuật của lính. Anh em khi hành quân đều ước lượng thời gian đi đến điểm tập kết. Dọc đường, cứ mỗi trạm dừng chân lại lấy gạo đem chôn. Đêm thứ nhất chôn một ngày gạo, đêm thứ hai cũng chôn một ngày gạo. Cứ thế mỗi điểm dừng chân vai người lính nhẹ đi hai ngày gạo.

    Anh em chôn chỗ nào có dấu chỗ nấy. Chôn rất kỹ, không sợ thú rừng phá. Bà con Lào thấy gạo chôn biết ngay là của bộ đội Việt Nam đi tìm liệt sỹ, chẳng ai nỡ lấy.

    Nhờ sáng kiến này, anh em chiến sỹ mới đủ sức đào bới chục ngày liền giữa rừng sâu. Cả đội 192 có 25 cán bộ chiến sỹ, toàn là những chiến sỹ khoẻ mạnh, nhiều kinh nghiệm hành quân, được lựa chọn từ các đơn vị chiến đấu. Ấy vậy, có những lúc hành quân vào đến địa điểm, cũng không nhấc nổi chân.

    Dọc đường hành quân gặp chuyện hiểm nguy không còn là chuyện lạ đối với họ. Thắng kể chuyện vượt suối gặp lũ cứ như đùa. Mới đây, hồi tháng 5/2007, Thắng dẫn một nhóm vào bản Bạc tỉnh Sê Kông. Cả đội vượt qua con suối hiền hòa. Anh em tranh thủ giặt khăn, rửa mặt.

    Bỗng đâu, từ đầu nguồn vọng về tiếng ầm ầm như một đàn ngựa phi nước đại. Khi cả đoàn chưa qua hết con suối, nước ào ào đổ về như muốn cuốn phăng tất cả. Thắng chỉ kịp hét: ”Lũ! Nhanh lên!” thì cả đội đã chìm trong nước. Bằng kinh nghiệm dày dạn, lấy ba lô làm phao, cả đội thả trôi theo lũ. Đến đoạn có dây rừng sà xuống suối thì bám lại. Anh em được một trận tắm nước lũ! Thắng kể giọng cứ tỉnh khô!

    Gặp lũ là chuyện... nhỏ, bị lũ lật thuyền mới sợ. Lần Trần Trung Thành dẫn quân đi tìm hài cốt liệt sỹ ở Tọc Ôn Kẹo, để rút ngắn đường đi, đỡ vất vả, anh quyết định kết mảng thả theo dòng suối. Anh em đi được mấy tiếng xuôi chèo mát mái. Ầm một cái lũ về! Mảng cứ trôi vùn vụt. Được trăm mét, mảng xoay ngang lật nhào. Cả đội chìm nghỉm giữa dòng nước xoáy. Vật lộn cả tiếng đồng hồ mới ngoi được lên bờ. Điểm quân thấy không thiếu một ai, mừng rơi nước mắt.

    Nhiều khi, đến bản Lào đặt vấn đề tìm mộ liệt sỹ, cả bản nhiệt tình giúp đỡ, không từ chối điều gì. Nhưng khi tìm được hài cốt, cả đội phải ra... bờ suối để ngủ! Vì tập quán của các bộ tộc Lào là vậy, không từ một ai. Ngủ bên bờ suối sợ nhất là mưa. Nếu mưa, lũ về nhanh, sẽ trôi mất hài cốt liệt sỹ. Anh em có sáng kiến, treo hài cốt trên cây, cả đội ngủ xung quanh dưới gốc để giữ!

    Liệt sĩ... chỉ dẫn!

    Đội trưởng – Trung tá Trần Trung Thành vẫn nhớ như in cái lần tìm được 20 hài cốt liệt sỹ ở bản Xoong Khả Loong, huyện Xa La Van. Nguồn tin báo về tại đây có một ngôi mộ tập thể của các liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam. Sau khi xác định chính xác nguồn tin, cả đội hành quân qua Lào, đến bản Xoong Khả Loong. Xem lại toạ độ, ngôi mộ chung nay là một bãi đất trống.

    Khoanh vùng xong, cả đội tập trung đào bới, tìm kiếm. Lần thứ nhất không thấy. Lần thứ hai cũng không. Lần thứ ba lại tiếp tục đào bới những chỗ nghi vấn. Cũng không tìm thấy một dấu vết nhỏ nào của các liệt sỹ. Không nản chí, Thành quyết định cho cả đội tiếp tục đào bới đến lần thứ tư. Cũng chẳng có kết quả gì. Lúc này khối lượng đất đào lên đã hơn 100m3.
    Thất vọng, cả đội bỏ cơm. Chiều cuối cùng trước khi đội rút quân, ông Khăm Phên – cán bộ dân vận huyện đến chia tay. Thành và Khăm Phên đứng tần ngần trước bãi đất đã được lật tung mà buồn, chẳng ai nói với ai câu nào.

    Thế rồi như một câu chuyện cổ tích. Một con cua chui lên từ lòng đất ngay dưới chân Khăm Phên. Khăm Phên nhìn, có cái gì là lạ: ở càng cua vướng một đoạn dây dù. Khăm Phên giật giọng gọi Thành: “Đây rồi!”. Thành nhìn đoạn dây bật khóc. Cả đội tập trung đào đúng vị trí ấy. Và 20 hài cốt liệt sỹ được cất bốc nguyên vẹn.

    Rồi có lần tìm mộ ở địa điểm Trạm xá Bắc. Nguồn tin của dân chỉ chính xác rằng có 16 ngôi mộ liệt sỹ nằm trên một quả đồi có bia mộ đàng hoàng. Đội đến nơi, dân báo quả đồi mới được phát quang để làm rẫy hồi tháng trước. Nay cỏ tranh chỉ mới mọc ngang ngực người.

    Quả đồi không lớn, cả đội chia nhau đi tìm. Hai ngày trời, vạch từng bụi tranh tìm kiếm nhưng không ra. Vô vọng, Đại uý Hải - đội phó đi bộ xuống suối dưới chân đồi rửa mặt. Anh thắp một nén nhang khấn: ”Các chú, các bác có ở đây xin chỉ đường cho chúng cháu. Chúng cháu sẽ đưa các chú, các bác về quê hương!”. Khấn vậy thôi để thoả lòng, chứ Hải cũng tin rằng đã tìm như thế chắc chắn là không có.

    Hải leo lên đồi để cùng anh em rút quân. Đến nửa chừng anh bị vấp ngã bổ chửng. Hải nhìn thấy ngay trước mặt mình một dãy bia mộ đủ 15 cái. Cất bốc xong, dân nói còn một cái nữa, lại đổ lên tìm, quả thật còn một ngôi mộ nằm sát đấy.

    Những câu chuyện ấy, Trung tá Thành kể nhiều lắm. Gần như mỗi địa điểm các anh đều gặp một điều gì đó linh ứng để tìm được mộ liệt sỹ. Những điều linh ứng ấy là sự giúp đỡ, là sử chỉ dẫn của đồng đội để các anh hoàn thành nhiệm vụ.

    Lần theo từng dấu chân người đã khuất

    Trung tá Thành nói: “Mỗi lần tìm được mộ liệt sỹ đã mừng, khi đào lên thấy còn hài cốt càng mừng hơn”. Quả thật theo thống kê của đội, tỷ lệ mộ còn hài cốt chỉ chiếm trên 30%.

    Khi cất bốc mỗi nhát cuốc, nhát xẻng anh em đều phải nhẹ nhàng. Có khi để giữ nguyên vẹn hài cốt, các anh phải dùng tay đào bới. Bàn tay các anh toé máu nhưng hài cốt liệt sỹ nguyên vẹn. Khi hy sinh, các liệt sỹ không được khâm liệm cẩn thận, thậm chí chỉ được quấn một tấm khăn dù, nên qua thời gian dài hài cốt bị phân huỷ gần hết.

    “Có lần cất bốc, thi hài liệt sỹ còn nguyên, rạch tăng ra, thấy như đang nằm ngủ”. Gặp trường hợp như vậy nếu ở Việt Nam thì dễ cải táng, còn ở Lào xa xôi, làm thế nào đây? Có nhiều đội ở các nơi khác dùng cách hoả táng, nhưng với Thành thì không. Anh nghĩ hoả táng nhỡ sơ sót thì không đem hết được hài cốt về! Thành dùng cách khác.

    Đưa hài cốt liệt sỹ về quê hương
    Lần ấy ở dốc Cao Bồi Già, bản Cao Bồi, huyện Tù Muồi, Xaravan, đội 192 tìm được hai ngôi mộ liệt sỹ có tên Văn Thị Tính và Đặng Thị Lan. Mộ chị Lan đã phân huỷ, chỉ còn bộ hài cốt. Còn khi cất bốc mộ chị Văn Thị Tính, rạch lớp tăng ra, tất cả anh em sững người: Chị còn nguyên lành như đang nằm ngủ.

    Hoả táng ư? Thành nhất quyết không. Còn được như thế này là một điều hiếm, phải đem nguyên vẹn về cho gia đình liệt sỹ. Thành quyết định như vậy. Anh cùng y tá Oanh bàn bạc và quyết định tháo khớp đôi chân của liệt sỹ, bỏ tất cả vào 5 lớp túi đựng hài cốt, làm cáng khênh ra địa điểm tập kết bên bờ suối.

    Đêm ấy mấy anh lính trẻ không ai dám ngủ, nằm cuộn tròn trong võng vì... sợ. Thành vẫn ngủ ngon lành. Anh đã làm được việc mà tấm lòng anh mong muốn.

    Khi đội đưa thi thể liệt sỹ Văn Thị Tính về quê hương ở xã Quảng Phú, Quảng Điền TT-Huế, gia đình chị cứ ôm lấy Thành mà khóc. Nhờ anh, sau 37 năm người con gái của gia đình trở về, nguyên vẹn.

    15 năm, đội 192 đã tìm kiếm và đưa về đất mẹ 490 liệt sỹ. Họ tự hào: “Ở đâu có dấu chân các bậc cha anh đã đi qua trong chiến tranh, thì ngày nay có dấu chân chúng tôi, lần tìm bằng được nơi chôn cất liệt sỹ đưa về quê hương”.

    Kỳ Nhân
    Chu du thiên hạ
    Hãy Tu theo cách của mình!
    Để học rùng mình

  3. #3

    Mặc định

    Việt Lào hai nước thủy chung mà.
    Nguyện cả đời, xin Phật Tánh ở trong con

  4. #4

    Mặc định

    Yah ! Việt Lào hai nước Anh Em
    Tình thâm như nước Hồng Hà Cửu Long .
    Chu du thiên hạ
    Hãy Tu theo cách của mình!
    Để học rùng mình

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •