Cấm địa giữa đại ngàn
Thứ Bảy, 16/08/2008 --- cập nhật 11:15 GMT+7


Giữa núi rừng, vùng đất của ngàn vạn linh hồn nhớ đến lời tự sự của già làng Điểu MPhên: Đó là vùng đất cấm!


“Buôn làng” bất khả xâm phạm!

Người M’Nông ở xã Đắk Ha, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông gọi nơi ngủ giấc ngủ ngàn đời của một người trả lại hơi thở cho con suối, ngọn núi là nhà ma. Như nhiều anh em ở các tộc người Tây Nguyên khác, họ xem nơi tập trung những ngôi nhà ma là chốn thiêng, là nhịp cầu đưa một con người trần tục bước vào thế giới của thần linh. Đây chính là lý do mà qua bao mùa lá rụng, nhà ma vẫn là chốn sinh hoạt tâm linh huyền bí ẩn chứa nhiều dư vị kính trọng và sợ hãi của người đang sống.

Khu nhà ma của người M’Nông ở Đắk Ha tọa lạc trên một ngọn đồi cao, bốn phía được che chắn, ngăn cách với thế giới của người sống bằng những dải rừng nguyên sinh với tầng tầng, lớp lớp cây cao bóng cả. Già Mang Hai ở thôn 3, hồi ức: “Ngày trước, muốn tìm nhà ma chôn người chết, nhiều thầy cúng trong làng phải họp làm lễ cúng giàng. Lễ to lắm! Phải giết bò, giết trâu, phải có nhiều rượu thịt. Chọn được đất rồi, phải làm lễ tạ ơn. Lễ cúng lớn lắm!”.


Nấu nướng chuẩn bị cho lễ cúng.



Theo những người già, “buôn làng” dành cho người chết phải hội đủ ba yếu tố: gần suối, ở nơi cao ráo, dưới tán rừng có nhiều cây to có từ hai người ôm trở lên. Năm nay ngoài 80 mùa rẫy nhưng cái tai vẫn thính như con nai, con mắt vẫn sáng như con cú, cái đầu vẫn tinh anh như con khỉ, già làng Điểu Kít, sau khi khẳng định: “Nhà ma có từ trước khi ông cha bà mẹ sinh ra mình”, đã bật mí một tiêu chí khác trong việc chọn lựa “buôn làng” cho người chết: “Đất phải nằm ở hướng mặt trời lặn. Người chết như mặt trời khuất núi mà”.

Không như các tộc người Gia Rai, Ê Đê... tiến hành lễ bỏ mả sau khi người chết về với Yàng được ba năm (nghi lễ đoạn tuyệt vĩnh viễn với người chết), người M’Nông ở Đắk Ha có cách biểu hiện sự thương xót và tống tiễn người ra đi bằng tập tục kỳ lạ. Nghệ nhân biên dịch sử thi M’Nông Điểu Kâu ở buôn M’Răng (xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song) nói: “Khi có người chết, người làng, thân nhân sẽ bu quanh áo quan ca hát, gõ chiêng trống ngày đêm. Trước khi hạ huyệt, người nhà sẽ lấy cây lá trải kín huyệt mộ rồi lấp đất lên. Tùy điều kiện mà có nhà giết trâu, nhà làm heo đãi làng. Sau 7 ngày 7 đêm hoặc một tháng thì thân nhân người chết làm lễ đoạn tang. Làm lễ này cũng phải giết trâu, mổ heo đấy!”.

Về cơ bản, ý nghĩa của lễ đoạn tang của người M’Nông tương tự như lễ bỏ mả (pơthi) của người Gia Rai, Ê Đê. Sau nghi lễ, từ đây, người sống và người chết sẽ không còn “quan hệ” với nhau nữa. “Lễ kết thúc, người sống không còn cúng kiếng hay thăm mộ người chết. Từ đây, lá rừng, thời gian sẽ dần xóa sổ nấm mồ của người chết. Đây chính là lý do mà khi ghé thăm nhà mồ của đồng bào, dù nó tồn tại hàng thập kỷ, có hàng trăm người được chôn cất nhưng ta chỉ thấy vài mươi nấm mồ mà thôi” - Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Thành Đức (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển văn hóa dân tộc) trò chuyện.

Ý kiến của Tiến sĩ Đức đúng như tâm sự của những già làng. Theo đó, kết thúc lễ đoạn tang, người sống, nhất là con cháu người chết không được trở lại nhà mồ. Nếu làm trái, hồn ma sẽ sống dậy theo hơi, theo vết chân người sống về làm hại buôn làng. Chính tập tục có từ ngàn xưa này đã biến thế giới của những hồn ma trở thành pháo đài bất khả xâm phạm. Ngay cả các bộ lạc thời xưa mỗi khi tấn công vào làng khác giết chóc, bắt người làm nô lệ cũng không đặt chân vào chốn yên nghỉ của những người theo Yàng.

“Cống vật” trong thế giới hồn ma

Những ngày sống cùng rừng núi, gió bụi ở Đắk Ha, chúng tôi may mắn tham dự buổi lễ đoạn tang của gia đình anh Điểu Muôl ở thôn 6. Để đãi làng, Điểu Muôl đã phải thịt một con trâu, một con heo và mang ra khu nhà ma 20 ché rượu. Sau khi bị chọc tiết, thịt của những con vật được người làng xỏ que nướng trên lửa hồng. Bộ lòng của chúng được các bà, các chị bỏ vào những chiếc chảo khổng lồ nấu với đọt chuối cùng nhiều thứ củ rừng. Cũng từ buổi lễ này mà chúng tôi được gặp gỡ và nghe nhiều già làng lý giải ý nghĩa của những hình nhân, chim thú bằng gỗ ở nhà mồ.


Mộc nhân - người hầu cho người chết ở thế giới bên kia.



Tham quan nhà ở của những hồn ma, cùng với những vật dụng lúc sinh thời người chết thường sử dụng như ché rượu, bình hồ lô, chiếc xà gạc, ná, nỏ, giường chiếu... chúng tôi đặc biệt chú ý đến hình nhân của nhiều chàng trai, cô gái cùng những chim thú như trâu, công, chim cú xuất hiện dày đặc ở những mả mồ. Một cụ già tên H’Mí Lan giải thích: “Người chết cũng có buôn làng của nó. Nó cũng cần có của cải để sống thôi. Lúc sống nó làm được gì, nó có cái gì, nó hay dùng cái gì thì mình chia lại”.

Tại sao phải tạc mấy tượng gỗ kia vậy già?

Lúc này mọi người đang ăn thịt, uống rượu, hút thuốc rất vui (vui để xua đi nỗi đau buồn của gia đình người chết) nên bà cụ cũng bị cuốn vào. Do vậy, cụ chỉ trả lời ngắn gọn: “Người chết như người sống. Sinh ra, lớn lên, lấy chồng vợ, ăn thịt, uống rượu... Nhìn cái tượng là biết thôi mà!”.

Phó Bí thư Đảng ủy xã K’Siêng lý giải cặn kẽ: “Đồng bào quan niệm cuộc sống ở thế giới bên kia không khác gì trần thế. Những cái tượng được tạc có ý nghĩa tương tự như vàng mã của người Kinh. Người giàu có sẽ tạc nhiều chim thú. Có người tạc voi, tạc nhà to nữa đấy”.

- Còn những hình mẹ bồng con, người đang ôm mặt, nam nữ đang giã gạo, đi săn nói gì? Có phải cũng phục vụ cho người chết không?

- Ồ, tùy cái tượng thôi. Tượng mẹ con ý nói sự sinh thành của một người. Những tượng trai gái đang săn bắn, giã gạo... cùng tượng voi, trâu, chim công đều phục vụ cho người chết đấy!

Già Điểu Kép, nghệ nhân tạc tượng nhà mồ nổi tiếng ở Đắk Ha nay không tạc được tượng vì “cái tay yếu, cái vai mỏi” góp chuyện bằng hồi ức của ngày xưa: “Ông cha bà mẹ của ông cha bà mẹ mình truyền lại, ngày trước, thủ lĩnh, tù trưởng khi chết thường chôn theo con thú, người hầu, tù binh để hầu hạ mình. Sau này thì thay bằng tượng gỗ đấy”.

Già Kép nhớ lại đám ma của những người giàu ngày trước, có khi tạc hơn trăm tượng người. Gỗ tạc tượng là gỗ quý như cà chít, gụ, trắc thối, giáng hương trên 10 năm tuổi. Sau khi được đốn hạ, lóc vỏ, cây được phân thành khối rồi đem đến nhà mồ để già làng làm lễ đẽo tượng.

Hôm ấy, người nhà Điểu Muôl đẽo 3 tượng người và 2 tượng chim công từ gỗ mít. Màu sắc của tượng được chế theo công thức đặc biệt: Màu đỏ từ máu con vật hiến sinh. Màu đen là hỗn hợp của than củi giã nhỏ và nước. Màu xanh dương cũng là hỗn hợp từ một loại lá cây đặc biệt giã nhỏ hòa với nước rượu cần. Hỏi chuyện, Muôl giải thích trong men rượu ngà: “Do mình nghèo nên không tạc được nhiều tượng. Có nhiều tượng thì người chết nó được sướng nhiều mà”.

Nỗi đau mồ mả

Buổi lễ đoạn tang của nhà Điểu Muôl chấm dứt với hình ảnh những người phụ nữ địu con dìu người chồng say ngật ngưỡng về nhà. Khi bóng người bặt sau những mỏm núi, rảo quanh nhà mồ, chúng tôi tình cờ bắt gặp hình ảnh một cụ già đang ngồi trầm ngâm dưới gốc cây to. Đó là già Điểu Măm, năm nay ngoài 70 mùa rẫy. Hỏi vì sao không về, già trả lời lạc đề: “Cái lễ bây giờ không như phong tục cha ông nữa rồi!”.

Già giải thích: Ngày trước, ông cha mình không chôn bằng hòm ván mà chặt cái cây to, chẻ ra, móc ruột bỏ người chết vào rồi đậy lại. Nhà ma làm bằng gỗ thôi, không làm bằng xi măng đâu”.


Bao quanh nhà mồ bao giờ cũng có những cây đại thụ khổng lồ che bóng cho người đã khuất.



Theo chỉ tay của già, ở mép rừng phía cánh tả, chúng tôi bắt gặp những ngôi mộ đồng bào được xây dựng theo kiểu bê tông cốt thép. Nhưng sự giao thoa văn hóa chôn cất này không làm ông già đau. Già thở dài: “Mình buồn cái bụng vì gỗ bị lâm tặc chặt phá nhiều nên muốn đẽo tượng, dân làng phải mua lại tốn nhiều tiền. Nhiều nhà không có tiền mua gỗ nên không đẽo tượng đấy!”.

Già Măm kể lể: “Những nghệ nhân biết đẽo tượng nhà mồ ở làng không còn nữa. Người thành ma, người hoặc quá già không thể đẽo tượng được”. Vấn đề ở chỗ đám trẻ không muốn giữ cái tục lệ cha ông. Già thở dài: “Ở làng mình, không đứa nào biết cầm rìu, cầm xà gạc đẽo tượng. Ai muốn làm tượng ma, phải sang làng khác mời người về. Buồn lắm!”.

Nghệ nhân Điểu Kâu có nỗi buồn khác. Ông nói nơi yên nghỉ của những người chết ngày trước là chốn linh thiêng nhưng nay bị nhiều kẻ tham lam quấy nhiễu. “Người ta vào viết vẽ bậy, lấy tượng, lấy ná, lấy nhiều đồ dân tộc mà người sống chia cho người chết. Có nơi, người ta còn đốn sạch cây, trồng mì, trồng bắp chen lấn mộ người chết”.

Trên đường tiến ra khỏi rừng, chúng tôi nhớ mãi tiếng thở dài của già Măm: “Ngày đi qua, năm tháng đi qua. Mai này, phong tục, cái hồn cha ông ai giữ?”.

Theo GiaDinh.Net