SỰ CẢM ỨNG TƯỢNG PHẬT CỨU ĐƯỢC MẠNG CHỒNG


Đời Đường, Lý Thái An ở Lũng Tây, nguyên là anh của Công bộ Thượng Thư Lý Thái Cao. Trong năm Võ Đức, Lý Thái Cao làm Tổng quản ở Việt Châu, Thái An từ kinh đô đến thăm viếng. Lúc trở về, Thái Cao cho mấy đứa tôi tớ đi theo hầu hạ anh.

Trên đường về, đến Cốc Châu, qua một đoạn cầu, cả đoàn vào trọ nơi lữ quán. Trong bọn tôi tớ có đứa vì hiềm riêng, muốn giết Thái An. Vào nửa đêm, người này chờ lúc ông ngủ say, dùng gươm nhỏ đâm nơi cổ. Gươm xuyên thấu xuống giường, đứa tớ vì vội vàng không nhổ lên, bỏ chạy trốn.

Thái An tỉnh dậy truy hô, nhóm còn lại chạy vào muốn nhổ gươm ông ngăn lại bảo: “Nếu rút gươm lên có thể ta sẽ chết, mau đem giấy bút lại cho ta viết thư”. Thư tả xong, kế tiếp huyện quan đến, cho y sĩ nhổ gươm lên, thoa thuốc băng bó. Thái An đau đớn, hôn mê bất tỉnh.

Trong lúc mơ màng, ông thấy một vật vuông dài trạng như khối thịt, từ ngoài cửa bay đến trước giường, trong ấy có tiếng nói: “Trả thịt heo lại cho ta”. Thái An bảo: “Từ trước đến nay tôi không ăn thịt heo, vậy đâu có duyên gì mắc nợ ông?”. Ngoài cửa bỗng có tiếng gọi: “Lầm rồi, không phải!”. Vật ấy liền bay trở ra.

Thái An nhìn ngoài sân thấy có ao lớn, nước trong xanh mát dịu, trên phía tây bờ ao có tượng vàng cao độ năm tấc. Giây phút, tượng ấy lần lần cao lớn, hóa thành một vị tăng mặc áo cà sa mới rất tinh sạch. Vi tăng bảo Thái An: “Nay ta vì ông trừ vết thương đau đớn. Sau khi bình phục trở về nhà, ông nên niệm Phật làm lành”. Nói xong, lấy tay sờ chỗ vết thương rồi bỏ đi.

Thái An nhìn kỹ, thấy áo cà sa sau lưng vị tăng có vá miếng lụa đỏ rộng ước độ bàn tay. Kế đó ông tỉnh lại, chỗ vết thương không thấy đau nhức và rất mau bình phục. Vài hôm ông có thể tự ngồi dậy và ăn uống được.

Hơn mười bữa sau, gia thuộc hay tin đến rước ông về nhà. Khi bà con thân quyến tới thăm viếng, Thái An thuật lại tình trạng lúc bị thương và việc nằm mơ. Đứa tớ gái gần bên nghe nói thấy lạ, liền trình bày một duyên sự: “Lúc ông mới ra đi, ở nhà bà sai người đến nhờ tạc tượng Phật.

Khi tượng thành, thợ dùng màu tô điểm và vẽ y phục, rủi có một miếng sơn do sự bất cẩn, làm dơ áo nơi vai tượng. Bà có bảo xóa đi, nhưng thợ đáp phải chờ khô rồi mới sửa lại được. Nay vết sơn vẫn còn, giống như lời ông nói”. Thái An liền cùng mọi người đến nhìn xem pho tượng, thì thấy vết sơn nằm đúng chỗ miếng lụa đỏ nơi vai vị Tăng mà trong giấc mơ mình đã thấy. Ông kinh lạ than thở, càng tin sự cảm ứng cứu độ của Phật pháp.

Từ đó Thái An sùng kính ngôi Tam Bảo, làm lành niệm Phật đến trọn đời.


Trích lục: Minh Bảo Ký