Chuyện khó tin về..."ma hút"
Cập nhật lúc 19h49, ngày 29/07/2008



Ông Lường Văn Hối đã khuất núi ngót chục năm. Ông là người Xinh Mun, hay còn gọi là Puộc, một dân tộc hiền lành, thuở trước chuyên đi ở cho các nhà giàu trong vùng Sông Mã.




Trong cõi Tây Bắc mù sương ẩn chứa đầy rẫy những điều khó hiểu, thần bí đến hoang đường. Và, trong số những câu chuyện khó tin ấy có cách chữa bệnh, cứu người lạ lùng của ông Vì Văn Cán, sống ở bản Pá Công, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.



Chỉ bằng một ống tre nhỏ, lão dị nhân miền sơn cước ấy có thể hút tất cả các dị vật "xâm nhập" ngoài ý muốn vào cơ thể người, như bị trúng đạn, kim đâm, hóc xương, hay dính độc… Người dân gọi ông là “ma hút”.



"Bí kíp" lạ lùng



Ông Lường Văn Hối đã khuất núi ngót chục năm. Ông là người Xinh Mun, hay còn gọi là Puộc, một dân tộc hiền lành, thuở trước chuyên đi ở cho các nhà giàu trong vùng Sông Mã. Khi quân Pháp tiến lên vùng Tây Bắc, ông Hối bị bắt đi làm lính dõng, rồi theo gót giầy xâm lược của thực dân sang vùng Thượng Lào đóng quân. Tại đây ông đã được một thầy phù thủy người Xinh Mun ở vùng đất ấy truyền cho bài chú… khấn "ma", đặc trị những chứng tai ương hiểm nghèo. Trước đây, súng kíp là loại vũ khí phổ biến của người dân vùng Tây Bắc và cũng bởi sự phổ biến đó mà tai nạn do loại "hoả lực" này gây ra cũng rất nhiều. Và vì bài chú "hút dị vật" mà ông Hối học được đã "có đất" để phát huy công dụng.

Theo những người trong gia đình ông Hối thì hơn 50 năm chữa bệnh, ông đã làm lành vết thương cho hàng ngàn người mà không hề lấy một đồng tiền, cắc bạc nào của người bệnh. Chính vì vậy cho đến khi nhắm mắt xuôi tay ông vẫn nghèo rớt mùng tơi.


Liếm dao nóng chuẩn bị chữa bệnh.


Ông Hối mất, phương pháp chữa bệnh độc đáo đó được truyền lại cho người duy nhất là ông Vì Văn Cán - con rể ông Hối. Đến giờ, truyền nhân ấy cũng đã chữa bệnh cứu người được hơn chục năm ròng. Ông Cán vẫn nhớ như in những ngày khổ luyện khi học nghề lạ ấy từ bố vợ mình. Năm 1987, khi biết mình không còn sống được bao lâu nữa, ông Hối đã chọn mặt gửi vàng truyền nghề cho những người mà mình tin tưởng. Ba người được học là ông Cán và 2 người cháu ruột của mình. Trong suốt 3 năm, cứ vào buổi tối là họ phải học những bài cúng gọi là Rẹt Phi, đọc liền mạch không được đứt hơi và phải kiêng ăn thịt các loại chim, thịt khỉ và ba ba, đặc biệt là khoản… đàn bà.

Sau vài tháng, hai người cháu không chịu nổi sự kiêng khem rối rắm trên nên đã… bỏ cuộc chơi. Ông Cán vẫn kiên trì theo học. Truyền vừa hết mọi bí quyết cho con rể thì ngay ngày hôm đó, ông Hối qua đời. Theo như ông Cán, ngoài việc học thuộc những bài cúng và kiêng cữ đủ 3 năm, ông còn phải lập một mâm thờ, ngay cạnh chỗ nằm ngủ của mình, cùng hai bộ bàn thờ khác, một để dưới gầm nhà sàn, một treo trên vách tường. Mâm thờ gồm có gạo nếp, một bát nước được hòa với tổ của con tò vò, bên trong bỏ 3 hào bạc hoa xòe. Ngoài ra, trong mâm thờ này còn đặt 2 mét vải đỏ, một chiếc khăn Piêu và lúc nào cũng phải có hai quả trứng. Mỗi khi ông Cán chữa bệnh thì phải thắp hương ở cả ba bàn thờ.

Ông bảo, làm như vậy là để… bảo với "con ma" nhập vào mình để giúp mọi người. Khi đó, ông có thể nhìn rõ mọi vật nằm sâu trong cơ thể, tìm đường vào của chúng và nhanh chóng hút ra. Trong lúc thực hiện "món công phu" này, ông Cán có thể cho nến cháy ở trong mồm, dùng lưỡi liếm vào lưỡi dao đã được hơ đỏ mà không hề hấn gì…

Màn chữa bệnh rợn tóc gáy

Chứng kiến ông Cán chữa bệnh cho chị Tòng Thị Hạnh bản Lệ, xã Hua La, thị xã Sơn La, chúng tôi không khỏi trầm trồ, kinh ngạc. Nó như một trò ảo thuật có một không hai.


Ông Cán đang hút bệnh cho chị Tòng Thị Hạnh.


Chị Hạnh bị viêm gai thị giác, đã chữa ở cả bệnh viện địa phương lẫn Trung ương mà bệnh chẳng lành. Cuối cùng chị đã tìm đến ông Vì Văn Cán nhờ giúp đỡ. Buổi chữa bệnh độc đáo ấy còn có sự chứng kiến của ông Lường Văn Cấu, nguyên là Phó trưởng Công an huyện Sông Mã, nay là Bí thư Chi bộ bản Pá Công.

Để chữa căn bệnh đau mắt của chị Hạnh, ông Cán dúi con dao chẻ củi vào bếp lửa đang cháy bùng bùng. Xong việc đó, ông thắp ba nén hương và khấn những câu Rẹt Phi bằng tiếng Xinh Mun. Vừa khấn ông vừa đốt nến và nhúng 3 chiếc lá cỏ lát vào bát nước màu đen có hòa tổ tò vò. Giơ cây nến đang cháy lên ngang mặt, ông thu hết thần lực của mình vào chỗ đau của chị Hạnh.

Nhẹ nhàng dùng lá cỏ lát quét vào "vết thương" của người bệnh. Qua lời "phiên dịch" của ông Cấu thì việc ông Cán dùng nến soi cũng không khác gì... chụp X quang ở bệnh viện. Nhanh thoăn thoắt, ông Cán lấy chiếc ống hút bằng nứa, đặt lên chỗ đau trên đôi mắt chị Hạnh và bắt đầu pha chữa bệnh lạ lùng của mình. Cứ 2 lần hút vào thì lại một lần ông thả những thứ gọi là chất độc ấy vào một chén rượu trắng. Khi chuyển sang mắt phải chị Hạnh, ông Cán lại cho cây nến đang cháy dở vào miệng mình, khua khua mấy vòng trong họng rồi lại tiếp tục y như với mắt trái. Đang "hút độc" thì ông Cán ra hiệu cho người nhà xuống bếp cầm con dao nung trong than hồng khi nãy lên. Giơ con dao nung đỏ trước mặt, ông Cán thản nhiên thè lưỡi… liếm ngon lành như đứa trẻ mút kem. Những tiếng xèo xèo phát ra khiến nhiều người sởn da gà. Liếm dao nung đỏ xong, ông Cán phả hơi nóng vào mặt chị Hạnh. Theo như lời ông Cán nói thì "đây là thuốc giảm đau với người bị vết thương kín và là cách cầm máu với những người có vết thương hở”.

Màn chữa bệnh của ông Cán kết thúc khi ông cắm lưỡi dao vào bát nước trong mâm thờ… Chị Hạnh bảo, mỗi lần được hút như vậy thì đỡ hơn hẳn. Trước đây, khi chưa nhờ ông Cán chữa trị, ngày nào chị cũng phải uống thuốc giảm đau mới ngủ được. Từ hôm sử dụng liệu pháp lạ lùng này, chị đã không phải dùng thuốc nữa.


Ông Cán và hai chiếc ống hút của mình.


Thần y miền sơn cước?

Cũng cách chữa bệnh kiểu trên, ông Cán đã cứu giúp nhiều người qua cơn hoạn nạn. Anh Lường Văn Táo, 22 tuổi, hiện là dân quân xã Huổi Một, Sông Mã là một ví dụ. Đầu tháng 7 trong lúc đi rừng, súng săn bị cướp cò khiến anh bị thương nặng. Hơn 40 mảnh đạn chì nhỏ li ti găm sâu trong đùi phải. Trong khi đợi người nhà thuê xe đi ra bệnh viện tỉnh Sơn La, để các bác sỹ đóng đinh, bắt vít cho đoạn xương bị gẫy, anh Táo đã được ông Cán hút ra 17 mảnh đạn. Số còn lại, đợi khi nào chỗ xương gẫy lành hẳn thì "phẫu thuật tiếp". Em của anh Táo là Lường Văn Tài giờ cũng coi ông Cán là ân nhân. Ồng Lường Văn Tài, hiện là Trưởng bản Pá Công kể, trong một lần chỉnh lại súng kíp, ông đã vô tình để súng nổ, đạn găm chi chít vào chân con trai mình. Như nhiều người khác, ông vội vã nhờ ông Cán hút đạn ra. Đến nay, đã 8 năm, vết thương của con trai ông đã không còn vết dấu.

Theo bà Lò Thị Giáng Hương - Trưởng phòng Y tế huyện Sông Mã, phương pháp chữa bệnh độc đáo của bố con ông Cán đã tồn tại từ rất lâu rồi. Chính người thân của bà Hương cũng nhờ cách chữa bệnh trên mà qua cơn bĩ cực. Trường hợp thứ nhất bị kim máy khâu đâm vào tay. Mẩu kim đó chạy theo mạch máu, cách chỗ đâm khoảng 7cm, bệnh viện huyện đã gắp nhiều lần nhưng không thành. Trường hợp thứ hai là anh Lò Văn Khâm ở huyện Mai Sơn. Chụp phim, các bác sĩ thấy trong cơ thể ông Khâm có nhiều mảnh đạn. Sau khi được ông Cán "xử lý", chụp chiếu lại thì không còn một mảnh đạn nào. Theo PGS - TS. Phạm Vũ Khánh - Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền, Bộ Y tế thì phương pháp chữa bệnh độc đáo của ông Vì Văn Cán là rất lạ. Theo ông Khánh, ngành y tế tại địa phương cần nhanh chóng kiểm chứng cách chữa bệnh trên bằng các phương pháp khoa học.

Nếu xét thấy việc chữa bệnh trên là tích cực thì cần có chính sách hỗ trợ, "bảo tồn" tránh thất truyền. Còn theo kỹ sư vật lí Nguyễn Việt Hà, hiện công tác tại Cục Sáng chế Việt Nam, thì loại bỏ những yếu tố bổ trợ mang màu sắc dị đoan như thắp hương, niệm chú… thì việc dùng ống tre, nứa để hút được những vật đã nằm sâu trong cơ thể là có cơ sở khoa học. Kỹ sư Hà cho biết, lực hút chân không từ ống hút kết hợp với áp lực máu trong cơ thể người bệnh hoàn toàn có thể lấy được "vật thể lạ" ra ngoài.

Theo NTNN