Những bí ẩn dưới chân Sài Sơn (Phần I)

Tôi cứ đồ rằng, cái địa danh mang tên Sài Sơn đầy thơ mộng, cái địa danh gắn với Chùa Thầy nổi tiếng, lại biết bao nhiêu lần đi vào trong thơ ca tự cổ chí kim ấy…, hẳn ai cũng biết, hẳn chẳng còn điều gì là bí mật… Thế nhưng, nơi này, có lẽ, mãi mãi vẫn là một thế giới huyền bí, mãi thách thức những lá gan khám phá. Huyền thoại thì sẽ mãi là điều bí ẩn. Và, cái bể xương khổng lồ dễ đến ngót ngàn năm tuổi, được con rồng bướng cất giữ trong bụng, thì lại là sự thật…


Bài 1: Đi tìm suối xương trong lòng “con rồng bướng”

Truyền rằng, núi Sài Sơn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Tây) mang hình thế của một con rồng. Đầu rồng kề vào đỉnh một hồ nước, thân bao quanh hai phần ba chu vi hồ, khúc đuôi ẩn hiện mãi phía xa… Cụ Huấn Cao thuở bị triều đình Huế ruồng bỏ, bị “đày” về đây làm Huấn đạo. Khi ấy, có lẽ xứ Đoài còn là vùng rừng núi hoang vu lắm. Ngày ngày, cụ Cao dẫn học trò lên chùa bình văn, hay một mình đăng cao thi xuất… Chẳng biết có phải ẩn dụ để nói về hoàn cảnh của mình, hay vì phẫn chí, cụ nhận thấy dãy Sài Sơn tựa thế một con rồng bị xiềng trong cũi sắt, và gán cho nó là “con rồng bướng” do Trời đày xuống hạ giới…

Người Sài Sơn thì truyền nhau những huyền thoại, rằng đấy là 9 tầng địa ngục, nơi có con quỷ án ngữ cổng trời, làm công việc “tuyển” các linh hồn trước khi cho lên cõi Nát bàn đầu thai làm kiếp khác hay đày xuống âm phủ làm mồi cho chó ngao, vạc dầu… Huyền thoại thì sẽ mãi là điều bí ẩn. Còn bể xương khổng lồ dễ đến ngót ngàn năm tuổi, được con rồng bướng cất giữ trong bụng, thì lại là sự thật.




Xương người trong bể hài cốt khổng lồ


“Thần Quang Tự” là động cao nhất nằm trên đỉnh Sài Sơn, gần với danh thắng chùa Cao. Nơi truyền có suối xương ở tầng thứ ba trong chín tầng địa ngục. Thấy có khách lên viếng chùa Thầy và vào trong động núi, vài người dân địa phương ùa ra, tranh nhau nhận dẫn đường. Bỏ cơn mưa, bỏ những người dẫn đường, tôi nhắm Sài Sơn băng tới.


Đường lên núi được định vị bằng những bậc đá lèn xi-măng. Mưa, ẩm ướt và lá cây mục đã tạo điều kiện cho rêu mọc lún phún trên những bậc đá lúc dài, lúc hẹp… Tôi định bụng sẽ nhẩm đếm xem có bao nhiêu bậc, để quên đi hơi thở đứt quãng và máu dồn lên mặt, lên lưng nóng ran, thấm ướt cả chiếc áo khoác, dù mưa vẫn tí tách nhỏ giọt theo tán lá và gió vẫn thông thốc thổi… Thế nhưng, chính cơn mưa đã làm bậc đá trơn như bôi mỡ, chỉ cần nhãng một cái, rất có thể chúi sang một rìa đá tai mèo nham nhở hai bên đường.

Chưa phải mùa lễ hội, lại chẳng phải ngày đẹp trời nên thắng cảnh chùa Thầy vắng hoe hoắt. Không kể những người địa phương có việc đi lên núi ngược đường, chắc chắn, tôi là người rồ dại duy nhất hành hương leo núi đúng ngày mưa và lạnh như thế. Men hai bên đường lên, những cây đại cổ thụ dễ đến trăm năm tuổi vắt hờ hững những chiếc rễ lên mặt đá, ngả thân mình treo đu đơ lưng chừng núi và ướp hương khắp các nẻo rừng. Thấp thoáng trong những lùm cây, hay những khe núi bằng phẳng, những ngôi chùa im lìm ngủ trong mưa. Nơi này lạnh ngắt vì không có hơi ấm của nhang khói, và được khóa im ỉm bằng chiếc khóa mà cả khóa lẫn then cửa đều xỉn lại vì rỉ…


Đường vào Thần Quang Động nằm phía sườn bên kia của núi Sài. Chiếc biển báo treo trên cây sào đặt tại “ngã ba” núi, có mấy mũi tên chỉ hướng. Thần Quang Động bên hữu, mũi tên chỉ thẳng lên đỉnh. Theo hướng mũi tên, chiếc vải bạt xanh nằm tênh hênh bên vệ đường, bốn cây sào chổng gọng vó lên trời. Gió núi đã lật nhào cái quán lá mỏng manh, xiêu vẹo. Từ những tấm bạt còn trụ được, từ những tán cây lật phải, lật trái, gió núi tru lên từng hồi lạnh ngắt, tựa như tiếng quẫy đạp của con rồng bướng muốn thoát khỏi chiếc xiềng. Không gian lặng ngắt. Bất giác, tôi dựng da gà vì sợ hãi… Cánh đồng Sài Sơn đang vào vụ gặt, vàng sậm dưới mưa, ẩn hiện theo độ cao thấp và sự thưa thớt hay rậm rạp của những tán cây chặn nơi sườn núi. Nghĩ đến mục đích chính đi tìm suối xương khổng lồ trong lòng núi Thầy, tôi chẳng còn tâm trạng nào mà “ngó lúa vàng” nữa, dù cánh đồng vàng trong ước mộng của Quang Dũng nằm dưới một tầm mắt…


Mùi nhang bỗng nhiên thoang thoảng trong kẽ áo. Tôi chợt nhớ đến gương mặt ông Thiện, ông Ác đứng gác nơi chùa chính, khi tôi rì rầm thắp nén nhang khấn vái, xin phép các cụ được vào động để nhìn tận mắt suối xương của các cụ, truyền rằng đã có ngàn năm tuổi…



Bàn thờ tướng quân Lữ Gia


Bà Hoa, người bán hàng nước trên cửa động, tròn mắt ngạc nhiên vì có khách giữa cái thời tiết ẩm ương thế này, nhỏm dậy đẩy người đàn ông đang chuếnh choáng hơi men để với tay lấy chiếc đèn pin. “Không có đèn, anh không xuống được đâu!”. Bà giúi vào tay tôi chiếc đèn pin sạc của Trung Quốc. “Trời mưa, anh đi cẩn thận không lao xuống miệng vực như bỡn. Mà không được tò mò vào những ngách lạ. Có người lạc trong động ngót tuần lễ không lên được đấy…”.


Hít một hơi thật sâu để bớt lạnh, tôi nhận lấy chiếc đèn pin của người phụ nữ có giọng Ba Vì nằng nặng. Luồng ánh sáng bị khoảng sâu hun hút nuốt chửng. Tôi đặt chân vào bậc đá đầu tiên dẫn xuống huyệt mộ trong lòng núi. Nghe đồn, trong đó có một bể xương khổng lồ, và một “suối xương” của hàng ngàn nghĩa quân Lữ Gia nằm lại. Những khối đá lạnh ngắt, im lìm mỗi khi có ánh đèn pin quét qua bỗng trở nên lóng lánh. Những nhũ đá triệu năm tuổi đủ các hình thù, từ trên cao rủ xuống, giống như một thế giới bị đảo ngược… Con đường vào động, đoạn là các bậc đá do người dân xây dựng, đoạn là những bề mặt gồ ghề, nhem nhép đất và muội đuốc, len lách qua những vỉa đá âm ỉ nước. Được một đoạn chừng vài bước chân, tôi lại dừng lại một lần, lấy khăn lau mắt kính, lau pha đèn pin và quét đèn một khoảng rộng ra tứ phía, đủ để có được cảm giác an toàn rằng không có gì “thập diện mai phục” trong khoảng đen sậm của những hũm, những hốc lạnh tanh chìm sâu trong lòng đất đến cả trăm mét…


Thi thoảng trên một vách đá, xuất hiện một tấm bia với những văn tự cổ. Nét khắc đã bị bào mòn, chỉ còn dấu vết tựa như hình những rễ cây leo ăn vào đá, sau khi chết đi để lại. Một chỗ khác, hình một đầu lâu có hai gạch chéo, giống hệt như những biển báo “nguy hiểm chết người”. Dòng chữ nguệch ngoạc Cấm vào hang, nguy hiểm” bò loằn ngoằn dưới cái biển ấy.


Thế giới của bóng đêm khiến người ta hay tưởng tượng ra những điều quái đản. Và, sự cách biệt thanh âm làm cho bụng rồng trở thành một thế giới khác… Tiếng nước rót từ trên thành động thánh thót, lúc xa, lúc gần, nhưng không thể nhận biết chính xác vị trí của những “giọt thuỷ ngân” bền bỉ bào mòn đá từ ngàn đời ấy.


Con đường hẹp bỗng nhiên dẫn tới một khoảng không gian khá bằng phẳng và rộng. Từ kẽ động, một vòm trời bỗng nhiên ùa xuống. Dù hôm nay trời mưa, thế nhưng cái ánh sáng xám xỉn của mưa rừng cũng đủ để soi bừng những gương mặt đá nãy giờ vẫn đắm chìm trong tối.





Tôi đã chạm chân đến lãnh địa của bể xương khổng lồ một ngàn tuổi!


Men theo sườn đá thoai thoải dốc, bàn thờ nghĩa quân Lữ Gia lạnh ngắt khói hương. Tấm biển bằng gỗ dán nhoen nhoẻn đất. Tất cả đều được đặt dưới các vòm đá, như một sự hữu ý của trời đất. Phía sau bát hương đầy chân nhang, một tượng nghĩa sĩ nhỏ xíu đứng khuất vào trong tối. Một ý nghĩ không biết từ đâu đưa xuống. Bỏ lỉnh kỉnh những đèn pin, máy ảnh, ba lô…, tôi chắp tay khấn cầu xin các vong linh của nghĩa quân cho phép được đặt chân vào lãnh địa của huyệt động…


Dù khuất trong tối, và ngỡ như Thần Quang Động đến đây đã tuyệt đạo, bể xương khổng lồ trong truyền thuyết đã sững sững trước mắt tôi đầy bí hiểm…


Bể xương khổng lồ được gá một phần vào vách đồng, phần chân bể được đặt chìm, độ sâu bao nhiêu hẳn chưa ai dò được. Một cột nhũ đá lạnh ngắt như thần coi ngục. Mái bể hình vòm khoen khoẻn nhô, sâu vào phía trong là một vòm hang tự nhiên bằng đá. Một bài vị bằng chữ Hán, (mà sau này tôi được biết, đó là dòng chữ Bảo Đại thập tam niên) mạ vàng đã bị sứt mẻ lỗ chỗ…


Kiễng chân, thò đầu qua miệng bể nhỏ ton hỏn, dưới ánh sáng đèn pin quét qua, những khúc xương bắt đầu lộ diện. Một lớp gì đó dày sát miệng bể. Những khúc xương ống, xương sườn của các cụ hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Cứ theo cái chiều cao ngót 2 mét, chiều rộng hơn 1 mét, thì dung lượng lên đến vài khối của “bể xương người tập thể” ấy, có đến hàng ngàn người đã được tập trung trong chốn này…


Ánh sáng từ vòm trời đột ngột nứt ra giữa khe động chợt hắt tới chỗ bể xương không lồ nơi tôi đang đứng. Trong giây lát, tôi bỗng thấy cái “miệng” của vòm trời ấy, mang hình ảnh khuôn mặt của một con quỷ dữ… Trong truyền thuyết mà người Sài Sơn vẫn kể, cổng trời ấy chính là nơi con quỷ bị trời đày xuống hạ giới, bị giắt ở đỉnh núi Thầy… Nó bỗng nhiên được phó thác nhiệm vụ canh gác điểm giao nhau giữa trời và đất, nơi một linh hồn có thể được về trời để tiếp tục tái sinh, hay bị đày xuống 9 tầng địa ngục trong bụng con rồng bướng (cũng là những tầng hang trong Thần Quang Động), chịu cực hình cho những tội lỗi mà mình gieo rắc khi còn sống…


Cứ theo những dẫn dắt của câu chuyện trong truyền thuyết, thì con đường vào động Thần Quang Tự chưa phải đã thành tuyệt đạo. Đằng sau bể xương khổng lồ ấy, có một ngách hang đưa đến suối xương khổng lồ, ở tầng thứ ba trong chín tầng địa ngục…


(Còn nữa)