Vu Lan là chữ phiên âm từ tiếng Phạn, dịch nghĩa theo chữ Hán là giải đảo huyền. Chữ đảo huyền, nghĩa là sợi dây treo ngược. Đó là hình ảnh được thí dụ cho nỗi khổ của chúng sanh là vô cùng vô tận, không thể nào tả xiết. Giải đảo huyền nghĩa là mở sợi dây đang treo ngược tức có nghĩa là Cứu giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau, cảnh giới khổ đau, sanh về các cõi thiện lành an lạc. Đó là ý nghĩa của Vu Lan.



Nam mô đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát.
OM AKOMI TRAM

Về ý nghĩ đầy đủ của Vu Lan thì trong kinh Vu Lan đã nói rất rõ, rất chi tiết. Có lẽ tất cả quý vị đã biết; ngài Mục Kiền Liên sau khi tu hành đắc đạo, nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục cha me, một công ơn, không có công ơn nào có thể đem so sánh được, và được ví là công ơn trời biển, dùng thần thông nhìn thấy mẹ mình đang bị thống khổ trong địa ngục, Ngài đã đem cơm cho mẹ. Nhưng bà mẹ vì nghiệp lực quá nặng cho nên cơm đã hoá thành than lửa đỏ hồng không thể ăn được.

Ngài Mục Kiền Liên buồn bã, trở về thưa với đức Phật. Phật dạy rằng, nghiệp lực của mẹ ông quá sâu dày, nên mặc dầu ông có thần lực quảng đại và có tấm lòng hiếu đạo cảm động cả trời đất, nhưng một mình ông không thể Cứu được mẹ ông. Đây là một điểm mà tất cả chúng ta phải lưu ý. Với thần thông bậc nhất trong hàng đệ tử Phật, với tâm hiếu đạo cảm động cả trời đất, thế mà ngài không Cứu nổi mẹ, cần phải nhờ đến ân đức của mười phương chúng Tăng. Đức Phật dạy rằng, mười phương chúng tăng lấy ngày rằm tháng 07 làm ngày tự tứ; các ông hãy vì cha mẹ bảy đời, cha mẹ hiện tại, những người đang ở trong vòng khổ nạn mà sắm trai soạn, lễ vật, bông ba, quả phẩm, hương dầu đèn nến, giường chiếu mền nệm, các thứ tốt nhất, đặt vào trong bồn hiến cúng chúng tăng trong mười phương. Nhờ có đầy đủ giới pháp thanh tịnh cho nên đạo đức của tăng chúng ấy rất lớn. Ai cúng dường chúng tăng tự tứ đó thì tất cả cha mẹ cùng với bà con trong đời hiện tại mà đã quá vãng thì thoát khỏi thống khổ trong ba đường; trong đời hiện tại mà đang còn sống thì hưởng phước lạc, sống lâu trăm tuổi. Đó là nguyên nhân của lễ hội Vu .

Con người chúng ta không phải từ trên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên. Tất cả mọi người có mặt trên trái đất này đều do cha mẹ sinh ra, do cha mẹ nuôi lớn. Nói cách khác, đó chính là công ơn sanh thành dưỡng dục. Đã mang ơn thì phải nhớ ơn và đền ơn. Bất cứ người nào, đoàn thể tổ chức nào cũng đều phải như vậy. Nếu không, thì có lẽ không còn nguyên vẹn tính chất của một con người; không còn lý tưởng phục vụ mọi người của một đoàn thể tổ chức nữa. Chúng ta thử nghĩ, một người không biết công cha, không biết nghĩa mẹ tức không biết gì về hiếu thuận thì người đó liệu có phải là con người không; và cho dù thực tế họ vẫn mang lấy hình vóc của con người nhưng tính chất của họ có thể phải nói một cách chua xót rằng, chỉ ngang hàng với các động vật bốn chân. Chúng ta thử nghĩ, một đoàn thể tổ chức luôn nhân danh vì mọi người, phục vụ mọi người mà không hề biết đến, nói đến công ơn của cha mẹ, coi cha mẹ như một người xa lạ, như một kẻ vô tích sự, thậm chí đôi khi cho là có tội, thì thử hỏi, liệu đoàn thể tổ chức đó có thực tâm, thực lòng vì mọi người được không!

Đã biết ơn, nhớ ơn thì phải đền ơn tức là phải báo hiếu.. Một điều nữa mà chúng ta cần nhớ rõ, trong các kinh điển, đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh, trong chuỗi luân hồi vô tận, đã từng làm cha làm mẹ của nhau. Như vậy có nghĩa là báo hiếu cha mẹ cũng chính là đền ơn, trả ơn cho tất cả mọi người.

Công việc báo hiếu đối với cha mẹ, như trong kinh dạy, thiết trai cúng dường, cầu ơn mười phương Tam Bảo gia hộ cho cha mẹ đã quá vãng siêu sanh về cõi thanh tịnh và yên vui; đối với cha mẹ hiện tiền, chúng ta cũng phải thấy rõ qua hai ý nghĩa: thứ nhất, nhờ oai lực của thập phương Tam Bảo gia hộ cho cha mẹ sống bình yên trong cuộc sống hiện tại, sống hài hoà trong tình cảm gia đình và xóm làng, sống lâu trăm tuổi; thứ hai, với tư cách của những người con đối với cha mẹ còn sống, báo hiếu cha mẹ tức là giúp cho cha mẹ thoát khỏi khổ đau và phiền muộn trong đời sống, giúp xoá đi những khó khăn ràng buộc mà cuộc sống của xã hội đang tạo nên cho chạ Thực tế thì rất phức tạp. Tuỳ theo hoàn cảnh của từng gia đình cũng như hoàn cảnh xã hội. Ở đây, tôi cần lưu ý với quý liệt vị rằng báo hiếu cho cha mẹ, theo nghĩa đầy đủ, là đền ơn cho tất cả mọi người, những người chung quanh chúng ta; và những người chung quanh chúng ta báo hiếu cho cha mẹ, tức cũng trả ơn, đền ơn cho chúng tạ Như vậy có nghĩa là chúng ta biết ơn, chúng ta trả ơn và đền ơn cho nhau.

Trong hiện tại, chúng ta gặp rất nhiều khó khăn trên hai lãnh vực tinh thần và vật chất. Về vật chất, như nhiều người đã từng nói, xã hội ngày nay dồi dào về vật chất hơn cách đây ba mươi năm. Có thật sự đúng như vậy không. Và giả dụ thực sự là như vậy thì nỗi khổ về vật chất có giảm thiểu đi nhiều hơn không. Có lẽ câu trả lời dứt khoát là không; bởi lẽ, dù có như vậy chăng nữa, thì thực tế độ chênh lệch giữa giàu và nghèo là quá mức có nghĩa là vật chất dồi dào kia là chỉ nằm trong tay của một thiểu số ít ỏi. Với một thực tế như vậy, trước mắt, mỗi một người trong chúng ta tự suy nghĩ trong phạm vi của mình để thực hiện mà thôi.

Về mặt tinh thần, trong thời buổi này, đối với chúng ta có rất nhiều điều vướng bận, thậm chí có những vướng bận rất ấm ức, rất dai dẳng. Đó chính là một trong những hình thức của trói buột, khổ đau. Chúng ta cần phải tìm cách để giải thoát. Như trên tôi đã nói, với thần thông quảng đại, với tấm lòng hiếu thảo cảm động cả trời đất của ngài Mục liên vẫn không Cứu nỗi một mình bà mẹ. Thế thì phải xem lại, chúng ta là ai, khả năng thế nào, tấm lòng yêu đạo ra sao, tự thân mỗi một người liệu có đủ sức để Cứu giúp được không. Chắc chắn là không. Nhất định, chúng ta phải luôn trao đổi, học hỏi và thống nhất, cùng một lòng một dạ giúp nhau khắc phục những chướng duyên, vượt qua các khổ đau mà con người và xã hội đã tạo nên cho chúng ta .
Và hơn ai hết, tất nhiên đã là người con Phật, chúng phải luôn luôn quyết tâm theo đuổi và đạt cho được mục đích mà chư Phật hằng mong muốn chúng ta có được, đó là sự giải thoát và giác ngộ.

Mong rằng tất cả quý đạo hữu hãy nỗ lực tư duy, trù biện. Bởi vì hạnh phúc, an lạc, sự tiến bộ của chúng ta trên con đường giải thoát giác ngộ hay là sứ mạng hoằng pháp lợi sanh, Cứu độ cha mẹ, phải do chính chúng ta thực hiện chứ không ai khác. Mong rằng quý vị đừng mơ hồ, đừng lãng quên, để phải nhọc công tốn sức mà không được gì cả. Chẳng ích gì cho bản thân mà cũng chẳng đem đến lợi lạc gì cho một ai. Thật đáng buồn khi một người Phật tử tại gia suốt đời đi chùa lễ Phật nhưng rốt cùng chẳng thấy kết quả ở đâu. Còn gì xót xa hơn khi một người thiếu niên dâng hiến trọn đời mình cho sự nghiệp xuất gia tu học mà lại mơ hồ, mông lung trong cuộc sống thực tiễn trước mắt; quên bẵng sơ tâm, lạc mất lối về. Xin quý vị phải luôn luôn nhớ đến mục tiêu giải thoát và giác ngộ cho mình và cho mọi người. Có như vậy quý thầy cũng như quý đạo hữu mới thực hiện trọn vẹn nhất và đầy đủ nhất ý nghĩa báo ơn cha mẹ trong mùa Vu Lan thắng hội.

Cuối cùng tôi xin chúc liệt quý vị thân tâm thường lạc, phước trí trang nghiêm trong niềm vui hoan hỷ.
Nam mô đại hiếu Mục kiền liên tôn gia .