kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Ðề tài: Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế

    Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế

    Theo tư liệu của Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam thì cái chết của người anh hùng cầm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế được ghi lại như sau: “Cuối tháng 12/1912, Lương Tam Kỳ, một tên trùm thổ phỉ đã đầu hàng Pháp, cùng bọn chỉ điểm người Hoa đến trá hàng Đề Thám. Chúng hứa với Đề Thám sẽ bày cho nghĩa quân cách chế tạo... bom tấn. Tại một ngôi lều chạy loạn ở khu vực Hố Nấy, họ chuốc rượu say rồi giết Đề Thám cùng hai thuộc hạ thân tín của Cụ. Đó là ngày 10 tháng 2 năm 1913. Năm đó, Đề Thám 55 tuổi. Cả gia đình Cụ Đề Thám bị giặc Pháp bắt và giết. Người con cuối cùng của ông là bà Hoàng Thị Thế, bị bắt về Pháp từ khi mới 6 - 7 tuổi, cuối đời bà đã về nước và đã qua đời."



    Liệu sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế tan rã vào cuối năm 1909, người anh hùng Đề Thám – con hùm thiêng Yên Thế thoát khỏi sự truy bức của thực dân Pháp và chính quyền tay sai, với giải thưởng treo đầu ông cực lớn có chịu chết một cách dễ dàng như vậy không? Đó vẫn là một nghi vấn. Bởi toàn gia của ông bị bắt và giết hại, chỉ sót lại mỗi một người con gái út. Nhưng tại sao trong tất cả những tư liệu đã được công khai hiện nay không có bất cứ một bức ảnh nào về cái chết của ông? Bài viết sau vừa giải đáp một phần nghi vấn về cái chết đó, vừa nêu lên những thắc mắc cần đến các chuyên gia bổ cứu...



    Ngôi mộ bí ẩn trên đồi thông Cẩm Trang...





    Ngôi mộ không bia của người ăn mày gần một trăm năm tuổi - Ảnh: Nhật Hạ




    Ngôi mộ vẫn được coi là "của một người ăn mày vô danh" chôn trên đồi thông cổ (nay chỉ còn lại dấu tích) của xóm Tân Lập, thôn Cẩm Trang, xã Mai Trung (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đến nay đã được gần một trăm năm. Năm 2002, vào một buổi trưa, hai đứa con nhà chị Điền, anh Đường (những người chủ đất hiện tại) đang chơi ở ngoài vườn trong khi bố mẹ chúng đi vắng. Giống như mọi nhà hàng xóm khác, hai vợ chồng Điền – Đường thường hay đào đất làm gạch xây nhà., làm cho nền đất sụt dần xuống. Mấy hôm lại mưa nhiều nên chỗ đất ở chân ngôi mộ lở ra, lộ thiên hai cái xương gióng chân rất to. Hai đứa trẻ năm đó, một đứa 10 tuổi, một đứa 6 tuổi đang chơi đùa, nhìn thấy sợ quá nên báo cho người lớn. Theo lời anh Đường kể lại thì hai cái xương gióng chân trong mộ cứ lộ thiên như thế trong suốt hai tuần, sau đó anh mới dám lấp đất đi. Trong thời gian ấy, có rất nhiều người dân vì tò mò mà đến xem, có nhiều người còn lật đất lên để nhìn cho rõ...

    Chị Ngô Thị Thúy, một trong những người đến khu trại thông đầu tiên kể rằng, mỗi gia đình khi ra đây lập nghiệp chỉ có hai gian nhà tranh, cả khu nhà ở đây giống như khu “nhà chị Dậu”. Lúc ấy, ngôi mộ này đã có ở đấy, nhưng chưa được chú ý nhiều. Sau này, do những lời đồn thổi, đã có vài người có đi xem bói, có người xì xào, đây là ngôi mộ của một ông quan to...

    Vợ chồng anh Đường cũng đã đi xem bói nhiều nơi, thì thầy bảo rằng, đây là "khu mộ của người làm cách mạng, cần phải thờ cúng cẩn thận”. Thế nên hai vợ chồng, từ ngày cưới nhau về ở khu đồi thông, trong bữa cơm hàng ngày, khi dọn mâm, vẫn để thêm một chiếc bát và đôi đũa dành cho người chết vô danh đang cư ngụ... ngay trước cổng nhà.


    Không lâu sau đó, ở ngôi mộ này, người ta phát hiện ra một cái "lon" bằng gốm sứ (giống như cái hũ, cái liễn nhỏ). Bên trong cái lon này chứa đầy đất vôi, lật ngược cái lon cổ thì thấy có đĩa cổ in hình 4 con cá, lật cái đĩa cổ ấy ra thì thấy 1 cái đĩa nữa giống như thế ở phía dưới, dưới đĩa này là 1 cuộn giấy viết chữ Nho, sau lớp giấy này cũng lại 1 cái đĩa cổ nữa để tránh ẩm, nước mưa ngấm vào trong. Cuộn giấy này lập tức được mang tới các cụ biết đôi chút chữ Hán trong làng dịch, trong đó có cụ Kiểu, năm nay 96 tuổi (những dòng thơ này còn được Viện Hán - Nôm, Bảo tàng Bắc Giang dịch). Có nhiều bản dịch khác nhau, nhưng dịch nôm na nó ra thế này:

    “Cờ nghĩa bao năm đành lỡ vận.
    Hậu thế nghìn năm nào ai hay.
    Yên ngựa gửi thân nơi hồn đất.
    Thế sự Hoàng Hoa ai biết chăng?”.


    Và bí ẩn về ngôi mộ cổ này dần dần được hé mở với những tiết lộ của một người làm nhiệm vụ bí mật giữ mộ trong làng...



    Chuyện của chắt nội của người giữ mộ!





    Ông Nguyễn Văn Sử, cháu nội đời thứ 5 của cụ Lý Loan - Ảnh: Nhật Hạ



    Theo ông Nguyễn Văn Sử (59 tuổi), nhà ở xóm trong làng Cẩm Trang, cháu nội đời thứ năm của cụ Lý Loan (cụ Lý Loan sống cùng thời với vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám) thì ngôi mộ vô danh đó chính là mộ của vị anh hùng Đề Thám. Chính ông Sử là người đào được chiếc "lon" cổ (ảnh) này khi định trồng cây ở cạnh ngôi mộ, trước miếu thờ Hoàng Hoa Thám (dựng năm 2004). Theo ông Sử kể lại thì nhiều đời nay trong gia tộc nhà ông vẫn kể truyền miệng câu chuyện về ngôi mộ này, nhưng tuyệt đối giữ bí mật và câu chuyện chỉ được kể cho người con trưởng (ông Sử là út nhưng từ bé đã ngồi nghe lỏm chuyện của bố kể cho anh cả nghe về nghĩa quân Đề Thám). Cách đây tám năm, khi anh cả ông Sử mất, có dặn lại em út rằng: Ngôi mộ của người ăn mày vô danh trên đồi thông Cẩm Trang (xóm Tân Lập mới) chính là mộ của cụ Hoàng Hoa Thám, chỉ huy nghĩa quân Yên Thế năm xưa, mà dòng họ nhà ông có nhiệm vụ kế nhau gìn giữ và thắp hương cúng giỗ.

    Cụ Lý Loan, tên thật là Nguyễn Văn Uyển, từng là "cơ sở cách mạng" của cụ Đề Thám, thân làm đến chức lý trưởng trong làng. Con trai đầu cụ Uyển tên là Loan, nên cả làng quen gọi cụ Uyển là cụ Lý Loan. Khi ấy, nhà cụ ở xóm Nội Dinh (làng Cẩm Trang), cách nhà ông Sử bây giờ khoảng năm-sáu trăm mét. Ngôi nhà cổ rất đẹp, làm toàn bằng gỗ mít, nhưng năm 1954 thì đã được bán đi...

    Câu chuyện được lưu truyền trong dòng họ của ông Sử như sau: Sau khi vụ Hà Thành đầu độc (8/7/1908) của Đề Thám và nhóm nội ứng thất bại, mưu toan chiếm thành Hà Nội không thành. Ngày 29/1/1909, thực dân Pháp quyết định mở một đợt tấn công quy mô lớn vào khu căn cứ Nhã Nam – Yên Thế nhằm tiêu diệt căn cứ nghĩa quân làm chúng nhức nhối này. Toàn quyền Đông Dương P. Doumer và tướng Geil, Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ trực tiếp chuẩn bị kế hoạch . Chiến dịch được thực dân Pháp chia làm 3 giai đoạn: từ 29-1-1909 đến 28-2-1910. Quân Pháp đã huy động 15.000 quân chính quy và khố xanh, 400 lính dõng, đây là một lực lượng lớn nhất từ trước tới nay chúng sử dụng tấn công nghĩa quân Yên Thế. Lực lượng này do đại tá Batay và quan đại thần Lê Hoan chỉ huy.

    Khi đó nghĩa quân Yên Thế chỉ có khoảng 200 tay súng thiện chiến (loại súng 1874 và 1886), còn lại là giáo, mác… Bộ chỉ huy, ngoài Đề Thám còn có một số tướng giỏi như Cả Rinh, Cả Trọng, Cả Huỳnh và bà Ba. Đề Thám chỉ huy nghĩa quân chiến đấu, cầm cự với địch suốt 13 tháng trời, gây cho quân địch nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, so sánh lực lượng quá chênh lệch, để bảo tồn lực lượng, Đề Thám vừa tổ chức đánh trả, vừa phải rút lui khỏi Yên Thế, đến Thái Nguyên, Tam Đảo. Trong lúc đó con cả của Cụ là Cả Trọng bị tử thương và con gái út là Hoàng Thị Thế và nhiều người trong gia quyến bị bắt, bị giết. Lực lượng nghĩa quân giảm sút dần và tới cuối năm 1909, bị tan rã. Đề Thám phải sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế cùng hai thủ hạ tâm phúc. Các nhóm nghĩa quân sống sót thoát khỏi việc truy bắt của thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã tản mát đổi tên họ và trốn đi khắp mọi miền.




    Anh hùng Đề thám - Ảnh tư liệu




    Năm 1911, để tránh sự truy quét của giặc Pháp, Đề Thám cùng với hai người lính cận vệ, trong đó, một người tên là Nguyễn Văn Sự và một người khác tên Tài (là cụ ngoại của ông Nguyễn Văn Sử) và hai người con gái nuôi của cụ Đề Thám về ẩn náu ở thôn Cẩm Trang. Cụ Lý Loan che chắn, bí mật đưa cụ Đề đến ở "nhà cầu Thầy Mai" là một chái nhà như điếm canh đồng (cánh đồng sau được đổi tên là cánh đồng Yên Thế). Một thời gian sau, bà Ba - vợ ba của cụ Đề cũng được đón về ở cùng. Ngày ngày, ông Tài - là lính hầu - lo việc cơm nước cho cụ Đề Thám (hiện mộ hai người lính này vẫn ở thôn Cẩm Trang). Hai năm sau, ngày 9/5/1913, cụ Đề Thám ốm rồi mất. Sau khi cụ mất, để tránh sự chú ý của người dân cũng như tai mắt của bọn giặc, thi hài cụ được bí mật quấn chiếu rồi đem chôn bên cạnh một gốc thông trên đồi thông của thôn Cẩm Trang bởi nơi này địa thế cao, vắng vẻ, ít người qua lại. Hôm sau, mối đã xông kín phủ đầy ngôi mộ. Và, người dân trong xóm cũng chỉ phong thanh biết đấy là ngôi mộ của người ăn mày.

    Vì thế, ngày 9/5 ÂL được gia đình cụ Lý Loan lấy làm ngày giỗ cho cụ Đề thám thay vì ngày 5/1/1913 ÂL như một số cuốn sử vẫn chép (có nơi lấy ngày 4/1 làm ngày giỗ cụ Đề Thám). Còn theo tư liệu của Bảo tàng Quân sự, thì cụ Đề Thám bị sát hại ngày 10/2/1913 ở Hố Nấy.


    Theo những người cao tuổi trong làng, đồi thông này trước kia xanh tốt, có đến cả ngàn cây thông nếp. Nhưng những năm 80 của thế kỷ 20, khi xóm Tân Lập giãn dân, những cặp vợ chồng trẻ tuổi trong xóm Nội Cả, Nội Dinh cần có khu đất mới để sinh sống, làm ăn đã di chuyển đến khu đồi thông và lập nên một trại mới (gọi là đội 10) với khoảng 14 hộ gia đình, hình thành nên “khu ngoài” (Khi ấy, xã cấp cho mỗi hộ 1 sào đất, tương đương 360m2, để lập nghiệp). Dần dần, do nhu cầu đất ở, cả ngàn gốc thông đã... biến mất, thay vào đó là nhà cửa, vườn tược, người ta cũng thi nhau “khoanh thêm” những khoảng đất trống quanh nhà để tăng gia sản xuất. Khi đất đai ngày càng trở nên có giá, thì khu đồi thông càng “gọn gàng” hơn, bởi người người xây tường bao giữ đất. Vì thế, cho đến hôm nay, khu đồi thông xanh mướt ngày xưa, đã chẳng còn lấy một cái gốc cây. Đồi thông cổ giờ chỉ còn trong ký ức những người già ngoài 70 tuổi của làng, hay trong trí nhớ những người như ông Sử, bởi nó gắn với câu chuyện của cả họ tộc nhà Lý Loan.

    Vợ chồng anh Đường , chị Điền cùng thuộc đội 10 của trại thông, khoảnh vườn của nhà anh chị ôm trọn khu mộ. Ngôi mộ gần cả trăm năm tuổi, nhưng vẫn mang “dáng vẻ ngày xưa”, nghĩa là không bia, đất đắp mộ thấp lè tè, gần áp mặt đất. Chỉ khác xưa là, giờ ngôi mộ được quây lại bằng hàng gạch xây vuông vức những cũng đã mốc rêu xanh thẫm do ngày tháng. Trước, lối đi vào nhà anh Đường, cổng chính là cửa đền thờ cụ Đề Thám bây giờ. Nay, do khoảnh đất ấy dành để xây đền, nên lối vào cổng nhà anh Đường dịch xuống khoảng 10 mét, ngôi mộ nằm sát lối ra vào cổng, phía ngoài được rào bằng hàng rào tre gai để tránh có người vào đào trộm.


    Ông Sử kể, không phải cho đến bây giờ, gia đình ông mới nghĩ đến việc làm rõ thực hư câu chuyện của gần 1 thế kỷ trước. Trước đây, do vấn đề phải giữ gìn bí mật, bởi việc che giấu cho cụ Đề Thám liên quan đến cả an toàn tính mạng cho cả dòng họ. Nhưng, từ cách đây 20 năm, anh cả của ông Sử đã bắt đầu kể lại công khai câu chuyện này, và bây giờ, khi anh cả mất, ông là người kế tiếp.


    Căn nhà của ông Sử đang ở rất đơn sơ, giản dị, tường gạch bao quanh, sân gạch, nhà mái ngói. Con cái ông Sử cũng đã lập gia đình gần hết, chỉ còn anh con trai 27 tuổi ở lại nhà. Trên bàn thờ có di ảnh cụ Đề Thám và vợ ba của cụ Đề Thám. Ngày giỗ, nhà ông Sử vẫn làm mâm cơm, thắp nén nhang tưởng nhớ người thủ lĩnh nghĩa quân năm xưa, coi như việc “của gia đình” làm hàng năm từ đời kỵ, cụ, ông nội của ông Sử.




    Đâu là sự thật?






    Đền thờ cụ Hoàng Hoa Thám, bên cạnh ngôi mộ - Ảnh: Nhật Hạ



    Hiện nay, dấu vết của căn nhà được gọi là "nhà cầu thày Mai" nằm giữa cánh đồng Yên Thế (được cho rằng do cụ Lý Loan đổi tên sau khi cụ Đề Thám mất). Các nhà ngoại cảm đã từng về đây còn xác định được một cái giếng lớn ở giữa đồng (lòng và đáy giếng có lát gạch, dân hiện nay gọi là cái chuôm, bởi vết tích bờ giếng đã mất) được kể là trước đây cụ Đề Thám thường ra đó tắm

    Nhiều nhà ngoại cảm, nhiều đoàn cán bộ văn hóa cũng từng về đây, ra thăm ngôi mộ. Những hiện vật trong chiếc lon cổ do ông Sử đào được đã được chuyển về Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Để xác thực câu chuyện, chúng tôi đã có liên hệ với ông Trần Văn Lạng, hiện là Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang. Ông Lạng cho biết những hiện vật như lon, đĩa đều có giá trị về mặt niên đại thời Lê và thời Nguyễn. Tờ giấy có chữ viết để trong cái liễn sành, ông Lạng xác định rằng đó là một tờ giấy dó bản to, cỡ lớn hơn khổ A4, trên có viết chữ Hán lẫn Nôm. Chữ viết rõ ràng, ngoài bài thơ kể trên còn có một dòng lạc khoản nhỏ đề: "Ngày mùng chín tháng năm – Loan". Nhưng ông Lạng cũng không có ý kiến gì thêm trước câu hỏi của chúng tôi: Rằng có phải ngôi mộ ở Cẩm Trang đó có phải chính là ngôi mộ của thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế, người anh hùng Hoàng Hoa Thám?

    Để tìm hiểu thêm câu chuyện thực hư về ngôi mộ, chúng tôi đã cất công liên hệ với nhà điêu khắc Anh Vũ (nhà ở huyện Lạng Giang). Nhà điêu khắc Anh Vũ là tác giả pho tượng Đề Thám tại nhà tưởng niệm ở cạnh đồn Phồn Xương, ông từng nghiên cứu lâu năm, có nhiều tư liệu về vị anh hùng Yên Thế này. Về cái chết của cụ Đề Thám, ông cho rằng "nhiều chuyện mênh mông lắm". Dân gian thì cho rằng cái đầu mà chính quyền bêu để thị uy năm 1913 là cái đầu của một "ông sư chùa Lèo" rất giống Hoàng Hoa Thám. Bởi người dân tưởng nhớ vị anh hùng nên không thể chấp nhận một cái chết như vậy. Nhưng ông Anh Vũ cũng đồng ý một điểm là cái chết được chính quyền tay sai thực dân công bố chưa chắc đã là một cái chết có thực. Bởi người Pháp là người rất trọng tư liệu, nếu như bắt và giết được Đề Thám thực, thì không lẽ nào lại không có ảnh để lại. Trong khi các nghĩa quân Yên Thế và gia đình Đề Thám được chụp ảnh rất kỹ...

    Ông Nguyễn Văn Bình, xóm trưởng xóm Tân Lập thì kể rằng, khi đào được chiếc lon cổ, thì ông Sử không mời ai đến chứng kiến mà đem về nhà. Sau đó ông mới đem trở lại nơi đào...

    Nghe được tin này, con cháu bà Hoàng Thị Thế (con út của cụ Đề Thám) cũng đã tìm về Hiệp Hòa, nhận mộ, và thắp hương thờ cúng. Họ cũng tìm đến nhà ông Sử, cảm tạ và tháng sáu vừa qua, gia đình còn cung tiến bức tượng đồng cụ Hoàng Hoa Thám để đặt tại đền thờ cụ ngay cạnh ngôi mộ không có bia. Dự tính, cuối năm nay, những người có liên quan sẽ tổ chức khai quật ngôi mộ phần đơn sơ này. Chắc hẳn, sau khi khai quật ngôi mộ, sẽ có nhiều điều được làm sáng tỏ. Có điều khu đất "nhà cầu thày Mai" và khu đất có ngôi mộ (nằm cách nhau khoảng 50m) cũng tăng giá hẳn lên sau khi có câu chuyện chưa xác định được hư thực về ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế...


    Nhật Hạ (Vietimes)

    http://vietimes.vietnamnet.vn/vn/tie...438/index.viet
    Last edited by Bin571; 31-08-2008 at 09:39 AM.
    Một người còn phải học hỏi và sửa đổi nhiều !
    Gia Dinh Vo Hinh

  2. #2

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi KhangThien Xem Bài Gởi
    Bí mật về cái chết và ngôi mộ của Hùm thiêng Yên Thế
    Dân gian thì cho rằng cái đầu mà chính quyền bêu để thị uy năm 1913 là cái đầu của một "ông sư chùa Lèo" rất giống Hoàng Hoa Thám. Bởi người dân tưởng nhớ vị anh hùng nên không thể chấp nhận một cái chết như vậy. Nhưng ông Anh Vũ cũng đồng ý một điểm là cái chết được chính quyền tay sai thực dân công bố chưa chắc đã là một cái chết có thực. Bởi người Pháp là người rất trọng tư liệu, nếu như bắt và giết được Đề Thám thực, thì không lẽ nào lại không có ảnh để lại. Trong khi các nghĩa quân Yên Thế và gia đình Đề Thám được chụp ảnh rất kỹ...
    Them mot nguoi nua xac nhan gia thuyet cu De Tham khong bi giet va chat dau

    ----

    ÁI NỮ VÀ THANH GƯƠM CỦA QUAN ĐỀ THÁM

    Ông bác của tôi là cụ Nguyễn Tất Tế, đậu cử nhân thời vua Thành Thái. Ngày đó cả Hưng Yên chỉ có hai vị đậu cử nhân, một là cụ Nguyễn Đình Tỵ ở làng Hoàng Xá, hai là ông tôi ở làng Nhật Lệ – huyện Phủ Cừ tỉnh Hưng Yên, hai làng ở gần nhau chỉ cách một cánh đồng độ 2 cây số mà thôi. Cụ Nguyễn Đình Tỵ đậu thứ 8 và ông tôi đậu thứ 12. Hai gia đình rất thân nhau – 2 người con gái của ông tôi lấy 2 người con trai của cụ Tỵ. Ông bác của tôi vì không có con, cha tôi là người thừa kế, vì vậy tôi phải sang ở với ông tôi, coi như đầu sai, suốt ngày sau khi đi học về chỉ quanh quẩn bên cụ.

    Vì gần cụ, chuyện gì cụ cũng kể cho tôi nghe. Riêng việc cụ giao thiệp thân tình với ông Đề Thám khi cụ làm tri phủ Yên Thế, là cụ không kể. Mãi sau này, khi Việt minh nổi lên, tôi đã lớn khoảng 16 tuổi, cụ mới kể cho nghe. Có lẽ trong thời Pháp thuộc, cụ không dám kể, sợ tôi nói bậy ra ngoài mật thám để ý chăng.

    Trong nhà của ông bác tôi có một cái giá, chạm rồng thiếp vàng rất đẹp, kê 1 khẩu súng săn và 4 thanh gươm: hai thanh vỏ đồng đỏ trạm bạc kiểu Âu Tây, một thanh cong và một thanh thẳng, ông tôi nói là của một ông công sứ đổi cho ông, lúc ông tôi làm tuần phủ Vĩnh Yên, lấy một cái chậu cắm hoa cổ đời Tống. Thanh gươm thứ ba vỏ bằng đồng đen, ông tôi mua được khi làm tuần phủ Cao Bằng (thời Từ Hy thái hậu, bên Tầu có loạn ở Kinh thành, thổ phỉ vào cướp các nhà quan và cung vua lấy rất nhiều đồ quý đem bán bên ngoài, có nhiều đồ bán sang tận Việt Nam), ông tôi mua được thanh gươm này, cùng với một bộ bàn đèn thuốc phiện và một số đồ cổ nữa. Còn thanh gươm thứ tư, vỏ bằng gỗ khảm xà cừ, chuôi gươm bằng sừng chạy chỉ bạc, so với mấy thanh gươm kia thì thanh này xấu hơn, nhưng lưỡi gươm sắc hơn nhiều, ông tôi nói là của quan Đề Thám tặng.

    Vì thời gian quá lâu, vả lại lúc ấy tôi còn nhỏ, chỉ nhớ trong lòng chứ không ghi chép nên tôi quên một số chi tiết, nhưng ý chính trong câu chuyện mà ông tôi kể (lúc Tây không còn cai trị nữa) cho tôi nghe về quan Đề Thám, thì tôi còn nhớ. Đại khái câu chuyện như sau.

    Ngày ông tôi đang làm tri huyện ở Hà Đông (tôi không nhớ huyện gì và năm nào) thì được thăng tri phủ và bổ nhậm về phủ Yên Thế. Theo ông tôi, được thăng tri phủ mà phải bổ đi Yên Thế, thì chả có gì đáng mừng vì phủ ở miền trung châu, lại có đồn điền của ông Đề Thám (lúc ấy đã về hàng Pháp) nên rất khó khăn trong việc đối xử.
    Ngay ngày hôm sau, con trai ông Đề là ông cả Huỳnh (tôi không chắc nhớ đúng tên) đem một đùi nai ra phủ biếu ông tôi.
    Người con trai ông Đề rất lễ phép và được ông tôi đón tiếp rất thân mật. Ông cả Huỳnh nói:

    - Đáng lẽ cha con ra chào quan phủ, nhưng xin quan phủ hiểu cho, cha con ít ra vào chỗ công môn nên sai con đi. Nhưng cha con tha thiết mời quan phủ đến thăm.

    Ông tôi vui vẻ nhận lời, hứa nếu có dịp quan Đề rảnh và được mời ông tôi sẽ vào thăm. Ông tôi nói ông là người đầu tiên của chính quyền nhận lời đến thăm ông Đề. Các quan khác không ai dám vào thăm, vì sợ bị nghi là tư thông .

    Thế là khi ông cả đem thư mời của ông Đề đến, ông tôi nhận lời liền. Đến ngày hẹn, ông cả ra phủ đón, ông tôi dẫn theo ông thừa phái, ông đội lệ và 6 người lính phủ đi cùng.

    Đến trại, ông tôi được đón tiếp rất long trọng, đủ cả chiêng trống tù và, các đầu lĩnh của ông Đề đều có mặt và được ông cả giới thiệu từng người một. Ông Đề Thám ra đón ông tôi ở cửa nhà, ông mặc áo dài đen và chít khăn cẩn thận. Tiếp đó ông Đề mời ông tôi dự một bữa cơm cùng với các đầu lĩnh và con trai của ông. Đang ăn thì cô Ba (vợ ba ông Đề) ra mời chào. Cô Ba hết sức nhã nhặn, là người có nhan sắc và còn trẻ. Cô mặc áo dài, không đeo nữ trang.

    Sau bữa ăn, ông tôi và ông Đề Thám bàn bạc riêng với nhau. Hai người rất tương đắc, những việc gì ông tôi đề nghị ông Đề đều đồng ý và những gì ông Đề nhờ ông tôi đều nhận lời. Điều quan trọng mà ông Đề nhơ,ø là nếu mật thám định bắt ông mà ông tôi biết được, thì xin mật báo cho. Ông Đề nói:

    - Ngày còn chiến đấu trong rừng tại khu chiến bí mật thì không sợ. Nay về đầu thú, tụi Pháp biết rõ đường đi nước bước của mình rồi thì dễ bị bắt lắm; lực lượng của mình có gì là tụi nó biết hết, nó dẹp lúc nào cũng được. Vì vậy tôi vẫn còn phải để một số anh em ở trong rừng xa.

    Từ đó hai bên thân thiết và quý mến nhau lắm. Ông Đề coi ông tôi là tri kỷ. Có khi ông tôi vào chơi nằm bàn đèn hút thuốc phiện cùng ông Đề nữa. Ông Đề có một người bồi tiêm rất trẻ, đặc biệt là anh ta không nghiện và theo ông Đề, anh ta giỏi võ lắm, lúc nào cũng ở cạnh ông. Ngoài ra, còn có nhiều anh em giữ an ninh cho ông ở quanh nhà. Hai bên thư từ với nhau bằng chữ Hán, ông tôi nói ông Đề chữ Hán cũng giỏi, chữ viết sắc và tươi.

    Ngày ấy có nhiều nhà cách mạng đến thăm ông Đề Thám, trong số có cả các cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, cũng bí mật đến thăm ông Đề. Mật thám Pháp biết ngay kể cho ông tôi nghe. Khi ông tôi hỏi thì ông Đề nhận là đúng. Có lần cụ Nguyễn Thượng Hiền đến phủ nhờ ông tôi đưa vào thăm ông Đề – lúc ấy cụ Hiền đang làm đốc học ở một tỉnh nào mà tôi quên tên – ông tôi không dám đi cùng, sợ mật thám nghi, nên cho ông thừa phái dẫn cụ vào. Cụ Nguyễn Thượng Hiền ở với quan Đề Thám một ngày một đêm. Hôm sau về kể với ông tôi là ông Đề già rồi, người mập và có vẻ uể oải (ngày hút thuốc phiện mấy cữ nên rất ít hoạt động),

    không biết rõ tình hình thế giới bên ngoài, và không có chí lớn, do đó lo việc lớn không được (đó là nhận xét của cụ Nguyễn Thượng Hiền), vả lại ông Đề còn nghiện thuốc phiện nữa.

    Ông Đề tỏ ra lo lắm, vì có rất nhiều người, ở cả miền Trung lẫn trong Nam đến liên lạc với ông, họ nghĩ lực lượng của ông rất mạnh và tiếng đồn ngày một rộng ra, vì vậy cứ ít lâu lại có người đến liên lạc.

    Một hôm ông cả ra phủ mời ông tôi đến thăm ông Đề, để bàn một việc gấp lắm. Ông Đề nói:

    - Tôi định đem một số tay chân tâm phúc đến vùng gần biên giới Trung Hoa cho anh em buôn bán làm ăn, còn lại giải tán một số và để lại một số tiếp tục canh tác đồn điền. Nếu người Pháp để tôi yên thì tôi ở lại Việt Nam, còn nếu bị truy lùng tôi sẽ sang Tầu rồi chết già bên đó. Dù cố gắng hết sức tôi cũng không làm gì hơn được, súng ống của mình thô sơ chả làm nên việc lớn được.

    Ông Đề liền nhờ ông tôi đi gặp ông công sứ giùm, ông còn xui ông tôi nhận đó là công ông tôi đã thuyết phục được ông Đề Thám!

    Ông tôi gập ông công sứ, mật thám tỉnh cũng có mặt. Quả nhiên ông công sứ mừng lắm, nhưng ông nói phải đợi ông về trình với ông thống sử. Sau khi được thống sứ chấp thuận, người Pháp xúc tiến việc giải tán các lực lượng vũ trang của ông Đề Thám. Họ tiếp xúc với ông Đề qua một số người – có lẽ do mật thám chỉ định – thành ra ông tôi không được rõ chi tiết.

    Từ đấy ông tôi vẫn thường xuyên liên lạc với ông Đề, hai người bàn bạc với nhau.
    Khi sắp đi, ông Đề có hỏi ông tôi là muốn biếu ông tôi cái gì đề làm kỷ niệm. Ông có cái ngà voi quí, đó là ngà voi chết tức là tìm được ở trong rừng khi voi già mà chết chứ không phải bắn được nên quí lắm. Ông tôi từ chối và chỉ xin ông Đề thanh gươm. Ông Đề có 3 thanh gươm, một thanh luôn ở bên người, một thanh do người Tầu tặng, và một thanh nữa cũng của Tầu mà ông mua dược khi còn trẻ lúc mới hoạt động. Ông kể rằng thanh gươm sau cùng đã nhúng máu nhiều người, và tặng luôn thanh này cho ông tôi. Ông cũng tặng thêm một mã tấu nhỏ vỏ bằng da trâu cùng với một cái mật gấu. Sau đó, ông cho người mời cô Ba vợ ông ra rồi nói với ông tôi, giọng rất cảm động:

    - Đàn bà nhà tôi (2) có đứa con gái, nay mai không biết làm sao mà mang đi được. Vợ chồng tôi muốn cho quan phủ làm con nuôi, biết quan phủ không có con nên chắc quan phủ vui lòng. Tôi thật lòng coi quan phủ như là tri kỷ nên tin là quan phủ sẽ nhận và thương đến cháu.

    Ông tôi mừng và nhận lời ngay, nhưng cũng bàn thêm là sẽ nói cho công sứ biết, để sau này khỏi có điều tiếng gì. Ông tôi nói chuyện này với ông công sứ, và nói thêm như vậy là rõ ràng ông Đề Thám muốn giải tán bộ hạ thực sự. Ông công sứ đồng ý vơi ông tôi và cũng hứa sẽ chu cấp tiền để lo cho cô nhỏ, cô tên là Hoàng Thị Thế (tôi không hỏi ông tôi lúc đó cô bao nhiêu tuổi.)

    Lạ một điều là ông tôi được ông Đề coi như tri kỷ, việc gì cũng bàn cùng, và về phía người Pháp thì ông tôi được tin cậy vô cùng, ý kiến gì cũng được công sứ chấp thuận.

    Thế rồi ít ngày sau, ông cả đến phủ vào lúc gần tối, báo cho ông tôi biết ông Đề đã đi dược hai hôm rồi, chắc là bình yên. Ông cả cũng cho ông tôi rõ là kế hoạch đi được tổ chức chu đáo lắm. Ông Đề ra đi vào buổi sáng hôm trời mưa lâm râm. Ông cưỡi ngựa, mặc áo tơi, đội nón rộng vành, dẫn theo một số thuộc hạ thăm mấy đồn xung quanh, rồi trở về. Tiếp đó, lại đi thanh tra thêm ba lần nữa, nhưng lần thứ hai thì ông đi luôn. Còn những lần thứ 3 và 4 thì do mấy người tâm phúc giả dạng đi đi về về. Cô Ba cũng đi cùng. Ông Đề dặn ông cả là đợi khi ông đi được hai ngày, thì báo cho ông tôi biết, để ông cho công sứ hay. Ông tôi hỏi ông cả bao giờ đi, ông thưa sáng mai sẽ đi. Mọi việc ở đồn điền đều làm đúng như đã bàn với ông tôi.

    Khi ông tôi nói việc này cho ông công sứ nghe, ông ta không tỏ ra ngạc nhiên gì hết, cỏ vẻ như ông ấy cũng biết rồi.

    Đột nhiên ít ngày sau, ông công sứ cho ông tôi rõ là ông Đề đã bị phản và chết rồi. Thủ hạ của ông đã giết ông khi ông đang hút thuốc phiện (sau này đọc sách tôi thấy kể là Lương Tam Kỳ (3) chứ ông tôi không kể tôi nghe tên người giết quan Đề Thám.)

    Ông công sứ nói với ông tôi là muốn bêu đầu ông Đề, cho các phủ huyện cử đại diện đến xem, để mọi người tin là ông Đề đã chết, sẽ không còn ai nghĩ đến ông mà liên lạc nữa. Ông tôi không đồng ý. Ông công sư nói:

    - Đằng nào ông Đề cũng chết rồi, vả lại không phải do mình giết mà do thủ hạ của ông ấy, và đó là lệnh của thống sứ thì phải thi hành thôi.

    Đầu ông Đề được bỏ trong một cái giỏ treo ở cổng phủ, nhưng ông tôi nói là đã rữa rồi và tóc cũng rụng nhiều không còn nhận ra được là ai nữa.

    Ông tôi kể rằng cho đến nay (bấy giờ là năm 1946) ông tôi vẫn hy vọng ông Đề còn sống. Ông tôi nghĩ rằng ông Đề và Tây đã thỏa thuận với nhau để ông giả chết mà an hưởng tuổi già. Nếu bị ám sát thì mấy người cận vệ và nhất là người bồi trẻ tiêm thuốc của ông đâu? Cô Ba và ông cả đi đâu? Sự việc thật là khó hiểu.

    Trong mấy tuần liền, đại diện các phủ huyện trên toàn thể Bắc Kỳ đến Yên Thế đông lắm, có phái đoàn do chính tri phủ hay tri huyện cầm đầu, có khi do một chánh tổng trong phủ huyện hướng dẫn. Các quan thì ở trong phủ với ông tôi, còn những người khác từ chánh tổng trở xuống thì ở trọ nhà dân. Phủ lỵ vui nhộn, hàng quán tấp nập. Riêng trong phủ đề chiêu đãi mọi người, ngày nào cũng mổ bò mổ lợn làm mấy chục mâm đãi khách. Ai đến cũng vào chào quan phủ sở tại và biếu đồ. Thôi thì đủ mọi thứ sâm, nhung, quế, chim câu, ngỗng, gà vịt, cả bê bò nữa chứa đầy cả phủ. Lính phủ thì chia nhau đưa từng phái đoàn lên thăm đồn điền của quan Đề Thám, chi phí chiêu đãi do công sứ cấp.

    Sau đó, ông tôi được đổi đi làm tri phủ Vân Đình, thuộc tỉnh Hà Đông. Từ đó ông tôi không được tin gì về ông cả con trai ông Đề. Ngay cả cô Ba vợ ông Đề cũng không liên lạc thăm hỏi đến cô Thế là con của bà. Cô Thế không thích đi học ở trường phủ, ít nói, và tính nết cứng cỏi, ông tôi phải mượn một thầy giáo dậy cô ở nhà. Cô rất mến ông tôi, nhưng không hợp với bà tôi. Bà tôi kể là cô lười biếng không chịu học hỏi việc nhà và bướng bỉnh, tính nết như con trai. Đặc biệt ông bà công sứ rất thương cô Thế, họ tặng cô quần áo và mời cô ăn nhiều lần.

    Thương cô quá cô đơn, ông tôi đề nghị ông công sứ cho cô sang Pháp học thì được chấp thuận liền. Từ bên Pháp, khi còn nhỏ, tháng nào cô cũng viết thư cho ông tôi. Khi lớn lên, cô theo học ngành điện ảnh, thư từ thưa dần, mỗi năm chỉ có vài ba lần, tuy nhiên cô luôn luôn nhớ ngày sinh nhật của ông tôi. Tôi nhớ thư cô viết bao giờ cũng mở đầu bằng Cher Papa. Có lần cô gửi ảnh về, thấy người cao và đầy đặn, mặc quần áo trắng, ông tôi vẫn để mấy tấm hình cô trong ngăn kéo. Từ khi Vệt minh nổi lên, cô không còn liên lạc nữa. Sau đó không biết cô có chồng con gì không chứ trước năm 1945 thì chưa. Có điều đặc biệt là trong những thư gửi cho ông tôi, cô không bao giờ hỏi han gì về gia đình cô, nhất là mẹ cô. Sau này tôi có đọc một bài báo nói về cô, được biết cô đóng vai phụ trong vài cuốn phim của Pháp, nhưng chắc không xuất sắc lắm nên không có tiếng tăm gì.

    Còn thanh gươm của quan Đề Thám tặng, ông tôi quí lắm, luôn luôn nói rằng ông Đề nổi tiếng cũng do thanh gươm này và nó đã nhúng máu nhiều người. Nhà nào trong làng nghi bị ma quấy thường đến xin ông tôi cho mượn thanh gươm về để trừ tà.

    Thời Việt minh (khoảng năm 1947) ông Hoàng Minh Giám, bộ trưởng ngoại giao của chánh phủ Hồ Chí Minh đi kinh lý Hưng Yên, có ghé thăm ông tôi. Ông Giám là con cụ Hoàng …?(tôi quên tên) cụ là bạn thân của ông tôi. Gặp ông Giám, ông tôi mừng lắm, giữ ở lại ăn cơm tối cùng chủ tịch tỉnh và chủ tịch huyện đi tháp tùng ông Giám. Khi ăn cơm, tôi được ngồi cùng để ông tôi sai vặt. Ông Giám có hỏi ông tôi về chuyện ông Đề ,vì đã được ông thân của ông kể cho nghe. Ông tôi kể lại, rồi sai tôi đi lấy thanh gươm của ông Đề cùng ảnh của cô Thế cho ông Giám xem. Ông này tỏ ra thích thú lắm. Tôi còn nhớ ông Giám đi kinh lý dẫn nhiều người tháp tùng, có một người mang theo hai cái sacoches bằng da đựng đầy bút máy parker và pilot dùng làm quà tặng. Ông Giám biếu ông tôi một chiếc Parker.

    Mấy tháng sau, chủ tịch tỉnh mời ông tôi và cha tôi ăn một bữa tiệc gây quỹ cho hội Liên-Việt, đồng thời ngỏ ý xin ông tôi thanh gươm để bán đấu giá. Ông tôi tặng thanh gươm vỏ đồng của Tây, không chịu cho thanh gươm của quan Đề Thám. Tuy nhiên, khi bán đấu giá thì cha tôi lại là người mua được, do đó mấy thanh kiếm của ông tôi vẫn còn nguyên vẹn.

    Thời gian sau, Tây về chiếm tỉnh ly Hưng Yên rồi dần dần mở rộng vùng hoạt động. Họ thiết lập một đồn binh lớn ở La Tiến cạnh sông Hồng, cách làng tôi chừng 6 cây số, gọi là chi khu (quartier) Ở La Tiến. Có một dạo Bernard Delattre làm chi khu trưởng (Bernard Delattre là con trai thống tướng Pháp Delattre de Tassigni), quân Pháp mở cuộc càn quét lớn vây cả mấy làng trong đó có làng tôi. Hầu hết dân làng đều chạy vào nhà ông tôi, vì họ tin rằng ông tôi làm quan thời Pháp thuộc, chắc được người Pháp nể nang. Đặc biệt cả chủ tịch huyện cùng mấy cán bộ cao cấp của Việt Minh cũng chạy vào nhà cha tôi – họ Nguyễn nhà tôi ở cả vào một khu trong làng, nhà nọ thông sang nhà kia như cùng một nhà vậy. Ông tôi và gia đình lo sợ, cha tôi phải lấy áo dài cho chủ tịch huyện mặc và dặn dò phải nhận là tá điền ở ấp Quang Lệ của cha tôi đến vay thóc – làng Quang Lệ ở sát làng tôi và cha tôi có ấp ở đó.

    Khi Tây đến cổng, tôi ra đón. Cùng đi với tôi là ông già gác cổng Binh Măng – ông này là lính thợ đã từng sang Pháp tùng chinh, nói bập bẹ được mấy câu tiếng Tây, tên ông là Măng đi lính nên gọi là Binh Măng. Sau khi giải ngũ, ông gác cổng cho ông tôi và trông coi vườn tược. Tụi Tây xông xáo, chạy vào lục soát trông hung hăng vô cùng, làm tôi cũng run sợ. Thấy có người đội đi sau, tôi bèn đưa giấy của cha xứ Cao Xá cho người này. Ông trung sĩ thấy thư thì gật gù, đưa tôi lại gặp cấp chỉ huy là trung úy Bernard Delattre và đưa thư cho ông ta coi. Tôi thấy Bernard rất đẹp trai, còn trẻ, và rất lịch sự. Ông ta bắt tay tôi, rồi tôi dẫn ông vào gặp ông bác tôi.

    Trong nhà lúc bấy giờ đông cả mấy trăm người, tập trung ở nhà thờ họ trong ngôi nhà của cha tôi. Người ngồi đầy cả ngoài vườn nữa, thấy Tây vào, ai nấy mặt mày xanh xám ngồi như chết. Thấy ông tôi đeo Bắc Đẩu Bội Tinh, trung úy Bernard Delattre vô cùng ngạc nhiên. Ông ta đứng nghiêm, chào rất kính cẩn và lập tức ra lệnh cho binh sĩ không được lục soát ồn ào nữa. Ông tôi mời Bernard vào phòng khách uống rượu – rượu DuBonnet nhà tôi còn từ xưa. Thấy phòng khách đẹp quá, nhiều đồ cổ, hoành phi câu đối treo đầy, Bernard thích lắm. Khi đến cái giá để mấy thanh kiếm, ông ta mê luôn. Thế rồi Bernard ở chơi với ông tôi cả mấy tiếng đồng hồ, đi xem nhà thờ và xuống nhà cha tôi. Gặp chủ tịch huyện và mấy cán bộ ngồi ở tràng kỷ, ông lại gần bắt tay họ sau khi được cha tôi giới thiệu – mấy người này run muốn chết, khi được bắt tay thì cúi gập người xuống.

    Trước khi ra về, ông tôi tặng Bernard một cái bình phong nhỏ để che lò sưởi, khảm trai hai mặt, một mặt có hai người đánh kiếm, mặt kia là lưỡng long chầu nguyệt bằng gỗ trắc. Bernard ngỏ ý xin ông tôi thanh gươm của quan Đề Thám. Ông tôi không cho, nói là của người bạn cố tri tặng. Thay vào đó, đồng ý cho thanh gươm của Tây, nhưng Bernard nói không thích, vì đã có rồi. Ông chỉ thích thanh gươm của ông Đề, vì cái vẻ cổ kính đặc biệt Á Châu của nó. Sau ông tôi tặng thêm một cái bát để cắm hoa đời Minh, Bernard thích vô cùng, hứa sẽ đến thăm ông tôi thường xuyên, vì từ đồn đến nhà tôi có độ 6 cây số mà thôi, nếu bắc được cây cầu ở Hoàng Xá, đi xe chỉ mất nửa giờ là cùng.

    Kế đó, Bernard cho một toán lính Tây sắp hàng bồng súng chào ông tôi, nói đó là danh dự dành cho những người có Légion dHonneur, rồi mới giã từ ra về. Sau Bernard đổi về khu chiến Hưng Yên, làm trưởng phòng 2. Tình hình chiến sự ngày một nặng nề hơn, máy bay Pháp bắn phá lung tung các làng trong vùng, nhà của cha tôi trưng dụng làm nơi giam tù binh Pháp. Cha tôi tản cư vào Thanh Hóa, ông tôi vì quá già không phải tản cư. Gia đình tôi phải đào hố ngoài vườn để chôn giấu đồ quí giá, nhất là đồ cổ, kể cả thanh gươm của quan Đề Thám. Tôi còn nhớ chỗ chôn. (tuy nhiên, gần đây em tôi ở bên Pháp có dịp về thăm quê, vào nhà cũ thì chả nhận ra được đâu là đâu. Các ngôi nhà cũ đều bị tiêu thổ không còn lại một di tích gì. Trong khu gia đình tôi ở lúc trước, bây giờ có đến trên sáu chục hộ làm nhà ở đó, nên không thể nào nhận ra được).


    Tôi vì nhỏ tuổi, chỉ nghe kể mà không biết gì để hỏi, sau này có thắc mắc tại sao lại gọi là quan Đề – Đề Lại hay Đề Đốc – cũng như khi tôi là trung úy coi chi khu Doãn Lại ở Vĩnh Yên, có dẫy núi dân chúng kể cho nghe là trước đây cụ Đốc Tít đóng quân ở đó – tôi có hỏi mấy cụ già trong vùng thì chả ai rõ tại sao gọi là Đốc Tít, mà cũng không ai biết cụ Đốc Tít họ gì – mong quý vị độc giả ai biết xin giải thích giùm, Đốc là Đề Đốc, Đô Đốc, hay Đốc Học.

    Theo ông tôi thì, trái hẳn với cụ Nguyễn Thượng Hiền, ông tôi rất nể trọng quan Đề Thám. Ông tôi nói ông Đề toàn ở rừng sâu núi thẳm và liên lạc phần lớn với các quan Lang hoặc tù trưởng người thiểu số, mà những người này hầu hết nghiện thuốc phiện vì giá thuốc trong vùng quá rẻ, vả lại hút thuốc phiện cũng trù được nhiều bệnh tật và không gì vui bằng nằm bàn đèn để bàn công việc. Ông Hoàng Hoa Thám là người nhiều mưu kế, ăn nói ngay thẳng, rất có tình và rất tin người – việc ông trao con gái của ông cho ông bác tôi là một điều lạ, có thể nếu ông bị phản mà chết thì đó là do tính tin người. Có điều đặc biệt là các thuộc hạ của ông sợ ông như cọp, tuy nhiên ông rất quảng giao và quen biết rất nhiều người.

    Dù sao ông cũng đã có một thời oanh liệt, để lại danh tiếng trong lịch sử Việt Nam.

    Ghi chú:

    1. Quan Đề: Tôi chắc là Đề Đốc chứ không phải là Đề Lại vì không ai gọi Đề Lại là quan.

    Có lần ông tôi giảng cho tôi về cách gọi các quan lại thời phong kiến như sau (có thể tôi lầm hay quên, quý vị độc giả ai hiểu hơn xin bổ túc.) Từ dưới trở lên có: thầy lý trưởng, thầy chánh tổng, quan bang tá, quan huyện tư pháp, quan tri huyện, quan tri phủ, quan bố chánh, cụ lớn án sát, cụ lớn tuần phủ, cụ lớn tổng đốc (các quan này có bài ngà.) Ngoài ra còn quan đốc học, quan kiểm học, quan đốc tờ (không có bài ngà.) Cũng có thể gọi là quan như quan hàn (hàn lâm đãi chiếu,) quan nghị (nghị viên hàng tỉnh) – không bài ngà. Còn như viết thư hay thiếp thì chỉ từ án sát đến tổng đốc mới được gọi là Đại Nhân. Thí dụ thư đề: Nguyễn Đại Nhân, án sát Thái Bình.

    2. Đàn bà nhà tôi: các cụ xưa hay dùng thành ngữ này để chỉ vợ mình, nhưng có lẽ là để chỉ vợ hai hay vợ ba. Khi ông tôi nói chuyện với bạn bè, muốn nói đến bà tôi (bà cả) thì nói là Bà Tuần tôi chứ không dùng thành ngữ trên.

    3. Lương Tam Kỳ: cách đây ít ngày tôi gặp Đại Tá Chu Văn Sáng nguyên là chánh sở 2 An ninh quân đội, anh Sáng hiện đang ở San Diego và là người do tôi bảo lãnh từ Việt Nam sang đây theo diện HO. Trong lúc anh em trò chuyện, tôi may mắn được biết anh Sáng là cháu ngoại ông Lương Tam Kỳ (mẹ anh là con út ông Lương Tam Kỳ.) Anh Sáng kể với tôi là ngày xưa ông Lương Tam Kỳ cũng là người hợp tác với quan Đề Thám, sau về hàng được người Pháp cho coi mấy sòng bạc ở mấy tỉnh miền thượng du để nuôi đám thuộc hạ của ông. Anh Sáng cũng đồng ý với tôi là sự việc ông Lương Tam Kỳ hạ sát quan Đề Thám không đúng vì ông Kỳ là thuộc hạ của quan Đề, anh em gắn bó với nhau. Vả lại, ở cạnh quan Đề có biết bao nhiêu cận vệ, dễ gì giết được. Dầu cho giết được, cũng phải có nhiều người chết theo, lẽ gì chỉ có một mình quan Đề chết. Mặt khác, sau này dễ gì ông Lương Tam Kỳ thoát khỏi sự trả thù của các thuộc hạ trung thành với quan Đề Thám. Tiếc rằng ngày ấy anh Sáng còn quá nhỏ, không rõ sự việc và ông ngoại của anh cũng chả kể gì với anh. Sau gia đình anh vào Nam lúc anh mới 6 tuổi, khoảng năm 1937 hay 1938 gì đó nên anh không nhớ. Như vậy, theo ông tôi nghĩ là có sự sắp xếp giữa quan Đề và Tây, hy vọng của ông tôi là quan Đề hãy còn sống (vào năm 1946) cũng có thể đúng. Tuy nhiên tôi không dám đoan chắc điều gì và chỉ nêu lên một nghi vấn trong lịch sử đối với một vị anh hùng của đất nước chúng ta.

    4. Khi bài nay được sửa soạn lại để in thành sách, một thân hữu đã căn cứ vào cuốn Thành- Ngữ Điển- Tích Danh- Nhân Tự- Điển của Trịnh Vân Thanh, ghi thêm mấy chi tiết, theo đó:

    - Đề Thám tên thật là Trương Văn Thám, tục gọi là Hoàng Hoa Thám. Theo sách này, Đề Đốc là một chức quan võ ngày trước, quản hạt binh lính trong một tỉnh. Vào tuổi 20, Thám đã nổi tiếng trong hàng ngũ nghĩa quân chống Pháp nên được phong chức Đốc Binh. Do đó, mọi người gọi Thám là Đề Thám.

    - Vẫn theo sách trên, năm 18 tuổi, Thám lấy vợ, và được một con trai là Cả Trọng. Bài viết về Đề Thám sau đó lại nói Ông có hai con trai là Cả Trọng, và Cả Rinh. Cuối bài có nhắc tới một người là Cả Huỳnh, nhưng không nói rõ là con ai. Cả ba ông Cả này đều tử trận.

    - Cô Ba, tức vợ ba của Đề Thám, tên Đặng Thị Nhu, là em nuôi một bộ hạ của Đề Thám.

    - Lương Tam Kỳ nhận 25.000 đồng của Pháp, cho bộ hạ giả làm người theo giúp Đề Thám, rồi ám sát ông bên mâm đèn hút, vào sáng ngày 10-2-1913.


    HẾT


    Nguyễn Hữu Duệ

  3. #3
    damquangvinh
    Guest

    Mặc định

    a ....lô ..............a .....lô ............chị bích hằng đấy ạ !

  4. #4

    Mặc định

    Mình đã từng được xem 1 bức hình chụp đầu của cụ Đề Thám bị 1 xuyên vào 1 cái cọc dưới đất, bức hình đó là của Pháp chụp lại, lâu rồi không nhớ rõ nguồn của hình đó nữa. Xem mà muốn khóc. Một thời oanh liệt nay còn đâu !!!!

  5. #5

    Mặc định

    Trích dẫn Nguyên văn bởi Hưng Vương Xem Bài Gởi
    Mình đã từng được xem 1 bức hình chụp đầu của cụ Đề Thám bị 1 xuyên vào 1 cái cọc dưới đất, bức hình đó là của Pháp chụp lại, lâu rồi không nhớ rõ nguồn của hình đó nữa. Xem mà muốn khóc. Một thời oanh liệt nay còn đâu !!!!
    hình chụp đầu đề thám đó là giả không phải thật
    vì theo gia đình nhà cụ đề thám thì bên tai trái của cụ có nốt ruồi nhưng chiếc thủ cấp đó không có
    thực dân pháp làm thế chỉ để khủng bố tinh thần của người dân ta mà thôi
    theo như tôi đọc được ở một tài liệu đáng tin cậy thì vào khoảng năm 1913 cụ đề thám còn lẻn vào nhà giam hỏi thăm sức khỏe người trong gia đình và còn nói là sẽ đi đến một nơi thật xa

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •