Sự thật về “tấm áo choàng” ngoại cảm (Kỳ 4):
Đi tìm mộ... ảo
Thứ sáu, 8/8/2008, 11:53 GMT+7

"Nhà ngoại cảm" Nguyễn Khắc Bảy ở số nhà 212, B19, Kim Liên, Hà Nội, nổi tiếng với "tuyệt chiêu" tìm mộ chỉ bằng cách nhìn vào ấn đường của người cùng huyết thống.

Ông Nguyễn Khắc Bảy
Chỉ mất vài phút, "con mắt thần" có một không hai ấy sẽ chỉ cho "thầy" biết phần mộ của người cần tìm nằm ở đâu, dù nơi đó là rừng thẳm vắng bóng chân người hay phố thị tấp nập người xe. Có thật ông Bảy có "thiên lý nhãn" có thể thấu xa vạn dặm? Trong vai một người đi tìm "mộ" của… cha mình, tôi đã không khó để tìm được câu trả lời...

Lạ lùng "thiên lý nhãn"

Khi "đến" với ông, tôi thấy phân vân lắm! Ông thường tìm mộ từ những người cùng huyết thống. Bởi "sở trường" ấy mà tôi đã phải khổ sở tìm trong dòng họ xem trước đây có ai cùng dòng máu với mình đã về với tiên tổ mà không rõ nơi chôn cất. Thế nhưng, sự cố gắng ấy cũng chẳng ích lợi gì
Dòng họ nhà tôi, cũng mấy người cầm súng ra trận, nhưng đều may mắn trở về khi đất nước thanh bình. Bí đành liều! Thôi đành xin lỗi người đang sống là cụ thân sinh vạm vỡ đang an hưởng tuổi già nơi quê nhà. Tôi giống cụ như lột, giống từ vóc dáng đến tính ở, nết ăn. Bởi thế, chẳng có khoa học nào bác bỏ tôi và cụ lại không cùng dòng máu. Ngàn lần xin lỗi đấng sinh thành vì đứa con khó bảo đã làm một việc dại dột: Nhờ nhà ngoại cảm trứ danh Nguyễn Khắc Bảy tìm "phần mộ" của cha mình khi ông cụ vẫn… đang sống sờ sờ!

Được sự giới thiệu của mấy người bạn, sáng ấy, tôi tìm đến căn phòng rộng chưa đầy 20m² của "thầy" Bảy chẳng khó khăn gì. Đang mải tìm mộ cho một gia đình ở Hải Dương, có thân nhân là liệt sĩ (tên Chi) hi sinh ở Tây Ninh nên khi tôi xuất hiện, "thầy" chẳng buồn để mắt. Sau mấy câu hỏi vòng vèo, "thầy" kết luận, việc kiếm tìm phần mộ của gia đình đến từ Hải Dương bấy nay là… tìm ở trên mây, không thể nào có kết quả.

Nghe người nhà liệt sĩ Chi trình bày thêm vài thông tin nữa nhưng chẳng giúp ích gì, "thầy" ngồi thừ mặt như đang miên man về điều gì… xa xôi lắm! Đang lúc đăm chiêu ấy, bất chợt người nhà liệt sĩ Chi buông một câu khiến "thầy" bừng tỉnh: "Bác trưởng nhà em thường nằm mơ thấy mộ của bố em". Không biết trước khi bị "đánh thức" ấy, "đôi mắt thần" của "thầy" đã "quét" thấy phần mộ của liệt sĩ Chi hay chưa mà "thầy" đã phán một câu xanh rời: "Mộ của cụ có tên đấy nhé!". "Mơ thì thấy mộ cụ nằm ở giữa hai cái cây bên bờ suối to". "Không nói nữa! Mộ ông cụ nằm ở ngay đoạn đường vòng chứ gì?". "Thầy" cướp lời, nói như đã biết rõ mọi chuyện.

Ông Bảy đang “tác nghiệp”
"Thế ông có nói là ở đâu không?". "Không! Chỉ thấy con suối to thế thôi!". "Không, cách suối xa nhưng có cái đường mòn đi xuống suối, ông chôn ở ngay cái đường mòn!". "Thầy" quả quyết.

"Thầy" lại rơi vào trạng thái trầm ngâm, mặc cho người nhà liệt sĩ Chi và mấy người ngồi gần đó suy luận, bàn tán về những thông tin mình có được. "Tôi nhìn anh thấy… mộ ông già rõ lắm, sao mộ lại chưa quy tập nhỉ!?". Có lẽ, khi mọi người đang ồn ào, mải mê với những tranh luận của mình thì đôi "thiên lý nhãn" của "thầy" đã… làm việc và cho "kết quả" trên. "Anh mơ thấy hồ nước to hay nước nhỏ?". Hất mặt về phía người con trưởng liệt sĩ Chi, "thầy" hỏi. "Hồ to!". "Hồ lớn á? Hồ lớn khủng khiếp á?". Vẫn giọng the thé, "thầy" vặn vẹo. "Hồ lớn quá, giá đừng lấp hồ thì dễ tìm! Lại lấp đất thế này! Anh có nằm mơ thấy ông già được bốc về không? Không thấy được bốc về à? Tôi nhìn thấy… rõ mộ thế này cơ mà! Lạ nhỉ!". Phán một hồi rồi "thầy" lại trầm ngâm. “Ông già chết ở cái bờ hủm suối nhưng anh em lôi vào cách đường để chôn cho dễ nhớ.

Mà cây dừa là cây dừa trồng, không phải dừa hoang đâu!". Chỉ vào "bản vẽ" mà mình vừa ký hoạ, "thầy" thuyết minh. "Như thế là có 4 cây dừa, nhưng bị chặt đi mất 2 cây. Hai cây đang nằm ngả như thế này này. Nhưng bây giờ khu này là nhà người ta rồi. Khu vực dân khai hoang…". Cứ thế, "thầy" tả tẩn mẩn từng chi tiết nơi liệt sĩ Chi đang… yên nghỉ!
Vải thưa che… "mắt thánh"

Chiều, 3 giờ, như đã hẹn, tôi lại tìm đến những mong cậy nhờ "thầy" tìm hộ cho phần mộ trong… tưởng tượng của mình. "Thầy" đón chúng tôi khi giấc ngủ mỏi mệt vẫn chưa thôi dầy vò đôi mắt. "Có giấy báo tử không? Không có giấy báo tử à? Không phải liệt sĩ à?". Có lẽ "thầy" đã nhầm tôi với một "khách hàng" nào đó. Và, cũng chỉ chờ "thầy" hỏi thế, tôi vội vàng trình bày "hoàn cảnh éo le" nhà mình.

Đó là một câu chuyện đầy nước mắt mà cả buổi trưa tôi đã dày công… sáng tác. "Dạ, chuyện nhà em nó lằng nhằng lắm! Thế này thầy ạ! Nhà em ở Hưng Yên, năm 1980, hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố em bỏ quê lên mạn ngược làm ăn. Sau một thời gian nữa, có người ở trên đó về, nói bố em cùng một toán người khác vào rừng kiếm sống bằng nghề xẻ gỗ. Một hôm đi làm, cả đội bị gỗ đè. Không chỉ một mình bố em, mà có 3 người nữa!. Nhà em chẳng có thông tin gì về phần mộ của bố em cả. Bây giờ mẹ em ốm đau nhiều nên bọn em quyết tâm đi tìm... "Thôi đúng rồi! Các ngôi mộ có đắp không?".

"Phát hiện" chóng vánh ấy của "thầy" đã khiến tôi giật mình kinh ngạc và làm… câu chuyện bịa của tôi bị ngắt quãng. "Đấy, ngôi mộ đắp đá to nhất là mộ… bố em đây! Cái ngôi đắp bằng đá nâu ấy! Nhưng lên đấy xây lại thôi nhé, đừng bốc về, không tốt đâu!". Nghe "thầy" quả quyết thế, tôi và anh bạn đồng nghiệp của tôi đã suýt bật cười.
Đâm lao thì phải theo lao, tôi có nhịn cười và tiếp tục câu chuyện của mình những mong để "thầy" hiểu và tiếp tục đưa ra những kết luận… cười ra nước mắt! “Chính xác đấy, 3 ngôi mộ liền kề nhau, mộ bố em đắp đá to nhất đấy. Em đứng trước mộ thì ngôi đó nằm ở bên phải. Anh khẳng định chắc chắn với em đấy! Em hai lần đến đó rồi phải không?". Câu hỏi bất ngờ ấy của "thầy" khiến tôi chẳng biết trả lời sao! Thú thực, tôi chưa từng đặt chân tới mảnh đất biên viễn xa xôi ấy. Thế nhưng, để… chiều lòng "thầy", tôi cũng cứ đáp bừa: "Vâng, em lên đấy 3 lần rồi!". "Ừ, lên 3 lần nhưng chỉ vào đấy 2 lần đúng không, một lần chỉ ở ngoài thôi!". "Thầy" vớt vát. "Thôi, em về đi! Cứ yên tâm, lên đó chăm sóc mộ cho bố. Làm xong mẹ em sẽ khoẻ ngay thôi!".

Sau vài lần khẳng định chính xác, ngôi mộ tưởng tượng ấy là mộ của… bố tôi, "thầy" dặn, nếu muốn đưa "phần mộ" ấy về thì phải năm 2010 mới… bốc về được! Chu đáo hơn, trước lúc tôi về, "thầy" còn dặn với theo là lên đến đó thì điện thoại, "thầy" sẽ… hướng dẫn cụ thể hơn. Ngẫm kỹ, thấy… hơi tiếc một cú điện thoại nên tôi không gọi thêm cho “thầy”. Vả lại với tất cả những gì tôi đã thấy thì cũng đã quá đủ để những trò bịp bợm của "thầy"… lộ nguyên hình.
theo Ngay nay
bài này trên Tin Tức online