Thời gian gần đây, chúng tôi nhận được khá nhiều thông tin về một bà lang ở Lục Ngạn - Bắc Giang rất giỏi trong việc chữa cho những bệnh nhân bị tai nạn gãy xương cốt, hoặc sai khớp chỉ bằng thuốc Đông y gia truyền.

Điều đáng ngạc nhiên là bà không những có thể chữa khỏi tất cả những vấn đề về gãy xương tưởng như rất khó xử lý với Tây y như: xương sườn, xương quai xanh hay chấn thương cột sống, mà còn có thể chữa khỏi được cả những căn bệnh quái ác khác về xương mà y học hiện đại vẫn còn nhiều trăn trở như: vôi hóa cột sống, gai đôi cột sống, thoát vị đĩa đệm hay nối lại cả những ngón tay đã từng bị... đứt lìa. Lạ lùng hơn, mặc dù bệnh nhân đông nghìn nghịt, nhưng bà lang này chữa bệnh gần như miễn phí mà chẳng hề đòi hỏi công sá hoặc thù lao.

Bà Tý đang chữa cho bệnh nhân

Thử làm bệnh nhân

Theo những lời chỉ dẫn, chúng tôi chẳng mấy khó khăn để tìm đến nhà bà tại thôn Cầu Chét, xã Phi Điền, huyện Lục Ngạn. Đến nơi đúng đầu giờ chiều, ấn tượng ban đầu là trên khoảng sân rộng đông nghịt người và xe máy. Quan sát biển số xe mới thấy bệnh nhân của bà Tý tới từ đủ các tỉnh: từ Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Phòng cho đến Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ning, Phú Thọ...
Bà lang Tý trạc ngoài 40 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, có phần hơi gày gò nhưng tác phong rất nhanh nhẹn gần như không chú ý đến người khách lạ là tôi - người duy nhất đến nhà bà nhưng không hề kê khai bệnh tật mà chỉ cố len vào để... nhìn.

Khi biết tôi có nhã ý viết về bà, bà thủng thẳng nhưng dứt khoát: "Tôi rất bận, không có thời gian tiếp nhà báo, có hỏi gì thì cứ hỏi bệnh nhân, họ là nhân chứng. Còn tôi chữa nốt cho mấy người này lại phải đi dạy học, chiều tối mới về. anh đừng đợi mà mất việc".

Thấy bà đang tập trung điều trị cho bệnh nhân, tôi liền đề cập: "Trước tiên tôi đến đây với tư cách người bệnh...". Bà dịu giọng ngay: "Vậy mời anh vào khám". Không để lỡ thời cơ, tôi "khai" một mạch đúng như trong y bạ: "Chân trái tôi bị tai nạn xe máy, đã đi khám và chụp X quang tại bệnh viện Việt Đức. Chẩn đoán lâm sàng cho thấy: Có tổn thương xương, sưng nề cổ chân, bong gân bàn chân. Bác sĩ chỉ định bó bột. Nay đã tháo, nhưng đứng lâu thấy máu dồn xuống chân rất tức, đi lại cảm thấy rất "trối" ở khớp cổ chân".
Chỉ tay xuống chiếc gường ở góc nhà bà bảo tôi tháo giày nằm xuống. Đưa tay khám bằng cách vuốt nhẹ dọc ống xương tới ngón chân, nắn nhẹ vào phần bàn chân vẫn gồ lên và hơi tấy bà khẳng định: "Xương mu bàn chân của anh bị trật hai khớp, vì vậy nhìn bên ngoài vẫn hơi gồ lên. Do bị lệch khớp nên một vài mạch máu bị chèn ép chưa thể lưu thông hoàn toàn dẫn đến không thể đứng hoặc ngồi xổm lâu. Ngoài ra đi lại không thể thuận tiện, để lâu sẽ bị ảnh hưởng, có thể bị tật. Mức độ trật khớp vẫn còn rất nhẹ nên chụp X quang sẽ không thể hiện rõ trên phim".

Bà bảo tôi thả lỏng tất cả các cơ thật thoải mái, sau đó nhấc phần cổ chân tôi đặt lên đùi, kê cạnh bàn tay vào phần sưng tấy mà tôi kêu đau rồi bất thần xoay ngoắt người ấn thật mạnh. Rốp. Khục. Hai tiếng kêu trong xương nghe rõ mồn một. Tôi rúm người suýt rú lên. Chưa kịp định thần bà cầm cổ chân bẻ ngược trở lại. Tôi ôm mặt. Đau khủng khiếp. Cái đau tựa như bị ai đó đấm rất mạnh vào bắp đùi.
Xong rồi. Bà vuốt nhẹ ống xương chân rồi đặt xuống. Tôi ngóc đầu dậy, bàn chân có cảm giác như ai đó bôi dầu gió vào, nóng ran. Cái đau lập tức biến mất, nhanh một cách lạ lùng. Khi tôi định thần ngồi lên thì bà đang loay hoay với bệnh nhân mới. Tất cả diễn ra trong vòng chưa đến hai phút.

Dạy học là nghề, chữa bệnh là nghiệp

Việc chữa bệnh cho mọi người, bà không muốn quảng bá rộng rãi vì với bà nó chỉ là việc phụ. Việc chính của bà là giáo viên dạy học. Bà sợ đông bệnh nhân tìm đến mà làm không xuể thì có lỗi với người ta.

Bà lang Tý, tên thật là Hoàng Thị Tý và người dân quanh vùng mỗi khi tại nạn, gãy xương, sái khớp vẫn thường bảo nhau đến nhờ cô Tý nắn xương bó hộ. Họ bảo, cô Tý có đôi bàn tay kỳ lạ, bó xương nắn khớp nhanh liền và chuẩn xác hơn cả bệnh viện. Thậm chí nhiều người đã từng đi bệnh viện chán chê rồi cuối cùng lại về nhờ cô khám và bó lại. Theo lời tâm sự của bà Tý thì bà là một người bình thường, lai lịch bình thường và bà đến với nghề thuốc cũng hết sức bình thường
Ông cụ thân sinh ra bà nguyên là một cán bộ Công an thời kỳ chống Pháp. Trong quá trình tham gia cách mạng trên rừng núi chiến khu, ông học được một bài thuốc Nam rất quý của đồng bào thiểu số có thể bó lành rất nhanh các vết thương tai nạn gãy xương. Sau này xuất ngũ, ông về quê và chữa bệnh cho bà con quanh vùng.

Khi về già ông cụ muốn truyền lại bài thuốc cho các con, nhưng chẳng ai học được. Duy có bà (khi đó còn trẻ) hay theo cha khám bệnh cho mọi người nên tiếp thu được những kiến thức và kinh nghiệm chữa bệnh. Đặc biệt là khả năng chẩn đoán những tổn thương về xương bên trong cơ thể người bệnh nên ông cụ truyền lại cho bài thuốc. Đến năm 1985 khi ông cụ ốm nặng không chữa bệnh cho mọi người được nữa thì bà chính thức ra làm thay cha.

Phải thừa nhận rằng đôi bàn tay bà lang Tý có sự mẫn cảm đặc biệt với các chấn thương trên xương. Bà bảo, dù nhắm mắt nhưng chỉ sờ bằng tay bà cũng có thể khẳng định chắc chắn rằng bệnh nhân bị gãy xương ở đoạn nào, gãy làm mấy mảnh, có thể phân biệt được bệnh nhân bị sái khớp, lệch đốt sống hay rạn xương.
Chỉ cần sờ nắn vết thương bà cũng có thể biết nạn nhân ngã theo tư thế nào, lực va đập từ đâu tác động đến. Kể đến đây bà cười hiền lành: "Điều đó tôi cảm nhận được cũng phần nhiều vì tôi là giáo viên dạy Sinh, Hóa nên hiểu khá rõ về cấu tạo xương cho dù chưa hề tốt nghiệp một trường lớp y khoa nào".

Bà cho biết thêm, lâu nay bà chữa bệnh không phải vì tiền vì bà yêu nghề dạy học hơn (hiện bà là giáo viên dạy giỏi của trường cấp 2 huyện): "Đơn giản là vì nó vận vào mình như cái nghiệp. Mình biết có thể cứu chữa cho người khác mà không làm, như thế là có tội".

Chính vì thế người bệnh tìm đến bà không bao giờ được phép hỏi giá tiền công. Chữa xong, ai muốn đưa bao nhiêu thì đưa, tiền cứ để lên mặt tủ, người 5 nghìn, 10 nghìn hay 20 nghìn, cũng có người chỉ dăm quả cam hay cân lê. Mà họ có trả hay quên mà về mất thì bà cũng chẳng biết vì bà chẳng bao giờ ghi sổ sách và cũng chẳng có ai đứng ra làm quản lý để thu tiền hộ bà. Dân quê làm gì có tiền - bà bảo - vả lại bệnh nhân đông như thế chẳng rảnh lấy nửa phút thì hơi đâu mà lo chuyện tiền nong.

Cơ chế nào cho bài thuốc của Bà lang Tý?
Chúng tôi đã tìm gặp một số nhân chứng khách quan để chứng minh hư thực. Ông Nguyễn Duy Đông - Chủ tịch xã Phi Điền (Lục Ngạn - Bắc Giang) khẳng định chắc như đinh đóng cột: "Bà Tý làm nghề thuốc không hề nhằm mục đích kinh doanh, kiếm tiền. Bà đã chữa khỏi cho hàng ngàn người bệnh ở khắp nơi mà chưa hề xảy ra bất kỳ một sai sót đáng tiếc nào".

Ông Đông cho biết thêm, ngay cả con trai ông bị ngã gãy tay, bản thân ông chơi thể thao bị sái khớp cũng đều nhờ bà Tý bó là chữa khỏi mà không hề phải đi bệnh viện. Tại địa phương bà là một Đảng viên gương mẫu luôn được chi bộ bầu là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (SN 1972) ở nhà số 7, tổ 23 phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình cho biết: Do tai nạn lao động, anh bị thoái hóa 3 đốt sống N1, N3, N5 và xẹp đĩa đệm đã 9 năm nay. Anh đã điều trị bằng rất nhiều cách với nhiều loại thuốc Đông, Tây y tại hầu hết các bệnh viện từ địa phương đến trung ương nhưng không khỏi.

9 năm lưng anh bị còng như bà lão 80, mất sức lao động, rất bi quan và tuyệt vọng. Nhưng chỉ qua bà lang Tý nắn xương và đắp thuốc được 3 hôm hiện 10 phần đã đỡ 7, có thể đi lại, chạy nhảy dễ dàng. Tin chắc rằng mình sẽ khỏi bệnh, anh nói: "Bệnh của tôi nếu mổ theo Tây y sẽ tốn phí hàng chục triệu và khả năng ngồi xe lăn cả đời là 50%. Nhưng hiện nay tôi tin rằng sẽ khỏi mà không cần mổ".

Theo Lục Sơn