Lễ nhạc lẫn trong trò "đồng cốt"
Thứ hai, 21/7/2008, 07:00 GMT+7
Khi đã được các thần linh nhập vào, các thầy đồng thường thích nghi theo giới. Ví dụ, khi một thầy đồng thuộc giới này được thần linh thuộc giới kia nhập vào, thì ông ta/bà ta phải mang giới của vị thần linh đó. Trang phục, cử chỉ, cách nói năng, động tác nghi lễ và cách nhảy múa thường khác nhau với từng vị thần linh, song tất cả đều bị ảnh hưởng bởi giới của vị thần linh đó. Thứ lễ nhạc được biểu diễn cũng gợi lên giới tính của vị thần hóa thân. Trong phần này, tôi sẽ bàn về một số nét đặc thù giới nổi bật nhất của những vị thần linh được các thầy đồng theo hầu và vai trò của lễ nhạc trong việc xây dựng đặc điểm giới của các vị thần linh.



Biểu diễn lễ nhạc theo giới




Ảnh - upload.wikimedia.org


Các vị thần thuộc giới nam thường mặc áo bào và vấn khăn xếp. Họ hút thuốc, uống rượu và nhảy múa bằng gươm, giáo và gậy có gắn chuông. Các vị thần linh giới nam – đặc biệt là các vị quan thần – được miêu tả là có tính cách “nghiêm nghị" và “uy danh”. Các vị nữ thần ở đồng bằng thường mặc áo dài và vấn khăn hoa. Các vị nữ thần ở miền núi mặc những trang phục tương ứng của các phụ nữ thuộc mỗi dân tộc thiểu số. Các vị nữ thần không hút thuốc và uống rượu; các vị nữ thần miền núi thường nhai trầu. Điệu nhảy của các vị nữ thần thường dùng quạt, mồi lửa và mái chèo. Phong cách của các vị thần nữ thường “êm dịu” và “duyên dáng”. Khi các thầy đồng nam được các vị nữ thần nhập vào, họ thường nói giọng the thé. Những thần linh là hoàng tử trẻ (cậu) và thần linh trẻ em (chẳng hạn, Cô Bé) thường tuân thủ nhiều đặc điểm hành vi “nam” và “nữ”, nhưng cũng cư xử như trẻ con. Những thần “cậu”, chẳng hạn, thường hút thuốc, uống rượu và nhảy múa bằng cây gậy gắn chuông, nhưng họ ít nghiêm túc hơn những nam thần khác và cũng rất “nghịch”. Khi được các linh hồn trẻ em nhập vào, các thầy đồng thường nói bằng giọng trẻ con và đôi khi nói ngọng nghịu giống như trẻ con.

Một khía cạnh quan trọng của sự thích nghi giới là ở chỗ các thầy đồng phải thể hiện thật đẹp các động tác của nam thần và nữ thần. Trong quá trình lên đồng, và đặc biệt là trong trường hợp nhập thần chuyển giới, các con nhang đệ tử thường xuýt xoa khen ngợi vẻ đẹp của thầy đồng khi mặc những trang phục lộng lẫy của các vị thần và khi nhảy múa. “Làm thánh đẹp” không hẳn là một công việc nhỏ nhặt không bắt buộc; nó được coi là một yếu tố trung tâm để một thầy đồng được coi là giỏi và được kính trọng.

Những tài liệu lễ nhạc dân tộc học về giới mới đây đã làm sáng tỏ sức mạnh của hoạt động biểu diễn lễ nhạc trong việc ảnh hưởng đến các cá nhân thông qua sự trải nghiệm cuộc sống đối với sự kiện này và định hình nên những ý tưởng văn hóa về giống đực và giống cái. Trong quan hệ với hoạt động lên đồng, việc biểu diễn lễ nhạc giúp xác định các đặc điểm vị trí về giới trong quá trình nhập thần và các đặc điểm giới của các vị thần linh. Điều này đạt được theo hai cách chính: thông qua việc sử dụng những ca từ riêng biệt cho mỗi vị thần, trong khi đưa vào những miêu tả về đặc điểm giới của các vị thần, và sự phân chia các “giá đồng” theo giới.

Ca từ của các bài hát chầu văn kể về những truyền thuyết, hành động vĩ đại và quyền năng huyền diệu của các vị thần linh. Chúng ca ngợi tài năng, đức hạnh và sự độ lượng của họ. Chúng miêu tả vẻ đẹp, đặc tính, diện mạo và những cử chỉ của họ. Mặc dù những ca từ dành cho cả các nam thần và nữ thần thường sử dụng ngôn ngữ phong phú và sùng kính xen lẫn với kho từ vựng Hán - Việt, song đặc điểm và hành động của các vị thần lại mang đặc điểm giới cao độ. Nhiều phần ca từ dành cho các vị nam thần thường ca tụng những đặc điểm giống đực khuôn mẫu, đó là sức mạnh và lòng dũng cảm trong chiến đấu, và trong một số trường hợp, những khía cạnh uyên bác và nghệ thuật như họa và thơ, là những nét gắn với truyền thống “nam tính” trong lịch sử khoa cử.

Trái ngược rõ ràng với những ca từ dành cho các vị nam thần, ca từ dành cho các vị nữ thần thường miêu tả những đặc điểm “nữ tính” điển hình, như sự duyên dáng và vẻ đẹp thể hình. Những miêu tả về các vị nữ thần có phần nào gợi nhớ đến lời giáo huấn Nho giáo về “tứ đức”. Theo giáo huấn này, phụ nữ được coi là có “tiết hạnh” nếu như họ đạt được một chuẩn mức lý tưởng trong bốn đức tính: công, dung, ngôn, hạnh.

Các vị nữ thần cũng được gắn với thiên nhiên và môi trường nhiều hơn so với các vị nam thần, qua đó càng khẳng định sự lưỡng phân giữa nam giới và phụ nữ, giữa văn hóa và bản chất tự nhiên. Điều này được gắn chủ yếu cho các vị nữ thần miền núi như Châu Đệ Nhị và Cô Bé, những thần linh được phác họa trong tư thế đi tản bộ trong các dãy núi và khu rừng, nhưng các vị nữ thần đồng bằng cũng thường được gắn mạnh mẽ với thế giới tự nhiên. Chẳng hạn, Cô Bơ được biết đến nhiều nhất với điệu “múa chèo”, và những bài hát dành cho vị nữ thần này thường miêu tả hình ảnh đẹp đẽ khi vị thần này chèo thuyền xuôi dòng sông.






Ảnh - sgtt.com.vn


So sánh lời các bài hát sau đây dành cho Quan lớn Tuần Tranh, Ông Hoàng Mười và Cô Ba (Cô Bơ) giúp nêu bật những nét khác biệt được nêu ở trên.


Quan lớn Tuần Tranh
Đọc:
Chính quán quê nhà Ninh Giang,
Danh lam thắng tích một toà ngôi cao.
Lẫm liệt tung hoành uy gia,
Trừ tà sát quỷ nổi danh tướng tài.
Cảnh Thiên thai Quan Tuần ngự giá,
Bộ tiên nàng thứ tự dâng huê.
Chầu thôi lại trở ra về,
Truyền quân dâng nước Thuỷ tề mênh mông.
Cảnh am thanh nhiều bề lịch sự,
Vốn đặt bầy tự cổ vu lai.
Có phen xuất nhập trang đài,
Đào lan quế huệ xum vầy xướng ca.
Phú:
Nước Văn Lang vào đời Thục Phán,
Giặc Triệu Đà có ý xâm lăng,
Triều đình ra lệnh tiến binh,
Thuyền bè qua bên sông Trang rợp trời.
Công hộ quốc gia phong thượng đẳng,
Tước phong hầu truy tặng Đại vương,
Bảng vàng thánh thọ vô cương
Hiếu trung tiết nghĩa đôi đường vẹn hai.
Đấng anh hùng cổ kim lừng lẫy,
Khắp xa gần đã dậy thần cơ,
Cửa sông đâu có phụng thờ,
Ninh Giang lại nổi đền thờ Tuần Tranh.
Gương anh hùng muôn đời soi tỏ,
Đất Văn Lang thiên cổ anh linh,
Bao phen đắp luỹ xây thành,
Khắc miền duyên hải, sông Tranh nức lòng.
Thơ:
Sông Tranh ơi hỡi bến sông Tranh,
Non nước còn ghi trận tung hoành,
Lẫm liệt oai hùng gương tráng sĩ,
Ngàn thu ghi nhớ dấu oai linh.
Ai về qua bến sông Tranh,
Nhớ người tráng sĩ tài danh tuyệt vời.
Dẫu rằng nước chảy hoa trôi,
Bến sông Tranh dù cạn, ơn người còn ghi.
Loa đồng hỏi nước sông Tranh,
Thanh long đao năm xưa cứu nước, anh hùng là ai?
Sông Tranh đáp tiếng trả lời,
Chỉ có thanh long đao Quan đệ ngũ, chính người trong phủ Ninh Giang
Oán:
Nhưng nào ngờ đâu khi đất trời thay đổi,
Người anh hùng cổ mang nặng xiềng gông.
Ngày hai nhăm tháng năm, Quan lớn bị bắt giam ở chốn Kỳ Cùng (1)
Quan oan vì tuyết nguyệt, bởi lòng ái ân.
Trước cung điện, triều đình xét hỏi,
Bắt long hầu chuyển khắp mọi nơi.
Quan lớn Tuần oan vì ong bướm lả lơi,
Chiết hoa, đoạt phụ tội trời không dung.
Bắt đày chốn sơn cùng, thuỷ kiệt,
Nỗi oan này thấu tỏ hỡi cao minh.
Gió lạnh sương sa vì đời bội bạc,
Sự ngay gian đảo lộn trắng đen.
Hỏi cây cỏ sao mưa dầu nắng dãi,
Lỡ hại người trong lúc phong ba.
Cỏ cây ơi có thấu tỏ lòng ta,
Sơn cùng thuỷ kiệt sương sa lạnh lùng.
Đường thiên lý quan san bỡ ngỡ,
Nợ trần hoàn quyết trả cho xong.
Tháng hai vừa tiết trung tuần,
Thử lòng ông lão, mộng trần ứng ngay.
Tỉnh giấc mộng mới hay sự lạ,
Đôi bạch xà tựa cửa hôm mai.
Trí đã quyết khỏi vòng cương toả,
Hay đâu còn mắc nợ oan khiên.
Ngài vừa hay có lệnh ban truyền,
Quan quân tầm nã khắc miền sông Tranh.
Thà thác vinh còn hơn sống nhục,
Cho sông Kỳ Cùng tắm ngọc Côn Sơn. (2)

------------------------------------


1). Kỳ Cùng là sông Kỳ Cùng nay thuộc Lạng Sơn, tại đây cũng có đền thờ Quan lớn Tuần Tranh.

2). Tư liệu do Ban quản lý Đền Tranh cung cấp.



Tác giả: Barley Norton


Thi Thi (Vietimes) dịch