Lên đồng: Mê tín hay nhu cầu "thành danh" với "thần thánh"?

Ngày cuối tuần, tôi chưa có kế hoạch gì cho mình thì nhận được điện thoại của một người bạn: “Cậu có đi xem hầu đồng không?”. Tôi từ chối bởi tôi không phải là người quan tâm nhiều đến những chuyện liên quan đến tín ngưỡng. Chưa kịp giải thích lý do, anh bạn tôi nhanh nhảu: “Cậu đi đi, hấp dẫn lắm đấy. Cậu mà đi sẽ có khối đề tài để viết bài”. Bị lôi cuốn bởi lời chào mời, tôi gật đầu đồng ý, coi như đó là một hoạt động cho ngày cuối tuần. Lên đồng, vốn là sự thăng hoa của các điệu múa dân gian, giờ đây đã nhuốm nhiều mầu sắc mê tín, dị đoan. Nhiều kẻ đã và đang trục lợi trên sự mê tín này của một số người dân chất phác... Bạn có thể tự cảm nhận được sự hài hước và sự trục lợi không cần tinh vi lắm của những kẻ lạm dụng nghi thức "Lên đồng". Thậm chí, một số người chấp nhận sự "mê tín" đó để được "nhẩy múa", được "thành danh" với thiên hạ rằng mình đã từng "nhập đồng".....

Theo tín ngưỡng dân gian, "Hầu đồng", ngoài sự thăng hoa của các điệu múa, thì nó còn là nghi lễ nhập hồn của các vị Thánh tứ phủ vào thân xác ông đồng bà cốt. Trong nghi lễ đó, hát vǎn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh. Sau khi đã múa các thánh thường ngồi nghe cung văn hát, kể sự tích lai lịch vị thánh đang giáng. Với các giá ông Hoàng thì cung văn ngâm các bài thơ cổ. Thánh biểu hiện sự hài lòng bằng động tác về gối và thưởng tiền cho cung văn. Lúc này cũng là lúc thánh dùng những thứ người hầu đồng dâng như rượu, thuốc lá, trầu nước... Các thứ thánh dùng phải làm nghi thức khai cương (khai quang) cho thanh sạch.
Hầu đồng là nghi thức có trong tục thờ Mẫu chỉ có ở Việt Nam. Tôi đã đọc cuốn “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Với tôi, nếu xét ở góc độ văn học thì đây không phải là cuốn tiểu thuyết xuất sắc. Nhưng nếu xét trên góc độ của một người ham tìm hiểu về văn hóa Việt Nam (trong đó có tục hầu đồng và hát văn) thì đây sẽ là một cuốn sách rất thú vị. Tôi cũng đã đọc nhiều cuốn sách viết về hầu đồng nhưng chưa bao giờ được tận mắt chứng kiến. Tôi luôn băn khoăn không hiểu điều gì có thể khiến cho con người ta có được những giây phút thăng hoa như thế. Đúng như lịch hẹn với anh bạn, chúng tôi khởi hành.
Trên đường đến ngôi chùa ở làng Yên Hòa, anh thao thao kể về chuyện lên đồng như để tăng thêm sự thuyết phục đối với tôi: “Cậu biết không, “cô” Cường này phải bỏ ra 60 triệu đồng để hầu giá này đấy. Khổ, căn cơ nó thế, nó mà không hầu thì thánh vật chết. Đi làm ăn ở bên Đức cả năm, về chuyến này lại phải bỏ ra cả đống tiền để hầu. Mà cũng lạ, vợ con nó không biết đâu nhé”.
Tôi chưa hết choáng váng vì số tiền mà “cô” Cường phải bỏ ra thì anh bạn tôi tiếp: “Lúc đầu mình cũng không tin, nhưng ở gần nhà mình có một cô làm ở Tòa án nhân dân, tránh mãi đấy mà không tránh được. Lúc đi làm thì ngại đồng nghiệp lời ra tiếng vào, bây giờ về nghỉ hưu rồi, năm nào cũng phải hai lần hầu thánh”.
Đang mải huyên thuyên thì xe của chúng tôi đã đến cổng chùa. Đồng hồ của tôi chỉ 2 giờ chiều. Chùa mới được xây lại nên khá khang trang và rộng rãi. Sư thầy đón chúng tối với vẻ niềm nở bởi anh bạn tôi là phật tử “ruột” của chùa. Nom sư thầy phương phi, môi đỏ chót, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Thầy thong thả bảo: “Hôm nay thằng Cường nó không hầu đâu. Bên kia “cô” Sơn đang hầu. Giá này phải đến 6 giờ chiều mới xong. Sau đấy là giá của “cô” Hà - ở nhà hát…”.
Từ gian thờ mẫu của chùa, tiếng nhạc và tiếng hát văn văng vẳng vọng ra. Không kịp để cậu bạn giải thích lý do “cô” Cường không thể hầu được, tôi xin phép sư thầy rồi kéo cậu bạn sang gian Mẫu. Phía bên trong, đã đông chật người ngồi vây quanh tấm phản. Ở chính giữa ngay dưới chân diện thờ là tấm phản nơi “cô” Sơn đang lên đồng. Trong đám khói nhang nghi ngút, cô “Sơn” “mặt hoa da phấn” (theo đúng nghĩa của từ này) đang nhảy múa trong tiếng hát văn và tiếng nhạc phát ra từ ban nhạc ngồi ngay bên trái của giá, thỉnh thoảng cô lại liếc một cái rõ dài về phía các con nhang đệ tử đang ngồi phía dưới.




Các con nhang liên tục miệng “Lạy cô, lạy cô, cô xinh quá, cô múa hay quá”. Ngay lập tức, “cô” trao lại hai chùm nến đang hừng hực cháy trên tay cho hai người hai bên và nhận từ họ một xấp tiền mệnh giá 2.000 đồng mới cứng và xòe ra. Lúc này, các con nhang ở dưới tay vỗ theo điệu nhạc, miệng liên tục “cô xinh quá, cô đẹp quá”. Lời khen lập tức có hiệu lực, xấp tiền trên tay cô được tung ra khắp nơi như mưa, các con nhang thôi không “miệng khen tay vỗ” nữa mà hú hét, tranh nhau “lộc” của “cô” vừa ban xuống. Hết một giá, “cô” ngồi xuống trước ban thờ, một chiếc khăn đỏ được trùm lên đầu “cô”, ngay sau đó “cô” về trời, chiếc khăn được gỡ ra và hai người hai bên lại thay cho cô một bộ đồ khác để vào giá mới.
Mùi nhang đặc quánh khiến cho tôi khó thở, tôi bỏ ra phía ngoài. Lúc này, những người đứng xem vẫn tiếp tục vỗ tay khi “cô” vào giá mới. Tôi hỏi chuyện một bà lão đã ngoài 70 đang đứng phía ngoài ngóng vào bên trong vì không còn chỗ, bà vừa vỗ tay, vừa nhún nhảy, vừa đáp: “36 giá cậu ạ, mỗi giá “cô” sẽ thay một bộ xiêm y mới”. Tôi liếc nhìn đống quần áo còn khá dày và tất cả còn đang mới, và phải khẳng định nhìn “thật” hơn rất nhiều so với quần áo của các diễn viên tuồng hay cải lương mà tôi đã thấy trên sân khấu.
Đoán chừng phần của “cô” Sơn sẽ còn lâu nên tôi sang gian chính của chùa uống nước cùng sư thầy. Thông qua sư thầy, tôi được biết “cô” Sơn là sư bác đang tu tại chùa. “Cô” sinh năm 1983, “hầu thánh” đã được gần 10 năm. Chi phí của mỗi cuộc là do các con nhang đệ tử chu cấp hết bởi trong số họ, nhiều người có căn nhưng đang công tác nên phải nhờ cậy “cô” hầu giúp. Còn cô “Hà” hầu ngay sau cô Sơn là diễn viên của một nhà hát ở Hà Nội. “Cô” đã tốt nghiệp Trường Sân khấu điện ảnh, nhưng “căn quả” nặng quá nên năm nào cũng hầu ở chùa này. Cô sinh năm 1978 nhưng đã có thâm niên hầu thánh tới 10 năm.
Đang ngồi trong chùa thì có một chiếc Dylan đổ xịch trước sân chùa. Người ngồi trước là một thanh niên vạm vỡ mặc chiếc áo pull cộc tay màu đen, dù trời khá lạnh. Người đàn ông phía sau ôm chặt cứng người phía trước. Xe vừa tắt máy, người thanh niên phía sau, tay xách một túi màu đỏ lớn, miệng dẻo quẹo: “Con chào thầy, thằng Sơn nó hầu lâu chưa hả thầy?”. Mấy bà nhìn thấy anh ta thì chạy tới đon đả: “Chuẩn bị đến đâu rồi, lâu lắm mới được xem “cô” hầu thánh đấy”. Anh ta nguýt một cái rõ dài rồi tiếp: “Lát các bà các cô ở đây đấy nhé, lộc đã chuẩn bị hết rồi đây”. Anh ta chìa cái túi đỏ to tướng về phía những người đàn bà kia. Lúc này sư thầy lên tiếng: “Hà mới đến hả con, vào uống nước rồi đi trang điểm không lại muộn mất. Bên kia chắc cũng gần xong rồi”.
Ngay sau đó, tiếng nhạc dừng hẳn. Những con nhang đệ tử túa ra từ phía gian thờ Mẫu. Một số người lấy xe ra về, một số người khác xuống bếp nhà chùa ăn bún để tiếp tục ca 2. Lúc này, cô “Sơn” đã đi vào phòng tẩy trang sau hơn 4 giờ nhảy múa liên tục. Tôi tò mò muốn tận mục khuôn mặt thật sau lớp son phấn của “cô”.
Cửa phòng mở ra, tôi sững người vì không ngờ một người đàn ông lại có thể đẹp đến như thế. Trước mặt tôi là một khuôn mặt nhỏ, làn da trắng mà bất kì cô gái nào cũng phải mơ ước, đôi môi đỏ mọng và điều đặc biệt trên khuôn mặt ấy là đôi mắt đen ướt và sâu thăm thẳm. Tôi luôn bị cuốn hút bởi những cô gái có đôi mắt đẹp và ướt bởi vì nó rất sâu, rất xa và nó buộc người ta phải khám phá. Trước mặt tôi đây, vẻ đẹp mong manh đang hiện hữu khiến tôi như chết lặng. Và khoảnh khắc ấy đến thật nhanh, cũng qua thật nhanh. Tôi giật mình và chắp tay, miệng lẩm bẩm một câu nói phát ra từ trong vô thức: “Sư bác hầu hay quá”. Anh cúi đầu cảm ơn và nhanh chóng đi về phía gian bếp của nhà chùa để tiếp tục công việc.
Phía gian Mẫu, không gian lại tiếp tục nóng lên khi hầu hết các con nhang đệ tử đã lại tề tịu quanh tấm phản gỗ trước điện thờ Mẫu. Lần này, tôi thấy phía bên dưới có khá nhiều gương mặt quen thuộc: Một nam ca sĩ, một nam diễn viên trẻ, một nhà thiết kế (bạn tôi cho biết, anh là nhà thiết kế trang phục chính cho một show ca nhạc lớn trên truyền hình). Tất cả đều là khách mời của “cô” Hà. Cuộc hầu của “cô” Hà cũng diễn ra theo trình tự giống như cuộc trước. Có điều lần này, tôi chú ý nhiều hơn tới những lời hát văn đầy ý nghĩa.
Tôi không nhớ rõ nhưng những câu như “cầu cho mưa thuận gió hòa” hay “cầu cho non nước thanh bình” hoặc “cầu cho quốc thái dân an” được lặp lại rất nhiều lần. Bà lão đứng phía ngoài của cuộc trước, giờ đã có được một chỗ ngồi ở phía trong ngay kề sát tôi thì lầm bẩm: “Cô” nhảy đẹp quá, chưa thấy “cô” nào nhảy đẹp như cô này. Thỉnh thoảng bà lại hét lên: “Lạy cô, lạy cô, cô xinh quá, cô đẹp quá, cô nhảy hay quá”. Người phụ nữ đứng cạnh giá hầu, cứ sau mỗi giá lại cầm xấp tiền và lần lượt đi phát cho tất cả những người đứng xem.

Sau mỗi lần chầu, khi thì một mâm bia có ngọn, khi thì mâm trái cây, lúc lại là mì tôm được người phụ nữ ấy bê ra chia lộc cho từng con nhang. Hình như trong lúc thánh nhập, “cô” vẫn nhận ra người quen của mình. Những nhân vật khách mời quen mặt lần lượt được cô chỉ mặt, vẫy lên tấm phản và ban lộc. Tôi chợt nảy ra một ý nghĩ “phạm húy”: Nếu là thánh, lẽ ra ngài nên công bằng hơn bởi người phụ nữ ngồi gần tôi đã khản cổ họng, bà ngồi xem với một niềm tin tuyệt đối, nhưng cả buổi chẳng thấy ngài đoái hoài đến.



Hai giá đồng đã hết. Nhạc đã tắt nhưng sau tôi vẫn thấy ngẩn ngơ tiếc một điều gì đó. Tôi biết rằng, tục hầu đồng đã có từ ngày xưa nhưng người ta không có nhiều tiền để làm những cuộc hầu hoành tráng như bây giờ. Cả hai buổi tôi xem, nhiều tiền đã được vung ra, nhiều bia, hoa quả, bánh kẹo, thuốc lá và nhiều đồ đắt tiền khác được phát cho các con nhang đệ tử (kể cả những người xem như tôi). Có lẽ, khi người ta giàu có lên, “phú quý sinh lễ nghĩa”, nhu cầu tâm linh của con người ta cũng nhiều lên chăng? Và tôi cũng băn khoăn không biết rằng, những bản chầu văn mà họ hát có còn là thứ chầu văn cổ nữa không khí đôi lúc, lỗ tai tôi vẫn bùng nhùng bởi khi những “nghệ nhân” ấy hát sai chính tả từ “n” sang “l” và không chỉ một lần.
60 triệu để được hầu một giá đồng. Một cái giá quá đắt khiến tôi không khỏi giật mình. Ở quê tôi, người ta có cố gắng nỗ lực cả năm cũng không kiếm nổi 1/3 số tiền ấy, vậy họ sẽ làm gì khi nặng “căn quả” như người ta vẫn nói? Thực sự tôi không hiểu được lý do. Tôi thì có cách nghĩ riêng của mình: Hình như những người ấy (những người hầu đồng) là những người có tâm hồn quá mức nhạy cảm. Ngày thường, họ không được là mình, không thể là chính mình, nhất là những người trí thức có địa vị trong xã hội. Những bức xúc ấy được tích tụ, dồn nén và họ không có cách gì xả ra được. Nhưng có một khoảnh khắc, để họ có thể là chính mình, đó là khoảnh khắc họ được thăng hoa dưới tiếng đàn đáy, dưới điệu hát văn say lòng. Lúc ấy, họ vứt hết đi giai tầng, địa vị, vứt hết đi giới tính, vứt đi những ẩn ức để được lên tiên, để có được cảm giác tất cả thiên hạ quỳ dưới chân mình và đợi chờ ban lộc. Nếu thế, trong cuộc đời này, ai mà chẳng ít nhiều có căn?
Mẹ tôi vẫn hay thường bảo: “Mày đừng có mà báng bổ thần thánh”. Tôi giật mình nghĩ về lời mẹ khi ý nghĩ về hầu đồng vừa kết thúc. Bà lão lúc nãy không được “lộc” của cô lúc này vẫn đứng trước mặt “cô” Hà và khen: “Lúc nãy thánh nhập vào “cô” nhảy hay quá, “cô” đẹp quá “cô” ạ !” . “Cô” nguýt bà lão một cái rõ dài: “Thánh chỉ nhập có một lúc thôi, còn lại là thăng hoa, thăng hoa”. Rồi cô lên xe, lại ôm chặt cứng người đàn ông vạm vỡ mặc áo pull đen. Chỉ còn bà lão đứng ngẩn ngơ trong làn khói xe đang tan dần cùng tiếng cười ha hả của “cô” giữa sân chùa.
Lưu Thủy (Vietimes)