Bài thuốc gia truyền của huyền thoại sống Ama Kông ở Bản Đôn (huyện Buôn Đôn, Đăk Lăk) đã nổi tiếng từ bao năm nay, thuốc còn có tác dụng tráng dương bổ thận. Vì vậy đã có những kẻ toan tính lợi dụng cướp không thương hiệu “Thuốc Ama Kông” nhằm trục lợi...
Thương hiệu “Thuốc Ama Kông” bị “đánh cắp”?

Ngày 25/7, "Vua săn voi" Ama Kông (Y Prông Ê Ban ở Bản Đôn, Đăk Lăk) đã uỷ quyền cho con trai cả Khăm Phết Lào (Ama Su May) chính thức nộp đơn khởi kiện bác sĩ Hồ Việt Sang lên TAND TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk).

Lý do khởi kiện, theo Khăm Phết Lào: Ông Sang đã lập trang web “amakong.com.vn”, mạo nhận thừa kế bài thuốc gia truyền tráng dương, bổ thận nổi tiếng của Ama Kông. Mặc dù ông Sang chỉ biết 2 trong 5 vị của bài thuốc, chưa hiểu đầy đủ cách bào chế, nhưng vẫn ghi lên đầu trang web là “Thuốc Ama Kông Bản Đôn - Đăk Lăk” để lừa dối khách hàng, thu hút khách mua thuốc về tại địa chỉ nhà riêng của ông ở 101 Quốc lộ 14, Đạt Lý (TP Buôn Ma Thuột) để bán thuốc thu lợi nhuận.



Huyền thoại sống Ama Kông: "Nó tự làm thôi, Mình không cho đâu" Ảnh: Gia Bảo.
Hành vi gian dối này đã làm giảm uy tín bài thuốc của Ama Kông và gây thiệt hại về kinh tế và tinh thần cho Ama Kông và con cháu (vì lượng khách mua thuốc giảm hẳn). Mặt khác, ông Sang đã đưa một số nội dung của bài thuốc Ama Kông, đưa hình ảnh của Ama Kông lên trang Web mà không hề xin phép ông và người được uỷ quyền thừa kế bài thuốc là Khăm Phết Lào.

Vì lẽ đó, gia đình Ama Kông khởi kiện nhằm buộc ông Sang dỡ bỏ những nội dung liên quan đến bài thuốc của Ama Kông, dỡ bỏ tên, địa chỉ, hình ảnh cụ Ama Kông trên trang web. Đồng thời yêu cầu xin lỗi Ama Kông và bồi thường thiệt hại về kinh tế và tinh thần cho gia đình Ama Kông.

Khăm Phết Lào bức xúc cho biết: "Vậy là ông BS Sang này định cướp không thương hiệu “Thuốc Ama Kông” của cha tôi và của anh em chúng tôi đây... Ai cho ông ta lấy tên tuổi của cha tôi ra để kinh doanh làm giàu? Ai cho phép ông ta đưa hình ảnh cha tôi lên trang web này? Ai cho phép ông ta thừa kế bài thuốc của cha tôi? Việc này gia đình tôi quyết phải làm rõ trắng, đen..."

Chúng tôi cùng Khăm Phết Lào vào Bản Đôn gặp già Ama Kông. Năm nay cụ đã 97 tuổi, nhưng da dẻ vẫn đậm đà như đồng hun tuy đi lại đã bắt đầu khó khăn. Khăm Phết Lào đưa ra tờ giấy có in trang web và hỏi: “Cha có cho phép ông BS Sang lấy tên tuổi, hình ảnh của cha đưa lên trang web này để ông ta quảng cáo và bán thuốc Ama Kông hay không?”. Cụ Ama Kông dụi dụi mắt, nhìn vào trang giấy một hồi rồi nói: “Nó tự làm thôi. Mình không cho đâu!”.

Khăm Phết Lào lại đưa tờ giấy cho dì Hồng Khăm (vợ thứ 4 của Ama Kông) xem rồi hỏi: “Dì có cho phép không?”. Bà Hồng Khăm lắc đầu: “Mình không có quyền cho người ta. Có quyền mình cũng không cho đâu...”.

Khăm Phết Lào khẳng định: “Như thế là đã rõ. Ông BS này đã rắp tâm cướp bài thuốc gia truyền của bố tôi vào năm 2005 bằng cách lừa bố tôi, hứa cho tiền, cho xe để ông bố tôi ký vào văn bản mà ông ta đã đánh máy sẵn có nội dung: “Nay tôi đã già rồi theo lời kêu gọi của Đảng và nhà nước, được ông Bác sĩ Hồ Việt Sang trực tiếp động viên giúp đỡ, bây giờ tôi truyền lại hết bài thuốc của gia đình tôi cho ông bác sĩ Hồ Việt Sang... Bác sĩ Sang là người duy nhất nắm đầy đủ các vị thuốc trong bài thuốc này của tôi, và từ này tôi không truyền lại bài thuốc này cho bất cứ ai khác”...

Khăm Phết Lào kể tiếp, dạo đó, anh chị em chúng tôi biết chuyện đã lên thẳng Hội Đông y tố cáo thủ đoạn của ông BS Sang. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo hội, gồm Chủ tịch Nguyễn Đức Phồi và các lương y Đặng Hanh, Vũ Văn Hải, Võ Thuận Hoá và 9 người con của Ama Kông, ông BS Sang đã phải viết giấy: “Tôi đồng ý từ nay không sử dụng giấy tờ liên quan đến bài thuốc Ama Kông và bài thuốc Ama Kông có tác dụng chữa đau lưng, nhức mỏi, bổ thận, tráng dương” (giấy viết tay đề ngày 12/5/2006).

Chuyện tưởng đã khép lại gọn gàng, không ngờ đã cam kết như vậy rồi nhưng ông Sang vẫn âm thầm tìm cách lợi dụng thương hiệu thuốc Ama Kông để kinh doanh. Việc ông Sang tiếp tục làm trang web quảng bá thuốc Ama Kông, nhưng lại ghi “Địa chỉ liên hệ 101, Quốc lộ 14 - Đạt Lý - TP Buôn Ma Thuột” đã một lần nữa làm huyền thoại Ama Kông và người nhà của ông phẫn nộ.


“Vua săn voi” bị lừa như thế nào?

Ngày 6/1/2005, BS Sang đã bịa ra công văn số 05 TT/Hội, tự cho mình quyền thay mặt Hội Đông y tỉnh Đăk Lăk, phong cho mình là "Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu bài thuốc của Ama Kông”, trong khi Chủ tịch Hội Đông y, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hội Đông y Đăk Lăk là Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Phồi cho hay “không hề biết gì về công văn này”.



Trang web quảng cáo thuốc Ama Kông do ông Hồ Viết Sang lập, không xin phép bất cứ ai có liên quan đến bài thuốc.
Trong một văn bản khác, đề ngày 27/7/2006, ông Sang cho rằng: “Là Phó chủ tịch thường trực phụ trách chuyên môn, thừa kế, đào tạo, tôi được quyền cho phát văn bản...”. Như vậy là không cần thông qua Chủ tịch Hội, không cần Chủ tịch đồng ý và uỷ quyền, Phó chủ tịch được quyền qua mặt Chủ tịch (!)

Hẳn vì tự thấy mình có quyền qua mặt Chủ tịch và Ban thường trực Hội và Hội, nên sau khi ông Y Luyện, Bí thư Tỉnh uỷ Đăk Lăk có bút phê bên lề công văn 05 TT/Hội: “Tôi đồng ý quan điểm giúp cho Hội Đông y tổ chức làm và vận động thừa kế bài thuốc này”, thì ông Sang cũng không cần báo cáo Chủ tịch và ban thường trực Hội mà tự mình đi vận động Ama Kông chuyển quyền thừa kế bài thuốc cho riêng mình và quảng bá sai sự thật về kết quả nghiên cứu bài thuốc tráng dương bổ thận của Ama Kông...

Qua tìm hiểu, PV được biết, bài thuốc tráng dương bổ thận của Ama Kông tuỳ theo cơ địa của từng người mà có thể có tác dụng nhiều hay ít. Lâu nay, việc sử dụng bài thuốc này là dựa theo kinh nghiệm thực tế chứ chưa hề được một cơ quan khoa học nào phân tích, kiểm nghiệm tính chất hoá học và dược lý.

Thế nhưng, ông Sang đã vội cung cấp cho phóng viên của một tờ báo để loan tin rằng: “Khảo nghiệm bước đầu từ ba cơ quan nghiên cứu y học hàng đầu của nước ta cho thấy, Kok choong (tên một vị thuốc của Ama Kông) có chứa hàm lượng lớn chất P. Đây là hoạt chất giúp tạo ra nội tiết tố sinh dục nam testosteron, giúp cơ thể giữ được sự tươi trẻ, dẻo dai, chống được nhiều căn bệnh nguy hiểm, cải thiện rõ rệt chứng bệnh khó nói của nam giới”.

Không rõ ba cơ quan y học hàng đầu ở nước ta đã “khảo nghiệm bước đầu” về cây thuốc của Ama Kông mà ông Sang nêu ra là cơ quan nào? Những công bố trên đây của ông được thể hiện trong văn bản nào của ba cơ quan y học nói trên? Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Đức Phồi - Chủ tịch Hội Đông y Đăk Lăk, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học của Hội khẳng định: "Đó là sự nói láo!".

Chưa hết, ông Sang còn tưởng tượng ra một viễn cảnh như mơ đối với bài thuốc của Ama Kông, rằng: "Sẽ phát triển phương thuốc của Ama Kông thành một thương hiệu đặc sắc, danh tiếng vươn ra ngoài biên giới” và “một nhà máy chiết xuất tinh chất chế biến thuốc Ama Kông dưới dạng viên nén như Viagra sẽ được xây dựng. Một trang web có tên miền amakong.com.vn đang được gấp rút hình thành để giới thiệu với độc giả gần xa bài thuốc bảo vệ hạnh phúc gia đình độc đáo”.

Trong tay 2 lá đơn của Ama Kông và con cháu gửi các cơ quan chức năng có những đoạn ghi rõ: “Đến nay gia đình các con cháu dòng họ Ama Kông cãi nhau, chửi nhau, hiểu lầm nhau vì ông bác sĩ Sang”, “ông Sang không phải là người của Hội Đông y cử đi nghiên cứu bài thuốc gia truyền của bố tôi, ông chỉ lợi dụng gia đình và bố tôi già, để làm giấy tờ thừa kế bài thuốc gia truyền của gia đình tôi. Vậy yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý các hành vi lừa đảo trên của BS Sang đối với gia đình Ama Kông”.

Gia Bảo

http://vietnamnet.vn/xahoi/2008/07/795914/