Nhà văn đại văn hào V.HUGO đã có dịp tả một đám trẻ nhỏ đánh đập rồi làm đủ tình đủ tội con cóc, trong một tác phẩm mà rất nhiều người đã đọc.
Ở Việt Nam, nhiều trẻ em rất hay tinh nghịch và thích hành hạ những con vật ích lợi và chẳng thể hại ai bao giờ, nhưng chỉ vì trời sinh ra với một hình thù xấu xí, con cóc là một trong số ấy, thiếu nhi Âu-Á có lẽ gặp nhau chỗ ấy, và câu của nhà văn V.HUGO nói cũng chẳng ngoa:"Tuổi ấy nào có lòng thương". Nhưng ở Việt Nam, người lớn muốn cấm đoán trẻ em đừng nghịch ác, thường dùng lời nói dọa chúng, thế nên đã đặt chuyện:
"Con cóc là cậu ông trời"
"Hễ ai đánh nó là trời đánh cho"
Vua Lê Thánh Tôn cũng đã vịnh con cóc trong một bài thơ tuyệt tác chắc nhiều người đã đọc qua:
"Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi"
"Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi"
"Chép miệng năm ba con kiến gió"
"Nghiến răng chuyển động bốn phương trời"
Nhưng không mấy ai biết tại sao ta không tặng cái tên cậu ông Trời cho một loài khác, mà loài cóc xù xì xấu xí thế kia, lại được cái vinh hạnh này? Sự tích chuyện ấy đã được truyền khẩu từ xưa đến nay ai cũng biết .
Nhưng lấy khoa học mà nói, thì việc mưa và nghiến răng (không phải nghiến răng mà là tiếng kêu của cóc) thuộc về loài ếch nhái. Vốn trứng cóc cần phải đẻ ở nước, để nòng nọc con mới sống được cho đến lúc rụng đuôi, nên cóc phải đợi đến mùa mưa mới đẻ. Vì nó có đặc tính ấy nên tạo hóa mới cho nó cái bộ da dể cảm với hơi nước ở không trung, chẳng khác gì cái máy âm tính biểu (baromètre). Mỗi khi trời chứa nhiều khí ẩm, cóc biết là sắp mưa, bèn kêu to để gọi tri kỷ là cóc cái, đến cùng nhau tính cuộc trăm năm cho kịp lúc trời mưa mà đẻ trứng.

Tác giả Nguyễn Công Huân